‘Bóng ma hạm đội’ – trinh sát cơ kỳ quái nhất Thế chiến II
Những chiếc trinh sát cơ có hình dáng khác thường trong dự án “ Bóng ma hạm đội” được hải quân Anh phát triển để đối phó với tàu chiến đối phương.
Một chiếc Fleet Shadower khi hoàn tất chế tạo. Ảnh: War is Boring.
Trong giai đoạn trước Thế chiến II, hải quân Anh vẫn dựa chủ yếu vào thiết giáp hạm. Để giúp trinh sát mục tiêu trên biển, vào năm 1938, lực lượng này yêu cầu hai nhà sản xuất máy bay General Aircraft và Airspeed phát triển các bản mẫu phi cơ trinh sát. Kết quả là những chiếc máy bay kỳ quái nhất Thế chiến II ra đời, theo War is Boring.
Dự án này mang tên Fleet Shadower (Bóng ma hạm đội) với sản phẩm hoàn thiện là mẫu G.A.L.38 của General Aircraft và A.S.39 của Airspeed. Chúng đều được thiết kế để thực hiện những chuyến trinh sát bí mật vào ban đêm, có khả năng cất hạ cánh trên tàu sân bay, tầm hoạt động lớn và tốc độ tối thiểu không quá lớn. Điều này cho phép máy bay lượn trên không và theo dõi tàu chiến đối phương trong nhiều giờ liền.
Những chiếc Fleet Shadower đều sử dụng kết cấu cánh đơn gắn ở phần trên khung thân. G.A.L.38 trang bị động cơ Pobjoy Niagara III 130 mã lực, có thời gian hoạt động liên tục tới 11 tiếng, gần gấp đôi mẫu A.S.39 với động cơ Niagara V. Bù lại, A.S.39 có tốc độ tối thiểu 52 km/h, thấp hơn mức 62 km/h trên mẫu máy bay của General Aircraft.
Hai mẫu trinh sát cơ này có phần thân trước rất khác lạ, với hai phần tách biệt nhau. Kíp lái gồm ba người, sĩ quan trinh sát ngồi ở đài quan sát phía trước, trong khi người vận hành radio ngồi phía sau. Phi công ngồi trong khoang lái tách biệt phía trên, không gây ảnh hưởng tới hoạt động theo dõi mục tiêu.
Video đang HOT
Hai mẫu Fleet Shadower khác nhau chủ yếu ở phần động cơ. Ảnh: Alternathistory.
Chuyên gia hải quân Norman Polmar mô tả Fleet Shadower nằm trong số “những phi cơ trên hạm kỳ quái nhất từng xuất hiện”. Trên lý thuyết, Fleet Shadower là ý tưởng không tệ. Tuy nhiên, khi hai loại máy bay này cất cánh thử nghiệm vào năm 1940, chúng đã hoàn toàn lỗi thời.
Nếu xuất hiện sớm hơn 10 năm, chúng có thể được hải quân Anh biên chế. Nhưng thực tế hải chiến trên Đại Tây Dương cho thấy mối nguy hiểm chủ yếu tới từ tàu ngầm, đòi hỏi những khí tài khác xa phi cơ trinh sát tốc độ chậm, vốn chỉ được thiết kế cho hải chiến giữa các hạm đội mặt nước.
Cùng giai đoạn đó, những máy bay ném bom được tối ưu cho nhiệm vụ tuần thám biển vượt trội hoàn toàn so với Fleet Shadower cả về tầm bay và khả năng nhận dạng mục tiêu. Kết quả là chỉ có một chiếc G.A.L.38 và một máy bay A.S.39 ra đời, trước khi dự án này bị hủy.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Trận hải chiến hạ gục thiết giáp hạm lớn nhất của phát xít Đức
Hải quân Anh đã phải huy động cụm tàu đông đảo và các máy bay ném ngư lôi để tiêu diệt chiếc thiết giáp hạm khổng lồ của phát xít Đức.
Thiết giáp hạm Bismarck của phát xít Đức. Ảnh: Greatmilitarybattles
Từ cuối thế kỷ 19 cho đến thời kỳ sau Thế Chiến II, khi máy bay hải quân và tên lửa diệt hạm chưa phổ biến, thiết giáp hạm là loại tàu chiến gần như thống trị đại dương, thể hiện sức mạnh của các cường quốc trên biển. Thiết giáp hạm là loại tàu chiến lớn được bọc thép, có kích thước lớn hơn tàu tuần dương và tàu khu trục, được trang bị nhiều pháo hạm hạng nặng cỡ nòng lớn.
Tàu Bismarck là thiết giáp hạm lớn nhất từng được phát xít Đức chế tạo và được coi là tàu chiến uy lực nhất ở châu Âu thời kỳ Thế chiến II. Tàu có lượng giãn nước 50.000 tấn, rộng 36 m, dài 251 m, với thủy thủ đoàn hơn 2.200 người. Bismarck được trang bị 8 khẩu đại bác 380 mm cùng với 56 khẩu pháo nhỏ hơn, thân tàu được bọc lớp vỏ giáp dày 32 cm để chống đạn pháo xuyên vào trong tàu. Với tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, Bismarck là một trong những tàu chiến nhanh nhất vào thời điểm đó.
Theo trang We are the mighty, hải quân phát xít Đức không có đủ quân số để đối đầu với hạm đội tàu chiến lớn của Anh, nhưng chiến lược tấn công tuyến đường vận chuyển thương mại đến Anh bằng tàu ngầm, tàu tuần dương tấn công nhanh và tàu chiến hạng nhẹ của Đức đã đạt được hiệu quả. Một con tàu nhanh và uy lực như Bismarck có thể gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa đến Anh bị đe dọa.
Bismarck được hạ thủy vào ngày 14/2/1939 và được đích thân trùm phát xít Adolf Hitler làm lễ rửa tội. Các cuộc thử nghiệm cho thấy Bismarck di chuyển nhanh và có trang bị tốt, nhưng khả năng chuyển hướng bằng chân vịt của tàu bị hạn chế. Lỗ hổng về thiết kế này dẫn đến hậu quả tai hại về sau.
Kế hoạch của Đức là để tàu Bismarck kết hợp với tàu chiến cùng lớp Tirpitz và hai tàu chiến hạng nhẹ Scharnhorst và Gneisenau tạo thành một cụm tàu tấn công nhanh, áp đảo về hỏa lực với bất cứ thứ gì chúng không thể đi nhanh hơn và đi nhanh hơn bất cứ thứ gì chúng không thể thắng về hỏa lực. Cụm tàu này có thể cắt đứt tuyến giao thương hàng hải đến Anh qua bắc Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, kế hoạch này phá sản vì quá trình đóng tàu Tirpitz bị chậm trễ, tàu Scharnhorst thì bị trúng ngư lôi và bị đánh bom ở cảng, còn tàu Gneisenau cũng cần được đại tu. Cuối cùng, tàu Bismarck chỉ ra khơi với tuần dương hạm hạng nặng Prinz Eugen, cùng một vài tàu khu trục và tàu quét mìn vào ngày 19/5/1941, trong nhiệm vụ gọi là Chiến dịch Rheinbung.
Người Anh nhận được nhiều tin tình báo về Bismark thông qua bên trung lập là hải quân Thụy Điển. Sau khi cập cảng Na Uy, tàu Bismarck và Prinz Eugen tiến về phía bắc Đại Tây Dương và hướng về phía các đoàn tàu vận tải di chuyển từ Bắc Mỹ đến Anh.
Tuần dương hạm của Anh bám đuôi những tàu này, và ở eo biển Đan Mạch, tàu Đức chạm mặt tàu tuần dương Hood và tàu chiến hạng nặng Prince of Wales của Anh. Sau một đợt đọ pháo, một phát đạn từ Bismarck đánh trúng kho đạn chính của tàu Hood, làm con tàu vỡ đôi và chìm xuống biển. Chỉ ba trong 1.419 thủy thủ trên tàu sống sót. Đài chỉ huy của tàu Prince of Wales cũng bị trúng đạn, khiến gần như toàn bộ ban chỉ huy thiệt mạng, chỉ có thuyền trưởng và một sĩ quan cao cấp khác sống sót, buộc tàu phải rút lui.
Việc hai tàu chiến uy lực bị đánh bại khiến hải quân Anh bất ngờ, nhưng Bismarck cũng bị thiệt hại. Đạn pháo từ tàu Prince of Wales đã làm kho nhiên liệu của tàu này thủng một lỗ lớn, khiến nhiên liệu bị lẫn với nước biển và không sử dụng được.
Bismarck buộc phải tiến về cảng của Pháp để sửa chữa dưới sự yểm trợ của tàu Prinz Eugen. Nắm được tin này, người Anh điều tất cả tàu của họ trong khu vực cùng với các máy bay chiến đấu để đuổi theo Bismarck.
Máy bay ném ngư lôi của hải quân Anh được triển khai từ tàu sân bay Ark Royal. Ảnh: UK Navy
Tuy bị hư hỏng, Bismarck vẫn nhanh hơn so với bất kỳ tàu hạng nặng nào của Anh, và cuối cùng, Anh phải dùng đến máy bay ném ngư lôi từ tàu sân bay Ark Royal để hạ nó. Một ngư lôi đánh trúng đuôi của Bismarck, khiến bánh lái tàu bị kẹt, làm Bismarck chạy vòng tròn trong vô vọng, trong lúc một cụm tàu tác chiến của Anh đang áp sát. Đô đốc Gnther Ltjens, sĩ quan chỉ huy tàu Bismarck, gửi một thông điệp vô tuyến về sở chỉ huy nói rằng họ sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.
Vì tàu không thể cơ động để nhắm bắn mục tiêu chính xác, những khẩu pháo lớn trên tàu Bismarck phần lớn đều vô dụng. Tàu Anh liên tục khai hỏa, tấn công Bismarck không thương tiếc, khiến Ltjens cùng hầu hết sĩ quan chỉ huy trên tàu Đức thiệt mạng. Sau khi Bismarck bị vỡ, sĩ quan cấp cao còn sống sót ra lệnh cho thủy thủ đoàn kích hoạt thuốc nổ để đánh đắm tàu, nhưng thiết bị liên lạc hư hỏng khiến phần lớn thủy thủ đoàn không hiểu được mệnh lệnh. Cuối cùng, tàu bị lật úp và chìm, 114 thủy thủ trong hơn 2.200 người sống sót.
Xác tàu đắm của Bismarck được khám phá vào ngày 8/6/1989 bởi tiến sĩ Robert Ballard, nhà hải dương học đã tìm ra tàu Titanic.
Phương Vũ
Theo VNE
Trung úy Anh bị chém cụt tay vẫn đẩy lùi lính phát xít Nhật Trung úy George Albert Cairns bị đối phương chém gần đứt lìa tay trái nhưng vẫn giúp đồng đội chiếm được ngọn đồi từ toán lính Nhật. Trung úy Cairns năm 1944. Ảnh: Wikipedia. Trung úy người Anh George Albert Cairns đã ghi dấu trong Thế chiến II bằng thành tích chiến đấu giáp lá cà chống quân phát xít Nhật và chiếm...