Bột mì khuấy chấm nước mắm dằm cá rô đồng mới là ‘ngon nhức xương’
Nếu phải xếp hạng cho các món ăn ngon nhất ở vùng xứ Nẫu Bình Định thì đó là món bột mì khuấy chấm nước mắm dằm cá rô đồng ngon nhức nhối.
Dích từng miếng bột nhỏ vừa miệng còn nóng hổi, chấm nhón miếng nước mắm đã dằm cá rô rồi đưa ngay vào miệng để thưởng thức
Không phải món bún chả cá Quy Nhơn trứ danh hay món nem chợ Huyện nhiều người biết đến, hoặc món bánh xèo tôm nhảy được nhiều người thèm thuồng, món bột mì khuấy chấm nước mắm dằm cá rô đồng mới chính là món ăn ngon nhất ở vùng xứ Nẫu Bình Định.
Mà, cái món này muốn ăn “ngon nhức xương” thì phải ăn vào thời điểm mùa mưa bão, mùa lụt ở miền Trung, nước ngập vô tới chân giường, ngồi trên phản dích từng cục bột chấm với chén nước mắm cay xè, ăn no cành hông mới chịu đứng dậy.
Thời đó, quê tôi người ta hay bán loại bột mì nhứt còn tươi. Nhà nào có nhu cầu ăn nhiều thì mua chừng mươi ngàn là đủ. Bột mì nhứt còn tươi rất dễ bảo quản, để lâu.
Chỉ cần để bột vào cái thau và cho nước vào đó ngâm thì có thể để được cả tháng. Hễ khi nào muốn ăn, tùy vào lượng mà cắt từng khoanh bột.
Bột được cắt ra cho vào thau sạch, pha nước vừa đủ. Khâu pha loãng nước này cũng vô cùng quan trọng, sao cho lượng bột lượng nước vừa đủ để sau này khi chế biến bột không quá lỏng cũng không quá đặc.
Sau khi bột được hòa tan vào nước thì khéo léo lắng nước lọc cát chừng hai đến ba lần.
Tiếp theo, chảo lửa phải sẵn sàng và cho vào đó chút dầu để khỏi dính đáy. Nếu muốn dậy mùi thì bỏ vào đó tí hành tím xắt lát mỏng. Khi dầu vừa sôi, đổ bột vào, để lửa liu riu và khuấy đều tay.
Bột chín tới đâu thì trong veo tới đó
Có lẽ, cái tên bột mì khuấy (hay từ địa phương là bột mì phấy) cũng được xuất phát từ động tác này.
Video đang HOT
Người chế biến phải khéo léo và nhanh tay khuấy bột để chỗ nào cũng được chín đều. Bột chín tới đâu thì trong veo tới đó, nhìn từa tựa như hồ dán thủ công của học sinh.
Món này, muốn ăn ngon mà phải “vỗ tay vào đùi cái đét” thì bí quyết không đâu xa lạ là ở chỗ nước chấm.
Lột sẵn vài tép tỏi, ra vườn nhà hái vài trái ớt bay, bỏ vào tí đường rồi giã hỗn hợp cho nhuyễn dẻo. Sau đó chế một lượng nước mắm vừa phải vào hỗn hợp tỏi ớt này.
Hồi đó, má tôi được cho là người làm nước chấm ngon nhất vì má làm sao nước mắm vừa đủ sền sền mà không quá lỏng hoặc không quá đặc kẹo.
Tiết trời tháng 11, 12 ở quê miền Trung thường mưa âm u lạnh lẽo. Vì là mùa mưa lụt nên có thể giăng lưới bắt cá rô đồng.
Ra đồng giở lưới, kiếm vài con cá rô đồng nhỏ bằng 2, 3 ngón tay về chà rửa sạch nhớt, để nguyên vảy, nguyên con.
