Bộ trưởng Nhạ, GS Châu bàn chuyện thu hút nhân tài
Cuộc bàn tròn giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ với GS Ngô Bảo Châu và các khách mời về chủ đề thu hút, sử dụng nguồn nhân lực Việt Nam ở nước ngoài đã gợi mở nhiều cách nhìn mới cho vấn đề được nhắc tới từ lâu.
Mở đầu buổi thảo luận, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận, việc thu hút người Việt Nam về nước làm việc không phải mới, song lâu nay việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả như mong đợi là do những người làm chính sách chưa thực sự lắng nghe những người họ muốn thu hút về.
GS Ngô Bảo Châu và Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ tại bàn tròn trực tuyến do VietNamNet tổ chức chiều 8/8
Bộ trưởng Nhạ cho rằng, lâu nay việc thu hút người Việt Nam trở về đâu đó chỉ là ý chí của người lãnh đạo hoặc một vài chính sách được đề xuất chưa chưa xuất phát từ thực tiễn. Vì thế, theo Bộ trưởng Nhạ, cách tiếp cận của Bộ lần này là “đi từ dưới lên”, phải xuất phát từ thực tiễn, chứ không ra chính sách chung chung.
Hai nhóm đối tượng cần thu hút
Theo các khách mời, việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước nên chia làm nhiều mức độ và nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Hầu hết các ý kiến đều đồng tình rằng, đối với người Việt Nam ở nước ngoài có thể chia làm 2 nhóm đối tượng để thu hút: Nhóm thứ nhất là những nhà khoa học người Việt đã làm việc lâu năm, có tên tuổi nhất định trong lĩnh vực của mình; nhóm thứ hai là những du học sinh trẻ tuổi vừa tốt nghiệp tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ. Với đặc thù của mỗi nhóm, Chính phủ nên có chính sách thu hút riêng.
Từ trái quá:Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hoàng Minh Sơn, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Tổng biên tập Tạp chí và Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu Đại học Califfornia Los Angeles, Nguyễn Anh Tuấn
GS Ngô Bảo Châu đặt vấn đề rằng, việc thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước trước hết nên nhắm vào nhóm đối tượng thứ nhất, do “đây là những người sẵn sàng về nước với mức lương khá khiêm tốn” và “có nhiều thứ để lôi cuốn họ trở về” hơn là so với nhóm đối tượng thứ 2, những người đã có công việc và cuộc sống ổn định ở nước ngoài.
Theo GS Châu, một tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài muốn về làm việc tại một trường đại học hay một cơ quan nhà nước thường sẽ phải vận dụng các mối quan hệ của bân thân và gia đình. Chính “vướng mắc” trong vấn đề tuyển dụng khiến việc thu hút nhân tài chưa hiệu quả.
Từ đó, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, các trường đại học, các đơn vị trong nước cần phải công khai và minh bạch thông tin tuyển dụng. Các trường, các đơn vị muốn thu hút một người nào đó sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với nhau bằng điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ… Và Bộ GD-ĐT nên có chính sách để thực hiện điều này.
Đồng tính với GS Châu, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề xuất, ngoài việc thông tin rõ ràng và minh bạch về cơ chế tuyển dụng, chế độ đãi ngộ cũng như điều kiện làm việc, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ ban đầu giúp các tiến sĩ trẻ vượt qua được giai đoạn khó khăn bước đầu.
Ủng hộ quan điểm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là nhóm đối tượng mà ông rất quan tâm. Bởi vì cái đích của việc thu hút người tài chính là xây dựng được thế hệ nhà khoa học được đào tạo bài bản, có năng lực và đây chính là hạt nhân để xây dựng một thế hệ như thế.
