Bóng ma IS rình rập Afghanistan
Sau hai thập kỷ giao tranh, Mỹ và Taliban giờ đây đối mặt với mối đe dọa từ kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo Khorasa, một nhánh của IS.
“Ngày nào còn hiện diện tại Afghanistan là ngày đó chúng tôi biết rằng IS-K đang tìm cách nhắm đến sân bay, tấn công cả Mỹ và các lực lượng đồng minh, cũng như dân thường vô tội”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu hôm 24/8, đề cập đến nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan, hay còn gọi là IS-K, chi nhánh tại Afghanistan của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
6 năm trước, những thành viên người Pakistan bất mãn của Taliban đã tách ra và tự thành lập IS-K. Đây là một trong nhiều nhánh của IS ra đời sau khi nhóm phiến quân này trỗi dậy ở miền bắc Iraq hồi năm 2014, tạo ra sức ảnh hưởng rộng lớn. Một chiến dịch do Mỹ dẫn đầu đã đánh bại IS ở Iraq và Syria, nhưng hơn 10.000 thành viên nhóm này vẫn bám trụ, trong khi các nhánh khác ở khu vực đang trỗi dậy.
Giới phân tích đánh giá IS-K chưa bao giờ là một lực lượng lớn tại Afghanistan và càng ít có ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Quy mô của nhóm này đã giảm xuống còn khoảng 1.500-2.000 tay súng, bằng một nửa so với mức đỉnh điểm hồi năm 2016, trước khi bị Mỹ và lực lượng chính phủ Afghanistan tấn công.
Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2020, dưới sự điều hành của một lãnh đạo mới đầy tham vọng là Shahab al-Muhajir, IS-K tiếp tục duy trì hoạt động và tìm cách tăng cường lực lượng bằng việc tuyển mộ những tay súng Taliban bất mãn cũng như các nhóm phiến quân khác, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Lính Mỹ đứng sau hàng rào dây thép gai khi những người Afghanistan tập trung gần sân bay Kabul hôm 20/8. Ảnh: AFP .
Video đang HOT
“IS-K không phải nhánh hàng đầu của IS, nhưng việc không còn lực lượng đặc nhiệm Afghanistan và quân đội Mỹ có trao cơ hội cho nhóm này hay không? Câu trả lời là có thể”, Seth Jones, chuyên gia về Afghanistan tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, nhận định, nói thêm rằng IS-K vẫn duy trì các nhóm phiến quân bí mật để tấn công khủng bố dù số thành viên suy giảm.
Trong báo cáo hồi tháng 6, các quan chức chống khủng bố của Liên Hợp Quốc cho biết IS-K đã tiến hành 77 vụ tấn công tại Afghanistan trong 4 tháng đầu năm nay, tăng mạnh so với 21 vụ cùng kỳ năm ngoái. Nhóm này được cho là thủ phạm vụ đánh bom trường học ở thủ đô Kabul hồi tháng 5, khiến 80 nữ sinh thiệt mạng.
Abdul Sayed, chuyên gia về các nhóm phiến quân tại Afghanistan và Pakistan, chỉ ra rằng Kabul là mục tiêu trong “phần lớn những vụ tấn công phức tạp và tinh vi nhất của IS-K trong quá khứ”. Trong khi đó, một cuộc di tản quy mô lớn đang diễn ra tại thủ đô của Afghanistan, với hạn chót mà Taliban đặt ra và Washington đồng ý tuân thủ là ngày 31/8.
Một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ cho biết Washington đánh giá IS-K muốn tạo ra hỗn loạn tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, nói thêm rằng thông tin tình báo cho thấy nhóm phiến quân đang lên kế hoạch thực hiện nhiều vụ tấn công vào đám đông bên ngoài sân bay.
Một phát ngôn viên Taliban hôm 24/8 cũng cảnh báo về mối đe dọa ở khu vực sân bay. “Đã có những báo cáo rằng một số kẻ xấu muốn phá hoại tình hình an ninh tại đây bằng cách tấn công, gây tổn hại người dân và giới truyền thông. Vì vậy, đừng đến gần sân bay để tránh bị thương”, phát ngôn viên cho hay.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 22/8 cho biết mối đe dọa từ IS-K “vô cùng nghiêm trọng” và “dai dẳng”, nói thêm rằng các chỉ huy Mỹ và giới chức đang thực hiện tất cả các bước có thể để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào.
Taliban, “kẻ thù không đội trời chung” của IS-K, được cho là cũng không tránh khỏi những mối đe dọa từ nhóm này trong bối cảnh vừa giành quyền kiểm soát hầu hết Afghansitan. Các thủ lĩnh của IS-K đã lên án việc Taliban tiếp quản đất nước, chỉ trích cách điều hành của họ không đủ cứng rắn.
Theo giới quan sát, một vụ tấn công vào sân bay Kabul sẽ là đòn giáng chiến lược với cả Mỹ và giới lãnh đạo Taliban, giữa lúc lực lượng này đang cố gắng chứng minh họ có thể kiểm soát Afghanistan và nỗ lực tạo ra bầu không khí kiềm chế, ôn hòa.
