Bộ trưởng GTVT lý giải việc dùng từ “thu giá BOT”
Ông Nguyễn Văn Thể – Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc chuyển từ “thu giá” sang “thu phí” BOT sẽ linh động hơn cho việc điều chỉnh mức thu vì không phải thông qua HĐND các tỉnh thành.
Chiều 22/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Nguyễn Văn Thể đã làm rõ những vấn đề liên quan đến việc đổi tên “trạm thu phí BOT” thành “trạm thu giá BOT giao thông”.
- Tại sao Bộ GTVT lại chuyển tên gọi từ “thu phí” thanh “thu giá” BOT?
- Phí mang tính chất quản lý Nhà nước liên quan đến HĐND, Quốc hội quyết định. Hình thức đầu tư BOT (Kinh doanh – Xây dựng – Chuyển giao) được xem là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá. Do vậy, chúng ta cần điều chỉnh từ phí sang giá cho chính xác.
Việc chuyển đổi tên trạm “thu phí” thành trạm “thu giá” không có gì khác mà còn linh động hơn rất nhiều cho việc điều chỉnh mức thu. Bởi lẽ muốn điều chỉnh phí thì phải thông qua HĐND nên rất chậm.
- Trong quá trình ra văn bản, Bộ GTVT có rà soát việc dùng từ “thu giá” để cho chính xác?
- Việc này không phải do Bộ GTVT quy định mà đã có trong Nghị định của Chính phủ. Ví như BOT là sản phẩm sản xuất trong nhà máy thì họ có thể ấn định giá bán.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội
- Khi chuyển sang thành “thu giá” thì doanh nghiệp có thể đề xuất tăng, giảm theo quy luật thị trường. Điều này ảnh hưởng đến tính ổn định và người sử dụng dịch vụ?
Video đang HOT
- Sản phẩm nào cũng phải đem lại hiệu quả kinh doanh. Dự án BOT cũng vậy, chủ đầu tư bỏ toàn bộ vốn thì cũng cần có phương án hoàn vốn. Còn Nhà nước luôn cố gắng điều chỉnh thấp nhất, tạo điều kiện cho xã hội. Hiện nay, chúng ta đang điều chỉnh giá các trạm BOT theo phương án thấp nhất để hỗ trợ chi phí cho người dân.
- Nhưng đã chuyển sang giá, nếu Nhà nước điều chỉnh phương án giảm thấp nhất để có lợi cho người dân thì doanh nghiệp cũng có thể đề xuất tăng để có lợi cho họ?
- Về nguyên tắc sản phẩm đó là của doanh nghiệp, nhưng Nhà nước sẽ điều tiết theo thị trường. Tức là mình điều tiết để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và hài hòa lợi ích người dân. Điều đó có nghĩa là không phải sản phẩm anh làm ra là tự ấn định giá, mà Bộ GTVT sẽ giám sát điều này.
Trường hợp doanh nghiệp muốn tăng giá thì họ phải đăng ký với Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xem xét, khi nào cảm thấy hài hòa hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới được điều chỉnh, nếu không thì không cho điều chỉnh.
- Việc thay đổi từ “thu phí” thành “thu giá” như vậy sẽ không phải thông qua HĐND mà chỉ qua sự giám sát của Bộ ngành liên quan. Vậy quyền lợi của người dân có được bảo đảm?
- Như tôi đã nói, trước đây, mỗi lần điều chỉnh mức thu BOT gặp rất nhiều khó khăn vì phải thông qua HĐND địa phương, mà HĐND thì không thể quyết định linh động được. Còn khi chuyển sang giá thì bản chất của nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy. Ngược lại nhà nước sẽ điều chỉnh nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực. Có những vị trí vì điều kiện cho phép nên được điều chỉnh giảm rất sâu.