Video đang HOT
Bộ trưởng Nhạ cũng cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vềthu hút người tài cũng nhắm vào nhóm đối tượng này. Vì thế, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ bàn với các bộ ngành kiến nghị lên chính phủ xây dựng một quỹ tài trợ những tiến sĩ trẻ tuổi về nước thông qua hình thức các đặt hàng nghiên cứu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bên cạnh những người trẻ tuổi, ông mong muốn thu hút được những nhà khoa học, chuyên gia người Việt ở nước ngoài về đóng góp, cống hiến cho đất nước.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng, để thu hút nhóm đối tượng này thì không thể cạnh tranh bằng lương vì trong điều kiện hiện nay, Việt Nam khó có thể cạnh tranh lại với Mỹ và dù đây là cách mà Singapore và Trung Quốc hiện vẫn đang làm. Chia sẻ kinh nghiệm từ chính hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, GS Châu cho biết, điều khiến các nhà khoa học đầu ngành muốn sang Việt Nam chính là khi biết có một nhóm các nhà khoa học trong nước có thể làm việc được cùng họ. Theo GS Châu, đây là điều rất quan trọng.
Đồng tình với GS Ngô Bảo Châu, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, để thu hút nhóm đối tượng này thì cần phải có những người làm công tác kết nối, “môi giới” bước đầu. Bộ trưởng Nhạ cho biết, có một hạn chế lâu nay mà ông quan sát thấy là khi các nhà khoa học ở nước ngoài về thì không biết làm việc với ai, rồi cả hai bên đều thất vọng về nhau. Vì thế, nếu như có người am hiểu cả hai bên để kết nối thì có thể giải quyết được.
Ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất thành lập một hội đồng cố vấn gồm những nhà khoa học đã thành danh, có uy tín ở nước ngoài như GS Ngô Bảo Châu để làm nhiệm vụ kết nối. Ông Tuấn cho rằng, điều mấu chốt chính là phải thực sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của những con người như vậy.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (giữa) và Giáo sư Ngô Bảo Châu (trái), Tổng biên tập Tạp chí và Mạng Giáo dục Công dân Toàn cầu Đại học Califfornia Los Angeles, Nguyễn Anh Tuấn (phải)
Giao quyền tự chủ để trường đại học thu hút nhân tài
GS Ngô Bảo Châu cho rằng, một trong những vấn đề khó khăn của việc thu hút nhân tài về các trường đại học của Việt Nam chính là thị trường lao động cực kỳ đóng, ít khi có chuyện giảng viên chuyển từ trường này sang trường khác mà thường là thầy giữ sinh viên ở lại để tiếp tục đào tạo trở thành giảng viên. Cần phải giải phóng cơ chế này, để các trường cạnh tranh nhau sòng phẳng trong việc thu hút nhân lực thì mới có thể giải quyết được vấn đề.
Ông Hoàng Minh Sơn nói rằng, hiện tại thị trường lao động của các trường ĐH Việt Nam đã mở hơn. Như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn tạo mọi điều kiện để sinh viên trường khác về làm việc. Dù vậy, việc thu hút này vẫn gặp khá nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vấn đề “cận huyết ” hay “đồng huyết” trong tuyển dụng ở các trường ĐH Việt Nam là yếu tố thuộc về văn hóa và tới nay vẫn còn khá phổ biến ở Việt Nam.
Theo ông Nhạ, cái gốc của vấn đề này nằm ở chỗ tính cạnh tranh chưa cao ở ĐH Việt Nam.”Tôi thấy chỉ khi nào ông hiệu trưởng ĐH chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước xã hội và cạnh tranh trước đơn đặt hàng của Chính phủ và bên ngoài thì sẽ biết ứng xử thế nào” – Bộ trưởng Nhạ nói.
Từ đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, để cải thiện môi trường đại học Việt Nam, sắp tới, Bộ Giáo dục sẽ đẩy mạnh tự chủ đại học. Chỉ khi đó, hiệu trưởng mới coi trọng những người có năng lực, mới coi các cán bộ, giảng viên là những người làm nên thương hiệu của trường. Cũng tự đó, các hiệu trưởng sẽ phải tìm ra cách để thu hút, giữ chân những người tài bất kể là trong hay ngoài nước.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, tạo ra sự cạnh tranh giữa các trường là thách thức song cũng là động lực thúc đẩy các trường phát triển. Tuy nhiên, theo ông Sơn, cái vướng là theo Luật viên chức hiện nay chỉ được ký hợp đồng 1 năm sau đó phải đưa vào biên chế, trở thành viên chức.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tới đây, khi giao quyền tự chủ cho các trường đại học thì các trường cũng được tự chủ về biên chế. Người đứng đầu có toàn quyền quyết định về nhân sự tùy thuộc vào nhu cầu và chuẩn công việc của đơn vị mình.
