Bộ Tư pháp “tuýt còi” Thông tư về diện tích chung cư
Cơ quan kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng xử lý nội dung “cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư” trong Thông tư 16 vì chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị xử lý văn bản liên quan đến cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư được dư luận tranh cãi lâu nay.
Trước đó, một số công dân các khu chung cư Keangnam, Dương Nội phản ánh họ bị chủ đầu tư “ăn bớt” diện tích căn hộ do cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng không phù hợp với quy định pháp luật.
Phần sở hữu chung bị đem chia
Cục Kiểm tra Văn bản cho biết, theo quy định trong Luật Nhà ở và Nghị định số 71 năm 2010 quy định hướng dẫn vể Luật Nhà ở, “phân diên tich thuôc sơ hưu chung cua cac chu sơ hưu nha chung cư baogôm: không gian, hanh lang, câu thang bô, câu thang may, sân thương, khung, cột, tường chịu lực, tương bao ngôi nha, tương phân chia cac căn hô, sàn, mái …”.
Quy định này được hiểu đây là cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán theo nguyên tắc kích thước thông thuỷ.
Trong khi đó, Thông tư số 16 của Bộ Xây dựng lại hướng dẫn, “Đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư …; diện tích sàn căn hộ mua bán (được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ)”.
Nội dung này tiếp tục được hướng dẫn trong Công văn số 124 của Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản: “Về việc tính diện tích sàn căn hộ… Đối với phương thức xác định kích thước tính từ tim tường thì diện tích sàn căn hộ không phải trừ diện tích thuộc sở hữu chung …”.
Như vậy, theo Cục Kiểm tra Văn bản QPPL, quy định cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán theo tim tường (không phải trừ diện tích thuộc sở hữu chung) tại Thông tư số 16 và Công văn số 124 của Bộ Xây dựng là chưa phù hợp với Luật Nhà ở và Nghị định số 71 của Chính phủ.
Video đang HOT
Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng xử lý nội dung “cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư” trong Thông tư 16 vì chưa phù hợp với quy định pháp luật. Ảnh minh họa
Cơ quan này cũng cho biết, theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 71, phần tường bao ngôi nhà và tường phân chia các căn hộ thuộc sở hữu chung. Và theo quy định của Bộ Luật dân sự, phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia.
Tuy nhiên, theo cách hướng dẫn của Thông tư số 16 và Công văn số 124, phần sở hữu chung (tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ) đã bị đem chia cho các chủ sở hữu các căn hộ vì thế nó được tính vào diện tích sàn căn hộ mua bán và được ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ. Mà theo Thông tư 17 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: “đối với căn hộ chung cư thì ghi diện tích sàn căn hộ theo hợp đồng mua bán căn hộ”.
Như vậy, phần sở hữu chung không thể phân chia đã được đem chia và được công nhận trở thành sở hữu riêng. Điều này là không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự.
Trả tiền nhưng không được sử dụng
Cục Kiểm tra Văn bản còn cho rằng, cách tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường trong Thông tư 16 sẽ xảy ra trường hợp cùng một diện tích ghi trong hợp đồng mua nhà, cùng một đơn giá nhưng các hộ sẽ có diện tích sử dụng thực tế là khác nhau. Những căn hộ có cột, hộp kỹ thuật thì cột, hộp này cũng được tính trong tổng diện tích của căn hộ. Chủ căn hộ phải trả tiền cho diện tích của cột, hộp này nhưng lại không được sử dụng. Diện tích sử dụng thực tế nhỏ hơn căn hộ không có cột, hộp kỹ thuật. Như vậy đã tạo ra bất bình đẳng giữa các chủ sở hữu căn hộ chung cư.
Hơn nữa, một hệ lụy khác là chủ các căn hộ này phải trả các khoản thuế, phí, hàng tháng, hàng năm tính theo diện tích căn hộ cho các dịch vụ có liên quan trong suốt quá trình sử dụng căn hộ đó.
Theo Cục Kiểm tra Văn bản, cách tính diện tích sàn căn hộ mua bán tại Thông tư số 16 dẫn đến việc xác định diện tích sở hữu, sử dụng của chủ đầu tư và chủ sở hữu căn hộ cũng như của cộng đồng dân cư tại chung cư hiện nay không rõ ràng. Phần cột, hộp kỹ thuật, tường bao, tường ngăn chia căn hộ … tính vào sở hữu riêng nhưng có thể phần diện tích này đã được phân bổ vào giá bán chung cho toàn bộ ngôi nhà. Thậm chí, phần sở hữu chung là hành lang, sảnh thì bị chủ đầu tư biến thành văn phòng cho thuê.
Cục Kiểm tra văn bản đề nghị Bộ Xây dựng tự kiểm tra, xử lý nội dung chưa phù hợp với pháp luật của các văn bản nêu trên và thông báo kết quả xử lý cho Cục Kiểm tra văn bản QPPL trong thời gian 30 ngày theo quy định của Chính phủ.
