Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Nước ta hứng trọn 16/21 loại hình thiên tai
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo. Chỉ tính riêng năm 2018, nước ta đã hứng trọn 16/21 loại hình thiên tai.
Quyết liệt nhưng vẫn thiệt hại lớn
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, năm 2018, sự bất thường của thiên tai, sự xuất hiện của hầu hết các loại hình thiên tai trong suốt cả năm, trên khắp các vùng miền của đất nước với 16/21 hình thái thiên tai (cụ thể 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 09 đợt gió mạnh trên biển; 04 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng; lũ thượng nguồn sông Cửu Long kéo dài và ở mức cao nhất kể từ 2011; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ; sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển miền Trung).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2018, cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể, tổ chức nhất là lực lượng vũ trang, nhân dân vùng thiên tai đã vào cuộc triển khai quyết liệt, mạnh mẽ.
20.000 tỷ đồng trôi theo sông biển vì thiên tai. Ảnh: I.T
Nhiều cách làm sáng tạo, quyết đoán đã được thực thi trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, đặc biệt là vận hành liên hồ, ứng phó kịp thời, hiệu quả với lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long (không để xảy ra người chết và trẻ em không phải nghỉ học), tuyên truyền, cảnh báo tới cộng đồng bằng tin nhắn và nhiều hình thức sống động, sáng tạo, hiệu quả…
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời; có các bức điện gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước, lực lượng phòng chống thiên tai ghi nhận những đóng góp, hy sinh đồng thời nhắc nhở, yêu cầu các ngành, các cấp và người dân phải chủ động hơn nữa trong phòng chống thiên tai.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân là do khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai với một số tình huống thiên tai lớn còn bất cập, lúng túng; huy động lực lượng đông đảo nhưng hiệu quả thấp; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đáp ứng yêu cầu;
Nguồn lực cho phòng chống thiên tai còn hạn chế và phân tán, chưa có đầu mối để theo dõi, điều phối tổng thể; chưa có chính sách tài chính bền vững trước thiên tai, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ phòng chống thiên tai;
Trình tự thủ tục trong một số hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả, tiếp nhận viện trợ còn theo các thủ tục thông thường nên không đáp ứng được yêu cầu khẩn cấp, làm kéo dài thời gian phục hồi, tái thiết hoặc gây gia tăng thiệt hại, giảm hiệu quả đầu tư, không phù hợp với thực tiễn.
Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế trong dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích tính toán, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành với những tình huống thiên tai lớn, phạm vi rộng hoặc cục bộ như đối phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn tại các lưu vực sông liên tỉnh, lũ quét sạt lở đất…
Đẩy mạnh xã hội hóa phòng chống thiên tai
Video đang HOT
Các lực lượng vũ trang vào cuộc tích cực trong phòng chống thiên tai. Ảnh: I.T
Căn cứ nhận định tình hình thiên tai năm 2019 của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và trước những diễn biến bất thường của thời tiết ngay từ đầu năm: Nóng, lạnh cực đoan xảy ra ngay trong 1 tháng, 1 tuần, thậm chí ngay trong 1 ngày; chưa bao giờ thấy hoa Sữa nở trong tháng 5 tại Hà Nội, chưa bao giờ có tiết mưa ngâu trước tết Đoan Ngọ như vừa qua và ngay trong tháng 6 này, hiện tượng hoa lộc vừng, hoa vối đồng loạt nở rộ một cách trái quy luật, cho thấy sự thay đổi thời tiết vô cùng phức tạp, không bình thường.
Trước thực trạng công tác phòng chống thiên tai hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong hoạt động phòng chống thiên tai giữa các Bộ, ngành và địa phương; huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống, sức khỏe, môi trường, sản xuất của nhân dân.
Kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xây dựng quy chế làm việc, triển khai thực hiện nghiêm túc, bài bản, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được phân công; có kiểm điểm đánh giá việc thực thi nhiệm vụ;
Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia và các cấp tỉnh, huyện, xã. Xây dựng giải pháp, quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan đồng thời lập kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện.
Xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hoá công tác phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác PCTT, cung cấp dịch vụ công, bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình an toàn trước thiên tai; tiêu chuẩn quy chuẩn về mật độ trạm khí tượng thủy văn; nghị định kiểm soát an toàn thiên tai và tiến hành đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm quy định về an toàn thiên tai
Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, tập trung triển khai các chương trình, dự án như: Chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa nước, trong đó tập trung triển khai Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8); Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (WB9); Dự án Quản lý nước Bến tre; Dự án chống ngập các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ,…; Các dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hồ chứa thuỷ lợi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; đầu tư các khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão,…
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Điều hành phòng chống thiên tai Quốc gia, khởi công trong năm 2019; tiến hành các thủ tục chuẩn bị cho việc xây dựng Trung tâm điều hành cấp vùng tại thành phố Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát hoạt động xã hội, cơ sở hạ tầng PCTT, tình hình diễn biến thiên tai,… để tham mưu nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả.
Hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập, sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long, trình duyệt dự sơ tán dân khẩn cấp khu vực miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất;
Đẩy mạnh thành lập và hoạt động quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó hình thành Quỹ phòng chống thiên tai cấp Quốc gia; bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghị định về xã hội hóa và các chính sách phát triển bền vững trong PCTT.
Theo Danviet
Đánh bạc vào nuôi trâu bò hay là lúc "cải tổ" của ngành chăn nuôi?
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn tiếp tục lây lan ra nhiều vùng miền trên cả nước, đặc biệt hệ lụy của dịch bệnh này còn âm ỉ trong thời gian dài.
Vì vậy, bên cạnh việc quyết liệt khống chế dịch, Bộ NNPTNT đang xem xét tổ chức lại ngành chăn nuôi, đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học và chú trọng phát triển chăn nuôi gia cầm, thuỷ sản, các loại gia súc ăn cỏ ...
Đánh cược vào trâu bò
Chỉ 3 tháng sau khi Việt Nam lần đầu ghi nhận DTLCP ở Hưng Yên và Thái Bình, đến nay đã có 55 tỉnh, thành xuất hiện ổ dịch. Tình hình này đã khiến ông Trần Văn Chiến - một chủ trang trại ở Hà Nội có 20 năm chăn nuôi lợn phải từ bỏ nghề. Thay vào đó, ông Chiến đang đặt cược tương lai vào gà, bò và thậm chí cả đà điểu - loại chim có trọng lượng khổng lồ và thịt đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (trái) cùng Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên (giữa) xem khu vực chế biến thức ăn cho trâu bò từ lõi bắp ngô. Ảnh: M.H
Ông Chiến cho biết, sau khủng hoảng giá lợn hơi năm 2017 và rất nhiều lần giá cả bấp bênh, bị các loại dịch bệnh tấn công, gia đình ông đã chịu nhiều tổn thất và khốn khổ từ chăn nuôi lợn. Vì vậy, ông đã quyết định không nuôi lợn nữa.
Là một trong những tỉnh đầu tiên bị DTLCP "càn quét", nhiều hộ chăn nuôi bị chết sạch không còn con lợn nào, mới đây lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Bình đã mời 8 lãnh đạo của 8 huyện thuộc tỉnh này đi thăm mô hình nuôi trâu, bò công nghệ cao tại Hòa Bình với mục đích tìm hướng đi mới cho ngành chăn nuôi của tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình cho biết, nếu chỉ phát triển chăn nuôi riêng lẻ thì rất khó thành công, thường gặp nguy cơ rủi ro cao về dịch bệnh, giá cả. Việc xử lý "khủng hoảng" DTLCP thời gian qua đã khiến Thái Bình phải tìm lối thoát cho ngành chăn nuôi, tìm sinh kế mới cho bà con.
"Được sự khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chúng tôi đã có chuyến thăm trang trại sản xuất bò giống, bò thịt và vỗ béo trâu của Công ty CP T&T 159 Hoà Bình. Tôi nhận thấy đây là mô hình hay, có thể đáp ứng được những mong muốn của Thái Bình vì chúng tôi có đủ điều kiện để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Mặc dù ngành nào cũng có rủi ro, nhưng nếu đầu tư bài bản thì rủi ro sẽ được hạn chế mức thấp nhất" - ông Diên nói.
Ông Diên cũng cho biết, sau chuyến thăm này, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình sẽ ban hành những cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò quy mô lớn, ưu tiên doanh nghiệp làm chủ đầu tư vì nuôi trâu bò đòi hỏi vốn lớn.
Trong khi đó, tỉnh Bình Định cũng đang quyết tâm giảm thiểu chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong nông hộ, tập trung phát triển gia trại, trang trại xa khu dân cư, đồng thời vận động hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang nuôi bò để thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi.
Được biết, Bình Định đang có đàn lợn gần 900.000 con, với 5.300 gia trại và gần 100 trang trại chăn nuôi lợn.
Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ vận động người dân giảm dần hình thức nuôi lợn nhỏ lẻ sang nuôi bò chất lượng cao, loài vật nuôi mà ngành chức năng có thể khống chế được dịch bệnh và giá cả ổn định.