Từ đó, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cần phải tính tới phương án ký hợp đồng chứ không còn để chế độ biên chế trong giáo dục nữa.
Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu thì lại cho rằng, việc xem xét bỏ chế độ biên chế, viên chức trong giáo dục cần được xem xét hết sức thận trọng, bởi biên chế khiến giảng viên cảm thấy họ là người chủ của trường đại học.
Bộ trưởng Nhạ giải thích đây mới chỉ là đề xuất và việc áp dụng trong thực tiễn cần phải có lộ trình rất dài, bước đi rõ ràng.Về lâu dài, chế độ viên chức suốt đời sẽ tùy thuộc vào từng tổ chức. Song ông cho rằng, đối với giáo dục đại học thì nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào tổ chức nhân sự của họ.
Hỗ trợ cho người trở về hơn là đầu tư để đi học
GS Châu đặt vấn đề chính sách thu hút các nghiên cứu sinh, sinh viên Việt Nam đi học nước ngoài theo chương trình 911 hiện nay vẫn còn khá cứng nhắc. Ông Hoàng Minh Sơn cho rằng, hiện tại nhà trường có hàng trăm em đi học ở nước ngoài, không biết các em khi học xong có quay trở về không song vẫn phải quản lý. Khi các em không quay trở về thì cũng không có cách nào để đòi tiên các em cả.
Từ đó, ông Sơn nêu kiến nghị trong chi phí cho mỗi sinh viên đi học theo chương trình thì nhà nước chỉ hỗ trợ 50% còn 50% là cho vay.
Nhì nhận những hạn chế của chương trình 91, ông Nhạ khẳng định tới đây sẽ kiến nghị Chính phủ chuyển dần từ việc cử đi học sang gắn trách nhiệm của người đi học với hiệu quả của đơn vị cử đi dưới dạng học bổng.
Ông Nhạ cho rằng nên đi theo hướng “hậu kiểm” hơn là đầu tư tiền để cử cán bộ hay sinh viên đi học. “Đối với các trường đại học, các viện nghiên cứu hiện nay phải đặt tài năng và hiệu quả lên hàng đầu. Thậm chí cung xkhông nên phân biệt nhà khoa học quốc tịch Việt hay nước ngoài miễn là họ mang lại cho ta những sản phẩm tốt” – Bộ trưởng Nhạ nói.
Phát biểu tại cuối cuộc thảo luận, Bộ trưởng Nhạ khẳng định, thu hút người tài ở nước ngoài là một vấn đề khó đòi hỏi phải suy nghĩ và hành động nghiêm túc hướng tới hiệu quả hơn là kêu gọi chung chung.
Theo Vietnamnet
'Trải thảm đỏ đón nhân tài' hay 'thả gà ra đuổi'?
Chuyện thành phố Đà Nẵng kiện 7 nhân tài vì sử dụng ngân sách nhà nước đi du học nhưng không trở về đúng hạn quả thật chẳng khác gì việc "thả gà ra đuổi".
Việc nhà nước đầu tư cho những cá nhân xuất sắc đi học ở những quốc gia tiên tiến hơn rồi quay trở về phục vụ đất nước là một chính sách nhân văn và hợp tình, hợp lí. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế, chính sách này lại cho thấy những lỗ hổng không dễ hàn gắn.
Từ những lỗ hổng đó, chất xám nhân tài có thể bị thất thoát, rò rỉ bằng cách này hay cách khác, cũng giống như bình nứt thì khó giữ nước. Không hiếm những nhân tài coi việc quay trở về, phục vụ quê hương là bắt buộc theo kiểu "trả nợ cho xong".
