Bóng đá Trung Quốc: Tận cùng của sự thất vọng
Sau khi Liêu Ninh Hongyun, Thiên Tân Tianhai rã gánh mùa hè 2020, những cái tên đình đám của giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc như Quảng Châu Evergrande, Giang Tô FC thay nhau giải thể hồi năm ngoái và mới nhất là trường hợp của Trùng Khánh Liangjiang Athletic
Năm 2001, đội bóng TP Trùng Khánh – gắn tên với thương hiệu hãng xe máy Lifan khi ấy bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam – đưa thủ quân đội Công An TP HCM Lê Huỳnh Đức sang chơi bóng 4 tháng, làm xôn xao giới hâm mộ bóng đá Việt Nam. Dù chỉ góp mặt với tư cách “đại sứ thương mại” trong thời gian ngắn (Trùng Khánh Lifan tăng cường 3 cầu thủ cho đội bóng Công An TP HCM như một sự trao đổi đôi bên cùng có lợi), Lê Huỳnh Đức khi đó vẫn học được nhiều bài học quý về bóng đá chuyên nghiệp.
Thượng Hải SIPG từng là thế lực hàng đầu của CSL .Ảnh: BLOOMBERG
Tồn tại gần 3 thập niên và cách đây 6 năm còn góp mặt trong tốp 6 đội bóng giàu nhất Trung Quốc, tháng 5-2022, Trùng Khánh Liangjiang Athletic (tên mới sau khi chia tay Lifan) chính thức giải thể trong tình cảnh kiệt quệ tài chính. Một trong những CLB lâu đời nhất của bóng đá xứ tỉ dân phải ôm khoản nợ 110 triệu USD và không thể trả lương cho cầu thủ trong suốt hơn một năm cho đến khi lâm vào cảnh phải tự xóa sổ.
Đoạn kết không có hậu của Trùng Khánh Liangjiang Athletic phản ánh những biến động cùng cực của giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc (Chinese Super League – CSL), một thời được xem là “thiên đường mới” của bóng đá thế giới, đặc biệt trong mắt các cầu thủ đến từ châu Âu hay Nam Mỹ.
Từ thập niên 2010, những người đứng đầu nền bóng đá nước này khởi động một chiến dịch rầm rộ nhằm khuếch trương thanh thế cho một “siêu cường bóng đá” sắp xuất hiện. Hàng loạt CLB sẵn sàng chi các khoản tiền khổng lồ để thu hút siêu sao từ nước ngoài. Họ đưa ra những thỏa thuận hấp dẫn mà ngay cả các CLB hàng đầu châu Âu cũng khó đáp ứng.
Bằng cách này, CSL chiêu mộ thành công nhiều tên tuổi lớn của bóng đá thế giới với mức lương không tưởng như Graziano Pelle (Sơn Đông Luneng, lương 263.000 bảng/tuần), Hulk (Thượng Hải SIPG, 320.000 bảng/tuần), Carlos Tevez (Thượng Hải Shenhua, 634.615 bảng/tuần)…
Mạnh tay nhất có lẽ là Hồ Bắc China Fortune – đội bóng bỏ ra số tiền lương tuần kỷ lục 798.000 bảng để có chữ ký của ngôi sao người Argentina, Ezequiel Lavezzi.
Đó là câu chuyện của nhiều năm trước. CSL hiện phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của bóng đá thế giới. Nhiều đội bóng bị thua lỗ trong đại dịch Covid-19 khi giải đấu này bị dời, hoãn nhiều lần. Tập đoàn bất động sản hàng đầu Evergrande Group nợ khoảng 300 tỉ USD và hệ quả là CLB Quảng Châu Evergrande, từng 2 lần vô địch AFC Champions League, phải giải thể vào tháng 9-2021.
Việc nợ lương ở CSL là điều bình thường khi phần đông cầu thủ bị nợ lương vài tháng, có người không nhận xu nào trong nửa năm, đến độ Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) nhận được hơn 100 lá đơn kiện của các cầu thủ tố cáo về việc này.
