Bộ trưởng Australia kêu gọi cải cách khẩn cấp để bảo vệ WTO
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birm khẳng định sẽ không để Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sụp đổ chỉ vì Washington và Bắc Kinh không thể thỏa thuận được về tương lai của tổ chức này.
Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham. (Nguồn: The Australian)
Australia sẽ thúc đẩy việc cải cách khẩn cấp hệ thống thương mại thế giới tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản.
Trước khi tới Nhật Bản ngày 7/6 để tham dự hội nghị G20, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hối thúc Mỹ và Trung Quốc quay lại bàn đàm phán để tham gia vào quá trình cải cách và giúp củng cố các quy tắc thương mại trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Birmingham khẳng định sẽ không để Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sụp đổ chỉ vì Washington và Bắc Kinh không thể thỏa thuận được về tương lai của tổ chức này.
Ông nhấn mạnh dù có hay không có sự hợp tác đầy đủ từ hai cường quốc kinh tế, phần còn lại của thế giới cũng sẽ hành động để duy trì dòng chảy thương mại tự do và cởi mở.
Video đang HOT
Australia sẽ cùng với Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc, New Zealand, Singapore và Liên minh châu Âu (EU) cố gắng cải cách cơ chế giải quyết tranh chấp yếu kém của WTO, cũng như các bế tắc về trợ cấp thủy sản và các quy tắc thương mại điện tử.
Cơ quan phúc thẩm của WTO hiện đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục hoạt động vào tháng 12 do Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho tòa án giải quyết tranh chấp.
Trong tuần qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã cảnh báo hệ thống thương mại toàn cầu đang phải chịu “áp lực thực sự và kéo dài” do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo ông, các thành viên WTO cần đạt được sự thống nhất về những cải cách cụ thể.
Thủ tướng Morrison khẳng định WTO vẫn là nền tảng tốt nhất để đảm bảo sự thịnh vượng tiếp tục trong một thế giới thay đổi nhanh chóng.
Các nước cùng chí hướng, bao gồm cả Australia và Anh, cần hỗ trợ cải cách WTO để sửa đổi, chứ không hủy bỏ, hệ thống thương mại dựa trên luật lệ./.
Theo Nguyễn Minh (TTXVN/Vietnam )
Trung Quốc sẵn sàng đàm phán về thương mại nếu Mỹ thể hiện sự chân thành
Trong cuộc họp báo tại Hà Nội sáng ngày 4/6, một đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã nêu ra lập trường chính thức của Bắc Kinh về các mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung, khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán nếu Washington thể hiện sự chân thành.
Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc, bà Doãn Hải Hồng (giữa), trong cuộc họp báo sáng ngày 4/6.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm nay đã tổ chức cuộc họp báo nhằm thông tin về tình hình xoay quanh cọ xát thương mại Mỹ-Trung, và sách trắng "Lập trường của Trung Quốc về các cuộc đàm phán thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc" mới được Bắc Kinh công bố hôm 2/6.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Doãn Hải Hồng, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đơn phương gây ra các mâu thuẫn thương mại với Trung Quốc, cho rằng hành động này của Washington cản trở mậu dịch đa phương, gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, làm tổn hại tới các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, đi ngược các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bà Hồng khẳng định quan hệ thương mại Mỹ-Trung có lợi cho cả đôi bên và thế giới nói chung. Bà nói, nhiều hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là hàng trung gian, do Mỹ thiết kế, người Mỹ hưởng lợi nhiều hơn người Trung Quốc.
"Khoảng 70% hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ là hàng trung gian, nếu Mỹ đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc thì cũng gián tiếp đánh thuế vào các nước khác, làm gia tăng giá thành sản xuất, tăng giá thành sản phẩm và cuối cùng là người tiêu dùng bị ảnh hưởng", bà Hồng nói.
Dù khẳng định rằng Trung Quốc không sợ cọ xát thương mại, sẵn sàng ứng phó với Mỹ và đã chuẩn bị tâm thế để vượt qua các ảnh hưởng của nó, nhưng bà Hồng cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẵn sàng đàm phán nếu phía Mỹ thể hiện sự chân thành.
"Chúng tôi không muốn căng thẳng thương mại hai nước leo thang. Trung Quốc sẵn sàng đàm phán nếu Mỹ thể hiện sự chân thành, trên lập trường bình đẳng, đôi bên cùng có lợi", bà Hồng nói, nhưng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp về các lợi ích cốt lõi.
Trong cuộc họp báo, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc cũng bày tỏ tin tưởng rằng nếu vượt qua cuộc xung đột thương mại này thì Trung Quốc sẽ tiến tới một mức phát triển cao hơn nữa. "Tôi muốn nhấn mạnh là chính phủ và người dân rất quyết tâm trong tình hình hiện nay. Đoàn kết là vũ khí để chiến thắng cuộc xung đột thương mại này", bà nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động cuộc chiến thương mại hồi năm ngoái trong nỗ lực nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ông Trump đã liên tục áp thuế lên các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Kể từ khi ông Trump "nổ phát súng" đầu tiên, hai nước đã có các biện pháp áp thuế ăn miếng trả miếng đối với thương mại hai chiều trị giá hàng trăm tỷ USD.
Hai bên đã cố gắng tìm giải pháp thông qua vài vòng đàm phán. Washington và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại hồi tháng trước, nhưng vòng đàm phán mới nhất đã kết thúc mà không đi đến một thỏa thuận.
An Bình
Theo Dantri
Châu Âu cảnh báo hành động mạnh trước đòn trừng phạt Mỹ vào Cuba Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại lên tiếng về các hành động có thể để bảo vệ các công ty châu Âu đầu tư tại Cuba. Liên minh châu Âu EU có thể đưa Hoa Kỳ ra Tổ chức Thương mại Thế giới WTO hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt trả đũa để...