Bộ trưởng Tài chính: Khoán xe, các Thứ trưởng thoải mái hơn trước
Như Dân trí đã đưa tin, từ 1.10, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên gương mẫu thực hiện chính sách khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng và các Tổng cục trưởng thuộc Bộ này. Trong giờ giải lao Quốc hội sáng nay (21/10), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời Dân trí về kết quả bước đầu của việc thực hiện có tính chất “thí điểm”, làm mẫu này:
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Khoán kinh phí sử dụng xe công, các Thứ trưởng của Bộ rất vui vẻ, thoải mái
Thưa Bộ trưởng, sau khi khoán kinh phí sử dụng xe công cho các Thứ trưởng, kế hoạch tiếp theo của Bộ Tài chính trong việc sửa đổi chính sách mua sắm, sử dụng xe công như thế nào để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước?
-Hiện nay, chúng tôi vẫn đang sắp xếp đầu xe lại và định hướng tiền tệ hoá việc sử dụng xe. Tiêu chuẩn hiện nay của các Thứ trưởng 1,3 vay Tổng cục trưởng 1,25 là có ô tô thì tới đây không có ô tô nữa mà tiền tệ hoá theo khung từ 5-10 triệu đồng/người. Từng cơ quan sẽ xác định và quyết định cụ thể. Lúc đó không mua xe nữa thì bớt, hết đầu xe đi thôi. Đó là hướng thứ nhất
Hướng thứ hai có thể gom các văn phòng, UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, và kể cả Văn phòng đại biểu Quốc hội, thì gom lại một đầu mối xe chung. Chứ hiện nay là rất bất cập. Ví dụ như Hội đồng nhân dân tỉnh mà định mức cũng 2 xe, thế thì ai đi? Nhưng mà Văn phòng UBND cũng 2 xe thì có 3-4 ông Phó chủ tịch đi lại hàng ngày như thế thì lại thiếu, bất cập. Nên phải gom lại. Lúc đó còn 1 văn phòng nhưng 7-8 xe, không còn xe riêng cho từng ông nữa. Thì nó sẽ giảm đầu xe.
Thứ 3, nó cũng còn phụ thuộc địa phương, địa hình nơi đó để mình bố trí xe, tìm xử lý theo cách khác. Ví dụ, cũng là một xe thôi nhưng mình quy định 600 hay 700 triệu đồng/xe chung nhưng ở miền xuôi thì được nhưng mà ở miền núi lại phải cho họ cái xe 2 cầu như xe fortuner nó mới thực tế. Chứ không xe ở miền xuôi làm sao phù hợp với địa hình miền núi được. Cho nên, Bộ Tài chính cũng dự kiến sửa theo hướng như thế thì sẽ giảm đầu xe, tiền tệ hoá đi và để xe được mua sắm cũng phải phù hợp với từng nơi.
Theo ông, sau khi khoán xe thì dịch vụ xe để người được khoán thuê xe đi nó phải thay đổi thế nào để đáp ứng nhu cầu đi lại của người được khoán xe?
-Cái đó để xã hội sẽ điều chỉnh, xã hội hoá thôi. Như anh em vẫn đi taxi được. Khi được khoán rồi thì người được khoán sẽ tự dùng.
Như thời gian vưà rồi, sau khi được khoán xe thì các Thứ trưởng của Bộ thấy thế nào, thưa Bộ trưởng ?
-Anh em thực hiện rất nghiêm túc và thoải mái, và còn nói là thấy thoải mái hơn trước. Về mặt tâm lý, họ cũng không muốn xã hội soi vào. Anh em cũng nghiêm túc thôi. Nhưng cũng có những trường hợp con sâu bỏ rầu nồi canh, có người cũng dùng xe công đi chuyện nó chuyện kia nên bản thân nhiều người thấy cũng bị xúc phạm mà thực ra chuyện nó không đáng.
Thực ra trước khi khoán xe thì có Thứ trưởng của Bộ như ông Huỳnh Quang Hải cũng đã tự đi xe riêng đến cơ quan rồi, đúng không thưa Bộ trưởng?
-À, khi đó thì ông Hải vẫn là Vụ trưởng thì đến bây giờ, khi khoán xe, đi xe riêng đi làm thì cũng thành thói quen rồi.
Video đang HOT
Chi phí mua sắm, sử dụng xe công hiện nay rất lớn, lên tới gần 40.000 tỷ đồng/năm
Hiện có một số vấn đề phát sinh mà Bộ Tài chính phải giải quyết như phát sinh số lái xe dôi dư, số xe dôi dư do không còn chế độ phục vụ riêng. Mức dôi dư này có thể tăng lên nhiều và thành vấn đề lớn, một khí áp dụng chế độ khoán xe công đại trà, thưa Bộ trưởng ?