Quy định mới về lương bổng do CFA ban hành vào năm 2020 đã khiến mức lương trần của ngoại binh lẫn nội binh ở CSL bị giảm đáng kể, nhiều đội không thể chi đậm để mua sắm cầu thủ như trong quá khứ. Chỉ có điều nỗ lực của CFA càng khiến bóng đá Trung Quốc suy sụp sau đại dịch. Tuyển Trung Quốc bị loại khỏi vòng chung kết World Cup 2022, chỉ xếp thứ 78 trên bảng xếp hạng FIFA, đứng dưới cả đội bóng của các nước nhỏ và nghèo như El Salvador, Guinea, Bolivia…
Theo China Daily, đã có hơn 20 CLB bị gạch tên khỏi hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của Trung Quốc, chủ yếu vì vấn đề tài chính, trong vòng 2 năm qua.
10 ngôi sao lương cao nhất lịch sử bóng đá Trung Quốc
Một số siêu sao bóng đá thế giới đã quyết định đến giải Super League và những Tevez, Lavezzi, Hulk, Oscar đã kiếm cho mình một khoản tiền khổng lồ từ việc chơi bóng ở Trung Quốc.
Việc các ngôi sao bóng đá đến Trung Quốc đã trở thành một xu hướng trong những năm trước đây. Một số đã chuyển sang các đội ở châu Á khác, trong đó có người chuyển đổi sớm hơn nhiều so với dự kiến vì họ vẫn còn có thể chơi bóng đỉnh cao tại châu Âu.
Video đang HOT
Và trong số những người đã chơi ở Chinese Super League, hầu hết đều kiếm được cho mình khối tài sản kết xù. Một cầu thủ được cho là bỏ túi mức lương gần 800.000 bảng Anh/tuần khi chơi cho Hebei China Fortune, tương đương gần 41,5 triệu bảng mỗi năm.
Nhiều ngôi sao như Tevez, Hulk, Oscar kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc. ẢNH: DAILY STAR
Super League của Trung Quốc giờ đây không còn là miền đất hứa của các siêu sao trời Âu khi quy định về mức lương trần được siết chặt, cũng như các doanh nghiệp bảo trợ cho các đội bóng ở Trung Quốc lao đao vì đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Daily Star Sport đã điểm lại 10 ngôi sao hưởng mức lương cao chưa từng thấy trong lịch sử bóng đá Trung Quốc.
1. Ezequiel Lavezzi (798.000 bảng Anh/tuần)
Tiền đạo người Argentina rời bỏ trời Âu sau 4 năm gắn bó với PSG để chuyển sang Trung Quốc thi đấu nào năm 2016. Lavezzi có 3 năm chơi cho CLB Hebei China Fortune thuộc giải Super League của Trung Quốc, nơi anh kiếm được đến 798.000 bảng Anh mỗi tuần. Đây là mức lương cao nhất lịch sử bóng đá Trung Quốc.
Cựu tiền đạo của Napoli đã chấm dứt sự nghiệp cầu thủ vào năm 2019 ở tuổi 34. Sau 75 lần ra sân ở Trung Quốc, Lavezzi ghi được 35 bàn thắng. Dù được trả lương cao nhưng Lavezzi không mang về bất cứ danh hiệu nào cho Hebei China Fortune.
Lavezzi kiếm được khoản tiền đáng kinh ngạc ở Trung Quốc. ẢNH: DAILY STAR
2. Carlos Tevez (634.615 bảng Anh/tuần)
Ở bất kỳ nơi nào khác, mức lương hơn 600.000 bảng Anh/tuần có thể giúp bạn trở thành cầu thủ có thu nhập cao nhất giải đấu nhưng ở Trung Quốc thì không. Và đó là vì Tevez chơi bóng ở Trung Quốc cùng thời điểm với người đồng hương Argentina Lavezzi.
