“Bố tôi mất, con cái tôi thất học cũng là do tôi cả…”
Không chịu nổi những ánh mắt chê giếu, gièm pha từ phía bạn bè, cả hai cháu đã bỏ học mặc dù cả gia đình tôi đã hết sức động viên, khuyên bảo nhưng đều bất lực. Tôi thì lại càng không đủ tư cách để khuyên con.
Như không ít người tù mà tôi đã từng gặp, Nguyễn Văn Dân cũng là người có học và khá hiểu biết. Chịu mức án l1 năm cho tội danh buôn bán ma túy, Nguyễn Văn Dân nói rằng không chỉ mình anh thiệt thòi mà còn kéo theo cả gia đình. Anh vào tù là anh đã thiệt thòi cả một quãng đời. Càng ân hận vì quãng thời gian ấy, anh không lo được việc chồng con cho con gái và đau lòng hơn, cha anh mất mà không được nhìn mặt con trai lần cuối. Dưới đây là những lời tự sự của anh từ trong Trại giam Thanh Phong.
Mình có tội thì mình phải trả giá
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 8 anh chị em ở Tiên Phong, Phổ Yên, Thái Nguyên, năm nay tôi đã 52 tuổi. Tôi không bao giờ quên được ngày các anh công an tìm đến bắt tôi, đó là ngày 21/8/2006. Tôi không ngờ rằng, mình lại phải trả giá nhanh đến vậy cho những phút nông nổi nhất thời của mình gây ra. Khi các anh công an ập đến, cha mẹ tôi, vợ tôi, các con tôi, họ hàng làng xóm đều bất ngờ bởi cái làng quê nhỏ yên bình của tôi có rất ít người phải đi tù, mà trước đó tôi lại là một cán bộ nhà nước vô cùng hiền lành và được mọi người quý mến. Họ không tin được sự thật phũ phàng là tôi lại tham gia vào hoạt động vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy.
Tôi đã từng là một người lính cầm súng chiến đấu ở chiến trường biên giới 1979. Năm 1984, tôi giải ngũ và chuyển về công tác ở Công ty Lương thực Thái Nguyên ở bộ phận làm kế hoạch. Đến khi cải cách mở cửa, cớ chế bung ra, chúng tôi được chia lô để bán hàng. Cuộc sống của tôi cứ thế êm đềm trôi đi, hai vợ chồng tôi đã có hai cô con gái và một cậu con trai xinh xắn, ngoan ngoãn. Công việc dù không khiến cho gia đình tôi giàu có nhưng cũng khá đầy đủ, nhất là so với những người dân xung quanh. Đến năm 2006, tôi gặp lại hai người đồng đội cũ từng đi bộ đội cùng tôi.
Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, sau thời gian hàn huyên, chúng tôi bàn tính chuyện giúp nhau làm kinh tế để lo cho cuộc sống gia đình.
Tôi đưa anh bạn đồng ngũ tên là Tuấn đi lấy ma túy ở Bắc Giang. Sau đó, hai anh ấy chuyển hàng về Hà Nội để tiêu thụ thì bị bắt quả tang. Khi công an hỏi, khai ra tôi là người đã chở họ đi, công an tìm đến nhà và tôi bị bắt. Tang vật thu giữ được tại nhà tôi lúc đó chỉ có một chiếc xe Dream là phương tiện vận chuyển và một điện thoại di động làm phương tiện liên lạc. Khi tòa tuyên án xử tôi 11 năm tù giam, vợ tôi đã ngất xỉu ngay tại phiên tòa. Những người thân của tôi thì chẳng biết làm gì hơn cho tôi ngoài việc khóc. Thật không ngờ đã gần hết đời người rồi mà cha mẹ tôi vẫn còn phải lao tâm khổ tứ vì tôi, các con tôi phải tủi nhục vì cha mình. Ngày 9/4/2007, tôi chính thức được chuyển từ trại tạm giam lên Trại giam Thanh Phong.
