Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đừng chỉ săn đón đại bàng mà quên lót ổ cho chim sẻ
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Diễn đàn Mekong Connect 2021, chủ đề “Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển trong bình thường mới”, diễn ra sáng nay 17/12, tại TP.HCM.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, TP.HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh khu vực ĐBSCL nhưng chưa bao giờ có liên kết với toàn vùng.
Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tham quan gian hàng của tỉnh Đồng Tháp – Ảnh: Quốc Hải
Theo ông Hoan, TP.HCM có rất nhiều chương trình hợp tác với các tỉnh miền Tây. Chính ông ngày xưa cũng từng cùng Đoàn Doanh nghiệp lên TP.HCM ký kết hợp tác.
Rồi ông giới thiệu và đề nghị hợp tác với một doanh nghiệp Australia – hiện cũng là đại diện các doanh nghiệp Australia tại Việt Nam – nhưng là chỗ thân quen nên vị đại diện này nói thẳng: “Người Australia chả ai biết Đồng Tháp, An Giang hay Cần Thơ là nơi nào. Nhưng nếu nói khu vực ĐBSCL – khu vực Mekong có lẽ có nhiều người biết. Vì vậy tại sao chúng ta không tạo thành liên kết vùng để thế giới đều biết?”.
“Nói thẳng, về tư duy liên kết vùng, chúng ta vẫn đang làm bài toán chia. Nếu xem ĐBSCL là một thực thể kinh tế chứ không phải địa giới hành chính 13 tỉnh thì mọi việc sẽ khác. Sao mình không hợp tác cả đồng bằng với TP.HCM và miền Đông. Đã đến lúc quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia”, ông Hoan nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, lãnh đạo các Sở NNPTNT cần có cách tiếp cận mới, về những xu thế mới.
Biết cách tiếp cận đôi khi còn quan trọng hơn là chuyên môn, vì chuyên môn thì có thể có bộ phận chuyên môn đảm trách. Còn người làm quản lý thì cần tiếp cận thông tin, bổ sung kiến thức nhiều hơn. Tiếp cận cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và cách thế giới họ vận động như thế nào…
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan động viên các doanh nghiệp tham gia liên kết vùng để tạo đà phát triển… – Ảnh: Quốc Hải
Lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương là người kết nối vòng tròn những mối quan hệ. Trong đó, cần lưu ý việc kết nối người nông dân với doanh nghiệp. Một nền nông nghiệp không cùng nhau hành động tập thể sẽ khó phát triển, phải cùng nhau định nghĩa, định vị lại, phải quan tâm tới “hợp tác và liên kết”.
Tại sao doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp dù có nhiều chính sách?
Phải chăng đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp rủi ro nhiều, phụ thuộc nhiều yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh…?
Phải chăng thu lợi nhuận chậm so với các ngành khác?
Phải chăng bản chất các ngành hàng nông sản không tạo được niềm tin để doanh nghiệp có thể đầu tư bền vững (quy mô nhỏ, mối liên kết thiếu bền chặt, vùng nguyên liệu không ổn định, chuỗi liên kết không ổn định)?
Ông Hoan đặt vấn đề và chỉ ra: “Chính sách chính là do doanh nghiệp tạo ra. Tôi có ngồi với đại diện nhiều doanh nghiệp, có người than thiếu chính sách”.
“Tôi nói thẳng, các doanh nghiệp cứ làm đi, làm thành công thì sẽ tạo ra chính sách và ngành nông nghiệp sẵn lòng ủng hộ”, ông Hoan khẳng định.
Theo ông Hoan, về phía địa phương, bên cạnh các báo cáo về diện tích, sản lượng, cần đánh giá tác động như thế nào, giá trị gia tăng, có sáng kiến gì mới, đột phá, giá trị cộng hưởng… Cần ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội hơn là các số liệu báo cáo đơn thuần.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các doanh nghiệp tham quan gian hàng sản phẩm của tỉnh Đồng Tháp… – Ảnh: Quốc Hải
Đặc biệt, theo tư lệnh ngành nông nghiệp, cần chuyển từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”. Tích hợp giá trị tài nguyên bản địa để làm ra giá trị cao hơn. Giới thiệu cả phần hồn của vùng đất chứ không chỉ là bán một trái quýt, trái cam. Yếu tố hữu hình cần tích hợp với giá trị vô hình (văn hóa, lịch sử của cả một vùng đất).
Cần gửi gắm “giá trị”, chứ không phải bán vì “giá cả” như trước đây. Chúng ta đang theo đuổi giá trị thấp nhất (bán ở tầng đáy) của tầng giá trị, của nền kinh tế trải nghiệm.
Ngoài ra, các mô hình “Cụm liên kết ngành trong nông nghiệp”, du lịch nông nghiệp nông thôn cần được quan tâm.
