Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh
Ngày 6-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có Công văn số 1376/BYT-KHTC về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo đó, Bộ Y tế nhận được Công văn số 454/BVBM-TCKT ngày 3-3 của Bệnh viện Bạch Mai về báo cáo và công khai giá dịch vụ y tế, trong đó có việc ban hành tạm thời giá khám bệnh theo yêu cầu và giá giường dịch vụ (mỗi loại có 4 mức giá).
Về vấn đề này, theo Bộ Y tế, ngày 27-1, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 655/VPCP thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá năm 2021, trong đó đã chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng với đó, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 19 của Luật Giá năm 2012, giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước là dịch vụ do Nhà nước quản lý giá (bao gồm giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu và giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế).
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19-5-2010 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành. Với giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Bộ Y tế ban hành khung giá tính đến các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám, chữa bệnh, có tích lũy, trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam.
Quy định tại Nghị quyết số 33/NQ-CP nêu rõ: Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.
“Như vậy, giá khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước phải áp dụng theo giá, khung giá do Bộ Y tế ban hành”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu trong Công văn số 1376/BYT-KHTC.
Một vấn đề khác cũng được lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, do diễn biến tình hình dịch Covid-19 đang phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nên Bộ Y tế chưa ban hành thông tư quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập, chưa báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến về việc điều chỉnh giá dịch vụ trong năm 2021 (kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế).
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện, kể cả các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá khám bệnh, chữa bệnh.
Trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng cao của người dân, Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai đã nhất trí thông qua một số nội dung về giá dịch vụ khám, chữa bệnh tạm thời tại bệnh viện từ tháng 4-2021. Việc điều chỉnh này chỉ áp dụng với một số dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người dân. Với bệnh nhân nghèo, có bảo hiểm y tế, bệnh viện vẫn áp dụng mức giá khám, chữa bệnh như hiện tại.
BV Bạch Mai công khai giá khám bệnh dịch vụ: Chuyên gia nói gì?
BV Bạch Mai vừa có thông báo giá dịch vụ y tế và giường bệnh, khám theo chức danh giáo sư cao nhất là 550.000 đồng, giường bệnh toàn diện hơn 3 triệu/người/ngày.
Video đang HOT
Ngay sau khi thông báo được phát đi, đã có rất nhiều người dân bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này. Một số người cho rằng với mức giá như vậy là hợp lý, phù hợp với nhu cầu của những người có nhu cầu, đủ điều kiện kinh tế được hưởng dịch vụ tốt mỗi khi vào viện. Nhưng một số người cũng cho rằng giá trên là quá cao. Không ít người thắc mắc vì sao một bệnh viện công lớn nhất nước như Bạch Mai lại có mức giá dịch vụ cao đến vậy.
Bệnh viện Bạch Mai.
Chỉ Bạch Mai mới có?
Theo như thông báo nhất của Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, giá một số dịch vụ được áp dụng tại bệnh viện bắt đầu từ 1/4 sẽ là Khám thạc sĩ, BSCKI: 250.000 đồng; Khám tiến sĩ, BSCKII: 350.000 đồng. Khám phó giáo sư: 450.000 đồng. Cao nhất là khám giáo sư: 550.000 đồng.
Còn về giường bệnh theo yêu cầu (đã bao gồm chi phí của gói chăm sóc toàn diện) cao nhất là giường chăm sóc toàn diện - loại 2.1 (phòng 2 người, trong đó có 1 người bệnh, sử dụng hết cả phòng): 3.300.000 đồng/người/ngày.
Theo tìm hiểu, không chỉ riêng ở Bệnh viện Bạch Mai mà rất nhiều các cơ sở y tế, bệnh viện khác trên cả nước cũng đã có những thông báo về giá khám dịch vụ. Đơn cử như tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giá khám cho chức danh giáo sư là 500.000 đồng/lượt. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, trước đó bệnh viện cũng đưa ra mức giá khi khám dịch vụ chức danh giáo sư là 350.000 đồng/lượt, phó giáo sư là 250.000 đồng, còn khám bác sĩ, Trưởng, Phó khoa là 150.000 đồng/lượt.
Tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 680.000 đồng/lượt khám theo yêu cầu nếu khám bác sĩ chuyên khoa không hẹn trước. Nếu hẹn trước, mức giá mà bệnh nhân phải chi trả là 580.000 đồng/lượt.
Không chỉ có vậy, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng có danh mục các dịch vụ tại giường bệnh đối với các khu tự nguyện tương đương với cơ sở vật chất của khách sạn 3 sao. Giá các khu vực này thường chỉ dưới 2 triệu đồng/giường.
Như vậy có thể thấy, không chỉ có Bệnh viện Bạch Mai mà rất nhiều bệnh viện khác đã có thông báo về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu đối với chức danh và chi phí giường bệnh thuộc danh mục này.
Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Văn Ngân)
Giá như vậy đã hợp lý?
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam - Đại học Y Dược TP.HCM, việc phân cấp phòng khám theo chức danh như Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều bệnh viện áp dụng. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Nghĩa là ai muốn khám giáo sư, phó giáo sư thì có thể chọn, nếu thích vẫn có thể khám bình thường.
