Bóng đen phía trước điện ảnh Hàn Quốc
Đối với các phim Hàn Quốc, hiệu ứng truyền miệng đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại tại phòng vé. Giữa bối cảnh dịch bệnh, các nhà sản xuất rất khó tạo ra điều đó.
Zing lược dịch bài đăng Word-of-mouth during a pandemic của chuyên gia điện ảnh Hàn Quốc Darcy Paquet trên The Korea Economic Daily đề cập đến sự quan trọng của hiệu ứng truyền miệng đối với các bộ phim Hàn và ngành công nghiệp làm phim xứ kim chi đứng trước khó khăn ra sao vì dịch Covid-19.
Tôi nghĩ tất cả đều quen với chuyện một bộ phim hiện tượng biến thành cú hit phòng vé nhờ hiệu ứng truyền miệng.
Có những tác phẩm thắng lớn khi ra mắt, khiến các khán phòng chật kín từ ngày khởi chiếu nhờ người hâm mộ mong mỏi phim ra rạp suốt bấy lâu. Nhưng có phim lại ra mắt trong sự lặng lẽ, rồi dần dần tạo đà khi người xem giới thiệu nó cho bạn bè, chia sẻ niềm hào hứng trên mạng Internet.
Vì sao hiệu ứng truyền miệng quan trọng tại Hàn Quốc?
Với các cây bút phê bình hay những ai làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh, năng lượng của hiệu ứng truyền miệng này đặc biệt hấp dẫn. Khi báo chí đưa tin một bộ phim khác biệt đang lan tỏa, ai cũng cảm thấy có điều gì đó đáng nói.
Quả có chút nản lòng xen lẫn tò mò khi theo dõi hiệu ứng truyền miệng trong ngành công nghiệp điện ảnh sẽ đi về đâu khi có đại dịch. Trong năm 2020, các rạp chiếu phim tại Hàn Quốc không hoàn toàn đóng cửa. Nhưng suốt một thời gian dài, không có bộ phim mới nào được phát hành.
Deliver Us from Evil có doanh thu vượt kỳ vọng hồi mùa hè trước khi dịch Covid-19 trở lại. Ảnh: CJ.
Hiệu ứng truyền miệng theo đó không còn nữa, bởi chẳng có phim mới để bàn bạc, ngoại trừ các tác phẩm của Netflix. Nhưng tới tháng 6 và tháng 7, các nhà phát hành phim Hàn Quốc bắt đầu tung ra các bộ phim kinh phí cao hoặc tầm trung. Cùng lúc đó, khán giả bắt đầu trở lại rạp chiếu phim trong sự cẩn trọng.
Bối cảnh ấy có lẽ giúp tạo ra ví dụ tiêu biểu cho một bộ phim ăn khách nhờ truyền miệng thời hậu đại dịch: tác phẩm hành động, giật gân nhuốm màu bạo lực Deliver Us from Evil. Dù không thể gọi đây là phim quy mô nhỏ bởi nhà phát hành CJ E&M đưa tác phẩm ra rạp khắp toàn quốc với chiến dịch marketing bài bản, có một sự thật rằng hiệu ứng truyền miệng tích cực đã giúp doanh thu phòng vé cao hơn nhiều so với kỳ vọng.
Với nội dung xoay quanh một sát thủ muốn giải nghệ tới Thái Lan để cứu cô con gái xa cách bấy lâu khỏi bọn bắt cóc, bộ phim có phần hình ảnh ấn tượng (nhờ tay máy Hong Kyung-pyo) và các nhân vật đáng nhớ. Cụ thể, gã phản diện của Lee Jung Jae ghi điểm trong lòng công chúng nhờ phong thái cuồng loạn, phục trang bắt mắt và khả năng làm chủ khung hình.
Deliver Us from Evil nhanh chóng bán được hơn 4,3 triệu vé, cho doanh thu 38,6 tỷ won (tương đương 33,5 triệu USD) trước khi dịch Covid-19 trở lại vào tháng 8 và khiến bộ phim mất đà tại phòng vé.
Gần đây, hiệu ứng truyền miệng đóng vai trò cốt yếu đối với các bộ phim ra rạp dịp Trung Thu. Tác phẩm tâm lý – gia đình Pawn khởi đầu không ấn tượng hôm 29/9 khi chỉ bán được 67.000 vé, đứng vị trí thứ hai. Song, ngày hôm sau, phim leo lên vị trí đầu bảng, và dần tăng doanh thu trong kỳ nghỉ kéo dài năm ngày, cũng như sớm cán mốc 1 triệu lượt vé.