Dù Tevez tài năng hơn, nổi tiếng hơn Lavezzi nhưng cựu sao Manchester United và Manchester City này kiếm được ít hơn người đồng hương 160.000 bảng Anh/tuần.
Tevez gia nhập Shanghai Shenhua vào năm 2017 từ Boca Juniors. Khoảng thời gian chơi bóng ở Trung Quốc của Tevez chỉ kéo dài 7 tháng, nơi anh xem đó như là một kỳ nghỉ mà vẫn kiếm được tiền "khủng". Sau đó, Tevez rời Trung Quốc trở lại quê nhà Argentiana thi đấu cho đội bóng thời thơ ấu Boca Juniors.
3. Oscar (500.000 bảng Anh/tuần)
Oscar từ bỏ đỉnh cao ở Premier League để đến Super League năm 2017. ẢNH: GETTY
Tiền vệ Oscar từ bỏ chơi bóng đỉnh cao ở Premier League cùng Chelsea để đến chơi bóng tại Trung Quốc vào năm 2017. Oscar đến CLB Shanghai SIPG khi mới 25 tuổi và hưởng mức lương 500.000 bảng Anh/tuần.
Nhiều người cảm thấy rằng tiền vệ người Brazil vẫn còn nhiều thứ để cống hiến ở các giải hàng đầu châu Âu nhưng Oscar đã từ bỏ tất cả để đến Trung Quốc. Oscar giúp Shanghai SIPG giành chức vô địch Super League vào năm 2018. Sau 144 trận ra sân cho CLB của Trung Quốc, Oscar ghi 44 bàn thắng.
4. Cedric Bakambu (341.000 bảng Anh/tuần)
Bakambu rời Villarreal đến Trung Quốc chơi cho Beijing Guoan vào ngày cuối cùng của năm 2018, nơi anh bỏ túi 341.000 bảng Anh/tuần. Tiền đạo này ghi 53 bàn sau 74 lần ra sân cho đội bóng thủ đô Trung Quốc, giành FA Cup vào năm 2018.
Bakambu, 30 tuổi được cho là sắp trở lại La Liga. Theo tờ El Nacional đưa tin, Barcelona đang quan tâm đến tuyển thủ người Congo này.
5. Hulk (320.000 bảng Anh/tuần)
Hulk có hơn 4 năm chơi cho Shanghai SIPG. ẢNH: GETTY
Một năm trước khi Oscar đến Thượng Hải, đồng đội người Brazil là Hulk đã chuyển sang cùng chơi cho CLB Shanghai SIPG. Hulk từ gã khổng lồ bóng đá Nga Zenit St Petersburg để đến Shanghai SIPG vào năm 2016 với mức phí chuyển nhượng 45 triệu bảng Anh và nhận lương 320.000 bảng Anh/tuần.
Tiền đạo người Brazil ở Trung Quốc đá bóng trong 4 năm rưỡi rồi rời đi vào tháng giêng vừa qua mà không có danh hiệu nào. Hulk từ chối gia hạn hợp đồng với Shanghai SIPG. Hiện Hulk đã trở về quê nhà Brazil chơi bóng cho Atletico Mineiro.
6. Graziano Pelle (263.000 bảng Anh/tuần)
Cựu tiền đạo của Southampton Pelle rời Premier League vào năm 2016 và chuyển đến Shandong Luneng (bây giờ là Shandong Taishan) với hợp đồng giúp ngôi sao người Ý này nhận 263.000 bảng Anh/tuần.
Mùa giải đầu tiên, Pelle chơi cực hay ghi 17 bàn sau 25 trận ra sân. Tổng cộng Pelle ghi 63 bàn trong tổng số 133 lần thi đấu ở Trung Quốc. Pelle rời Trung Quốc vào năm 2020 để trở lại Ý chơi cho Parma theo bản hợp đồng có thời hạn 1 năm. Hiện tại ở tuổi 36, Pelle đang thất nghiệp.