Các địa phương đừng chỉ săn đón đại bàng mà quên chăm sóc, lót ổ cho chim sẻ. Phải biết rằng, Trung Quốc đi lên từ xí nghiệp nho nhỏ hương trấn rồi mới lên công ty lớn. Chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh mà không nhìn chiều sâu, xa hơn ở 5-10 năm nữa.
“Chúng ta không thiếu đất mà thiếu tầm nhìn để cho kinh tế nông thôn phát triển. Cần định vị lại nông thôn mới, nâng cao năng lực cho địa phương”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đúc kết.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Hai chữ "phục hồi" và "liên kết" đã nói lên quyết tâm mạnh mẽ của các địa phương
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP muốn cùng các tỉnh ĐBSCL trao đổi, tìm giải pháp phục hồi kinh tế cho năm 2022 và liên kết phát triển trong điều kiện bình thường mới.
Hai chữ "phục hồi" và "liên kết" đã nói lên quyết tâm mạnh mẽ của các bên về sự liên kết hợp lực, tạo sức mạnh vượt qua dịch Covid-19.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM tại Diễn đàn Mekong Connect 2021, khai mạc sáng nay 17/12, tại TP.HCM - Ảnh: Quốc Hải
Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL vừa trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn, chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Nhiều tổn thương, mất mát và cả những ảnh hưởng nặng nề trên các mặt kinh tế - xã hội. Đến nay, khi dịch bệnh được cơ bản kiểm soát, chúng ta vẫn cùng làm một công việc quan trọng - vừa cố gắng duy trì kiểm soát dịch, vừa lo phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Mục tiêu của Diễn đàn Mekong Connect 2021 là cùng trao đổi tìm giải pháp phục hồi kinh tế cho năm 2022 và liên kết phát triển trong điều kiện bình thường mới. Ở diễn đàn lần này, hai chữ "phục hồi" và "liên kết" đã nói lên quyết tâm mạnh mẽ của các bên về sự liên kết hợp lực, tạo sức mạnh đưa kinh tế vùng và các địa phương phát triển sau những khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Đặc biệt, theo ông Mãi, trong quá trình phát triển kinh tế, TP.HCM luôn đánh giá cao mối liên kết với các tỉnh, thành ĐBSCL. Bởi, với "địa kinh tế" của khu vực Mekong, dồi dào nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo, có lợi thế phát triển kinh tế biển, có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh, còn TP.HCM là trung tâm thương mại lớn của cả vùng với 80% nguồn cung cho thị trường đến từ ĐBSCL.
Lãnh đạo các địa phương cùng TP.HCM trảo đổi về những dự định sắp tới... - Ảnh: Quốc Hải
Chủ tịch UBND TP.HCM nêu, các bên đã có mối liên kết phát triển về hạ tầng giao thông, về nguồn nhân lực, về chuỗi sản xuất kinh doanh, về kinh tế biển, về kết nối năng lượng-du lịch-hàng không, về hệ sinh thái khởi nghiệp, và liên kết công nghiệp hỗ trợ, về bình ổn và phát triển thị trường... Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, sự liên kết này lại càng được phát huy chặt chẽ.
Các địa phương cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, cùng giúp nhau các nguồn lực y tế, nhân lực, thống nhất trong cách ứng xử phòng, chống dịch để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định và phục hồi kinh tế.
"Đúc kết lại, từ thực tế khách quan và nhu cầu của mỗi địa phương, chúng ta càng nhận ra rằng: Liên kết cùng phát triển giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL là nhu cầu cấp thiết. Vì vậy, diễn đàn sẽ tập trung vào các chủ đề chính là: Phục hồi kinh tế và liên kết phát triển, với kỳ vọng diễn đàn lần này không chỉ tạo được động lực lớn, mang lại hiệu quả phục hồi phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói chung, từng địa phương nói riêng; mà còn mở ra một bước phát triển mới, mở rộng hơn trong liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL", Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, với việc thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu, Diễn đàn là một trong những hoạt động rất đáng trân trọng, để các bên liên quan tiếp tục quy tụ được nhiều ý kiến đóng góp, tập hợp được tiếng nói và sáng kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước.
"Đây sẽ là những khuyến nghị hết sức quý báu giúp TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL trong hợp tác liên kết để thúc đẩy kinh tế Vùng phát triển", ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, qua diễn đàn lần này, TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng. Đặc biệt, sẽ khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững...
Đại biểu chất vấn gì Chủ tịch TPHCM trong chiều nay? Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, công tác chuẩn bị cho học sinh tới trường là một trong những nội dung được ông báo cáo trong lần đầu tiên trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND TPHCM. Sáng 8/12, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, bước vào ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thường niên cuối năm 2021....