Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi ra mắt Viettel Cloud
VietNamNet xin giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) chính thức ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số Việt Nam là điện toán đám mây. Nó lưu trữ và xử lý dữ liệu Việt Nam tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, trong số các doanh nghiệp Việt Nam có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây thì có tới 80% là của nước ngoài, đặt tại nước ngoài.
Trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay, con người chỉ có tiêu xài tài nguyên và làm cạn kiệt tài nguyên. Nhưng với sự xuất hiện của công nghệ số, dữ liệu đã trở thành tài nguyên. Dữ liệu này do con người sinh ra. Khi hoạt động trên môi trường số con người sinh ra dữ liệu. Khai thác, canh tác, xử lý dữ liệu này thì sinh ra giá trị mới. Dữ liệu trở thành yếu tố đầu vào của sản xuất, giống như đất đai. Dữ liệu chính là đất đai trên không gian mạng. Trong thế giới thực thì đất đai là hữu hạn, nhưng trong thế giới số thì đất đai là vô hạn.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Chúng ta mới đang nói đến dữ liệu của hoạt động con người mà đã thấy nó vô hạn. Nhưng còn dữ liệu của cây cỏ, của thiên nhiên nữa. Chúng cũng đang sống từng giây, từng phút và chúng cũng sinh ra dữ liệu. IoT sẽ số hoá thế giới vật lý và tạo ra ánh xạ 1-1 giữa thế giới thực và số. Các nhà mạng viễn thông mà nghĩ như vậy thì sẽ thấy hạ tầng điện toán đám mây là lớn và quan trọng như thế nào.
Mỗi ngày, thế giới sinh ra 2,5 triệu terabyte dữ liệu, lớn gấp 100 lần Data Center của Viettel tại Hoà Lạc. Tức là mỗi ngày, thế giới phải xây dựng 100 Data Center như vậy.
Video đang HOT
Cloud lớn nhất của Viettel tại Hoà Lạc cũng chỉ bằng 1/10 một Cloud loại lớn của thế giới. Một Cloud loại lớn là khoảng 100.000 m2 sàn, 15.000 rack, nguồn điện 100 MW, dung lượng lên tới 200.000 máy chủ. Tất cả 13 Data Center của Viettel cộng lại vẫn chưa bằng 1 Data Center cỡ lớn của thế giới.
Viettel là nhà mạng lớn nhất Việt Nam. Nếu Viettel muốn tiếp tục là nhà mạng lớn nhất Việt Nam thì Viettel phải là Cloud lớn nhất Việt Nam. Viettel phải đầu tư xây dựng và vận hành những Cloud cỡ lớn.
Viettel đã từng có tầm nhìn mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động khi mật độ điện thoại di động ở Việt Nam mới có 4%. Và vì thế mà Viettel trở thành nhà mạng di động lớn nhất.
Viettel cũng đã từng có tầm nhìn mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang khi mà mọi người nghĩ rằng Internet cố định sẽ chết. Và vì thế mà Viettel trở thành nhà mạng Internet cáp quang lớn nhất.
Viettel cũng đã từng có tầm nhìn một doanh nghiệp dịch vụ khi đã thành công ở quy mô lớn thì chuyển sang làm công nghệ và công nghiệp. Và vì thế mà Viettel trở thành một tập đoàn công nghiệp công nghệ cao. Không những thế, Viettel còn mở ra một xu thế các doanh nghiệp dịch vụ chuyển sang làm công nghệ, thúc đẩy Việt Nam thành một quốc gia công nghệ.
Muốn đứng đầu thì đầu tiên phải có tầm nhìn vượt lên trên người khác, vượt trước người khác. Ngày trước nghèo, ít tiền thì dám nghĩ lớn. Mà sao bây giờ giàu có, nhiều tiền mà lại nghĩ bé đi? Nghĩ bé đi tức là đang làm cho mình bé đi.
Điện toán đám mây thì phải đầy đủ các loại dịch vụ. Hạ tầng tính toán và lưu trữ, nền tảng số và phần mềm, công nghệ đều phải được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Nếu chỉ đơn dịch vụ thì Cloud của Viettel sẽ rất khó chiếm lĩnh thị trường. Viettel Cloud khi ra đời đã ý thức là một hệ sinh thái đầy đủ các dịch vụ. Đây là một hướng đi đúng.
Viettel đã nghiên cứu, sản xuất được thiết bị mạng lưới viễn thông như tổng đài, truyền dẫn, trạm phát sóng 4G/5G. Thì Viettel cũng phải phát triển công nghệ Cloud của mình. Sự khác biệt giữa một tập đoàn công nghiệp, viễn thông với một tập đoàn viễn thông chính là ở chỗ này. Hôm nay, chúng ta rất vui mừng khi nghe Viettel tuyên bố, Viettel Cloud ra đời với sứ mệnh trở thành công nghệ của người Việt.
Việt Nam chọn hướng phát triển công nghệ số là công nghệ mở, mã nguồn mở. Mở là con đường đi mới của nhân loại. Để chúng ta đứng trên vai nhau. Để không có độc quyền về công nghệ. Để tạo dựng niềm tin số với nhau, giữa các quốc gia. Và để Việt Nam không chỉ tiêu xài công nghệ mà còn sáng tạo công nghệ và đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Viettel hãy phát triển công nghệ số theo hướng mở: công nghệ mở, mã nguồn mở.
