Bộ trưởng Bộ Y tế: ‘Tôi tha thiết đề nghị y tế tư nhân cùng TP.HCM chống dịch’
Người thầy thuốc có trách nhiệm, bổn phận chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vì vậy tôi rất tha thiết đề nghị các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục chung tay, chung sức, chung lòng gánh vác công việc chống dịch COVID-19 cùng TP.HCM.
Bệnh viện Quốc tế City ( quận Bình Tân), 1 trong 5 cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong chuyến kiểm tra việc thiết lập và vận hành các trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại TP.HCM tối 1-8.
Bộ trưởng cho biết để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị huy động sự tham gia của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Theo ông, ngay từ khi chưa có lời kêu gọi, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã nhiệt tình tham gia công tác tiêm chủng; thiết lập giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trong cuộc chiến phòng chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng ai cũng có trách nhiệm, nhưng với ngành y trách nhiệm ấy lớn lao hơn. Người thầy thuốc có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc sức khỏe nhân dân.
“Vì vậy tôi rất tha thiết đề nghị các vị lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tiếp tục chung tay, chung sức, chung lòng gánh vác cùng TP.HCM trong phòng chống dịch; đặc biệt trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc COVID-19 để sớm vượt qua giai đoạn rất khó khăn này”, Bộ trưởng chia sẻ.
Vui mừng khi có nhiều đơn vị chủ động lên phương án tách đôi bệnh viện, vừa chăm sóc sức khỏe người dân, vừa sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TP.HCM chủ động đăng ký số giường; số lượng nhân sự có thể đảm đương công việc điều trị hồi sức và vận hành máy thở.
Video đang HOT
Trên cơ sở đó, Sở Y tế TP.HCM sẽ điều động nhân lực đến những cơ sở điều trị hồi sức đang cần.
Tính đến nay TP.HCM có 5 bệnh viện tư nhân, bao gồm Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP Thủ Đức), Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân), Bệnh viện Xuyên Á (Củ Chi) và Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn (quận 7)… “xung phong” tham gia vào mặt trận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nhằm “chia lửa” cho hệ thống điều trị y tế công lập.
Làm ngày làm đêm đưa trung tâm hồi sức hoạt động
Ông Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế huy động các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế vào thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực tại TP.HCM và đang nỗ lực từng giờ, từng phút, làm đêm, làm ngày để đưa các trung tâm này vào hoạt động.
Tuy nhiên có những khó khăn nhất định ban đầu về labo xét nghiệm; mua sắm vật tư tiêu hao, giường bệnh, chăn drap… với số lượng nhiều trong cùng một thời điểm rất ngắn. Ông mong muốn các cơ sở y tế tư nhân cùng chung sức, chia sẻ, cho mượn những trang thiết bị, vật tư tiêu hao… để cùng chống dịch.
Bệnh viện tư xung phong chia lửa
Đã có 5 bệnh viện tư nhân ở TP.HCM xung phong tham gia mặt trận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nhằm chia lửa cho hệ thống điều trị y tế công lập, vốn đang đứng trước thực trạng quá tải.
Bệnh viện quốc tế City (quận Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong tình hình này, y tế tư nhân không còn suy nghĩ nhiều về kinh doanh; quyền lợi của cá nhân tổ chức cũng không còn quá quan trọng; cũng giống như y tế công, y tế tư cũng có nghĩa vụ cùng chung sức với hệ thống y tế đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng
Đó là Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP Thủ Đức), Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân), Bệnh viện Xuyên Á (Củ Chi) và Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn (quận 7)..., được phân công điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng (tầng 3).
Riêng Bệnh viện Quốc tế City dự kiến phối hợp cùng với Bệnh viện ĐH Y dược thiết lập trung tâm hồi sức điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch (tầng 5 trong mô hình tháp 5 tầng điều trị COVID-19) theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
"Không đứng ngoài cuộc"
Tại TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức là đơn vị đầu tiên xung phong tham gia mặt trận điều trị này.
Chỉ sau một ngày bệnh viện có đề xuất, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng với lãnh đạo ngành y tế đã đến khảo sát thực tế và đồng thuận để bệnh viện tạm thời chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19.
