“Bột bí ẩn” phù phép tẩy trắng thực phẩm
Theo PGS.TS.Phan Thị Sửu – Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm, hiện có nhiều loại phụ gia thực phẩm có thể gây tử vong.
Sau khi đăng bài viết phản ánh việc sử dụng “bột bí ẩn” để “phù phép” tẩy trắng một số thực phẩm (trong đó có hoa chuối, ngó sen), nhiều độc giả đã gọi điện, gửi thư tỏ ra bức xúc trước việc xem thường sức khỏe của một số người bán hàng. Trao đổi với PV, PGS.TS.Phan Thị Sửu – Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm (Hội KHKT an toàn thực phẩm Việt Nam) cho rằng, tự người tiêu dùng phải thay đổi cách ăn uống.
Bà Sửu nêu quan điểm, chất tẩy đường được dùng trong công nghiệp thực phẩm nhưng với số lượng rất nhỏ. Sau khi thực phẩm được làm trắng bằng hóa chất này, phải ngâm, rửa thật kỹ cho hết tàn dư hóa chất. Vấn đề là phía người sản xuất có đảm bảo đúng liều lượng mà dùng một lượng hóa chất vừa đủ không, hay vì lợi nhuận mà tăng liều lượng, biến thực phẩm ôi thiu thành tươi?
“Tôi cho rằng, chính phía người tiêu dùng phải thay đổi quan niệm ăn uống, mua thực phẩm của mình. Chỉ mua những thực phẩm giữ nguyên màu là tốt nhất. Không đổ xô tìm mua những đồ ăn có màu sắc bắt mắt, tránh những sản phẩm màu quá trắng. Hiện nay, nhiều loại bún, bánh bao bán trên thị trường trông trắng tinh nhưng đây không phải màu thật. Ngay như thịt gà cũng không mấy khi có màu vàng duộm, chỉ khi được “tắm” qua một lớp bột sắt, màu sắc mới óng ả, bắt mắt như vậy” – PGS.Phan Thị Sửu nhấn mạnh.
Hoa chuối được tẩy trắng bằng hóa chất
Cũng theo PGS.Sửu, những năm gần đây, hóa chất dùng tẩy trắng, ngâm t ẩm thực phẩm gây rất nhiều bệnh cho người sử dụng như bệnh về đường tiêu hóa, trong đó, có trường hợp bị bệnh ung thư. Những người trẻ, sức khỏe đảm bảo nên bệnh chưa phát ngay. Tuy nhiên, dùng những thực phẩm này sẽ gây ngộ độc mãn tính, âm ỉ, lâu dần thì phát bệnh. Riêng với hoa chuối, chỉ nên ngâm tẩy bằng giấm, chanh và axit chanh, nếu dùng chất tẩy đường làm trắng hoa chuối thì rất nguy hại cho sức khỏe người sử dụng.
“Nếu người tiêu dùng quay lưng với những sản phẩm đẹp mắt, tươi lâu nhờ hóa chất thì chắc chắn, phía người cung cấp cũng sẽ chẳng cần thêm giai đoạn ngâm tẩm, tẩy rửa nào nữa. Giảm bớt công đoạn tẩy rửa, ngâm tẩm, chính phía người sản xuất cũng giảm được một số công đoạn và chi phí cho sản phẩm” – bà Sửu nói.
Video đang HOT
Chỉ có hai loại phụ gia được dùng
Nói về một số loại phụ gia được phép dùng trong thực phẩm, PGS.Phan Thị Sửu cho biết, có hai loại đó là bột săm-pết và soda, nhưng chỉ được dùng với lượng rất nhỏ. Bột săm-pết này là một phụ gia có thành phần là kali nitrat (KNO3). Thịt được ướp chất này sẽ có màu tươi, đẹp mắt. Một lượng nhỏ kali nitrat vào cơ thể không gây độc hại. Tuy nhiên, khi người sản xuất tẩm ướp thịt với lượng nitrat quá mức quy định, người sử dụng ăn phải sẽ hình thành nhiều nitric và làm suy giảm khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào. Do đó có thể gây ra hiện tượng thiếu oxy, nhất là sự thiếu oxy trong não ở trẻ em.