Pawn sớm bán hơn 1 triệu vé dù không được lòng giới phê bình Hàn Quốc. Ảnh: CJ.
Số điểm bình chọn cao trên Naver và một số hạ tầng khác có lẽ đã giúp Pawn thắng lợi, dù giới phê bình không ấn tượng với bộ phim. Song, bầu không khí nói chung vẫn còn ảm đạm vì dịch bệnh, ngay cả khi so sánh với hồi mùa hè.
Trong bối cảnh bình thường, đạo diễn và dàn sao sẽ tổ chức chuỗi giao lưu tại các khán phòng chật kín người hâm mộ. Tuy nhiên, ê-kíp làm phim và khán giả hiện không có sự tương tác trực tiếp.
Tương lai khó khăn dành cho cả ngành công nghiệp
Tại Hàn Quốc, hiệu ứng truyền miệng đối với các bộ phim chính thống (mainstream) thường rất căng thẳng, hơn nhiều so với các nước khác, có lẽ bởi công chúng rất yêu thích đến rạp chiếu phim. Doanh thu ngày khởi chiếu và ngày thứ hai có thể rất trái ngược.
Chuyện đơn giản rằng hiệu ứng truyền miệng tích cực sẽ đẩy bộ phim tăng tốc nhanh chóng, còn điều ngược lại sẽ khiến tác phẩm sớm văng khỏi đường đua.
Nhưng nếu mở rộng câu chuyện ra các tác phẩm độc lập kinh phí thấp, chúng ta sẽ thấy nhiều điều khác. Làm việc ở quy mô nhỏ hơn, khó lòng có thể thiết lập một chiến dịch marketing rộng khắp, hiệu ứng truyền miệng là sự sống còn đối với dòng phim độc lập. Điều đó không tự nhiên xảy ra, mà cần được xây dựng từ nền móng vững chắc thông qua những nỗ lực bền bỉ. Nếu so sánh, thì đó giống như việc nhóm lửa mà không có diêm.
Các phim độc lập Hàn Quốc cần hiệu ứng truyền miệng hơn cả phim thương mại. Ảnh: Cine21.
Qua nhiều năm, các đạo diễn phim độc lập Hàn Quốc đã cố gắng thiết lập một mô hình trong việc xây dựng hiệu ứng truyền miệng cho tác phẩm của họ. Thông thường, tất cả bắt đầu bằng buổi chiếu ra mắt ở một liên hoan phim nội, thường là Liên hoan phim Quốc tế Busan vào tháng 10, Liên hoan phim Quốc tế Jeonju vào tháng 5, hoặc Liên hoan phim Bucheon vào tháng 7.
Một lượng lớn phim Hàn Quốc tổ chức công chiếu tại các liên hoan phim này mỗi năm, nhưng chỉ có những cái tên thực sự ấn tượng với người đam mê phim ảnh và giới phê bình mới thu hút sự chú ý và bắt đầu được thảo luận trên mạng xã hội.
Nếu tác phẩm được đón nhận bởi đội ngũ giám tuyển đến từ các liên hoan phim quốc tế khác, nó sẽ có cơ hội chu du khắp thế giới trong vài tháng sau đó, thậm chí thắng giải và được báo chí nước nhà đưa tin. Thế rồi, có lẽ sau khoảng một, thậm chí hai năm, bộ phim được chính thức khởi chiếu rộng rãi tại quê hương Hàn Quốc.
Lúc đó, các cuộc phỏng vấn với báo chí, video trên mạng xã hội, bình luận phim sẽ giúp số đông hiểu hơn về tác phẩm và quyết định xem nó có đáng xem hay không. Cuối cùng, các buổi giao lưu tại phòng chiếu được tổ chức, và chúng cực kỳ quan trọng với phim độc lập, thậm chí hơn cả phim chính thống.
Có một bộ phim Hàn Quốc đang đi theo con đường đó, nhưng gặp khó khăn lớn trong việc xây dựng hiệu ứng truyền miệng thời dịch bệnh. Moving On của đạo diễn Yoon Dan Bi lần đầu ra mắt trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019 và thuộc nhóm tác phẩm Hàn Quốc gây chú ý nhất sự kiện.