Dự kiến Trung tâm điều trị COVID-19 của bệnh viện chính thức tiếp nhận bệnh nhân vào ngày 2-8 với 100 giường (có 10 giường hồi sức cấp cứu) trong giai đoạn 1, và nâng công suất lên 200 giường (có 20 giường hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn 2.
Theo đánh giá của ngành y tế, bệnh viện này nằm trên quốc lộ 1K (TP Thủ Đức), sẽ thuận tiện cho việc tiếp nhận hoặc chuyển tuyến các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Bệnh viện cũng vừa mới xây dựng (cuối năm 2020) nên cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị y tế đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết của một bệnh viện điều trị COVID-19.
"Chúng tôi cũng kêu gọi đội ngũ tình nguyện viên từ lực lượng hơn 3.000 y, bác sĩ tại 15 bệnh viện và 6 phòng khám trong cùng hệ thống, nhằm đảm bảo cho hoạt động điều trị bệnh nhân ở tầng 3 (có triệu chứng) theo quy định" - bác sĩ Nguyễn Tuấn, giám đốc bệnh viện, chia sẻ.
Trong khi đó, sau một thời gian tạm ngưng hoạt động do COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn hoạt động trở lại với vai trò "chia lửa" cùng với hệ thống y tế công trong công tác điều trị COVID-19.
Ông Đặng Văn Thanh - tổng giám đốc bệnh viện - chia sẻ, đơn vị đã chuẩn bị khoảng 100 giường bệnh với khoảng 150 bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng tham gia điều trị cho bệnh nhân ở tầng 3.
Nguồn lực còn rất lớn
Theo Sở Y tế TP.HCM, các bệnh viện còn lại như Triều An đăng ký hoạt động theo mô hình bệnh viện tách đôi với 100 giường, hiện đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp COVID-19 có triệu chứng. Bệnh viện Xuyên Á dù còn bệnh nhân nội trú nhưng vẫn đăng ký tham gia điều trị COVID-19 theo mô hình bệnh viện tách đôi quy mô 125 giường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ , bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM - cho biết dù là y tế tư nhân hay công lập, đều là tài nguyên của quốc gia. Thống kê sơ bộ toàn TP hiện có trên 300 phòng khám đa khoa; trên 50 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; tương ứng 4.000 giường bệnh với 1.800 bác sĩ và 3.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên.
Về vấn đề chi phí điều trị, bác sĩ Tùng cho biết hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn phác đồ điều trị chi tiết cho bệnh nhân mắc COVID-19, do đó việc chi trả chi phí điều trị sẽ được áp dụng theo hướng dẫn, do quỹ BHYT và ngân sách nhà nước chi trả theo quy định; ngoại trừ các trường hợp bệnh nhân có yêu cầu sử dụng các dịch vụ tiện ích khác nằm ngoài danh mục.
Gọi là có mặt
Bác sĩ Nguyễn Tuấn đề xuất cần sự hỗ trợ trong tư vấn, hội chẩn liên viện, đồng thời có cơ chế chuyển viện đối với những trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch.
Trong khi đó, ông Thanh mong muốn trong quá trình vận hành rất cần sự chỉ đạo của cơ quan quản lý trong phối hợp chuyên môn xuyên suốt giữa công - tư và các tuyến. "Khi bệnh nhân có vấn đề ngoài khả năng, chúng tôi hi vọng chỉ cần điện thoại, đơn vị tuyến cuối sẽ khẩn trương cử lực lượng hỗ trợ cứu người bệnh" - ông Thanh nói.
Lấy mẫu 3 ngày/lần với người ở vùng nguy cơ rất cao của TP.HCM Bộ Y tế đề nghị TP.HCM lấy mẫu tại hộ gia đình toàn bộ người thuộc khu vực có nguy cơ rất cao với tần suất 3 ngày/lần. Khu vực nguy cơ cao sẽ lấy mẫu là 7 ngày/lần. Sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp với Bộ phận thường trực hỗ trợ TP HCM chống dịch và các...