-Hiện nay lái xe cho các Bộ thì vẫn theo chế độ hiện hành hợp đồng thôi nên mình cũng phải sắp xếp. Có quy định cả rồi. Nhưng dù sao cũng phải có lộ trình nhất định vì liên quan đến vấn đề việc làm, con người.
Ở nhiều nước, việc lãnh đạo cơ quan nhà nước của họ rất ít dùng xe công, thậm chí lãnh đạo cao cấp Chính phủ như ở Đức, Singapore còn tự đi xe riêng đi làm. Việc sử dụng xe ở Việt Nam có thể hướng tới như vậy không?
-Chắc ở ta cũng phải từng bước. Trước mắt cứ sửa Quyết định 32 (quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về mua sắm, sử dụng xe công ban hành năm 2015), theo hướng các chức danh hệ số lương 1,3 trở xuống thì khoán xe, tiền tệ hoá đi. Trước mỗi người một xe, nay khoán đi sẽ giảm được nhiều chứ. Nhưng quan trọng nhất hiện nay là khi mình thực hiện sửa chính sách thì khi thực hiện, có sự giám sát của người dân, của dư luận xã hội. Cái đó rất quan trọng. Nó tạo sức ép ngược lại cho việc xây dựng và triển khai chính sách.
Việc sửa Quyết định này dự kiến bao giờ xong thưa Bộ trưởng?
-Chúng tôi cố gắng sửa Quyết định này trong khoảng 1 năm, sau đó triển khai, thực hiện. Tôi nghĩ việc này cũng không phải khó. Vấn đề là thay đổi tư duy, định hướng chính sách để từng bước giảm bớt đầu xe. Tôi nghĩ tiền tệ hoá việc này là đúng hướng vì ngay cả chính sách về nhà ở mình cũng đã tiền tệ hoá được rồi.
Xin cảm ơn Bộ trưởng
Mạnh Quân
Theo Dantri
Ai chịu trách nhiệm nếu tình trạng đầu tư dàn trải... be bét hơn?
Xem xét kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 mà Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không yên tâm với 2 triệu tỷ đồng được "lược tính". Ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng lại cảnh báo, chia "cứng" 2 triệu tỷ đồng lúc này, 5 năm sau nhìn lại, tình trạng đầu tư dàn trải có thể còn... be bét hơn hiện tại.
2 triệu tỷ - "cơn lốc nợ" hay nguy cơ chi tiền dàn trải
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong số tiền 2 triệu tỷ đồng trong kế hoạch, nguồn ngân sách chiếm 20,5-21,9%, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước chiếm khoảng 3,9-4%, vốn từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 8,9%.
Vốn doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 47,4-49,6%, vốn nước ngoài chiếm khoảng 16,8-17,5%, các nguồn vốn khác chiếm khoảng 0,3% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.
Với ngân sách Trung ương, Chính phủ dự kiến nguồn cho cả giai đoạn là 1,12 triệu tỷ đồng, trong đó vốn trong nước là 820 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ), vốn nước ngoài là 300 nghìn tỷ đồng. Chính phủ dự kiến để lại nguồn dự phòng (chưa phân bổ) với mức để lại bằng 10% tổng số vốn đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng ngay lúc này không thể ngồi "chia tiền" đầu tư cho từng dự án trong suốt 5 năm tới vì cỏ thể dẫn tới hiện tượng đầu tư dàn trải.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn vì kế hoạch Chính phủ xây dựng chưa rõ về danh mục đầu tư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia - những công trình sẽ ngốn đa phần trong khoản 2 triệu tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích, kế hoạch đầu tư trung hạn được xây dựng chỉ mang tính định hướng vì "không ai có thể dám chắc chắn về tính khả thi nếu chia "cứng" 2 triệu tỷ đồng cho từng danh mục dự án bởi sự bấp bênh của các dự báo là có thật".
"Ngay như chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, dự báo GDP cho cả nhiệm kỳ trước đã thấy không đúng. Năm nay, kế hoạch đề ra là GDP tăng 6,7% nhưng giờ đánh giá lại, Chính phủ khả năng chỉ đạt 6,3-6,5% mà UB Kinh tế vẫn còn hồi hộp. Vậy thì việc dự báo số thu cho cả 5 năm với rất nhiều yếu tố rủi ro sẽ... không dễ dàng gì. GDP tuyệt đối năm nay, ban đầu dự báo 5,1 triệu tỷ đồng, giờ xuống khoảng 4,6 triệu tỷ đồng cũng chưa chắc, thì làm sao mà nói mọi thứ chắc chắn cho 5 năm được" - Bộ trưởng Tài chính phân trần.