Hồi tháng 1, đạo diễn Yoon đã tới Liên hoan phim Rotterdam, nơi cô nhận được giải thưởng Tương lai Tươi sáng dành cho các nhà làm phim tiềm năng. Thế rồi, đại dịch xảy ra. Nhiều liên hoan phim quốc tế trên thế giới đã mời Moving On tham dự rốt cuộc bị hủy bỏ, hoặc chỉ tổ chức trực tuyến. Đến mùa hè, tác phẩm nhận thêm một số giải thưởng online và được đặt ngày khởi chiếu vào cuối tháng 8 – tức đúng thời điểm dịch bệnh trở lại.
Moving On là bộ phim độc lập Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn khi khởi chiếu vào cuối mùa hè. Ảnh: SIFF.
Nhiều nhà phê bình gọi đây là bộ phim độc lập Hàn Quốc hay nhất năm, nhưng để lôi kéo khán giả đến rạp lại là câu chuyện khác. Tới nay, Moving On mới bán được 20.000 vé – con số ấn tượng đối với một tác phẩm độc lập kinh phí thấp, nhưng có lẽ sẽ cao hơn vài lần trong bối cảnh một năm bình thường.
Với nội dung đơn giản là câu chuyện về một người cha đơn thân và hai đứa con tới nhà ông chơi vào mùa hè, Moving On được kể lại một cách tinh tế và đem tới những màn diễn xuất hết sức tự nhiên mà đã lâu rồi tôi chưa được chứng kiến.
Điều khiến tôi quan ngại lúc này là số phận của các bộ phim Hàn Quốc công chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Busan năm nay. Các buổi chiếu ngoài rạp vẫn được tổ chức, nhưng khán phòng chỉ được khai thác 50% sức chứa và báo chí cũng bị hạn chế.
Tôi cho rằng ngay cả những tác phẩm hay nhất cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra hiệu ứng truyền miệng. Việc liệu chúng có thể gây chú ý và ra rạp trong năm sau hay không sẽ cho chúng ta thấy hệ lụy lâu dài mà dịch Covid-19 gây ra với ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc.
'Cục nợ hóa cục cưng' - tình cha con vượt qua lằn ranh huyết thống
Bộ phim tình cảm gia đình đánh dấu sự trở lại trên màn ảnh rộng của Ha Ji Won sau bốn năm. Tác phẩm đã thu hút hơn một triệu lượt khán giả tại Hàn Quốc.
Trailer phim
Cục nợ hóa cục cưng (tên tiếng Anh: Pawn) bắt đầu khi nữ phiên dịch Seung Yi (Ha Ji Won) hối hả trở về Hàn Quốc sau khi có manh mối về người cô hằng tìm kiếm suốt 10 năm qua.
Kế đến, phim đưa người xem trở về mốc thời gian năm 1993, khi Seung Yi (Park So Yi) vẫn còn sống chui lủi cùng người mẹ là dân nhập cư bất hợp pháp.
Do mẹ không có đủ tiền trả nợ công ty cho vay nặng lãi, Seung Yi bị hai tay đòi nợ thuê Doo Seok (Sung Dong Il) và Jong Bae (Kim Hee Won) bắt đi để thế chấp. Tuy nhiên, bộ đôi đòi nợ không thể ngờ rằng ngay đêm hôm ấy, mẹ của Seung Yi bị cảnh sát bắt giữ.
Trước khi bị trục xuất về nước, mẹ của Seung Yi nhờ Doo Seok đưa cô bé tới chỗ một người bà con ở Busan để chờ ngày gia đình đoàn tụ. Cực chẳng đã, tay đòi nợ nhận lời. Gã không thể ngờ rằng quyết định "bỏ thì thương vương thì tội" ấy sẽ thay đổi cuộc đời cả bốn con người mãi mãi.
Cốt truyện tình phụ tử dễ lấy lòng khán giả
Sau khi giải ngũ, Doo Seok và Jong Bae trở thành dân đòi nợ thuê. Tuy nhiên, bản chất lương thiện khiến hai gã đàn ông hết lần này tới lần khác... tự lấy tiền túi bù vào khoản còn thiếu cho con nợ.
Việc bắt Seung Yi làm thế chấp là quyết định bộc phát của Doo Seok khi không thể nào siết nợ hai mẹ con cô bé giữa bàn dân thiên hạ. Gã đòi nợ thuê tin rằng chẳng người mẹ nào lại bỏ con chỉ vì khoản nợ 750 USD, lại càng không tin có bậc phụ huynh nào dám báo cảnh sát về hành vi siết nợ của mình.
