Bộ trưởng Tô Lâm nêu lý do “cấm tuyệt đối lái xe có nồng độ cồn”
Chính phủ cho biết quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông.
Chiều 24-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Quy định cấm tuyệt đối với người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị cân nhắc.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội
Báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ, hầu hết đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành luật; có 5 ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Báo cáo về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc này là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông…
Về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối với người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. 10 ý kiến thể hiện quan điểm này cho rằng cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.
Video đang HOT
Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.
Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỉ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi…
Quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn qua các giai đoạn
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn khi vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở, đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, giới hạn nồng độ cồn quy định bằng 0.
Từ quy định ngưỡng nồng độ cồn đến giới hạn nồng độ cồn bằng 0
Việc quy định ngưỡng nồng độ cồn từng được thể hiện tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tại Khoản 8 Điều 8 của luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: "Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở".
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. (Ảnh: Đình Hiếu)
Như vậy, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1l khí thở mới bị xử phạt.
Nội dung này sau đó đã được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, trong đó quy định: Người tham gia giao thông bị nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Từ đó đến nay, trường hợp tài xế điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều được xử phạt nghiêm.
Từ giới hạn nồng độ cồn bằng 0, đề xuất có ngưỡng nồng độ cồn
Mới đây, tại dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (do Bộ Công an chủ trì soạn thảo), việc cấm uống rượu bia khi lái xe một lần nữa được đưa vào luật.
Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 8 dự thảo Luật quy định, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Nội dung này có điểm tương đồng như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019, xác định giới hạn nồng độ cồn bằng 0.
Liên quan đến nội dung quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi bàn thảo về dự Luật này, đã có nhiều ý kiến trái chiều cả tại phiên thảo luận tổ của Đại biểu Quốc hội và trong dư luận xã hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn cho rằng, nên nghiên cứu một tỷ lệ nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu của lái xe.
Xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện nghiêm không vùng cấm. Ảnh: Đình Hiếu
"Không nhất thiết cứ có nồng độ cồn thì bị xử phạt. Luật các nước trên thế giới về cơ bản đều có tỷ lệ nhất định, ta cũng nên nghiên cứu", ông Ấn đề xuất.
Tương tự, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ cấm lái xe "có nồng độ cồn" hay "có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép". Theo bà Lan, cần thiết kế theo hướng xác định ngưỡng cho phép ở mức thấp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng cho biết đang có 2 luồng quan điểm khác nhau.
Về quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo Luật, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Theo Ban soạn thảo, quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trước các quan điểm, ý kiến còn khác nhau về nội dung này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.
Với những đề xuất nghiên cứu mức nồng độ cồn cho phép phù hợp với từng loại phương tiện giao thông, đại diện Bộ Công an cho rằng, phải nghiên cứu, đánh giá thận trọng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
CSGT TP.HCM: Tình trạng tài xế sử dụng ma túy, rượu bia rất đáng lo ngại 5 ngày đầu ra quân thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến QL1 (đoạn qua địa bàn TP.HCM), Công an TP.HCM phát hiện 1.022 trường hợp vi phạm. Chiều 20.11, Phòng CSGT, Công an TP.HCM thông tin về kết quả 5 ngày đầu ra quân thực hiện kế hoạch tuần...