Bà Sửu cho biết, trong trường hợp bị nhiễm độc cấp tính, có thể gây bất tỉnh, thậm chí tử vong do thiếu oxy cung cấp cho tế bào cơ thể. Hơn thế nữa, nitrit khi vào cơ thể tiếp xúc với axit amin trong thịt sẽ chuyển hóa thành nitrisamin – là một chất gây ung thư.
Hóa chất tấy trắng ngó sen có thể gây ung thư. (Ảnh minh họa)
“Bột soda khi dùng trong thực phẩm, muốn đảm bảo độ tinh chất thì giá thành khá cao. Bản thân tôi cho rằng, các nhà hàng, quán ăn vì lợi nhuận nên không dùng đúng soda tinh chất mà dùng soda công nghiệp là chủ yếu. Loại soda công nghiệp có chứa kim loại nặng như chì, khi tích lũy trong cơ thể sẽ gây ra hiện tượng hủy hoại tế bào xương, ảnh hưởng tim mạch. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình, tránh tối đa cho trẻ em hấp thụ phải những sản phẩm trên vì sức đề kháng của trẻ rất yếu” – bà Sửu phân tích.
Về thông tin ngó sen được dùng phoóc mon ngâm tẩm, PGS.TS.Phan Thị Sửu khẳng định: “Phoóc mon bị cấm hoàn toàn trong thực phẩm. Hóa chất này chỉ dùng để ướp các mẫu xác chết”.
Liên lạc với Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Hưng, nhân viên trung tâm cho biết, tháng 10/2011, trung tâm tiếp nhận 2 ca nhập viện do bị ngộ độc hoa chuối. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, nổi mề đay khắp cơ thể.
Anh Hưng cũng cho biết, để thống kê cụ thể số vụ ngộ độc cũng khó, các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau khi vào viện, sơ cứu thì về nhà chứ không làm thủ tục nhập viện, trừ trường hợp quá nặng. Theo đó, lượng đồ ăn mà một người hấp thụ vào cơ thể theo từng ngày không phải quá nhiều, các độc tố trong thực phẩm sẽ ảnh hưởng nhẹ, sơ cứu có thể hết. Lâu dần, các độc tố tích tụ trong cơ thể nhiều, gây phá hủy nội tạng, rối loạn tiêu hóa và gây bệnh đường ruột.
Theo người đưa tin
Bí quyết loại trừ ngộ độc
Nhiều năm trở lại đây, ở nông thôn hay thành thị hầu hết không còn cảnh dự trữ thực phẩm ngày Tết nên những vấn đề ngộ độc thực phẩm do ôi thiu ít xảy ra. Nhưng ngộ độc do phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật lại ngày càng được quan tâm. Để những ngày Tết thực sự vui và khỏe mạnh, hãy là những người nội trợ thông thái khi lựa chọn và bảo quản thực phẩm dùng trong gia đình.
Cảnh giác khi lựa chọn thực phẩm
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp do nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong các loại rau quả, các chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, phẩm màu không rõ nguồn gốc, sử dụng hàn the chế biến giò, chả... Các độc tố có sẵn trong một số thực phẩm có thể gây nhiễm độc như nấm độc, cá nóc, bạch tuộc, các loại thủy hải sản khác chưa được nấu chín hay sấy khô. Ngoài ra, những loại thực phẩm như thịt, thức ăn thủy hải sản gồm tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến; các loại rau quả, nguồn nước ô nhiễm có thể bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc bởi độc tố. Một điều cần quan tâm là cúm A/H5N1 từ thịt gà, các loại gia cầm khác mang mầm bệnh cũng có khả năng lây nhiễm sang người vì dịp Tết, loại thực phẩm này được sử dụng khá phổ biến.
Những ngày Tết, các loại nước ngọt, rượu, bia được sử dụng nhiều trong bữa ăn hay lúc gặp mặt bạn bè, người thân. Nước ngọt không bảo đảm an toàn vệ sinh khi có một lượng đường hóa học, chất gây sinh hơi, có khi có chất độc như kim loại nặng, hóa chất hữu cơ, chất tạo màu, tạo mùi hoặc bị nhiễm nấm, vi sinh vật. Rượu bia cũng đáng lo ngại, nhất là khi gặp loại rượu, bia giả với nhãn mác nhập ngoại, người tiêu dùng khó nhận biết về chất lượng. Một số loại rượu do người dân tự nấu thường không bảo đảm an toàn vệ sinh nên dễ bị ngộ độc, gây tử vong vì bị nhiễm độc ethanol, methanol.