Bộ phim khai thác mối dây liên kết tình cảm giữa những con người lạc lõng trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Khoảng thời gian trông nom Seung Yi đã khiến Doo Seok, và cả người cộng sự Jong Bae, thay đổi. Dù luôn mồm cằn nhằn, gọi Seung Yi là "cục nợ", gã giang hồ ít nhiều bộc lộ sự ấm áp, dịu dàng khi ở bên cô bé.
Sau khi giao Seung Yi cho người bác đáng ngờ, Doo Seok vẫn không ngừng gọi điện thoại, nhắn tin hỏi thăm tình hình, trách hờn cô bé tại sao không liên lạc. Nhờ thế, gã kịp thời phát hiện Seung Yi đang gặp nạn. Không nề hà đường sá xa xôi, người đàn ông lập tức lên đường ứng cứu "cục nợ" của đời mình.
Trong Cục nợ hóa cục cưng, dù ban đầu Doo Seok bắt Seung Yi làm vật thế chấp để đòi tiền, cô bé cuối cùng lại khiến anh liên tục tốn cả mớ tiền, tới độ phải bán đi tài sản giá trị nhất trong nhà là chiếc xe hơi.
Nhưng với gã đòi nợ thuê lương thiện, những tổn thất ấy chẳng đáng gì so với kho báu cuộc đời mà gã mới khám phá ra. Đó là thiên lương trong sáng, cảm giác được yêu thương và chăm sóc cho một ai đó và được người đó đền đáp. Toàn bộ cảm xúc tích cực ấy đều đến từ cô bé Seung Yi.
Sự thay đổi trong tâm lý và hành vi của Doo Seok, từ chỗ là một gã đàn ông cô đơn cộc cằn tới một ông bố hờ tần tảo nuôi con, chính là công thức chiến thắng trái tim khán giả của Cục nợ hóa cục cưng.
Bộ phim đã kết nối hai số phận cô đơn, lạc lõng giữa dòng đời lại bên nhau thành một gia đình, thành cha và con gái, sẵn sàng sẻ chia sướng khổ, hy sinh vì nhau, dù không cùng chung huyết thống.
Góc khuất trong xã hội Hàn Quốc
Bên cạnh câu chuyện tình cảm ấm áp giữa người với người, Cục nợ hóa cục cưng còn lột tả góc khuất cuộc sống của những con người bình dân trong xã hội Hàn Quốc. Đó là vấn đề nhức nhối liên quan tới người nhập cư, cho vay nặng lãi, lao động trẻ em hay an sinh xã hội.
Gia đình Seung Yi là những người nhập cư bất hợp pháp vào Hàn Quốc. Do không có giấy tờ, cô bé không thể đi học, còn cha mẹ em không thể có công ăn việc làm ổn định.
Nhờ bàn tay nuôi nấng của Doo Seok, cô bé Seung Yi đã trưởng thành, trở thành một phụ nữ với sự nghiệp xán lạn.
Kết quả, cha Seung Yi đi theo người phụ nữ khác, bỏ lại mẹ con em trong cảnh nợ nần. Mẹ của Seung Yi vì tuyệt vọng kiếm tiền trả nợ đã vô tình giao trứng cho ác, bị trục xuất, đẩy gia đình nhỏ thêm một lần nữa rơi vào cảnh chia lìa.
Bản thân Doo Seok và Jong Bae đều là những con người lương thiện với giấc mơ làm ăn chân chính. Nhưng sau khi giải ngũ, do không thể kiếm việc làm, họ trở thành dân đòi nợ thuê, mỗi ngày đều phải thúc ép, truy đuổi người khác tới đường cùng.
Trong một cảnh phim, khi cô bé Seung Yi vô tư đặt cho Doo Seok cái tên "chiến thắng", nhân vật lập tức nghĩ đến việc sẽ sử dụng nó làm tên công ty do mình làm chủ. Tất nhiên, công ty ấy mới chỉ là ước mơ, hay dự định trong tương lai xa xôi của Doo Seok. Nhưng chi tiết đủ để cho khán giả thấy thiên lương trong sáng của nhân vật.