Sở dĩ vậy vì chúng ta tuy có đầu tư đào tạo nhân tài nhưng lại không cho họ đất dụng võ: Điều kiện hoạt động khoa học thiếu thốn; cơ sở vật chất nghèo nàn; môi trường nghiên cứu bảo thủ, rất khó chấp nhận những thay đổi từ bên ngoài...
Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cho người tài còn quá hạn hẹp. Thử hỏi, nếu như một người đến ăn một bát phở vào mỗi sáng còn phải băn khoăn suy nghĩ thì liệu họ có toàn tâm toàn trí nghĩ về một vấn đề to tát hơn?
Sự thực còn cho thấy vấn nạn chảy máu chất xám không đơn thuần là vết "ngoại thương", khi chất xám chảy đến các quốc gia khác. Mà đây còn là "nội thương" khi chính nguồn chất xám chất lượng cao ở trong nước không được phục vụ đúng ngành mũi nhọn của mình mà thường xuyên phải làm trái chuyên môn hoặc thậm chí làm những công việc chân tay để phục vụ cho cuộc sống mưu sinh. Điều đó là không thể chối cãi, nhất là với những người mới ra trường những năm gần đây.
Những học viên trong Đề án 922 trong một lần nhận chứng chỉ. Ảnh: Tiền phong.
Hiện tượng "chảy máu chất xám" kể trên khá trùng khớp với những kết quả thu được từ một... trang trại nuôi gà. Những con gà nhốt trong chuồng với môi trường bí bách, ngột ngạt lâu thì ốm yếu, suy kiệt dần. Một số con nuôi theo cách công nghiệp (được người khác vạch định đường tương lai từ trước) tuy béo mẫm nhưng lại ì ạch, chỉ biết làm theo những phản xạ có điều kiện để cho ra sản phẩm. Còn những con gà được thả, không nuôi theo cách công nghiệp tuy năng động, đắt giá nhưng đến khi bắt để thu hoạch thì rất khó.
Trường hợp của thành phố Đà Nẵng vừa qua là minh chứng cụ thể nhất cho việc "thả gà ra đuổi", đầu tư cho nhân lực mà không có đầu ra thích hợp, thu hút lại nhân tài.
Tuy nhiên, chỉ bàn tới những tác động khách quan là chưa đủ, yếu tố chủ quan cũng đóng một vai trò không hề nhỏ trong vấn đề này. Với thực trạng kinh tế, xã hội như hiện tại, dù chúng ta có bao nhiêu chính sách "trải thảm đỏ đón nhân tài" cũng khó có thể so sánh điều kiện đãi ngộ chung với các quốc gia phát triển.
Chính vì thế, chúng ta cần phải tin và hi vọng vào sự hi sinh và đánh đổi của các trí thức trẻ. Các trí thức trẻ cũng cần phải từ bỏ, không chỉ là vật chất, tiện nghi mà quan trọng hơn là chính "cái tôi cố hữu" của mình để có thể quay trở về phục vụ Tổ quốc với một tâm thế của những người dám đi đầu để thay đổi.
Mong rằng các nhân tài trẻ, đặc biệt những nhân tài đang được trải nghiệm, học tập, đào tạo nhờ công sức lao động, mồ hôi sương máu của nhân dân sẽ có trách nhiệm giữ đúng giao ước với đồng bào của mình. Giá trị của một con người không nằm ở những đồng tiền họ làm ra ít hay nhiều mà ở sự cống hiến với dân tộc.
Hi vọng các bạn luôn nhớ rằng "Học vấn không có quê hương nhưng người học vấn phải có Tổ quốc".
Bảo Trang
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Theo_Người Đưa Tin
GS Ngô Bảo Châu tham dự "Gặp gỡ Việt Nam" năm 2016 Giáo sư Ngô Bảo Châu và 6 giáo sư đoạt giải Nobel của thế giới sẽ tham gia chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ XII - năm 2016. Sự kiện dự kiến thu hút 250 đại biểu, gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước. Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ XII là một trong những hoạt động...