Bố tôi mất, con cái tôi thất học cũng là do tôi cả
Tôi vẫn biết rằng, tôi sai lầm thì phải trả giá đó là đích đáng. Nhưng quả thực tôi không bao giờ ngờ đến hậu quả của nó lại nghiêm trọng đến như vậy đối với gia đình của tôi. Việc tôi bị bắt đi tù vì tội vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy là một cú sốc lớn khủng khiếp đối với người thân của tôi. Khi tôi bị bắt, con gái của tôi đã lấy chồng và có một cháu đã được ba tuổi thì ít chịu ảnh hưởng nhưng cháu cũng đã phải tủi hổ với dư luận và gia đình nhà chồng.
Hai con út của tôi khi đó đang học lớp 9 thì không chịu nổi sức ép của dư luận. Khi vừa đỗ vào trường cấp ba, do các cháu đang tuổi ăn tuổi lớn nên chịu nhiều áp lực từ việc tôi đi tù dẫn đến kết quả học tập ngày càng sa sút, cộng với việc không chịu nổi những ánh mắt chê giếu, gièm pha từ phía bạn bè, cả hai cháu đã bỏ học mặc dù cả gia đình tôi đã hết sức động viên, khuyên bảo nhưng đều bất lực. Tôi thì lại càng không đủ tư cách để khuyên con.
Video đang HOT
Khi tôi bị bắt, cả bố và mẹ tôi đang sống cùng cậu em trai út của tôi. Bố mẹ tôi khi đó đều rất khỏe mạnh. Hành động sai lầm của tôi đã khiến cho bố mẹ tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Sau khi tôi bị bắt, sức khỏe của bố mẹ tôi bị giảm sút nghiêm trọng. Là con trai cả trong gia đình, tôi không những không chăm sóc được bố trong những năm tháng cuối đời mà lại còn không chịu tang, không thắp được cho bố một nén hương. Tôi đúng là một đứa con bất hiếu.
Người chịu nhiều thiệt thòi từ sự sai lầm của tôi ngoài bố mẹ và các con tôi thì còn có người vợ tần tảo của tôi. Từ khi tôi đi cải tạo, cô ấy phải thay đôi gánh vác việc gia đình, cô ấy trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình, công việc mà trước đó chưa bao giờ cô ấy nghĩ là mình sẽ phải cáng đáng. Dù sao, tôi vẫn thấy mình là người đàn ông may mắn bởi sau bao nhiêu sóng gió như vậy, những người thân của tôi vẫn hết sức thương yêu và thông cảm cho tôi. Họ là động lực để tôi có thể cố gắng cải tạo thật tốt, để sớm được về lại với gia đình, với những người thân yêu của tôi để bù đắp phần nào những thiệt thòi mà tôi đã gây ra cho họ.
Yên tâm cải tạo thật tốt, đấy là nhiệm vụ lớn nhất của tôi lúc này
Từ ngày vào trại giam, tôi luôn xác định nhiệm vụ duy nhất của mình lúc này là cải tạo thật tốt để không phụ sự trông đợi của những người thân. Ban đầu, tôi cũng có nhiều lo lắng và chán nản nhưng sau này khi đã tĩnh tâm hơn, tôi biết rằng mình chẳng thể làm gì được. Nếu mình phân tâm, dao động thì chỉ càng làm cho người thân của mình phải nghĩ ngợi nhiều hơn. Từ đó tôi yên tâm cải tạo với hy vọng sẽ được hưởng sự khoan hồng của nhà nước, sớm được trở về với gia đình, với xã hội bên ngoài. Được sự tin tưởng của cán bộ, tôi làm đội trưởng đội tự quản và cũng có nhiều cố gắng trong quá trình cải tạo nên tôi đã được giảm án hai lần.
Khi tôi vào trại, tôi mới chỉ có một cháu ngoại được 3 tuổi. Khi tôi bị bắt, cháu khóc rất dữ dội khiến tôi không thể kìm được lòng. Cho đến bây giờ, con gái lớn của tôi đã có thêm một cháu, con gái thứ hai đã lập gia đình và cũng có thêm 2 cháu nữa. Cả 4 cháu ngoại cũng đã từng theo bố mẹ nó lên đây thăm tôi rồi. Tôi quá may mắn vì các con tôi không những không oán giận mình mà còn động viên tôi rất nhiều. May mắn vì vợ tôi đã thay tôi chăm sóc, lo lắng cho con cái. Những tưởng án tù của tôi sẽ khiến các con tôi phải thiệt thòi bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm thông gia với một người tù đang thi hành án như tôi. Thế nhưng con tôi vẫn có người thương yêu và thông cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi, đấy là điều khiến cho tôi cảm thấy an ủi phần nào, bớt đi phần nào cảm giác có lỗi với các con.
