Bốn lý do phải cực kỳ thận trọng với đồng tiền ảo mới của Facebook
Với 2,4 tỷ người dùng Facebook và 1,5 tỷ người dùng Whatsapp hiện nay, đồng tiền ảo Libra có thể sẽ mang tính toàn cầu trong một thời gian ngắn. Nhưng còn đó nhiều rủi ro đối với hoạt động tài chính cá nhân, thậm chí với sự ổn định tài chính thế giới.
Ngày 18/6 vừa qua, Facebook đã giới thiệu Libra, một loại tiền điện tử cho phép người dùng thực hiện thanh toán quốc tế qua Messenger và các nền tảng nhóm khác như WhatsApp, dự kiến hoạt động từ năm 2020.
Cách thức hoạt động
Người dùng sẽ mua Libra bằng đồng nội tệ của mình và giữ số dư tiền trong ví điện tử của Facebook, được gọi là Calibra. Họ có thể chuyển tiền cho người dùng khác, như người thân trong gia đình sống ở quốc gia khác, hoặc mua các mặt hàng hay dịch vụ từ nhà bán lẻ trực tuyến tham gia hệ thống. Ngoài Calibra, người dùng có thể mua và bán Libra thông qua ví của bên thứ ba.
Để chuyển đổi tiền mặt trong thế giới thực thành tiền ảo người dùng có thể tới các cửa hàng tiện lợi để nạp, giống như cách nạp thẻ điện thoại. Ý tưởng ở đây là một Libra sẽ có giá trị tương đương với một lượng USD, euro nhất định, nhưng giá trị quy đổi chưa được xác định.
Sau khi Libra ra mắt vào 2020, người dùng sẽ cần cung cấp chứng minh cá nhân do chính phủ cung cấp để lập tài khoản.
Một lý do chính cho sự ra đời của Libra, theo Facebook, là để tạo thuận lợi về tài chính. Nó sẽ cho phép hàng triệu người dùng không có tài khoản ngân hàng ở các khu vực xa xôi trên thế giới giao dịch theo cách mà các hệ thống tài chính chính thức đã từ chối họ. Bởi vì họ có thể gửi và nhận Libra trên cơ sở ngang hàng, mà không cần ngân hàng; các giao dịch cũng sẽ rẻ hơn và nhanh hơn.
Libra dường như được thiết kế để tránh khỏi sự chỉ trích về các loại tiền điện tử hiện có như Bitcoin và Ethereum – rằng chúng không thể thỏa mãn ba đặc điểm cơ bản của tiền tệ: là phương tiện trao đổi; một kho lưu trữ giá trị và một đơn vị tài khoản.
Tranh cãi xảy ra do những đồng tiền ảo này không thể trao đổi rộng rãi và vì giá trị trao đổi biến động lớn khiến chúng không hấp dẫn để lưu trữ như của cải hoặc định giá hàng hóa và dịch vụ. Tóm lại, chúng không thực sự khả thi như tiền thật.
Trong khi tỷ giá hối đoái của các loại tiền điện tử khác hoàn toàn bị chi phối bởi cung và cầu, đồng Libra sẽ được định giá theo rổ tiền gửi ngân hàng và các loại trái phiếu chính phủ ngắn hạn bằng các loại tiền tệ có uy tín như đồng đô la Mỹ, bảng Anh và euro. Do đó, nó sẽ là một đồng tiền ổn định, ít có khả năng chứng kiến những biến động tương tự như các loại tiền kỹ thuật số khác.
Video đang HOT
Tuy vậy, theo tờ Conversation, đồng tiền mới của Facebook vẫn đặt ra một số vấn đề cần được xem xét nghiêm túc trước khi nó ra mắt:
1. Facebook và dữ liệu
Facebook đã cố gắng trấn an thế giới bằng cách giao việc quản lý Libra cho một nền tảng độc lập được gọi là Hội đồng Hiệp hội Thiên Bình. Đặt trụ sở tại Geneva, nhóm này sẽ bao gồm đại diện các tổ chức tài chính chính thống như PayPal, Mastercard và Visa, những bên đã đầu tư đáng kể vào dự án này, cũng như Uber, Spotify và Vodafone. Hội đồng rõ ràng được thiết kế để tối đa hóa việc tham gia vào đồng tiền mới.