7. Stephan El Shaarawy (247.000 bảng Anh/tuần)
El Shaarawy giành FA Cup trong màu áo Shanghai Shenhua. ẢNH: DAILY STAR
Cựu sao AC Milan El Shaarawy gia nhập Shanghai Shenhua vào năm 2019 với mức phí chuyển nhượng 16 triệu euro (13,7 triệu bảng) và nhận lương tuần 247.000 bảng. El Shaarawy đã giúp CLB của mình giành FA Cup ngay mùa đầu tiên và đó cũng là chiếc cúp duy nhất El Shaarawy có được ở Trung Quốc.
Sau 2 mùa giải ở Trung Quốc, El Shaarawy rời Thượng Hải trở lại Serie A chơi cho AS Roma của HLV Jose Mourinho vào tháng giêng vừa qua dưới dạng chuyển nhượng tự do.
8. Paulinho (230.000 bảng Anh/tuần)
Cựu tiền vệ của Tottenham Paulinho không chỉ có một mà đến hai lần chơi bóng ở Trung Quốc, giữa hai lần đó là khoảng thời gian 2 năm khoác áo Barcelona.
Cầu thủ người Brazil này rời Premier League vào năm 2015 sau khi ký hợp đồng 4 năm với Guangzhou Evergrande, nơi anh kiếm 230.000 bảng mỗi tuần. Paulinho tạo ảnh hưởng ngay lập tức ở Trung Quốc với chức vô địch Super League trong 2 mùa giải ở CLB, trước khi gia nhập gã khổng lồ xứ Catalan Barca vào năm 2017.
Nhưng Paulinho đã trở lại Trung Quốc thi đấu vào năm 2019 và giành được 1 Super League khác cũng vào năm 2019. Hiện anh đã được CLB của Trung Quốc giải phóng hợp đồng sau một thỏa thuận chung giữa hai bên vào mùa hè vừa qua.
Paulinho, 33 tuổi gia nhập Al-Ahli vào tháng 7 nhưng rời đi trong hoàn cảnh đặc biệt chỉ 2 tháng sau khi đến Saudi Arabia. Hiện Paulinho là cầu thủ tự do.
9. Eder (213.000 bảng/tuần)
Eder rời Ý đến Trung Quốc chơi bóng. ẢNH: DAILY STAR
Một người có thu nhập cao bất ngờ trong danh sách này là Eder, người đã kiếm được khoản tiền lớn ở Trung Quốc. Theo tờ Statista, Eder nhận 213.000 bảng/tuần trong suốt ba năm chơi bóng ở Trung Quốc.
Jiangsu Suning, chủ sở hữu của Inter Milan đã đánh cược với một tiền đạo mới ghi 12 bàn ở Serie A sau 72 trận chơi cho Inter. Nhưng đó là "canh bạc" được đền đáp xứng đáng. Eder ghi bàn thường xuyên ở Trung Quốc và giúp CLB Giang Tô vô địch Super League 2020. Cầu thủ 34 tuổi này hiện đã trở về quê hương Brazil chơi cho Sao Paulo.
10. Marouane Fellaini (205.000 bảng Anh/tuần)
Cựu tuyển thủ Manchester United, Everton và tuyển Bỉ đã chọn Trung Quốc làm bến đỗ mới trong sự nghiệp cầu thủ của mình sau 6 năm gắn bó với "Quỷ đỏ". Fellaini, 33 tuổi đến CLB Shandong Luneng và nhận mức lương 205.000 bảng mỗi tuần.
Bóng đá Trung Quốc từng khuynh đảo thị trường chuyển nhượng ra sao? Năm 2016 là thời điểm bóng đá Trung Quốc khiến châu Âu lo lắng. Các CLB Super League ồ ạt nhắm vào lục địa già, đưa ra những lời đề nghị khiến nhiều cầu thủ không thể chối từ. Với tham vọng đưa đội tuyển nước nhà vào hàng ngũ những đội hay nhất World Cup, lãnh đạo Trung Quốc mở đường cho...