Con trai tôi sinh năm 1990 cũng định lập gia đình vào năm nay nhưng thời gian vừa rồi con lên thăm, tôi nói với con rằng con còn trẻ, nên cố gắng làm ăn trước đã, chờ tôi về rồi cưới cũng không muộn vì tôi muốn đám cưới của con có mặt đủ cả bố mẹ. Cả con trai và con dâu tương lai của tôi đều ủng hộ ý kiến của tôi và cả gia đình thông gia tương lai cũng hết sức thông cảm.
Mẹ tôi năm nay đã 80 tuổi rồi. Thời gian cải tạo của tôi cũng không còn dài, tôi hy vọng mẹ tôi sẽ mạnh khỏe để tôi có được cơ hội chăm sóc, bù đắp cho mẹ những tháng năm mà tôi không có ở nhà, bù đắp lại những gì tôi đã gây ra cho mẹ tôi. Chỉ vì nông nổi, tôi đã trở thành đứa con bất hiếu, trở thành một người chồng tồi và một người cha thiếu trách nhiệm.
Lời bạt của phóng viên:
Đời người, ai cũng có sai lầm. Điều quan trọng là phải biết sửa chữa và đứng lên từ sau những sai lầm đó. Sự lầm lạc của Nguyễn Văn Dân đã phải trả giá bằng 11 năm tù. 11 năm phải sống xa gia đình, xa những người thân yêu nhất. Nhưng tất cả những điều đó, không khủng khiếp bằng việc những người thân của anh phải gánh chịu cùng những lôi lầm mà anh đã gây ra. Sai lầm của Nguyễn Văn Dân đã buộc anh phải trả giá, một cái giá đích đáng.
Người viết đã từng có cơ hội tiếp xúc với những người tù. Họ, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà lầm lạc. Xã hội cũng đã trao cho họ cơ hội được sửa chữa những lầm lạc ấy. Nhưng không phải ai cũng biết cách nắm lấy cơ hội. Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi đã gặp không ít phạm nhân trong tù đến lần thứ hai, lần thứ ba, thậm chí là nhiều hơn nữa. Mỗi lần gặp lại họ một cách không mong muốn như thể, tôi luôn cảm thấy một nỗi buồn man mác, bởi lần trước đó, tôi cũng đã tưởng họ có thể vượt qua những sai lầm để làm lại từ đầu.
Dầu có vậy, tôi cũng hy vọng rằng nếu tôi có cơ hội gặp lại Nguyễn Văn Dân, khi đó, sẽ là một hoàn cảnh khác và một con người khác. Tôi luôn chúc những phạm nhân mà tôi từng tiếp xúc, rằng họ sẽ làm lại cuộc đời, để chuộc lại những tháng năm lầm lỡ mà họ đã tự tay làm tuốt mất.
Theo ANTD
Giết người vì nợ 1 triệu đồng: Nỗi đau người ở lại
Ánh chết là hết nhưng những người đang sống dựa vào Ánh giờ biết phải làm sao? Vợ Ánh cũng vừa chết sau khi sinh đứa con đầu lòng, đứa con trai nhỏ chưa đầy tám tháng tuổi cùng với người mẹ già của Ánh nằm liệt giường và người cha có chút vấn đề về thần kinh...
Mâu thuẫn chỉ bởi một triệu đồng mà Nguyễn Ngọc Ánh (Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) bị chính người bạn thân là Nguyễn Văn Tuyền cướp đi mạng sống. Ánh chết là hết nhưng những người đang sống dựa vào Ánh giờ biết phải làm sao? Vợ Ánh cũng vừa chết sau khi sinh đứa con đầu lòng, đứa con trai nhỏ chưa đầy tám tháng tuổi cùng với người mẹ già của Ánh nằm liệt giường và người cha có chút vấn đề về thần kinh... Tất cả đều trông cả vào Ánh. Khó có thể nhìn thấy một tương lai tươi sáng nào cho những người ở lại.