Theo Khampha
Quy định "mềm" về hôn nhân
Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp vừa họp bàn trao đổi thông tin xung quanh việc sửa đổi luật Hôn nhân và Gia đình, vốn được coi là luật có ý nghĩa và sức ảnh hưởng rất lớn nhưng sau hơn 10 năm áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập.
Kết hôn từ tuổi 15...
Sẽ phải cho phép nhiều dân tộc, khu vực đủ 15 - 16 tuổi có thể kết hôn. Tất nhiên đó là khu vực nào, dân tộc nào thì phải có điều tra xã hội học. Việc đó không khó
TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Điều 6 luật Hôn nhân và Gia đình (HN-GĐ) năm 2000 quy định "trong quan hệ hôn nhân và gia đình, những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại luật này thì được tôn trọng và phát huy". Tuy nhiên theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), do chưa có quy định giải quyết nên việc áp dụng phong tục tập quán không thống nhất tại các địa phương đã gây bất bình đẳng cộng đồng dân cư.
Ông Sơn dẫn chứng: ở nhiều vùng núi, người dân tộc kết hôn khá sớm, nam nữ cứ đủ 15 - 16 tuổi đã có thể lấy nhau và sinh con đẻ cái mà không được đăng ký kết hôn. Phong tục, tập quán đó đã được người dân duy trì từ bao đời nay, việc luật HN-GĐ quy định cứng nhắc nữ đủ 18 tuổi, nam đủ 20 tuổi mới được kết hôn đã khiến họ bỏ ngoài tai quy định. Nếu chẳng may phát sinh mâu thuẫn, gia đình cô gái chỉ cần làm đơn gửi tới cơ quan công an là chàng trai ấy có thể bị bắt, đi tù vì quan hệ với trẻ em, người chưa đủ tuổi vị thành niên.
"Đã có rất nhiều người phải đi tù vì phong tục tập quán kiểu như vậy. Vì thế phải có quy định mềm cho phép áp dụng phong tục tập quán của địa phương, dân tộc để đảm bảo sự bình đẳng. Như thế sẽ phải cho phép nhiều dân tộc, khu vực đủ 15 - 16 tuổi có thể kết hôn. Tất nhiên đó là khu vực nào, dân tộc nào thì phải có điều tra xã hội học. Việc đó không khó", ông Sơn nói.
"Chia tài sản" trước khi cưới
Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật HN-GĐ hiện hành là chế độ tài sản pháp định (tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo căn cứ pháp luật vợ chồng có quyền thỏa thuận về tài sản riêng, tài sản chung và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân), mà không thừa nhận chế độ tài sản ước định (thỏa thuận của vợ chồng trước hôn nhân). Theo các chuyên gia, quy định này không những không đảm bảo quyền tự định đoạt của người có tài sản theo pháp luật dân sự mà còn gây ra nhiều hệ quả không đáng có khác như: không đảm bảo được sự minh bạch trong giao dịch không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba không tạo ra căn cứ pháp lý đầy đủ và rõ ràng để giải quyết các tranh chấp về tài sản trong quan hệ hôn nhân, gia đình.
Quy định "mềm" của pháp luật sẽ cân nhắc những trường hợp "yêu nhầm trẻ em" (Trong ảnh: bị cáo Lê Đức Thiên Tân phải lãnh án 3 năm 6 tháng tù về tội "giao cấu với trẻ em", trong khi đứa con nhỏ vô tư chạy lên ngồi cùng cha trên hàng ghế chờ nghe tuyên án) - Ảnh: Lê Nga
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho biết đã từng rất đau đầu khi đứng ra giải quyết giúp những vụ ly hôn của những cặp vợ chồng có khối lượng tài sản lớn. Hiện rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng chế độ tài sản ước định mà trong đó căn cứ, nguồn gốc, thành phần các loại tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản, các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận. Thỏa thuận này được lập thành văn bản trước khi đăng ký kết hôn (hôn ước) và chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kỳ hôn nhân.
Ông Anh cho rằng hôn ước tạo điều kiện cho vợ chồng tự chủ hơn trong việc quản lý tài chính, hoạch định tương lai (thậm chí tương lai bao gồm cả việc ly hôn). Hầu hết các ý kiến trong Hội đồng khoa học cũng đồng tình với việc luật HN-GĐ sắp tới phải cho phép xác lập chế độ tài sản ước định.
Vợ chồng đồng giới
Riêng vấn đề liên quan đến nhu cầu kết hôn giữa những người cùng giới tính, Hội đồng khoa học đề xuất sửa quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính" theo hướng mềm dẻo hơn bằng cách không sử dụng từ "cấm" mà sử dụng từ "không thừa nhận". Đồng thời bổ sung quy định về hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính và cách thức giải quyết các hậu quả đó. Như vậy người đồng tính có thể tổ chức cưới và sống chung với nhau mà không sợ bị các cơ quan kiểm tra, xử phạt như thời gian qua.
Theo TNO