Bóng đá “chốt hạ” HCV 98, Việt Nam vượt Thái Lan ở SEA Games: Kỳ tích lịch sử sau 16 năm
Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) trải qua kỳ SEA Games thành công nhất lịch sử.
Thể thao Việt Nam hội nhập trở lại với thể thao khu vực, thi đấu SEA Games từ năm 1989 và sau đó cử các VĐV tới tranh tài. Thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam tại SEA Games là vào năm 2003, khi Đại hội được tổ chức tại sân nhà, chúng ta giành tổng cộng 158 HCV.
Bóng đá giành HCV thứ 98 cho đoàn TTVN tại SEA Games 30
Với số HCV ấn tượng Việt Nam có lần đầu giành ngôi nhất toàn đoàn và tất nhiên đó cũng là lần duy nhất, Việt Nam vượt qua được Thái Lan, đoàn thể thao tính đến nay đã có 13 lần đứng đầu SEA Games. Ngay cả khi chúng ta có 96 HCV, vẫn chịu cảnh xếp sau người Thái tại SEA Games 2011, khi đó đoàn thể thao xứ chùa vàng có 109 HCV.
Suốt 3 thập kỷ (từ năm 1989) Việt Nam mới qua mặt được Thái Lan đúng 1 lần khi SEA Games tổ chức trên sân nhà, vì thế tại SEA Games 30 chúng ta cũng chỉ đặt chỉ tiêu giành ngôi số 3 toàn đoàn (sau Thái Lan, Philippines). Nhưng điều không ai ngờ đã xảy ra, cho tới ngày thi đấu áp chót 10/12, đoàn Việt Nam đã giành tổng cộng 98 HCV, trong đó có tấm huy chương được coi như “Vàng 10″ từ môn bóng đá U22 nam.
Ngoài bóng đá gây bất ngờ, thành công của tuyển Việt Nam còn đến từ các môn quen thuộc như điền kinh, bơi, võ thuật… Nhiều HCV vẫn đến từ những ngôi sao quen thuộc song phần lớn HCV của Việt Nam lần này đều do các VĐV ít nổi tiếng mang về, đó là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển lâu dài của thể thao nước nhà.
Việt Nam mới có lần thứ 2 trong lịch sử vượt qua được Thái Lan ở SEA Games
Theo Nguyễn Hưng (Khám Phá)
Sau SEA Games, Ánh Viên sẽ điều chỉnh toàn bộ để hướng tới Olympic
Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 Trần Đức Phấn chia sẻ nhiều vấn đề của thể thao Việt Nam tại đại hội và tương lai xa hơn.
SEA Games 30 đã tới những ngày thi đấu cuối cùng. Trước khi đại hội khép lại, Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn đã có những trao đổi với báo chí về nhiều vấn đề.
Chiến thắng ấn tượng của điền kinh, bơi lội, cử tạ, những màn trình diễn chưa trọn vẹn từ Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh hay sự chuẩn bị của Việt Nam cho lần đăng cai kế tiếp vào năm 2021, tất cả đã được đoàn thể thao Việt Nam thông tin đầy đủ tới báo giới.
Thành tích các môn Olympic tương đối tốt
Video đang HOT
- SEA Games 30 đã đi gần tới kết thúc. Ông đánh giá thế nào về khả năng giành tốp 3 đại hội của Đoàn thể thao Việt Nam?
- Đến nay, chúng ta đã vượt qua chỉ tiêu đặt ra ban đầu. Chúng tôi đã nói nhiều lần về việc để vào tốp 3, Việt Nam phải đạt 60 tới 65 HCV trở lên. Đó là đánh giá về mặt cơ học sau khi loại bỏ một số môn Việt Nam không tham dự và đánh giá tổng quan từng nội dung. Tuy nhiên, qua quá trình thi đấu, đoàn đã vượt qua mốc này, có thể đạt được mục tiêu tốp 3.
- Vậy còn các môn thể thao Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ thì sao?