Tuy nhiên, những bê bối xử lý sai dữ liệu của Facebook vẫn là một lý do gây lo ngại. Mặc dù Facebook đảm bảo rằng họ sẽ giữ các dữ liệu tài chính và xã hội của người dùng một cách tách biệt chặt chẽ, nhưng vẫn còn đó câu hỏi là: nếu họ đã từng xử lý sai dữ liệu xã hội, thì liệu có thể tin cậy được không với dữ liệu tài chính của người dùng.
2. Rửa tiền
Libra có liên quan lớn đến các quy tắc trong chống rửa tiền. Giống như bất kỳ bên trung gian tài chính nào khi tiếp nhận một khách hàng mới, Facebook sẽ phải thu thập các thông tin xác minh khác nhau của người dùng muốn thiết lập tài khoản ví Calibra, trong đó có cả chứng minh nhận dạng cá nhân do chính phủ cấp.
Nhưng vì người dùng sẽ ở khắp nơi trên thế giới, Facebook sẽ xác thực thông tin được cung cấp như thế nào? Đó là vấn đề cũng xảy ra với Liberty Reserve, một loại tiền kỹ thuật số hoạt động ở Costa Rica và được các đối tượng rửa tiền sử dụng để “rửa” hàng tỷ đô la Mỹ cho đến khi nó bị cấm vào năm 2013. Các công tố viên sau đó mô tả đây có thể là vụ án rửa tiền lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Liberty Reserve hoạt động theo cách tương tự như PayPal. Nó cho phép người dùng đăng ký và chuyển tiền cho người dùng khác chỉ với tên, địa chỉ email và ngày sinh. Không có nỗ lực nào được thực hiện để xác minh danh tính người dùng, và đồng tiền này đã thu hút nhiều hoạt động bất hợp pháp.
Người dùng sẽ chuyển tiền từ ngân hàng truyền thống sang một bên trao đổi thứ ba, thường không được cấp phép và không hoạt động đúng quy định. Bên thứ ba này sẽ chuyển đổi tiền thật sang tiền kỹ thuật số, loại tiền không thể truy dấu nguồn gốc ban đầu của nó, và sau đó được gửi vào tài khoản Liberty Reserve. Không có giới hạn về quy mô giao dịch. Liberty tính phí dịch vụ 1% cho mỗi lần chuyển và cung cấp chức năng giỏ hàng. Tất cả các giao dịch đều 100% không thể hủy ngang.
Cuộc điều tra dẫn đến việc đóng cửa Liberty cũng rất có vấn đề khi các công tố viên yêu cầu sự hợp tác của nhiều khu vực pháp lý với các quy tắc lỏng lẻo xung quanh việc chống rửa tiền hoặc điều tra tội phạm tài chính. Trong khi đó, mặc dù Libra sẽ được hỗ trợ bởi một loạt các công ty blue chip, nhưng có vẻ như nó cũng có khả năng dẫn đến những vấn đề tương tự.
3. Bảo mật người dùng
Facebook cho biết họ sẽ chịu chi phí tổn thất phát sinh từ các vụ tấn công mạng nhằm vào ví Calibra, lừa đảo và mất quyền truy cập vào tài khoản. Nhưng làm thế nào điều này khả thi ngay cả đối với một công ty công nghệ lớn trong trường hợp phải đối mặt với tổn thất khổng lồ? Facebook hoặc Hội đồng Thiên Bình sẽ cần chấp nhận các yêu cầu tương tự như bất kỳ ngân hàng nào khác là phải dành riêng một mức vốn nhất định phục vụ trang trải chi phí cho các sự cố như vậy.
4. Rủi ro hệ thống
Quy mô tuyệt vời của dự án Libra thực sự đáng kinh ngạc. Facebook có 2,4 tỷ người dùng, trong khi WhatsApp có 1,5 tỷ. Đặc biệt nếu Facebook thúc đẩy mối quan hệ của mình với 7 triệu nhà quảng cáo và hơn 90 triệu doanh nghiệp nhỏ, đồng tiền Libra có thể sẽ mang tính toàn cầu trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhưng điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định tài chính toàn cầu và rủi ro hệ thống.
