Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp thắc mắc của cử tri về chọn SGK
Tiếp xúc cử tri tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định theo chương trình công tác sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận được sự quan tâm của cử tri về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và chọn SGK thời gian tới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp xúc cử tri tại huyện Tuy Phước, Bình Định
Tại buổi tiếp xúc hôm 4/12, cử tri huyện Tuy Phước đã dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT như: giải pháp của Bộ GD&ĐT khi số lượng giáo viên đối với các môn học lựa chọn có khả năng sẽ thừa; khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc lựa chọn bộ sách giáo khoa mới đối với từng nhà trường được thực hiện như thế nào; theo lộ trình học sinh THPT sẽ thi trên máy tính thì cách thức, thời gian sẽ triển khai và nhà trường cần chuẩn bị những gì…
Đối với vấn đề lựa chọn SGK như thế nào, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Luật Giáo dục 2019 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định.
Tuy nhiên, đến ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 mới có hiệu lực thi hành, trong khi SGK phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trước ngày 31/3/2020để kịp thời cung cấp SGK năm học 2020 – 2021. Vì vậy, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, đảm bảo việc lựa chọn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 đạt yêu cầu đề ra.
Video đang HOT
Liên quan đến vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phải theo lộ trình. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm học 2020-2021 với lớp 1.
Theo đó lộ trình thay sách giáo khoa sẽ được thực hiện theo từng năm học, từng cấp, bậc học. Khi chương trình mới được áp dụng hoàn toàn thì những bất cập của ngành giáo dục sẽ dần dần được khắc phục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ trả lời được câu hỏi học sinh học xong biết làm gì thay vì biết được gì như hiện nay. Chương trình mới đảm bảo tính liên thông, liền mạch giữa các môn học, giữa các cấp học, phát huy tính sáng tạo của cả người dạy và người học. Đồng thời sẽ phân hoá học sinh ở bậc phổ thông trung học tốt để giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai.
Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ nảy sinh vấn đề thừa – thiếu giáo viên, nhất là đối với các môn tự chọn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ đã nhận diện được hai vấn đề. Đó là nhiều giáo viên hiện hành khi chuyển sang chương trình mới phải điều chỉnh; đối với một số môn học mới thì phải có kế hoạch đào tạo bổ sung.
Để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với đội ngũ giáo viên, Bộ GD&ĐT đã xây dựng các chương trình chuyển đổi giữa các cấp học. Để có thể đánh giá được việc thừa – thiếu giáo viên của các cấp học, Bộ GDĐT đã xây dựng phần mềm thống kê giáo viên theo môn, theo tuổi, theo trình độ chuyên môn, theo chuẩn nghề nghiệp. Từ đó đưa ra một đánh giá tổng thể về nguồn nhân lực giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa ra các khuyến cáo đối với Bộ Nội vụ, các ngành chức năng và các địa phương để có kế hoạch chuẩn bị.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Bộ GD&ĐT cũng tham mưu cho Chính phủ đề án sắp xếp các trường sư phạm trọng điểm để khắc phục tình trạng đào tạo giáo viên sư phạm nhưng không gắn với nhu cầu thực tế. Các địa phương căn cứ vào số liệu thống kê trên hệ thống dữ liệu sẽ biết địa phương của mình sẽ cần bao nhiêu giáo viên, ở những môn học nào để phối hợp với các trường sư phạm đào tạo. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, về mặt chuyên môn, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, địa phương tổ chức thực hiện.
Theo Tiền phong
NXB Giáo dục Việt Nam nói gì về vụ chi tiền làm SGK ở TP.HCM?
NXB Giáo dục Việt Nam có quyết định chi thù lao hàng tháng từ 2,5 - 6 triệu đồng cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TPHCM.
Liên quan đến những thông tin rò rỉ trên mạng xã hội về việc NXB Giáo dục Việt Nam chi tiền làm SGK cho Sở GD-ĐT TP.HCM làm SGK, sáng 5-12, NXB đã có thông tin trả lời báo chí.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) cho biết: Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, NXB đã tiến hành chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.
"Theo đó, NXB phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền nam (nói chính xác hơn là bộ SGK được biên soạn bởi hầu hết các tác giả tại khu vực phía Nam- bộ SGK Chân trời sáng tạo), với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,... cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo,...
Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB GDVN cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình", ông Tùng thông tin.
Thông tin về chi tiền làm SGK tại TP.HCM đang lan truyền trên mạng những ngày qua.
Về việc chọn SGK để giảng dạy, ông Tùng cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ. Theo Luật Giáo dục sửa đổi áp dụng từ tháng 7-2020 cũng quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Ông Tùng cũng nói thêm, mới đây, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông phải thành lập Hội đồng lựa chọn sách. Trong thành phần Hội đồng, ngoài người đứng đầu, cơ sở giáo dục còn có giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh. Hội đồng phải đảm bảo lựa chọn khách quan, minh bạch, dân chủ.
24 bản mẫu SGK lớp 1 của NXB GDVN đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021 đều bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng và phù hợp với học sinh.
"Chúng tôi cho rằng các địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy-học" - PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nêu rõ.
PHẠM ANH
Theo PLO
Liệu có khách quan trong lựa chọn sách giáo khoa? Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố 5 bộ sách giáo khoa (SGK), có rất nhiều ý kiến lo ngại xung quanh những tiêu cực, thiếu khách quan trong việc chọn SGK. GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình SGK mới đã có những chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này. Giờ...