Dứt tình bạn hữu bằng những nhát dao
Trời nắng như thiêu bà Nguyễn Thị Lý vẫn nài bằng được chồng là ông Nguyễn Văn Miện đẩy chiếc xe lăn ra cổng nhìn về phía vết máu, nơi con trai bà nằm chết... Rồi bà lại khóc: "Ánh ơi, mày bỏ mẹ đi thì ai nuôi mẹ. Ông giời cướp mất vợ mày, giờ người ta cũng cướp đi mạng sống của mày... Thằng Long còn chưa biết gọi bố cơ mà". Thôn Thượng, xã Đông Dư, Gia Lâm ít ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh nhà tan cửa nát của vợ chồng ông Miện, bà Lý.
Hai năm nay bà Lý đổ bệnh rồi bị liệt toàn thân, phải ngồi xe lăn. Mọi sự chăm sóc đều dựa vào Ánh và người chồng già. Cuộc sống hai ông bà dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của ông và quán nước mía của cậu con trai. Bà Lý đưa mắt nhìn về phía cánh tay phải của ông Miện lẩm bẩm: "Từ hôm thắng Ánh chết tay ông ấy cứ co co, giật giật. Ông ấy có làm sao chắc tôi cũng chết luôn".
Vụ án xảy ra vào rạng sáng ngày 30 - 6 khiến mọi người đều bàng hoàng. Bởi kẻ giết người và nạn nhân vốn là bạn thân với nhau, lại là anh em đồng hao. Họ từng là bạn từ ngày học phổ thông, lớn lên cùng rủ nhau lấy vợ một làng để tình cảm thêm gắn bó. Thậm chí có con cá cũng gọi nhau đến ăn. Ông Miện kể: "Chúng nó là bạn thân của nhau mà. Thằng Tuyền thường xuyên đưa vợ con sang đây ăn cơm. Có con cá, miếng thịt chúng nó cũng gọi nhau đến ăn. Sao nỡ lòng nào lại cướp đi mạng sống con tôi". Tuyền có vay Ánh một triệu đồng vì lý do túng bấn. Đáng lẽ chuyện đó cũng chẳng có gì đối với hai người bạn thân.
Thế nhưng sau cuộc chè chén Tuyền đã bị người ta khích bác, hậm hực sinh ra sứt mẻ tình bạn. Khoảng 21h ngày 29-6, Tuyền đến uống rượu tại một quán ăn khu vực gần cầu Thanh Trì, phường Cự Khôi, Long Biên, tình cờ gặp một người đàn ông tên Tụng. Người đàn ông này không biết có ý gì không nhưng đã kể chuyện Ánh bêu riếu chuyện nợ nần của Tuyền. Ngay sau đó Tuyền đã nhắn tin trách móc Ánh. Hai người có lời qua tiếng lại rồi mạt sát nhau. Họ đã hẹn nhau để giải quyết. Rạng sáng ngày 30-6, Tuyền rời quán nhậu lấy một con dao chọc tiết lợn rồi đi thẳng về hướng nhà Ánh. Gặp Ánh trên đường, Tuyền lao xe máy vào Ánh. Ánh tránh được rồi vung tay đấm khiến Tuyền ngã. Tuyền chồm dậy, rút dao đâm vào ngực trái Ánh. Do vết thương quá nặng, Ánh đã chết ngay tại chỗ.
Chị Phạm Thị Liên (mẹ vợ của Ánh) với bộ dạng thiểu não kể rằng: "Thằng Tuyền và thằng Ánh thân nhau như anh em ruột. Từ ngày học phổ thông đã quấn quýt với nhau rồi, con cái chúng nó đều coi như con mình cả. Chiều ngày mồng 1 - 5 âm lịch thằng Ánh có ra đây và kể với tôi là anh Tuyền có vay 1 triệu đồng và hứa tối trả luôn. Thằng Tuyền không trả kịp khi Ánh nó cần tiền mua sữa cho con. Chẳng biết lời qua tiếng lại, rồi bị người ta khích bác thế nào mà đâm ra cơ sự đó".