Tư lệnh ngành tài chính khái quát, với con số 2 triệu tỷ đồng, nếu không chặt chẽ thì sau 5 năm nữa, tình trạng đầu tư dàn trải có thể còn... be bét hơn hiện nay.
Ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vẫn không khỏi nghi ngại: "Nếu tung 2 triệu tỷ ra đầu tư mà không có đảm bảo về nguồn lực tài chính thì đáng ngại là tạo ra cơn lốc nữa về nợ, và không có khả năng thanh toán. Quốc hội phải dựa vào đề xuất của Chính phủ, mà Chính phủ lại chưa chắc chắn, thì Quốc hội làm sao quyết cho chắc chắn được?".
Bảo lưu quan điểm của mình, Bộ trưởng Tài chính tiếp tục giải thích, không ai, kể cả Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, có thể thể khẳng định được 5 năm tới, mỗi năm GDP tăng 6,7%. Vậy, xây dựng kế hoạch thì vẫn chỉ là định hướng bố trí chi ngân sách.
"Tính toán là để 5 năm sau, hiệu quả đầu tư công phải tốt hơn, chứ lại be bét hơn thì chúng ta khó mà chịu được trách nhiệm" - Bộ trưởng Dũng cảnh báo.
Quốc lộ 1 sớm quá tải, cao tốc Bắc - Nam buộc phải làm
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại lo không có kế hoạch, chưa rõ nguồn đảm bảo về tài chính, tung ra 2 triệu tỷ đồng đầu tư có thể tạo "cơn lốc nợ" mới.
Một nội dung liên quan đến kế hoạch đầu tư công 5 năm tới nhận nhiều ý kiến, quan tâm của các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội là về đề xuất làm tuyến cao tốc Bắc - Nam với kinh phí dự kiến 230.000 tỷ đồng.
Giải trình thêm trước UB Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường phân tích, giai đoạn từ nay đến năm 2020, yêu cầu phát triển giao thông rất lớn, nhất là về đường bộ.
Đặc biệt, theo kế hoạch của Bộ GTVT, hệ thống đường cao tốc dự kiến xây dựng trên 2.000km, hiện nay đã có khoảng trên 700km, còn thiếu hơn 1.300km nữa để hoàn thành kế hoạch. Dù có rất nhiều tuyến đường nhưng sau khi xem xét lại, Bộ GTVT thấy cần tập trung vào tuyến đường cao tốc Bắc - Nam vì đây là tuyến huyết mạch của quốc gia. Nếu không đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam từ bây giờ thì sẽ khó khăn cho 5 năm sau, bởi vì quốc lộ 1A với tốc độ khai thác như hiện nay sẽ hư hỏng bởi lưu lượng giao thông quá cao, lượng xe quá tải lớn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng bày tỏ lo lắng với việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, vì việc này hiện đang rất khó khăn. Các nhà đầu tư nước ngoài đòi hỏi các điều kiện như bảo lãnh về tỷ giá và bảo lãnh về doanh thu thì mới tham gia.
Về nguồn vốn ODA, Thứ trưởng Trường cho biết, có rất nhiều nhà tài trợ nhưng phía Việt Nam lại thiếu vốn đối ứng nên phải dừng lại, khi nào vốn đối ứng được cấp thì dự án mới được tiếp tục.
"Vừa rồi đề nghị cấp 4.000 tỷ vốn đối ứng, sau đó Chính phủ rút xuống 3.000 tỷ, nhưng cho đến giờ phút này vẫn chưa được đồng nào cả nên nguồn vốn đối ứng là rất khó khăn" - Thứ trưởng Trường thông tin.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, với điều kiện nguồn ngân sách khó khăn, nếu lấy khoảng 70.000 tỷ từ nguồn vốn trung hạn ra để làm đường cao tốc, khiến các công trình khác phải hoãn lại thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu có gói đầu tư riêng đối với đường cao tốc để có thể đầu tư trước một số đoạn, để đến 2022 có thể hoàn thành gần 1.400 km đường cao tốc Bắc - Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại, UB Thường vụ Quốc hội ủng hộ chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc Nam vì đây là con đường rất quan trọng để có thể công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước. Nhưng vì dự án cần nguồn vốn lớn từ cả ngân sách và các nguồn vốn huy động, tác động giải phóng mặt bằng cũng lớn nên UB Thường vụ Quốc hội coi đây là chương trình trọng điểm quốc gia. Vì thế, UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội về mặt chủ trương, làm chặt chẽ như với dự án sân bay Long Thành.
P.Thảo
Theo Dantri
"Chốt" kế hoạch tài chính 5 năm: Nhìn lại có gánh nổi trách nhiệm? Một yêu cầu UB Thường vụ Quốc hội đặt ra với Chính phủ khi cho ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước...