Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói gì về vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La
“Bộ GDĐT sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị…” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí chiều ngày 24/7.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết trách nhiệm của Bộ chủ quản khi xảy ra những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở 1 số địa phương như Hà Giang và Sơn La?
Trước hết, trên phương diện quản lý ngành, tất cả các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GDĐT thì Bộ phải có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Với trường hợp Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia, tôi cùng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm.
Các anh em trong tổ công tác đã làm việc ngày đêm để đưa ra được kết luận nhanh chóng và chính xác nhất. Tôi cho rằng, trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ GDĐT phải làm và thực tế những ngày qua đã khẳng định rằng Bộ GDĐT đã làm bằng quyết tâm cao nhất.
Khi phát hiện những sai phạm tại Hà Giang và Sơn La, quan điểm của lãnh đạo Bộ là kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi và quy định của pháp luật.
Tại Hà Giang, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn về phía ngành Giáo dục, tôi đã đề nghị các địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm.
Vì sao lại xảy ra sai phạm như thế này, có phải do quy trình chấm thi chưa chặt chẽ?
Qua từng năm, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích.
Video đang HOT
Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Kỳ thi, với trách nhiệm của mình, Bộ GDĐT đã ban hành quy chế, hướng dẫn tổ chức thi; tập huấn nghiệp vụ về tổ chức thi, vận hành các phần mềm quản lý thi, chấm thi; công tác chỉ đạo, thanh tra, giám sát cũng được tập huấn và thực hiện liên tục trước, trong và sau Kỳ thi.
Tuy nhiên, sau sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Bộ GDĐT sẽ nghiêm túc rà soát kỹ lưỡng lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi, khắc phục những bất cập để hạn chế tới mức thấp nhất các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GDĐT nên cân nhắc việc tổ chức coi thi, chấm thi ở địa phương. Quan điểm của Bộ Giáo dục và đào tạo như thế nào về điều này?
Việc tổ chức thi ở địa phương là chủ trương đúng, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm tốn kém cho xã hội. Điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn tổ chức kỳ thi những năm qua.
Chúng ta nhớ lại những năm trước đây, nhiều gia đình phải vất vả đưa con về thành phố lớn dự thi đại học, có khi phải bán cả gia sản mới đủ tiền đưa con đi thi thì nay đã hoàn toàn khác. Đây cũng là lí do để việc đổi mới thi trong những năm qua nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội.
Ngoài ra, từ 2 năm nay, phần lớn các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh có một mã đề riêng hay bài thi tự luận môn Ngữ Văn ra đề mở đã hạn chế tối đa các gian lận, tiêu cực trong phòng thi. Vì vậy, việc coi thi ở địa phương đã cơ bản đảm bảo được tính nghiêm túc, an toàn.
Năm nay, chúng ta phát hiện tiêu cực trong khâu chấm thi tại một số địa phương. Bộ sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là quy trình chấm và bảo quản bài thi, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kỳ thi đảm bảo an toàn, chính xác, khách quan hơn.
Bộ GDĐT tính toán như thế nào để đảm bảo sự việc tương tự không lặp lại trong những năm sau?
Bộ GDĐT đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.
Ngay sau đây, Bộ GDĐT sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị.
Bộ cũng sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phù hợp hơn với kỳ thi THPT quốc gia phục vụ hai mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Hoàn thiện quy trình chấm thi (bao gồm cả phần mềm chấm thi) đảm bảo tính trung thực, khách quan của kết quả thi.
Đặc biệt sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có sai phạm để xử lý theo đúng quy chế và quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm sẽ có tác dụng trong việc răn đe đối với những người tham gia trực tiếp vào các khâu của kỳ thi những năm tiếp theo.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Thái Bình ( thực hiện)
Theo Dân trí
Giáo dục 'chạy' và 'phi lý Hà Giang'
Thật đáng lo ngại khi căn bệnh này di căn đến một bộ phận học trò quen được bao cấp từ thứ văn hoá "chạy" mà người lớn, bậc cha mẹ ban tặng.
Năm ngoái, tôi có đứa cháu gái dự thi đại học. Cháu thi khối A1, trường nhắm đến là Học viện Bưu chính viễn thông. Xui xẻo, dù được 24 điểm, cháu vẫn trượt. Thay bằng vào học trường nguyện vọng 2, cháu quyết định ở nhà một năm, sang năm thi lại, quyết chí thực hiện ước mơ của mình.
Tuần trước được tin cháu chỉ đạt 18,75 điểm, thấp hơn năm ngoái tới 5,25 điểm, tôi nói với bố của cháu nên động viên an ủi con, rằng năm nay đề thi quá khó. Mà khó thật. Dư luận xã hội đã lên tiếng. Đến các thầy giáo dạy toán cự phách cũng phải lắc đầu lè lưỡi. Nhưng khó là khó chung, khó người khó ta, người sao ta vậy...
Đến khi vỡ ra chuyện "phi lý Hà Giang", tôi nhận thấy mình "xa vời tận trời" và thấy thương đứa cháu gái thêm một lần vuột ước mơ không đến mức quá xa vời. Lại chợt nhớ, có lần một người bạn "giác ngộ" một thứ quy luật đầy tính thực dụng: Khoá nào dù khó đến mấy thì cũng có chìa, vấn đề là biết tìm chìa để mở!
Những kẻ liên quan trực tiếp và không trực tiếp của hiện tượng "phi lý Hà Giang" đã vận dụng thứ quy luật "khóa" và "chìa" đó chăng? Cái gọi là "chìa" của quy luật đó, có thể tóm gọn trong một chữ: Chạy?
Thí sinh dự thi Kỳ thi THPT Quốc gia. Ảnh: Thanh Tùng
Không biết từ khi nào người ta đã triệt để cái gọi là vận dụng quy luật kinh tế thị trường vào hoạt động giáo dục nước nhà vốn nhiều ưu việt và lành, một cách xô bồ, thô thiển và thực dụng đến thế? Người ta biến mọi khâu, mọi sản phẩm giáo dục thành thứ hàng hoá, quy tất tật thành tiền hoặc thứ ngang tiền. Chạy việc, chạy trường, chạy lớp, chạy thầy, chạy điểm... Chạy tín chỉ, bằng cấp, chạy học hàm học vị, chạy giải thưởng, danh hiệu thi đua... Chạy mở trường, mở khoa, chạy ghế này chức nọ... Từ thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh cho đến học viên, sinh viên, có mấy ai không bị luật "chạy" chi phối? Có mấy ai quay lưng, nói "không" với thứ luật cộng sinh này? Một môi trường giáo dục kết thân với thứ "văn hoá chạy" dúm dó, sẽ khiến nền giáo dục nhiễu loạn, bất trắc, khó mà đến cái đích nhân văn, nhân bản cần đến.
Nhìn sâu vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, căn bệnh "chạy" ít hay nhiều, đậm hay nhạt, đã chi phối lối nghĩ, định vị các mối quan hệ giữa con người với nhau. "Phi "chạy" bất thành", lâu dần thành quen, người ta mặc nhiên xem đó là chuyện bình thường, giống như chuyện người ta nuôi lợn trong nhà thì không còn thấy mùi hôi!
Trở lại với hiện tượng "phi lý Hà Giang".
Trong cái họa có cái may. Khi bục vỡ vụ gian lận kết quả thi cử với tang chứng vật chứng rành rành, buộc người ta nhìn lại con-đê-giáo-dục nước nhà qua cái cửa-tràn-thi-cử và nhận ra những lỗ hà lỗ hổng chết người cần phải bịt, trám. Trong những ngày qua, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng. Hầu hết trong số họ đều khẳng định cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đang vận hành có nhiều ưu điểm, chưa dễ gì thay thế trong bối cảnh hiện tại. Để hạn chế đến mức thấp nhất luật "chạy" và hội chứng "phi lý Hà Giang" có nguy cơ phá vỡ con-đê-giáo-dục, thì đừng đặt niềm tin tuyệt đối vào quy trình quy chế hiện hành; phải thay thế đối tượng coi thi, chấm thi, không phải từ địa phương, và tổ chức chấm thi theo cụm; đồng thời bổ sung một vài chi tiết kỹ thuật nhằm bảo mật, ngăn ngừa gian lận...