Một vấn đề khác cũng được đề cập trong Cục nợ hóa cục cưng, mà nhiều năm sau mốc thời gian 1993 trên màn ảnh, vẫn vô cùng nhức nhối. Đó chính là thực trạng buôn bán và sử dụng lao động trẻ em tại Hàn Quốc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Seung Yi bị bán cho một tụ điểm kinh doanh giải trí người lớn khi cô bé còn chưa tròn 12 tuổi. Tại đây, em phải làm nhiều công việc nặng nhọc và quá sức với lứa tuổi, trái ngược với lời hứa hẹn được làm con nuôi nhà giàu, được đi học, được ăn sung mặc sướng mà ông "bác hờ" từng đưa ra.
Câu chuyện trên màn ảnh của Seung Yi đại diện cho cảnh đời của nhiều bé gái khác đang lang bạt giữa thế giới rộng lớn ngoài kia, trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Và phần lớn lũ trẻ không may mắn nhận được sự yêu thương, quan tâm và bảo vệ như câu chuyện hư cấu trên màn ảnh của Seung Yi.
Cốt truyện cố gắng kéo dài thời lượng của Ha Ji Won
Phải khẳng định Cục nợ hóa cục cưng là một bộ phim duyên dáng, hài hước, nhưng đủ chiều sâu nhân văn để lấy đi nước mắt khán giả. Bộ phim chạy song song hai tuyến tuyến truyện quá khứ - hiện tại, với quá khứ khép lại tại thời điểm 10 năm trước khi hiện tại bắt đầu.
Nếu câu chuyện quá khứ tập trung vào xây dựng nền tảng cho mối quan hệ cha con gắn bó giữa Doo Seok và Seung Yi, thì phần hiện tại tập trung xây dựng cái kết còn dang dở của mối quan hệ ấy. Nếu trong quá khứ, Doo Seok phải lặn lội đi tìm Seung Yi, thì ở hiện tại, tới lượt Seung Yi phải mỏi mòn trông tin người cha nuôi mất tích.
Tuy nhiên, nếu đặt hai nửa của bộ phim lên cán cân để phân tích thiệt hơn, có thể thấy tuyến truyện hiện tại được dẫn dắt bởi Ha Ji Won có phần khiên cưỡng và lép vế hơn hẳn về cả cảm xúc lẫn cách thể hiện. Cuộc tìm kiếm từ đồn cảnh sát này tới trại tế bần khác không có được nét duyên dáng hay hấp dẫn mà phần còn lại của bộ phim truyền tải.
Việc Doo Seok và Seung Yi không thể nhận cha con vào mười năm trước gây tiếc nuối cho khán giả.
Cục nợ hóa cục cưng hoàn toàn có thể khép lại với duy nhất một mạch truyện trong quá khứ mà vẫn bảo đảm sự toàn vẹn về nội dung cũng như cảm xúc cho khán giả. Vụ mất tích 10 năm của Doo Seok phần nào đó gây ra cảm giác hụt hẫng không cần thiết ngay từ phút ban đầu.
Thêm vào đó, việc tạo ra vụ mất tích để cố tình trì hoãn khoảnh khắc quan trọng khi Doo Seok và Seung Yi mở lòng, đón nhận người kia là ruột thịt cũng là sự cường điệu không cần thiết đối với bầu không khí tươi vui, trong sáng và ngọt ngào mà bộ phim chủ đích xây dựng.
Sự hụt hẫng vô tình khiến cao trào ở cuối phim khi Seung Yi tìm thấy Doo Seok trở thành bi kịch, làm mất đi không khí tươi sáng vốn có của câu chuyện, và đẩy Cục nợ hóa cục cưng vào cái kết dở dang.
Về tổng thể, Cục nợ hóa cục cưng vẫn là một bộ phim gia đình hài hước, tươi sáng về tình cha con mà khán giả đại chúng có thể theo dõi và đồng cảm. Diễn xuất của dàn diễn viên chính, đặc biệt là tài năng nhí Park So Yi, rất tròn trịa và chân thực.
'Cục nợ hóa cục cưng' của Ha Ji Won cán mốc 1 triệu lượt khán giả Bộ phim "Pawn" với sự tham gia của Ha Ji Won và Sung Dong Il thu hút khán giả quê hương sau hơn một tuần trình chiếu. Trailer phim Naver đưa tin ngày 9/10, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc công bố bộ phim Cục nợ hóa cục cưng (tên tiếng Anh: Pawn) đã cán mốc 1 triệu lượt xem. Đây là bộ...