Chẻ vài thanh tre làm cây xiên que xiên qua họng cá và cho lên bếp than củi hồng. Trở đều mình cá cho dậy mùi. Cá vừa chín tới thì dằm vào chén nước mắm. Nếu muốn biến tấu một chút thì thêm vào miếng bánh tráng vậy là có bữa ăn thịnh soạn.
Lấy đũa dích từng miếng bột nhỏ vừa miệng còn nóng hổi, chấm nhón miếng nước mắm đã dằm cá rô rồi đưa ngay vào miệng để thưởng thức.
Nếu không thích “ăn chay” như vậy thì bỏ bột vào giữa 2 miếng bánh tráng kẹp lại rồi chấm vào nước mắm. Cứ ăn như thế đến khi cái chảo bột hết hồi nào hổng hay. Vừa ăn vừa hít hà vừa tận hưởng cái cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi.
Làm sao nước mắm vừa đủ sền sền mà không quá lỏng hoặc không quá đặc kẹo
Cái món bình dân đó chắc chỉ có những người lớn tuổi hoặc những người thế hệ 7X, 8X trở về trước mới biết được. Không cao sang nhưng thơm ngon đến tận miếng cuối cùng.
Tuy nhiên, món ăn này hạn chế cho người già và trẻ con vì ăn quá nhiều dễ bị phát ách, khó tiêu. Người bị tiểu đường cũng phải hạn chế vì không được ăn quá nhiều tinh bột một lúc.
Giờ, ở Sài Gòn, đốt tám đuốc cũng không thể nào tìm ra được món đó.
Muốn thử chỉ có một cách là về miền Trung, ghé xứ Nẫu Bình Định và phải “đặt hàng” người quen vì bây giờ món này cũng rất khó tìm.
Món ngon của tôi là nó, món bột mì khuấy chấm nước mắm dằm cá rô đồng, thơm ngon nhức nhối một thời.
Huyề Nga
Tốn cơm với món cá rô đồng nấu canh lá khổ qua rừng
Lâu lắm, tôi mới được ăn cá rô đồng. Nắng nóng mà ăn món cá rô đồng nấu canh lá khổ qua rừng mới đáng đồng tiền bát gạo chớ!
Cá rô đồng loại 5 đến 6 con/kg có thể dặn trước những người phụ nữ bán đồ đồng có gì bán nấy ở các chợ tại TP.HCM - Ảnh: THU NGUYỄN
Nhưng cái ngon lần này nó ùa đến bằng cảm giác trước khi khẩu vị nhận thức kịp, vì nó lùa ta về một miền quá khứ xinh đẹp.
Nhà ngoại tôi sát mé sông Cái TP Nha Trang, thời tôi sống Nha Trang mới "lên chức" thị xã.
Phía trên cách cầu sắt xe lửa một đôi đường là một bến sông nhỏ, nơi đậu mấy chiếc ghe của những cư dân ở rải rác quanh đó, trong đó có ghe của ngoại. Chiếc ghe mà mỗi lần tu sửa lớn, cậu Mười Chừng phải mượn ghe chèo lên nguồn để chặt tre bè về.
Sông Cái mùa nước lũ, nước sông tràn lên tận bờ và chảy rất xiết. Bên kia sông, nước tràn vào các cánh đồng. Đó là lúc, chúng tôi, tôi và đứa em con dì Bảy Mùng, khiêng ghe ngược đường thật xa, từ đó thả ghe xuôi xeo xéo theo dòng nước cuồn cuộn, qua sông ngay cái đập mùa nắng giữ nước cho ruộng.
Đầu hôm bắt đầu vào ruộng thả lưới. Thường đến nửa đêm bắt được một mớ cá chốt. Gần sáng những mẻ lưới chót, bao giờ cũng bắt được mớ cá rô. Cậu em giải thích là cá rô đi hừng đông.
Cái ngon của món cá rô đồng nấu canh lá khổ qua rừng bị cảm giác xâm lấn khẩu vị là như thế. Bây giờ hai cái "dấu chỉ địa lý" "đồng" và "rừng" nghe cao cấp gì đâu!
