Bộ trưởng Tư pháp Lebanon từ chức vì vụ nổ Beirut
Bộ trưởng Tư pháp Lebanon Najem là quan chức chính phủ thứ ba từ chức sau vụ nổ khiến ít nhất 220 người thiệt mạng ở cảng Beirut.
Bộ trưởng Tư pháp Lebanon Marie Claude Najem nộp đơn xin từ chức cho Thủ tướng Hassan Diab sáng nay, chỉ vài giờ trước khi chính phủ Lebanon tổ chức cuộc họp bàn về vụ nổ ở cảng Beirut hôm 4/8.
Quyết định được đưa ra sau hai ngày biểu tình tại thủ đô Beirut, trong đó nhiều người dân chỉ trích và chất vấn trách nhiệm của bà. Najem là quan chức thứ ba trong chính phủ Lebanon từ chức vì vụ nổ, sau Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar và Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad.
Bộ trưởng Majem (giữa) trước một cuộc họp chính phủ hồi năm 2019. Ảnh: AFP.
Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 4/8 rung chuyển sau khi kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ, khiến ít nhất 220 người chết, hơn 6.000 người bị thương, 110 người mất tích, khoảng 300.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD, trong khi nền kinh tế Lebanon có thể mất đến 15 tỷ USD vì vụ nổ.
Người dân cáo buộc chính quyền quản lý yếu kém và lơ là trách nhiệm khi để kho amoni nitrat tồn tại ở cảng Beirut mà không có biện pháp an toàn trong 6 năm qua. Các nhà phê bình cũng đổ lỗi cho nạn tham nhũng và sự lãnh đạo kém cỏi của chính phủ Lebanon.
Người biểu tình phản đối chính phủ hôm 8/8 xông vào trụ sở nhiều bộ và tuyên bố Bộ Ngoại giao giờ là “cơ quan đầu não của cách mạng”, treo cờ có hình nắm đấm đã trở thành biểu tượng cho các cuộc biểu tình chống chính phủ trên toàn quốc. Họ bị quân đội giải tán khỏi toà nhà vài giờ sau đó.
Tổng thống Lebanon Michel Aoun thừa nhận hệ thống chính trị nước này đang bị “tê liệt” và cần “xem xét lại” sau vụ nổ. Ông cam kết “nhanh chóng tìm công lý”, song từ chối lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về sự việc, nói rằng đó là một nỗ lực nhằm “làm suy giảm sự thật”.
Vụ nổ tại cảng Beirut hôm 4/8. Video: AP.
Gia đình nhân viên cảng Beirut hy vọng vào phép màu
Trước khi mất tích, Ghassan Hasrouty, nhân viên kho thóc tại cảng Beirut 38 năm qua, từng nghĩ ông làm việc ở nơi an toàn nhất thành phố.
Những bức tường bêtông kiên cố và phòng làm việc dưới mặt đất là nơi ông Hasrouty từng trú ẩn suốt nhiều ngày trong cuộc nội chiến Lebanon 1975-1990. Ông hay nói với gia đình rằng ông lo lắng cho họ hơn mình mỗi sáng đi làm.
Vào 17h30 ngày 4/8, Hasrouty gọi cho vợ, Ibtissam, thông báo mình sẽ ngủ ở kho thóc tại cảng Beirut đêm nay vì có một lô thóc đang cập cảng và ông không thể rời đi. Ông còn bảo vợ gửi cho mình một cái chăn và một cái gối.
Kể từ đó, bà Ibtissam không còn nghe tin tức gì từ chồng.
Một bức ảnh của ông Hasrouty và vợ tại nhà ở Beirut. Ảnh: Reuters
Vụ nổ ở cảng Beirut ngay sau cuộc gọi của Hasrouty đã phá hủy hầu hết công trình xung quanh, trong đó có các nhà kho, khiến ít nhất 158 người chết, hơn 6.000 người bị thương và nhiều người mất tích. Thảm hoạ cũng khiến khoảng 300.000 người Lebanon mất nhà cửa khi sóng xung kích gây hư hại nhiều công trình trong phạm vi hàng km.
Giới chức cho hay vụ nổ xuất phát từ 2.750 tấn amoni nitrat được lưu trữ tại một nhà kho đối diện với kho thóc suốt 6 năm qua mà không có biện pháp an toàn thích hợp. Chính phủ Lebanon cam kết những người chịu trách nhiệm sẽ bị đưa ra công lý, nhưng người dân đã mất niềm tin và rất tức giận.
Bộ Y tế Lebanon hôm 8/8 cho biết 21 người vẫn mất tích. Gia đình của Hasrouty tin rằng ông và 6 đồng nghiệp đang ở nơi nào đó dưới các toà tháp và vẫn nuôi hy vọng họ còn sống sót. Họ cho rằng công tác cứu hộ diễn ra quá chậm và thiếu tổ chức, khiến cơ hội tìm kiếm người sống sót bị lãng phí.
Theo gia đình Hasrouty, dù giới chức đã được cung cấp chính xác vị trí của ông khi vụ nổ xảy ra, 40 tiếng sau cuộc cứu hộ mới bắt đầu.
Phát ngôn viên quân đội Lebanon ngày 9/8 tuyên bố kết thúc giai đoạn một của quá trình tìm kiếm cứu nạn và không còn khả năng tìm thấy người sống sót sau ba ngày thảm họa xảy ra.
Gia đình ông Hasrouty tập trung chờ đợi tin tức về ông tại nhà ở Beirut. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, tại căn nhà ở Bierut, gia đình Hasrouty hàng ngày vẫn tập trung chờ đợi tin tức về ông, hy vọng vào một phép màu.
"Những người mất tích không chỉ là những con số", Elie, 35 tuổi, con trai của ông, nói. "Chúng ta cần nhấn mạnh sự yếu kém của việc quản lý trong thảm hoạ này, đừng bao giờ lặp lại một thảm hoạ khủng khiếp và sự quản lý tồi tệ như thế".
Hasrouty, người có cha cũng đã làm việc ở cùng kho thóc 40 năm nay, rất tận tuỵ với công việc, gia đình ông cho hay.
"Chúng tôi thậm chí không có cơ hội để nói lời từ biệt cha", Tatiana, con gái 19 tuổi của Hasrouty, nói. "Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ đợi họ, chờ tất cả trở về".
Con tàu như 'quả bom nổi' đưa thảm họa đến Beirut 2.750 tấn hàng hóa tàu Rhosus chở theo khi cập cảng Beirut năm 2013 là "thủ phạm" gây ra vụ nổ thảm họa ở Lebanon hôm 4/8. Năm 2013, tàu Rhosus treo cờ Moldova rời khỏi cảng Batumi, Gruzia, lên đường tới Mozambique. Hàng hóa trên tàu là 2.570 tấn amoni nitrat, hợp chất thường được dùng để làm phân bón trong nông...