Về quan điểm cá nhân, phó giáo sư Nam cho rằng việc đưa ra bảng giá theo chức danh như trên là khá phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân. Bởi việc này sẽ giúp giảm tình trạng quá tải ở phòng khám giáo sư nhưng lại ít người ở phòng khám bác sĩ.
"Một phần người Việt mình cũng đang có xu hướng quan tâm tới chức danh nhiều hơn. Nhưng cũng phải hiểu rõ rằng, thực tế các giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam hiện nay đều có học thuật rất tốt. Để có được chức danh đó, họ đã phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, dùi mài kinh sử. Cho nên cũng không thể đánh đồng được họ với các bác sĩ khác được. Nói vậy nhưng không có nghĩa khẳng định hoàn toàn cứ giáo sư là cao siêu và chúng ta cũng không thiếu bác sĩ không chức danh nhưng vẫn rất giỏi", ông Nam nói.
Theo ông Nam, việc đưa ra giá cụ thể như trên sẽ giúp các cơ sở y tế có một khu dịch vụ giá cao, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân có khả năng chi trả cao, tăng nguồn thu để tăng chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ...
Tuy nhiên chuyên gia này cho rằng, các bệnh viện cũng cần có các biện pháp làm sao cho phù hợp, để qua đó cân nhắc không mở rộng dịch vụ này mà giảm cơ hội điều trị, chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân BHYT hay bệnh nhân nghèo do chia sẻ tài nguyên trên.
Bộ Y tế lên tiếng
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), nhiều năm trước, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn về Tiêu chuẩn phòng dịch vụ theo yêu cầu và khung giá dịch vụ theo yêu cầu. Hướng dẫn này quy định rất rõ về giá khám theo yêu cầu không vượt quá 500.000 đồng/lượt, giá giường bệnh trong khoảng từ 1,3 đến 4 triệu đồng/giường/ngày.
Tuy nhiên, ông Liên cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Thủ tướng đã yêu cầu không điều chỉnh giá viện phí (bao gồm cả giá dịch vụ theo yêu cầu) nên hướng dẫn trên chưa được ban hành và thực hiện.
"Chính vì vậy, hiện các bệnh viện vẫn đang áp dụng giá cũ, thậm chí có nơi còn có giá khám theo yêu cầu cao hơn giá trần dự kiến trong khung. Mặt khác, nếu chúng ta có được khung giá, các bệnh viện sẽ phải điều chỉnh giá về dưới khung theo quy định", ông Liên nói.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tê) cũng thông tin thêm, do giá dịch vụ y tế thông thường mới đang thu trực tiếp cấu thành nên chi phí dịch vụ và tiền lương của y bác sĩ chưa tính chi phí quản lý, khấu hao tài sản của bệnh viện nên giá dịch vụ theo yêu cầu vẫn đang cao hơn giá thông thường.
Ngoài ra, do chưa ban hành được khung cụ thể nên mỗi cơ sở y tế, bệnh viện sẽ khác nhau về giá và tiêu chuẩn về phòng theo yêu cầu cũng chưa tuân thủ theo khung dự kiến của Bộ Y tế. " Nếu có quy định rõ ràng, người dân sẽ đỡ lo hơn mỗi lần đến khám, điều trị tại bệnh viện ", ông Liên nhấn mạnh.
Giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai được áp dụng từ ngày 1/4 như sau:
Giá khám bệnh theo yêu cầu có 4 mức:
- Khám giáo sư: 550.000 đồng.
- Khám phó giáo sư: 450.000 đồng.
- Khám tiến sĩ, BSCKII: 350.000 đồng.
- Khám thạc sĩ, BSCKI: 250.000 đồng.
Giá giường bệnh theo yêu cầu (đã bao gồm chi phí của gói chăm sóc toàn diện):
- Giường chăm sóc toàn diện - loại 1 (1 người/phòng): 2.300.000 đồng/người/ngày.
- Giường chăm sóc toàn diện - loại 2 (2 người/phòng): 1.800.000 đồng/người/ngày.
- Giường chăm sóc toàn diện - loại 3 (3-4 người/phòng): 1.390.000 đồng/người/ngày.
- Giường chăm sóc toàn diện - loại 2.1 (phòng 2 người, trong đó có 1 người bệnh, sử dụng hết cả phòng): 3.300.000 đồng/người/ngày.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc xây dựng bảng giá mới cho dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Trước đây, mỗi người bệnh nằm viện nội trú sẽ phải kèm ít nhất 1-2 người nhà đi cùng để chăm, nay với dịch vụ trọn gói, bệnh nhân sẽ được chăm sóc toàn diện với nhân viên được đào tạo, tập huấn bài bản.
Tuy nhiên, phía bệnh viện cũng cho biết, đây chỉ là giá thí điểm, sau đó bệnh viện sẽ tổng kết đánh giá để điều chỉnh cả về tổ chức, giá cá sao cho phù hợp.
PGS.TS. Trương Thanh Hương: Nhà khoa học cống hiến hết mình vì sức khỏe cộng đồng PGS.TS. Trương Thanh Hương là một trong những nhà khoa học, giảng viên hàng đầu trong lĩnh vực y khoa tại Việt Nam. Chị đã có nhiều nghiên cứu khoa học mang lại giá trị lớn cho ngành y khoa. Hiện chị là Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Y Hà Nội, thuộc Bộ Y tế. PGS.TS. Trương Thanh Hương khám...