- Hiện nay, chúng tôi chưa tổng hợp kết quả để xem Việt Nam đứng thứ mấy. Sau khi kết thúc, đoàn sẽ lọc ra các nội dung Olympic, Asian Games và khu vực để sắp xếp thứ hạng. Về cơ bản, Việt Nam vẫn nằm tốp 3 ở nhóm các môn Olympic về số HCV. Thành tích các môn Olympic của chúng ta tương đối tốt.
- Ông đánh giá thế nào về các môn chơi tập thể ở SEA Games này như quần vợt, bóng rổ hay bóng chuyền?
- Năm nay, các môn chơi tập thể có sự đột phá. Tuy nhiên, cũng có những môn không giữ được thành tích. Bóng rổ lần đầu có huy chương ở nội dung 3 đấu 3 và 5 đấu 5, đã thắng các đội rất mạnh. Chuyên gia nói Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được đội tuyển 5-5 tốt vì người Việt Nam có tố chất linh hoạt, phát triển được. Đến SEA Games tới, đội sẽ phát triển hơn và đoạt huy chương.
Bên cạnh đó, quần vợt trước đây chưa phải là đột phá. Lần này, chúng ta có động lực từ các VĐV Việt kiều và đã thể hiện được mình. Nhìn chung, các môn tập thể có sự đột phá nhất định. Sắp tới SEA Games 31, ta sẽ phải đầu tư thêm cho nhóm môn này.
Tuy nhiên, bóng chuyền nam thua Philippines khá sâu và thua luôn cả Campuchia. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cái chính là VĐV còn trẻ, chưa được tập luyện và ăn ý.
- Vậy còn bóng đá nam, môn sẽ thi đấu chung kết tối nay thì sao?
- Có thể nói cả nước và nhân dân rất trông chờ vào tối nay. Tôi biết có tới 6 chuyên cơ CĐV Việt Nam đang sang đây. Vài năm gần đây, chúng ta có lứa cầu thủ tốt. Trình độ chuyên môn, năng lực thi đấu, kinh nghiệm cọ xát của các em đều tăng tiến nhiều. Với sự dắt của chuyên gia giỏi Hàn Quốc, đội tuyển đã cải thiện cả thứ bậc và khả năng giành huy chương đại hội.
Tôi đánh giá trận đấu với Indonesia rất khó khăn, nhưng tôi tin tưởng nhờ ý chí và khả năng, đội sẽ giành HCV lịch sử. Tôi có xuống thăm động viên sau trận bán kết. Quang Hải, Tiến Linh, Hùng Dũng và các VĐV đều khẳng định quyết tâm dù Quang hải còn đau... Nói chung, tinh thần toàn đội rất tốt và sẵn sàng nhập cuộc. Tuy nhiên, bóng đá chưa biết nói trước được. Mình quyết tâm, Indonesia cũng quyết tâm. Dù vậy, tôi vẫn tin tưởng vào U22 Việt Nam làm được điều lịch sử.
Ánh Viên giành 6 HCV, kém mục tiêu ban đầu đặt ra 2 HCV. Ảnh: Minh Chiến.
Ánh Viên phải điều chỉnh để hướng tới Asian Games, Olympic
- Chúng ta đã nói về những chiến thắng. Vậy còn những điều thất vọng thì sao?
- Chúng tôi không dùng từ thất vọng, mà là không hoàn thành nhiệm vụ trong trường hợp này. Ví dụ như môn cờ rất có thế mạnh, chúng ta có các VĐV hàng đầu nhưng cờ vua không lấy được HCV nào. Những môn không hoàn thành chỉ tiêu chắc chắn phải có đánh giá thật kỹ lý do vì sao, xem sao mà cả Quang Liêm, Trường Sơn rất mạnh nhưng phải tay trắng.
Bên cạnh đó, bắn súng cũng không có vàng. Hoàng Xuân Vinh vô địch Olympic nhưng cũng không có HCV.