Thời gian tới, chúng ta áp dụng công nghệ vào việc thu giá BOT. Khi thu giá tự động thì người dân có thể giám sát được nguồn thu hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nguồn thu từ lúc đưa trạm BOT vào hoạt động cho đến thời điểm kiểm tra.
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ cũng sẽ quản lý toàn bộ các trạm thu giá BOT. Thực hiện như vậy, sẽ giúp cho việc thu chi bảo đảm công khai, minh bạch, người dân cũng có thể giám sát được thông qua các thiết bị điện tử mang tính chính xác cao.
- Xin cảm ơn ông!
Quang Phong
Theo Dantri
Bộ trưởng GTVT chốt tháng 12 vận hành thương mại đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án Đường sắt và đơn vị liên quan phải hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong tháng 10 và tháng 12/2018 sẽ vận hành thương mại.
Chiều 6/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã làm việc với UBND TP Hà Nội về sự phối hợp giữa hai đơn vị trong giải quyết công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông. Tại đây, các đại biểu làm rõ những vấn đề liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ GTVT cho biết, hiện nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang vướng mặt bằng thi công hạng mục thoát nước đoạn Hoàng Cầu - Yên Lãng. Ban Quản lý dự án đường sắt cũng nhiều lần làm việc và có công văn gửi Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội khẩn trương bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, đến nay về phía Bộ GTVT vẫn chưa nhận được mặt bằng để thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nêu trên khẩn trương thực hiện và bàn giao mặt bằng dự án.
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông).
Ông Vũ Hồng Phương - Phó Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, nhờ sự phối hợp của UBND TP Hà Nội và các quận nên công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, hiện có sự lấn chiếm gầm đường sắt trên cao làm bãi đỗ xe.
Ông Phương cũng kiến nghị Sở Xây dựng Hà Nội có biện pháp xử lý một số cây lớn trong quá trình phát triển đã lấn vào hành lang an toàn của tuyến đường sắt. Ban Quản lý dự án đường sắt cũng đã có văn bản kiến nghị Hà Nội xử lý những tồn tại này.
Tại hội nghị, ông Phương cũng nói rõ tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, trong năm 2017 có những vướng mắc nhất định về vốn của dự án. "Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành và năm 2021 kết thúc dự án", ông Phương nói.
Theo ông Phương, đến nay đơn vị này đã đề nghị các đơn vị liên qua tăng cường lực lượng thi công đồng bộ tất cả các hạng mục còn lại của dự án Cát Linh - Hà Đông. Về phần xây dựng, hiện chỉ còn 4% khối lượng dự án, 90% thiết bị của liên quan đến dự án đã được mua sắm xong; 76% lượng thiết bị đã được lắp đặt.
Tháng 12/2018, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành thương mại
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, TP Hà Nội đang rất cần tuyến đường sắt này và đã đề nghị sớm kết thúc dự án.
"Thời điểm này đã có tiền, tiến độ dự án nhà thầu cũng đang làm, mặt bằng không vướng mắc, lắp đặt thiết bị đã cơ bản. Do vậy, tôi chốt lại tháng 10 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải vận hành thương mại. Và nếu các anh làm trễ thì phải chịu trách nhiệm", ông Thể cương quyết.
Trước thời điểm khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào dịp cuối năm, ông Thể lưu ý các đơn vị liên quan phải xem xét kỹ quy trình vận hành tuyến đường sắt, trong đó có vấn đề về đội ngũ cán bộ, công nhân viên và việc ứng xử với những sự cố có thể xảy ra.
"Làm tốt những vấn đề như vậy sẽ tạo tiền đề cho giai đoạn sau, đội ngũ cán bộ vận hành đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt", ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT nói thêm.
Quang Phong
Theo Dantri
Bộ trưởng Bộ GTVT: Đóng cửa trạm BOT nếu không thu phí tự động Trong buổi làm việc với Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ đóng cửa trạm BOT nào không tổ chức thu phí tự động. Chiều 2.3, đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đã có buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng. Tại buổi...