Do vậy, để tránh mua phải những thực phẩm có nguy cơ ngộ độc cao, người nội trợ cần chọn lựa các loại thực phẩm tươi sống, tốt nhất là có sự kiểm định của cơ quan chức năng. Đối với thức ăn đã chế biến sẵn, nên chọn mua tại những nơi có uy tín, đáng tin cậy, hợp vệ sinh, thời hạn sử dụng rõ ràng. Cảnh giác các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Không nên lạm dụng tủ lạnh để chứa thức ăn
Chúng ta thường nghĩ rằng tủ lạnh là phương tiện có thể dự trữ được thực phẩm an toàn. Điều này không đúng vì theo nghiên cứu cho thấy, ngăn đựng rau quả trong tủ lạnh có nguy cơ chứa lượng vi khuẩn cao gấp 750 lần mức an toàn, trong đó có các loại vi khuẩn nguy hiểm như Escherichia coli, Salmonella và Listeria. Tủ lạnh không nên chứa quá đầy thức ăn. Nếu tủ lạnh chứa đầy thức ăn, nên điều chỉnh thấp nhiệt độ, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh mỗi tuần 1 lần với nước nóng và dung dịch khử khuẩn; riêng ngăn đựng thịt sống, nên làm vệ sinh cách nhau vài ngày.
Đừng bao giờ để thịt sống ở ngăn trên cùng trong tủ lạnh vì dễ gây lây nhiễm chéo từ nước thịt rỉ qua các khe hở, thấm vào thực phẩm để ngăn dưới. Cần thận trọng với các loại rau sống dự trữ trong tủ lạnh. Vi khuẩn Escherichia coli có thể tồn tại dưới dạng lạnh, đông lạnh và thường tìm thấy trong đất trồng rau. Loại vi khuẩn này có thể nhiễm chéo từ rau sống sang các loại thức ăn khác để trong tủ lạnh. Vì vậy phải rửa thật sạch rau trước khi cho vào ngăn dự trữ riêng trong tủ lạnh. Cơm, xôi để trong tủ lạnh cũng không an toàn.
Loại vi khuẩn Bacillus cereus thường thấy ở những thực vật trồng gần mặt đất như lúa, ngũ cốc, các loại rau gia vị; chúng có thể gây nên sự nhiễm độc với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Trong quá trình nấu chín, vi khuẩn này không hoạt động nhưng khi cơm, xôi để nguội, nó bắt đầu sinh sản ra các bào tử độc hại. Nên để cơm hoặc xôi vào tủ lạnh khi nó vừa nguội và phải được hủy bỏ sau 3 ngày dự trữ trong tủ lạnh.
Bảo vệ sức khỏe gia đình từ căn bếp nhỏ
Khi nấu nướng, phải nấu chín thức ăn với nhiệt độ thích hợp để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với thức ăn như rau sống, cần rửa thật kỹ từ 2 - 3 lần trước khi dùng. Nên bảo quản thực phẩm hợp lý vì các loại vi khuẩn tiềm ẩn có khả năng phát triển rất nhanh nếu không được bảo quản với nhiệt độ thích hợp. Sau chế biến, nên dùng thức ăn trong vòng 2 giờ, tốt nhất là nên ăn ngay khi còn nóng; nếu để qua 2 giờ thì cần bảo quản trong tủ lạnh và hâm lại trước khi ăn. Một điều cần chú ý đối với các loại thịt, cá, hải sản là phải được bảo quản ở ngăn đá trong tủ lạnh. Phải loại bỏ các thức ăn dư thừa vì đây là nguyên nhân thường gặp gây ngộ độc thực phẩm. Một điều nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng cần trở thành tập quán trong sinh hoạt như rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Theo Sức khỏe đời sống
5 thực phẩm không thể thiếu cho ngày giá rét Theo Đông y, dinh dưỡng đúng sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch và chống cái rét của cơ thể. Mách bạn 6 thực phẩm bổ dương không thể thiếu để bồi bổ cơ thể trong ngày giá rét. Thịt dê Thịt dê có công hiệu bổ huyết, lầm ấm cơ thể, bổ thận, tráng dương, kiện lực, chống lại giá rét,...