Chính phủ số Việt Nam đang có nhu cầu về một Data Center rất lớn. Tại sao Viettel không xây dựng và vận hành một Data Center như vậy cho Chính phủ? Các bộ ngành của Chính phủ có thể đầu tư nhưng sẽ không có nhân lực tốt để vận hành và duy trì. Là một doanh nghiệp công nghệ số của Nhà nước 100%, Viettel hoàn toàn có thể nhận với Chính phủ việc này. Và trước khi nhận thì hãy chứng tỏ năng lực của mình thông qua việc đầu tư và vận hành một Data Center cỡ lớn như được nhắc tới ở trên.
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến sự ra mắt của Viettel Cloud – Hệ sinh thái điện toán đám mây do người Việt Nam làm chủ. Đây là một cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại. Bộ Thông tin và Truyền thông chúc mừng Viettel. Và cũng yêu cầu Viettel nhanh chóng xây dựng các Data Center, các Cloud đẳng cấp quốc tế, là hạ tầng cho Chính phủ số và kinh tế số của đất nước.
Bộ TT&TT kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy trở về nhà mình, dùng hạ tầng điện toán đám mây Việt Nam. 80% đang ở nước ngoài hãy về Việt Nam! Người Việt Nam thì ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bộ TT&TTcũng khuyến nghị các tổ chức và doanh nghiệp Việt Nam, thay vì tự đầu tư, tự vận hành các hệ thống công nghệ thông tin, thì hãy chuyển lên sử dụng dịch vụ Cloud với chi phí thấp hơn, tối ưu hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn.
Bộ TT&TT ghi nhận những nỗ lực của Viettel đã luôn thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và sáng tạo các định hướng của Bộ, như chuyển đổi số, hạ tầng số, cường quốc an toàn, an ninh mạng, Make in Vietnam. Tinh thần nhanh, quyết đoán, triệt để của Viettel đã đồng hành cùng Chính phủ và Bộ TT&TT trong nhiều chiến dịch, triển khai thần tốc nhiều ứng dụng, nền tảng quan trọng trong thời gian qua. Điển hình là các giải pháp phục vụ chống dịch Covid-19 như hệ thống tiêm chủng quốc gia, ứng dụng PC Covid, hệ thống cầu truyền hình, camera giám sát các cơ sở cách ly y tế,… góp phần chiến thắng đại dịch. Nếu không có những doanh nghiệp chủ lực trong nước như Viettel thì đất nước sẽ rất khó khăn.
Xin chúc Viettel luôn có tầm nhìn xa và lớn, tiếp tục tinh thần dấn thân, đi đầu, đi tiên phong, dám nhận về mình, tạo ra cho mình những thách thức mới để tiếp tục thành công lớn.
Xin trân trọng cảm ơn!
Ấn Độ ra mắt dịch vụ 5G
Ngày 1/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tham ra lễ ra mắt dịch vụ 5G ở nước này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Modi cho rằng động thái này đã tạo ra bước tiến cho kỷ nguyên mới.
Công nghệ 5G sẽ giúp việc truy cập Internet tốc độ cao và bao phủ trên diện rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hàng ngày và giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân. Dự kiến, mạng 5G sẽ giúp mang lại cho nền kinh tế Ấn Độ khoảng 450 tỷ USD vào năm 2035.
Trước mắt, dịch vụ 5G sẽ được triển khai tại 8 thành phố của Ấn Độ và dự kiến đến tháng 3/2024 là thời hạn chót để dịch vụ này phủ sóng toàn quốc.
Trước đó, trong một tuyên bố được Cục Viễn thông Ấn Độ (DoT) đưa ra vào ngày 27/12/2021, các nhà mạng hàng đầu Ấn Độ như Bharti Airtel, Reliance Jio và Vodafone Idea đã thiết lập các địa điểm thử nghiệm 5G tại các thành phố Gurugram, Bangalore, Kolkata, Mumbai, New Delhi, Ahmadabad, Chennai, Hyderabad....
Hệ thống mạng 5G là bản nâng cấp mới nhất trong các mạng di động băng rộng phát triển lâu dài (LTE). Mặc dù mạng 4G là một bước tiến vượt bậc, cho phép mọi người truyền tải dữ liệu khi đang di chuyển, nhưng 5G được thiết kế để sử dụng linh hoạt hơn, có thể kết nối nhiều loại thiết bị không chỉ điện thoại thông minh, cung cấp tốc độ truy cập và dung lượng cao hơn nhiều.
Ngoài các nhà cung cấp viễn thông và sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, Chính phủ Ấn Độ đã tích cực tham gia để tạo điều kiện cho việc triển khai dịch vụ 5G. Bộ Viễn thông Ấn Độ đã tập trung đầu tư cho các tổ chức nghiên cứu công nghệ hàng đầu ở nước này để phát triển và thử nghiệm mạng 5G.
Hồi tháng 3/2018, Bộ Viễn thông Ấn Độ đã phê duyệt một dự án hợp tác thử nghiệm 5G với tổng kinh phí hơn 30 triệu USD.
Netflix công bố gói cước rẻ nhất Netflix sẽ giới thiệu gói xem kèm quảng cáo giá 6,99 USD/tháng từ tháng 11, nhằm thu hút thuê bao mới. Gói cước "Basic with Ads" giá 6,99 USD/tháng, thấp hơn 3 USD so với gói cước rẻ nhất hiện nay của Netflix. Tùy chọn sẽ ra mắt đầu tiên tại Canada, Mexico từ ngày 1/11, Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Australia, Brazil, Đức,...