"Hiện các dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Sinh kế nông thôn bền vững, "Sind hóa" và "Zebu hóa" đàn bò lai... trên địa bàn đang phát huy hiệu quả; trong đó, chương trình nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả cao, đây là điều kiện tốt để vận động người dân bỏ hình thức nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang nuôi bò để đạt hiệu quả kinh tế hơn" - ông Hổ chia sẻ.
Nhiều đại gia "nhảy" vào nuôi gia cầm
Rõ ràng với cơ cấu ngành chăn nuôi tập trung quá nhiều vào con lợn (sản lượng thịt lợn chiếm khoảng 70%, giá trị chiếm khoảng 60% ngành chăn nuôi), mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người cao nhất thế giới..., thì khi xảy ra dịch bệnh nguy hiểm không có thuốc chữa như DTLCP, nghề nuôi lợn sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đây chính là lúc phải cải tổ mạnh mẽ ngành chăn nuôi, cơ cấu lại ngành theo hướng tăng thị phần gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê, ngựa, cừu... và đầu tư xứng tầm cho gia cầm, thuỷ sản. Việc này vừa nhằm đa dạng cơ cấu thực phẩm, phục vụ tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng, vừa giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.
Công nhân đang làm việc tại trại nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước). Ảnh: Thanh Liêm
Ước tính, đàn gia cầm của Việt Nam tăng khoảng 7,1% trong tháng 5/2019 so với cùng kỳ năm 2018; trong khi đàn bò tăng gần 3%. Trong đó, tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, số đàn vịt, gia cầm cũng đang tăng lên nhanh chóng từ đầu năm tới nay.
Đáng chú ý, thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp lớn "nhảy" vào nuôi trâu bò và gia cầm. Theo ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty De Heus Việt Nam, khó khăn về chăn nuôi lợn hiện nay là cơ hội cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển. De Heus Việt Nam đã đặt mục tiêu từ năm 2019 đến 2024, sẽ tăng đàn gia cầm của công ty từ 18 lên 38 triệu con gà thịt/năm và khoảng 2 triệu gà đẻ/năm.
Hiện công ty này liên kết với hơn 10 trang trại nuôi gia cầm có quy mô từ lớn từ 80.000 đến 400.000 con gà thịt/năm tại khu vực Đông Nam Bộ, cùng với 7 nhà máy giết mổ và sẵn sàng đẩy mạnh cung ứng thịt gà cho thị trường trọng điểm tại TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ và xuất khẩu thịt gà. Trong đó, Tập đoàn Hùng Nhơn Group (Bình Dương) cũng đang là đối tác lớn của De Heus.
Được biết, Hùng Nhơn Group hiện có khoảng 28 trang trại chăn nuôi đặt tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) và đang chuẩn bị đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đăk Lăk, với sản phẩm chủ lực là lợn giống và gà. Hùng Nhơn cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên gặt hái thành công khi xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản vào năm 2017 nhờ liên kết với các đối tác nước ngoài từ con giống, thức ăn đến chế biến.
Hiện chuỗi liên kết này đang tạo thành một dây chuyền khép kín (sản xuất thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản) và đều đặn xuất khẩu 300 tấn thịt gà mỗi tháng sang Nhật.
Hà Nội, Thái Bình sẽ là "hạt nhân" phát triển chăn nuôi bò thịt
Mới đây, lãnh đạo Bộ NNPTNT và tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với Hà Nội về chính sách và mô hình phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Hà Nội trong thời gian tới có thể phát triển gấp đôi đàn bò hiện có; còn Thái Bình phát triển gấp 3-4 lần do nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong thời gian tới của nước ta sẽ tăng từ 330.000 tấn lên đến 1 triệu tấn.
Đồng thời tập trung phát triển bò thịt chất lượng cao, hình thành ngành kinh tế về chăn nuôi bò, trong đó Hà Nội sẽ dần trở thành trung tâm chuyển giao về phát triển chăn nuôi bò của cả nước và hướng tới khu vực Asean; kỳ vọng Thái Bình và Hà Nội sẽ trở thành hạt nhân trong phát triển chăn nuôi bò thịt ở Đồng bằng sông Hồng.
Theo Danviet
Xuất khẩu thủy sản: Cơ hội từ thương chiến Mỹ - Trung Theo Bộ Công Thương, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước có thể là cơ hội đối với ngành thủy sản Việt Nam tại thị trường Mỹ. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp đổi mới sản xuất như thế nào để đáp ứng được yêu cầu...