Bạn có thể bắt gặp rất nhiều quán bún cá rô đồng ở Sài Gòn, nhưng đó là cá rô đồng "công nghiệp" mất rồi. Ngày xưa cá rô chỉ được gọi đơn giản là rô không phải mang tính ngữ "đồng" để phân biệt với rô "nhà".
Cái ngon như thế, một người trẻ lớn lên rặt thành thị khó mà bắt gặp được, vì trong anh/chị ta có khi không có chút khái niệm nào về "đồng" và "rừng".
Ông bạn trẻ đãi món canh hôm Lễ hội bánh dân gian ở Cần Thơ vừa qua thiệt thà: "Nói rô đồng chớ không rặt đồng đâu. Nhưng loại rô này được thả trong ruộng lúa, phải mua gom mới có". Bây giờ đồng đã xa mà rừng cũng đã khép. Lá khổ qua rừng cũng chỉ nhà trồng.
Lá khổ qua rừng bán ở các chợ buổi sớm - Ảnh: THU NGUYỄN
Trước khi nấu canh, ông bạn trẻ tên Epal đã nướng sơ lên, nên con cá thơm mùi rô không lẫn vào đâu được.
Cái mùi thơm ấy đã ngủ yên trong trí nhớ từ thuở còn ở quê nhà giờ thức giấc, mùa mưa lụt đi thả lờ, có khi chỉ bắt được hai ba con rô.
Đem về nướng lên rồi đâm xóc với một mớ me lép - tháng lụt me chưa tượng hột, muối hột và ớt. Thế đã có một bữa cơm ngon.
Rô đồng tôi ăn hôm đó chừng 5 đến 6 con/kg. So với rô nhà, nó là dạng "vũ nữ thân gầy".
Gọi như thế cũng đáng, vì cũng như trê, rô có mang phụ, có thể thở bằng oxy, nên nó có thể sống không nước vài tiếng đồng hồ. Có thể làm thân "vũ nữ" múa vi di chuyển từ chỗ nước này sang chỗ nước khác. Vậy nên Tây mới hơi quá đáng gọi nó là con cá leo - climbing perch.
Nhưng cá rô mà không có nước mắm hòn thứ thiệt là đã gần như mất ngon một nửa. Epal rút kinh nghiệm lần trước ở nhà một người bạn, khi chấm thịt ba rọi, tôi đã cự nự vì nước mắm giả, ngọt cái ngọt không có hậu, thơm cái thơm son phấn, màu cái màu không thật. Nên lần này là nước mắm hòn dầm trái ớt xiêm.
Vẻ miếng cá chấm mắm và cùng miếng cơm của Cần Thơ gạo trắng (nước đã rất bớt trong) là khẩu vị đã bắt đầu nhận thức được cái ngon đậm đà, dân dã. Ngon nên thứ này bắt cơm dữ lắm.
Mà bây giờ "cơm dữ lắm" lại sai dưỡng thuật, nên chịu khó mua thực nhiều lá khổ qua - thứ dưa khổ vừa giải nhiệt, vừa chống béo phì này - coi vậy mà được việc.
Cá rô dầu cho có làm món nổ muối hột, vẫn phải chấm mắm, vẫn ngon nức nở. Muối hột thì cứ dùng thứ muối hột trắng trắng vàng vàng ông cha ta ăn bao đời nay, để khói của muối với mùi đất, mùi rêu thơm thơm đượm vào con cá. Đừng sính mốt mà xài thứ muối mỏ như muối Himalaya - với ý nghĩ thứ đó tinh khiết - là hỏng mấy con cá rô đồng.
Ngữ Yên
Bông súng mắm kho Bông súng mắm kho - Đặc sản Đồng Tháp dân dã, một sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này. Món ăn tuy đơn sơ, bình dị nhưng nó hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội để làm nên một món ăn mà khi một ai đến vùng Đồng Tháp Mười được nếm thử nó...