Hơn lúc nào hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thật sự cởi lòng lắng nghe và tiếp nhận mọi ý kiến: biểu dương và phê phán, khẳng định và phủ định, những đề xuất, phản biện có thể không chút ngọt ngào. Đây là cơ hội tốt nhất để ngành giáo dục có được những tư vấn ruột gan, trí tuệ nhất và ít tốn kém nhất.
Lúc này cũng là cơ hội tốt nhất để ngành giáo dục thực sự ra tay trị căn bệnh gian lận trong thi cử và nạn chạy chọt, mua bán, gian dối đang có nguy cơ bùng phát trong mọi hoạt động giáo dục, trước hết là trong khúc hậu kỳ của kỳ thi THPT Quốc gia 2018 này. Phải coi đây là nạn ăn cắp có tổ chức, một dạng tham ô tham nhũng nhưng mức độ nguy hại có khi còn hơn cả tham ô tham nhũng thông thường. Cần minh bạch các thông tin liên quan; đừng vì lý do không chút thuyết phục như là "nhạy cảm", "bảo vệ cán bộ", "đóng cửa bảo nhau" mà không nói ra sự thật hoặc chỉ nói một nửa sự thật. Chúng ta hãy chờ xem, những người đứng đầu có trách nhiệm trong đại án gian lận kết quả thi cử này sẽ ứng xử theo cách nào; họ ứng xử theo cách nào sẽ hướng tương lai nền giáo dục nước nhà theo hướng đó.
Dù muốn dù không thì cái cụm từ "phi lý Hà Giang" đã trở thành tính từ mang tính phổ quát chỉ nạn gian lận kết quả thi cử biến không thành có, biến thấp lè tè thành cao chót vót, hay là nạn chạy điểm, mua bán điểm bằng tiền hoặc bằng thứ có thể quy thành tiền. Cái cụm từ có chức năng tính từ này chứa chất những mặt mâu thuẫn, đối lập đến phi lý: Công bằng và bất công bằng; trung thực và gian dối; ánh sáng và bóng tối... Nó chứa chất cả hiện tượng dối trá hồn nhiên và trung thực hồn nhiên. Thì đấy, đứa cháu gái năm ngoái dự thi còn thiếu nửa điểm thì chạm đến cổng trường đại học mà cháu mơ ước, là một dạng trung thực đến hồn nhiên.
Còn trong số 114 thí sinh được nâng khống điểm ở Hà Giang mùa thi THPT quốc gia năm này, nhiều em đã nhiễm căn bệnh dối trá đến hồn nhiên. Thật đáng lo ngại khi căn bệnh này di căn đến một bộ phận học trò quen được bao cấp từ thứ văn hoá "chạy" mà người lớn, bậc cha mẹ ban tặng. Các em hồn nhiên "nổ" về lực học siêu việt của mình, hồn nhiên nhận xét đánh giá về đề thi năm nay "dài nhưng không khó", khiến không ít người thầy đớ mặt, xấu hổ.
Thử tưởng tượng, một bộ phận học trò như thế, nếu không vỡ ra "phi lý Hà Giang" sẽ là tương lai rường cột nước nhà?
Uông Ngọc Dậu
Theo VNN
Sáng nay, Sơn La công bố kết quả xác minh điểm thi cao bất thường Sau 5 ngày rà soát điểm thi THPT quốc gia ở Sơn La, tổ công tác của Bộ Giáo dục, Bộ Công an và Công an tỉnh kết luận sự việc. Khoảng 11h hôm nay, tại trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, tổ công tác của Bộ Giáo dục và Bộ Công an sẽ tổ chức họp báo công...