Chị Liên cho biết thêm, hằng ngày Ánh chỉ chú tâm vào kiếm tiền, tối đến sang nhà ngoại chơi với con. Bản tính Ánh là người hiền lành, không rượu chè, nếu có uống rượu thì chỉ được 1 hớp là lăn ra ngủ. "Đáng ra hôm đó thằng Ánh nó không chết. Mọi khi sang nhà tôi thấy cơm là nó ăn sau đó thường ngủ lại. Nhưng hôm đó nhà lại có khách nên nó ngại, không ăn. Nó nói là phải về dọn quán. Trước khi xảy ra vu án, thằng Tuyền đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện chửi Ánh. Không ngờ lại xảy ra chuyện đau lòng này" - Chị Liên kể lại.
Nhát dao chí mạng đẩy bao nhiêu người vào bi kịch
Một điều tra viên Công an huyện Gia Lâm kể với chúng tôi, khi xảy ra án mạng hung thủ Nguyễn Minh Tuyền đã không bỏ chạy. Hắn biết mình đã giết người, giết bạn thân nên đã khóc rất nhiều. Tuyền liên tục đập tay vào tường và nói: "Anh giết em rồi...". Có lẽ đến khi nhìn thấy Ánh nằm bất động trên vũng máu Tuyền mới nhận ra lỗi lầm của y. Tuyền đâu có biết nhát dao kia không chỉ giết chết bạn mình mà còn đẩy bao người rơi vào bi kịch. Bố mẹ Ánh già yếu bệnh tật nay không còn chỗ nương tựa. Đớn đau nhất là cậu con trai vừa tròn 8 tháng tuổi. Sinh ra được 5 ngày thì mất mẹ nay lại mất cha.
Từ khi cô con dâu Trương Thị Bạch Tuyết (vợ của Ánh) qua đời ngôi nhà bà Lý đã vắng vẻ nay còn lạnh lẽo hơn. "Tôi nhớ thằng Long lắm (con trai của Ánh), tôi bị liệt thế này làm sao mà sang nhà ngoại thăm nó được. Mẹ nó sinh non và bị nhiễm độc thai nghén nên đã mất lúc nó mới 5 ngày tuổi. Chúng tôi già yếu nên bố nó gửi sang bà ngoại chăm sóc. Thiếu sữa, thiếu hơi mẹ thằng bé yếu lắm. Bây giờ bố nó cũng mất rồi chẳng biết cháu tôi sẽ ra sao đây..."- Bà Lý nhìn di ảnh của Ánh mà khóc. Nói chuyện với chúng tôi nhưng bà Lý liên tục đưa mắt về phía cổng ngóng ông về. Bởi hôm nay ông lĩnh lương hưu và tiền lương khuyết tật của bà.
Với dáng vẻ khắc khổ của một người nếm trải nhiều cay đắng. Ông Miện lập cập dựng chiếc xe đạp cà tàng nói vọng vào nhà: "Thằng Long biết ngồi rồi đấy! Tôi vừa lấy lương hưu mang sang cho nó để bà ngoại mua sữa. Tiền khuyết tật của bà chưa có đâu". Từ khi nhà nước có chính sách tăng lương, ông Miện cũng đỡ được phần nào. Trước lương được hơn 2 triêu, ông trích 1 triệu mua sữa cho cháu nội. Ông Miện cười buồn buồn: "Độ này tăng lương tôi cho thằng Long 1,5 triệu đồng/tháng đấy. Cũng may nhà nước tăng lương đúng lúc".
Căn nhà cấp 4 lụp xụp nằm gọn lỏn giữa những ngôi nhà cao tầng bề thế. Ngôi nhà âm u, ngột ngạt, ngổn ngang đồ gốm sứ đang làm dang dở. Đã 8 tháng nay không ngày nào hàng xóm không nghe tiếng trẻ con khóc. Ai cũng phải xót thương cho cảnh "cháu bú bà" của gia đình chị Phan Thị Liên. Những tưởng con gái lấy được chồng ngoan hiền lại ngay xã bên, anh chị sẽ được nhờ vả khi tuổi già. Vậy mà cô con gái chỉ sống cùng chồng vỏn vẹn 2 năm và mất ngay sau ngày vươt cạn có 5 ngày.