Libra rõ ràng sẽ cần một quy định toàn cầu phù hợp, nhưng điều này không thực sự tồn tại và rất khó có thể xuất hiện trong năm tới. Liệu việc đề ra quy định này có thuộc về một trong những cơ quan điều phối ngân hàng quốc tế – như Ủy ban Điều tiết ngân hàng Basel (BCBR), Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính (FCTF) hoặc Hội đồng Ổn định tài chính (FSB) – hay một hiệp hội các ngân hàng trung ương toàn cầu?
Ngay cả trước khi có thông báo về Libra, việc thiếu một quy định toàn cầu về tiền điện tử đã là một chủ đề nóng: các cuộc thảo luận giữa các quốc gia và các tổ chức chính liên quan đến tài chính quốc tế vẫn đang diễn ra để giải quyết vấn đề này, nhưng không có tổ chức nào được chỉ định quyền giám sát toàn cầu.
Nếu những vấn đề trên có thể được giải quyết, Libra sẽ sẵn sàng thống trị không gian tiền điện tử – và rất có thể trở thành một loại tiền tệ toàn cầu. Tuy nhiên, trong trường hợp không có một chế độ điều tiết toàn cầu duy nhất, Libra cũng đòi hỏi một mức độ phối hợp điều tiết mạnh mẽ trên toàn thế giới. Đó sẽ là một thử thách to lớn.
Theo báo Tin Tức
Đồng sáng lập Facebook: Các tập đoàn giàu lên nhờ Libra, nhưng các nước đang phát triển sẽ gặp khó
Chris Hughes, đồng sáng lập mạng xã hội lớn nhất hành tinh, chia sẻ những góc nhìn thú vị về Facebook nói chung và đồng tiền mã hoá mới ra mắt Libra của công ty này nói riêng.
Hughes, mặc dù vẫn luôn coi Mark Zuckerberg là bạn, nhưng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng Zuckerberg hiện đang nắm quá nhiều quyền lực, và do đó công ty nên được chia nhỏ thành các công ty con. Hôm thứ sáu vừa qua, Hughes đưa ra lời cảnh báo, rằng đồng tiền điện tử mới Libra đang được Facebook lên kế hoạch tung ra thị trường có thể sẽ khiến quyền lực tiền tệ dịch chuyển và rơi vào tay các công ty, doanh nghiệp lớn.
" Hành động nhanh và thay đổi mọi thứ "câu thần chú" của Facebook vào những ngày đầu là một khẩu hiệu hữu ích để thúc đẩy một mạng xã hội khởi nguồn từ trường đại học, nhưng hoàn toàn không phù hợp đối với hệ thống tiền tệ quốc tế," Hughes chia sẻ quan điểm trong bài bình luận được đăng tải trên chuyên trang The Financial Times.
Hiệp hội Libra, có trụ sở tại Thuỵ Sĩ, là một tổ chức gồm Facebook và các công ty đối tác trên toàn cầu. Hiệp hội thu phí tham gia là 10 triệu USD đối với các công ty muốn gia nhập, và có chức năng đưa ra các quyết định điều hành đồng tiền quốc tế mới này.
Hughes, người đã rời khỏi Facebook từ năm 2007, hôm thứ sáu vừa qua đã đăng tải một đoạn tweet lên mạng xã hội Twitter cho rằng Libra là một ý tưởng " vừa tuyệt vời vừa đáng sợ" bởi nó sẽ làm dịch chuyển cán cân quyền lực về phía các công ty tư nhân. Ông viết:
"Hãy hình dung bối cảnh đồng tiền Libra hoạt động đúng như dự kiến của những người sáng lập ra nó. Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới sẽ có thể gửi tiền xuyên biên giới dễ dàng như việc gửi một tin nhắn điện thoại vậy. Mục tiêu của Hiệp hội Libra được nêu cụ thể là thúc đẩy "các hình thức điều hành phi tập trung". Nói cách khác, Libra sẽ làm phá vỡ và suy yếu các quốc gia thông qua việc cho phép người dân thoải mái chuyển tiền ra khỏi các quốc gia đang có bất ổn về tiền tệ, sang một loại tiền mới vốn chỉ là một cách gọi khác của đồng USD và euro, một đồng tiền được quản lý bởi các tập đoàn tư nhân."