Ali Mohammad Ali, cựu quan chức an ninh Afghanistan, còn đánh giá chiến thắng của Taliban “đang mở đường cho các phần tử cực đoan” đến nước này. Liên Hợp Quốc cho hay 8.000-10.000 phiến quân từ Trung Á, Pakistan, khu vực Bắc Caucasus của Nga và vùng Tân Cương của Trung Quốc đã đổ đến Afghanistan vài tháng gần đây, hầu hết liên quan đến Taliban hoặc al-Qaeda, nhưng một số khác liên minh với IS-K.
Taliban nhận được sự ủng hộ quan trọng từ mạng lưới Haqqani, một nhóm phiến quân tại Pakistan, trong khi nhóm này lại gần gũi về cả hoạt động và tư tưởng với al-Qaeda. Colin Clarke, nhà phân tích chống khủng bố tại công ty tư vấn an ninh Soufan Group ở New York, cho biết ba thực thể này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và quan hệ ngày càng mật thiết hơn trong thập kỷ qua.
Clarke dự đoán xu hướng này có khả năng tiếp tục phát triển sau khi Mỹ rút quân, đặc biệt nhằm chống lại những đối thủ như IS-K và phong trào kháng chiến ở phía bắc Afghanistan, nơi phe chống Taliban đang tập hợp lực lượng với sự góp mặt của một số quan chức cấp cao từ chính quyền Afghanistan bị lật đổ, như phó tổng thống bị phế truất Amrullah Saleh hay cựu bộ trưởng quốc phòng Bismillah Mohammadi.
Trong thỏa thuận hồi tháng 2/2020 với chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, Taliban tuyên bố không để al-Qaeda sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại điều khoản này khó có thể được tuân thủ và al-Qaeda vẫn là mối đe dọa khủng bố lâu dài.
“Taliban và al-Qaeda vẫn liên kết chặt chẽ và không có dấu hiệu đoạn tuyệt quan hệ”, báo cáo của Liên Hợp Quốc có đoạn.
Nhiều nước sẵn sàng làm trung gian giải quyết khủng hoảng tại Afghanistan
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 24/8 cho biết Nga cùng Trung Quốc, Mỹ và Pakistan sẵn sàng đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Afghanistan.
Người dân được lực lượng an ninh hỗ trợ lên máy bay sơ tán khỏi Afghanistan, tại sân bay quốc tế ở Kabul. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: "Chúng tôi vẫn cam kết thực hiện nhiệm vụ thiết lập hòa bình và ổn định trên lãnh thổ Afghanistan, để tình hình tại đây không gây ra các mối đe dọa cho khu vực".
Bên cạnh đó, ông Lavrov tuyên bố Nga phản đối ý tưởng cho phép người tị nạn Afghanistan tạm lánh tại khu vực Trung Á thuộc Liên Xô cũ - nằm giữa Nga và Afghanistan - hoặc việc Mỹ triển khai quân đội ở khu vực này. Ông nêu rõ: "Nếu bạn nghĩ rằng bất kỳ quốc gia nào ở Trung Á hoặc những nơi khác quan tâm đến việc trở thành mục tiêu để người Mỹ có thể thực hiện các sáng kiến của họ, thì tôi thực sự nghi ngờ về điều này".
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm trong ngày 24/8 để thảo luận về tình hình Afghanistan. Trong đó, Tổng thống Putin cũng đã chỉ trích Mỹ và các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc đưa người tị nạn Afghanistan đến các quốc gia Trung Á, cho rằng đây là mối đe dọa trực tiếp đối với Moskva.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng quân đội Đức Eberhard Zorn cùng ngày cảnh báo nguy cơ ngày một gia tăng về các cuộc tấn công liều chết do tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thực hiện tại Kabul, trong bối cảnh các nước phương Tây gấp rút sơ tán công dân và các nhân viên người Afghanistan khi thời hạn chót ngày 31/8 đang cận kề.
Phát biểu với báo giới tại Berlin, Tham mưu trưởng quân đội Đức Eberhard Zorn cho biết: "Tình hình an ninh tiếp tục xấu đi. Chúng tôi đang nhận được tín hiệu từ các nguồn tin của Mỹ, cũng như những đánh giá của riêng mình rằng ngày càng có nhiều phần tử tấn công liều chết thuộc IS xâm nhập Kabul". Theo Tướng Zorn, đây là những mối nguy lớn nhất về tình hình an ninh ở thời điểm hiện tại.
Airbnb cung cấp 20.000 chỗ ở miễn phí trên toàn cầu cho người tị nạn Afghanistan Airbnb quyết định sẽ cung cấp chỗ ở miễn phí trên phạm vi toàn cầu cho 20.000 người tị nạn Afghanistan trong bối cảnh hàng chục nghìn người dân nước này tìm cách rời khỏi đất nước khi Taliban quay trở lại nắm quyền. Binh sĩ Mỹ đảm bảo an ninh cho hoạt động sơ tán công dân tại sân bay Kabul, Afghanistan...