Thương con rể vụng về, thương đằng thông gia già yếu bệnh tật. Bà Liên quyết định xin cháu ngoại về nhà chăm sóc thay đứa con bạc mệnh. Bà Liên rưng rung kể lại: "Cái Tuyết phận mỏng, sớm bỏ con nó đi. Thấy gia đình nhà nội khó khăn, ông bà già yếu tôi đã mang cháu ngoại về nhà chăm sóc. Cũng vất vả lắm, cháu nó thiếu sữa mẹ khóc suốt đêm. Bố cháu cũng chịu thương chiu khó, hàng tháng lo đường sữa cho cháu". Nói đến đây bà Liên không cầm được nước mắt. Bà còn nhớ hôm bố cháu mất, đám tang của một thanh niên chết oan uổng thật đớn đau. Và nó còn đau đớn hơn khi mọi người chứng kiến cảnh cháu bé mới đầy 8 tháng tuổi được bà ngoại bế đi quanh quan tài bố. Rồi mau chóng được đưa đi chỗ khác với lý do cháu đang sốt mọc răng, sợ hơi lạnh.
Hỏi về Ánh, nhiều người đều có chung một nhận xét đó là một người đàn ông hiền lành, chịu thương chịu khó. Vợ mất khi con còn đỏ hỏn nên bao nhiêu tình cảm Ánh đều dồn cả cho con. Mặc dù, phải gửi con cho ông bà ngoại ở xã khác cách đó khoảng 5 cây số nhưng không một ngày nào là Ánh không thu xếp đến thăm con. Trời nắng đã vậy, trời mưa, đêm tối Ánh cũng khoác áo mưa để đến với con. Nhiều lần chứng kiến con rể đi lại mưa gió vất vả, chị Liên - mẹ vợ của Ánh đã bảo hôm nay không đến thăm con được thì để ngày mai nhưng Ánh không nghe.
Ánh nói cuộc đời Ánh giờ chỉ còn con là ý nghĩa, cũng nhờ nó mà Ánh tồn tại được trong hoàn cảnh nghiệt ngã ngày. Thế nên, một ngày không đến thăm con Ánh không sao chịu nổi. Ngoài là một anh thợ điện nước, Ánh còn mở thêm một quán nước mía ở đầu làng để tăng thêm thu nhập cũng là để lo cho con được đầy đủ hơn. Đã từ rất lâu rồi vợ chồng chị Liên coi Ánh chẳng khác nào đứa con trai của mình. Cũng bởi lẽ Ánh hiền ngoan, lại biết thương con và đối xử không phân biệt giữa nhà nội cũng như nhà ngoại.
Ảnh minh họa
Thế nên đêm hôm nghe tin dữ, chị Liên như rụng rời chân tay. Chị còn hỏi đi hỏi lại ông thông gia xem chuyện đó là thật hay không. Và chỉ đến khi vợ của Tuyền gọi điện cho chị khóc rằng: "Cô ơi, anh Tuyền nhà con đâm chết Ánh rồi" thì chị gục ngã.
Trưởng Công an xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) Nguyễn Gia Huy cho biết: Đây là một địa bàn khá phức tạp, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh. Chính vì thế không tránh khỏi những tệ nạn xã hội, tiêu cực. Sẽ không tránh khỏi việc vay mượn, có thể vay mượn làm ăn, vay mượn đánh bạc. Mặc dù đây là một vụ vay mượn nhỏ nhưng cũng là bài học cho những người khác trong địa bàn xã.
Đối tượng Nguyễn Minh Tuyền tại địa phương là công dân bình thường, không có tiền án, tiền sự. Hiện Tuyền có 2 con nhỏ, bố đã mất. Tuyền không phải là đội tượng cờ bạc, rượu chè. Hàng ngày làm nghề hàn cửa hoa sắt. Kinh tế gia đình Tuyền thuộc dạng khá giả. Chưa xác định được rõ Tuyền vay Ánh 1 triệu đồng với mục đích gì, hai bên đã xảy ra những xích mích gì lớn khiến xảy ra án mạng. Có thể khi gây án Nguyễn Minh Tuyền đã uống rượu nên không làm chủ được bản thân!
Theo ANTD
Bắt cóc cháu họ 3 tuổi vì không được bán đất tổ tiên Trong vòng tay của mẹ và bà nội, bé trai Nguyễn Hoàn Lê (còn gọi là Tomy, SN 2009) cười nói hồn nhiên mà không hay biết em đã trải qua 6 giờ đồng hồ bị kẻ xấu bắt cóc và được các chiến sỹ CAH Thanh Oai phối hợp với lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm Phòng CSHS - CATP Hà Nội...