Ở chiều ngược lại, một số môn đạt được bước đột phá, tôi đánh giá rất cao như cử tạ. Đó là một trong 5 môn Olympic bên cạnh điền kinh, bơi lội, TDDC và bắn súng. Tôi đã trao đổi với anh Kháng (lãnh đội cử tạ Đỗ Đình Kháng - PV) trước giải. Ta lấy được 1 HCV ở môn này cũng rất khó khăn. Vậy mà kết thúc, cử tạ có tới 4 HCV.
- Nói về nhóm môn Olympic, hẳn không thể quên bơi lội và điền kinh?
- Đúng, đội bơi năm nay rất xuất sắc. Cháu Hưng Nguyên mới 16 tuổi mà có 2 HCV, một nội dung phá kỷ lục.
Tú Chinh vô địch SEA Games trước nhưng đợt rồi có vài trục trặc, chấn thương kéo dài. Tôi rất lo chỗ đó. Khi Chinh thua VĐV nhập tịch của Philippines ở nội dung 200 m, chúng tôi đã nghĩ Chinh không hoàn thành được nhiệm vụ rồi. Nhưng khi Chinh về đích ở 100 m, tôi đánh giá cháu rất xuất sắc. Bản thân Chinh từng lo mình gặp tâm lý khi đấu VĐV nhập tịch. Nhưng cuối cùng, cháu đã thắng và thể hiện tâm lý thi đấu rất tốt.
Ngành thể thao sẽ xem xét lại toàn bộ vấn đề Ánh Viên và có thể thay HLV Đặng Anh Tuấn. Ảnh: Minh Chiến.
- Ánh Viên năm nay đã giành 6 HCV SEA Games trên mục tiêu 8 HCV đặt ra ban đầu. Tuy nhiên, thành tích của Viên có vẻ tiếp tục đi xuống ở các nội dung sở trường.
- Không phải bây giờ chúng tôi mới biết. Ai cũng thấy sự sa sút của Viên. Chúng tôi kỳ vọng đại hội này Ánh Viên sẽ đạt chuẩn Olympic nhưng không được. Ở đây, không chỉ mình tôi mà anh em đều biết, rất nhiều người đã biết.
Trước SEA Games, chúng tôi có trao đổi với anh Tuấn (HLV Đặng Anh Tuấn - PV) hết sức thẳng thắn. Nếu Ánh Viên không thi đủ nội dung thì chỉ cần em tập trung vào những nội dung đoạt huy chương. Nhưng Ánh Viên và anh Tuấn đều rất quyết tâm.
Cả với các VĐV khác, chúng tôi cũng nói như với Ánh Viên. Đoàn không đề nghị các bạn phải thi đấu để lấy huy chương, có thể chỉ tập trung vào nội dung đủ khả năng. Ngày nào gặp, tôi cũng bảo có lẽ thầy và trò phải tính toán lại thật kỹ. Lấy được HCV nào thì lấy, thậm chí không thì cũng không sao, đoàn có thiếu huy chương cũng không vấn đề gì.
Vấn đề này, ta nhìn nhận từ trước rồi. Ánh Viên sắp tới vẫn phải đầu tư để lấy chuẩn Olympic, tôi cũng nghĩ phải trao đổi với ban huấn luyện để điều chỉnh lại toàn bộ. 8 HCV ở đại hội trước (2017) không phải ai cũng có, trên thế giới ít người đạt được. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cao hơn là Asian Games và Olympic, Ánh Viên phải điều chỉnh lại toàn bộ. Sẽ phải có cuộc bàn thảo kỹ về vấn đề này để tấn công vào đấu trường cao hơn.
Tôi nói ngắn gọn lại, Viên sẽ có kế hoạch điều chỉnh, một là mục tiêu phải đạt chuẩn Olympic, hai là tấn công vào đấu trường cao hơn đồng thời phải lựa chọn và tập trung nội dung có thể đi xa.
Sau Philippines, Việt Nam sẽ là nước đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á kế tiếp. Ảnh: Thuận Thắng.
Việt Nam sẽ để lại hình ảnh đẹp ở SEA Games 31
- Ông đánh giá thế nào về công tác tổ chức của chủ nhà Philippines, điều đã bị chỉ trích rất nhiều thời gian qua?
