Bộ Y tế: Hơn 43.600 người mắc, 22 ca tử vong vì sốt xuất huyết
So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 53%, hiện ghi nhận hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong.
Thông tin trên được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022. Các trường hợp tử vong tại TP.HCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).
Bộ Y tế cảnh báo, hiện đang là cao điểm mùa dịch, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây. Dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.
Bộ đề nghị các Viện đầu ngành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, huyện, vùng nóng ghi nhận số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết cao để tập trung hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng chống sốt xuất huyết.
Video đang HOT
Đồng thời, các đơn vị cần phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phụ trách. Các đơn vị kịp thời báo cáo và chủ động tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Bộ cũng yêu cầu các Viện tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giảm sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng.
Trước đó, Cục Y tế dự phòng gửi văn bản tới các Sở Y tế đề nghị tăng cường phòng chống sốt xuất huyết và hưởng ứng ASEAN Dengue Day lần thứ 12 (ngày 15/6/) với chủ đề “Đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết”.
Các đơn vị tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
TP.HCM là địa phương có dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất cả nước. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca. Trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).
HCDC khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi… Người dân cần đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi.
Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng. Người dân cũng cần sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Đồng Nai: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, trong tuần (từ ngày 21-27/5), toàn tỉnh ghi nhận hơn 340 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, tăng đột biến so với những tuần trước đó (tăng 60% so với tuần trước đó và tăng 252% so với cùng kỳ năm ngoái).
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 27/5, toàn tỉnh ghi nhận gần 3.200 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2021; phát hiện 456 ổ dịch, đã xử lý 436 ổ (tỷ lệ xử lý đạt 95,6%); tỷ lệ ca mắc trên 100.000 dân là 96 ca, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 (74 ca). Trong số 3.200 ca mắc sốt xuất huyết, có gần 70% bệnh nhân từ 15 tuổi trở xuống, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái; ghi nhận 3 ca tử vong.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai nhận định, tình hình trên cho thấy Đồng Nai đang bùng phát bệnh sốt xuất huyết, số ca mắc tăng đột biến. Trong đó, các địa phương đang có ca mắc sốt xuất huyết là: Biên Hòa, Định Quán, Long Khánh, Long Thành, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) vòng 1 ngay trong tháng 5, tại các điểm có nguy cơ cao về bệnh sốt xuất huyết nhằm giảm tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, phòng ngừa chủ động, tích cực dựa vào cộng đồng. Hiện nay, đã có 3 địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng vòng 1 gồm: Tân Phú, Thống Nhất, Cẩm Mỹ.
Trước đó, Đoàn công tác của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đoàn đã đi kiểm tra tại Trung tâm Y tế huyện Long Thành, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa (huyện Long Thành), Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Sau khi đi kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, các chuyên gia dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn biến phức tạp. Diễn biến này phù hợp với chu kỳ dịch bệnh của sốt xuất huyết.
Theo nhận định của đoàn công tác, số ca mắc sốt xuất huyết có thể nhiều hơn số ca được ghi nhận. Tổng số ca mắc được ghi nhận thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được thống kê, đặc biệt là các ca sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại các phòng khám tư nhân.
Đoàn công tác đề nghị tỉnh Đồng Nai cần làm tốt công tác giám sát, ghi nhận và nhập số liệu ca bệnh sốt xuất huyết liên tục; không để sót ổ dịch, khi đã xác định ổ dịch thì phải xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ, trong đó quan trọng là bác sĩ, điều dưỡng của các bệnh viện, phòng khám tư nhân; chuẩn bị sẵn vật tư, trang thiết bị phục vụ điều trị. Tỉnh cần có kế hoạch, có chiến lược để khi dịch bùng phát thì có thể đối phó được, hạn chế ca nặng và không để xảy ra tử vong. Đặc biệt cần tuyên truyền, lưu ý người dân khi bị sốt thì nên nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và đi khám bệnh kịp thời tại cơ sở y tế có đủ khả năng khám và điều trị.
Các bác sĩ khuyến cáo, để hạn chế tối đa số ca mắc sốt xuất huyết, số ca bệnh nặng và tử vong, người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc, môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt muỗi, lăng quăng, đi ngủ phải bỏ mùng (màn), mặc quần áo dài tay... tránh bị muỗi đốt. Khi trẻ hoặc người lớn sốt đến ngày thứ hai, uống thuốc hạ sốt mà không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Số ca mắc sốt xuất huyết nặng tại TP.HCM tăng gấp 5 lần Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách HCDC cho biết, tính đến 12h trưa 12/5, thành phố có 7.129 ca sốt xuất huyết, tăng 10,77%...