Hughes đặc biệt lo ngại về việc một đồng tiền như Libra sẽ có tác động như thế nào đối với một nền kinh tế đang phát triển như Hy Lạp, " nếu người dân giao dịch bằng một ngoại tệ không phải là đồng tiền của nước họ, có thể sẽ làm suy yếu khả năng quản lý thị trường của chính phủ thông qua các các nỗ lực kiểm soát nguồn cung tiền tệ, các hình thức giao dịch, và trong một số trường hợp, sẽ đe doạ đến khả năng thiết lập các hình thức kiểm soát dòng vốn của chính quyền sở tại."
Ông dẫn chứng tình hình kinh tế bất ổn của Hy Lạp và sự thất bại của chính phủ nước này trong việc kiểm soát đồng tiền của chính nước họ, làm bằng chứng cho những thiệt hại có thể xảy đến với đồng tiền nội địa của các nước.
Libra là đồng tiền điện tử mới được giới thiệu hồi đầu tuần qua và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm sau. Đồng tiền này được quản lý và điều hành bởi một hiệp hội gồm khoảng 100 tập đoàn, công ty khổng lồ, trong đó có Facebook, Visa và Uber. Ngay cả khi Facebook đã chính thức công bố về đồng tiền điện tử mới này tới công chúng vào thứ Ba vừa qua, vẫn còn rất nhiều câu hỏi mà bản thân Facebook cũng như các cơ quan hành pháp - vốn đã bắt đầu gây áp lực lên gã khổng lồ của Thung lũng Silicon về kế hoạch của họ - cần phải đi tìm câu trả lời.
Hughes bày tỏ quan điểm hối thúc các cơ quan thực thi pháp luật nhanh chóng vào cuộc.
" Nếu các cơ quan thực thi pháp luật không hành động ngay bây giờ, mọi thứ có thể nhanh chóng trở nên quá muộn," Hughes cảnh báo.
" Chúng tôi sẵn sàng trả lời các chất vấn của các nhà làm luật trong quá trình triển khai đồng tiền này," người phát ngôn Facebook cho biết khi được đề nghị nêu quan điểm của công ty về bài viết của Hughes.
Nhiều đại diện các cơ quan thực thi pháp luật cũng đồng tình với quan điểm của Hughes. Cơ quan chức năng tại Hoa Kỳ và châu Âu đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hình thức tiền tệ mới này. Nghị sĩ Hạ viện Mỹ Maxine Waters kêu gọi đình chỉ toàn diện Libra, trong khi đó Uỷ ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức một phiên thảo luận về loại tiền tệ số mới này vào tháng 7 tới.
" Facebook hiện tại đã quá lớn và có quá nhiều quyền lực rồi, và mạng xã hội này đã sử dụng sức mạnh đó để khai thác dữ liệu của người dùng mà không quan tâm đến việc bảo vệ quyền riêng tư cho họ," nghị sĩ Mỹ Sherrod Brown phát biểu hôm thứ 3 ngay sau khi Libra được công bố. " Chúng ta không thể cho phép Facebook vận hành một loại tiền mã hoá đầy rủi ro này tại một ngân hàng ở Thuỵ Sĩ mà không có sự giám sát nghiêm ngặt. Tôi kêu gọi các kiểm sát viên về lĩnh vực tài chính của chúng ta cần nghiên cứu việc này một cách kĩ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người dùng được bảo vệ."
Facebook hiện vẫn là mục tiêu điều tra của chính quyền nhiều nước trên khắp thế giới vì các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, và đang phải đối diện với án phạt hàng tỷ USD từ các nhà hành pháp Mỹ vì vi phạm quy định về quyền riêng tư.
Theo VN Review
Libra, đế chế mới của nền công nghiệp tiền ảo có thể làm 'trùm' thế giới không? Facebook cho ra đời đồng Libra đang trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Triển vọng của đơn vị tiền tệ này hiện còn là một ẩn số. Nhà sáng lập tiền ảo Libra đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. Chính thức ra mắt vào ngày 16/8, cùng với sự hậu thuẫn từ các đại gia tài chính và...