- Đây là đại hội nhiều môn thi đấu nhất, nhiều cuộc họp trưởng đoàn nhất (ba so với một như mọi khi). Chúng ta đều thấy có rất nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng tôi đánh giá họ rất cố gắng và ngày càng tốt lên. Cách thức tổ chức rất chuyên nghiệp. Chỉ có điều cơ sở vật chất và kỹ thuật có ít thời gian chuẩn bị quá. Họ nhận đăng cai từ Brunei nên chỉ có hơn 20 tháng để chuẩn bị. Được như thế này đã là cố gắng rất lớn. Tôi đến đây từ 26/11, mỗi ngày tốt lên và đến giờ đều ghi nhận cố gắng nỗ lực lớn của chủ nhà.
Ban đầu, từ đón, đưa, sắp xếp ăn ở, ban tổ chức đều có những trục trặc, nước nào cũng bị. Ngay kể cả ở làng VĐV, do tính toán sai số lượng và phát sinh, họ đã gặp trục trặc. Sau đó, một số đội của vài nước phải chuyển ra khách sạn khiến VĐV bị ảnh hưởng khá nhiều.
- Sau Philippines, sẽ tới lượt Việt Nam đăng cai. Chúng ta có rút ra được bài học nào từ họ không?
- Khi Việt Nam tổ chức SEA Games, địa điểm đăng cai chính sẽ là Hà Nội, bên cạnh đó có 10 địa phương cùng tổ chức, xa nhất là Quảng Ninh. Hầu hết điểm khác chỉ trong khoảng cách 50, 60 km.
Chúng tôi đã cử một đoàn khảo sát, làm việc với ban tổ chức để rút kinh nghiệm. Đoàn đã về hôm 8/12. Bản thân Việt Nam cũng đã tổ chức một số kỳ đại hội. Chúng ta sẽ tổ chức được và tốt hơn. Tuy nhiên, khả năng ngoại ngữ chắc chắn không thể bằng Philippines nên sẽ có những hạn chế trong quá trình tổ chức.
Các nước ASEAN sẽ ngưỡng mộ Hà Nội. Hình ảnh truyền thông sẽ làm tốt nhất. Hiện nay, cây xanh, hoa trồng đã rất nhiều. Hai năm nữa, thành phố sẽ xanh lên, đẹp hơn, hoành tráng hơn.
- Các nước chủ nhà thường đưa nhiều môn thi đấu có lợi cho mình vào chương trình. Quan điểm của Việt Nam ở đại hội tới thì sao?
- Với chúng ta, quan điểm rất rõ là tổ chức hết các môn Olympic cơ bản, tất cả các nội dung. Chắc chắn Việt Nam phải làm tốt công tác này. Tôi hứa với anh chị phải làm thật chuẩn, chắc chắn không có chuyện đưa các môn, nội dung ở nhóm thứ ba của khu vực để lấy nhiều huy chương. Chúng ta càng tập trung Olympic càng nâng tầm Việt Nam lên.
Công tác trọng tài dứt khoát cũng phải làm cho chuẩn, chúng ta phải để lại hình ảnh Việt Nam đẹp, không thể khác được. Quá trình chuẩn bị tổ chức, chỉ đạo của lãnh đạo rất đúng, phải làm thật tốt nhằm để lại hình ảnh đẹp. Công tác chuyên môn cũng sẽ được chuẩn bị cẩn thận. Cơ sở vật chất có tốt tới đâu thì công tác chuyên môn, trọng tài vẫn là thứ quyết định thành công của SEA Games.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Theo Zing
Ánh Viên và tuyển bơi Việt Nam có thể giành hơn 10 HCV Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh đặt niềm tin vào đội tuyển bơi lội Việt Nam nói chung và Ánh Viên nói riêng sẽ bùng nổ ở ngày thi đấu 4/12. Đội tuyển bơi lội Việt Nam bước vào tranh tài ở 7 nội dung. Các kình ngư Việt Nam góp mặt ở tất cả nội dung với những...