Bộ Tài chính lên kế hoạch bơm tiền
Dự kiến thị trường sẽ có thêm một kênh bơm tiền từ kế hoạch Bộ Tài chính đang xây dựng.
Có ba tiêu chí để lựa chọn các ngân hàng tham gia kênh vốn này (Ảnh minh họa).
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP là giao dịch mua bán lại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 13 Thông tư số 30/2019/TT-BTC. KBNN là bên mua trong giao dịch lần 1 và là bên bán trong giao dịch lần 2; KBNN sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua TPCP và nhận quyền sở hữu TPCP từ bên bán, đồng thời cam kết sẽ bán lại và chuyển quyền sở hữu khối lượng TPCP đó cho bên bán sau một thời gian xác định với một mức giá xác định.
Hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Thông tư số 64/2019/TT-BTC ngày 16/9/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 314/2016/TT-BTC ngày 28/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05 /4/2016 của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.
Video đang HOT
Theo dự thảo, hàng quý, chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày được Bộ Tài chính phê duyệt hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP, KBNN thông báo tổng hạn mức giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP trong quý trên trang thông tin điện tử của KBNN.
TPCP được KBNN chấp nhận sử dụng trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP phải đảm bảo các điều kiện sau: Là TPCP đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán, có kỳ hạn còn lại tối đa không quá một (01) năm; thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và được phép chuyển nhượng; không bị ràng buộc trong các quan hệ về giao dịch đảm bảo trong thời gian mua lại có kỳ hạn, kể từ ngày thanh toán giao dịch lần 1.
Kỳ hạn mua lại TPCP của KBNN bao gồm: kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.
Theo dự thảo, KBNN sẽ lựa chọn đối tác giao dịch là các ngân hàng thương mại để giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP. Các ngân hàng này phải đáp ứng ba tiêu chí.
Một là, đang là thành viên giao dịch trên thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán.
Hai là, trong danh sách các NHTM có mức độ an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính (KBNN) hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.
Ba là, không vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP với KBNN theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này trong vòng ba (03) năm liền kề trước thời điểm KBNN thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP.
Hàng quý, căn cứ hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP được Bộ Tài chính phê duyệt (chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày được Bộ Tài chính phê duyệt), KBNN xác định và thông báo hạn mức dư nợ giao dịch quý cho từng ngân hàng thương mại.
Như vậy, bên cạnh nghiệp vụ điều tiết nguồn từ Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO), với hướng dự thảo trên, dự kiến các ngân hàng thương mại sẽ có thêm một kênh bơm vốn từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi từ Bộ Tài chính, qua đầu mối KBNN.
Tạm ứng ngân quỹ nhà nước khi nào?
Ngày 13/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2020/TT-BTC quy định về tạm ứng, vay ngân quỹ nhà nước của ngân sách nhà nước. Trong đó có quy định cụ thể về điều kiện được tạm ứng ngân quỹ nhà nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Thông tư số 23/2020/TT-BTC quy định, trường hợp quỹ ngân sách trung ương, quỹ ngân sách cấp tỉnh thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng ngân quỹ nhà nước.
Ngân sách cấp tỉnh được tạm ứng ngân quỹ nhà nước phải đáp ứng các điều kiện sau:
Một là, không có dư nợ tạm ứng ngân quỹ nhà nước quá hạn tại thời điểm đề nghị tạm ứng.
Hai là, có văn bản phê duyệt của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất) về việc tạm ứng ngân quỹ nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp tỉnh.
Ba là, mức đề nghị tạm ứng không vượt quá mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước tối đa.
Theo Thông tư số 23/2020/TT-BTC, mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong phạm vi khả năng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi trong quý.
Mức tạm ứng ngân quỹ nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp tỉnh tối đa không vượt quá số còn lại của dự toán chi ngân sách địa phương đã được Bộ Tài chính giao cho từng địa phương tại thời điểm đề nghị tạm ứng ngân quỹ nhà nước; đồng thời, không tính vào mức dư nợ vay của ngân sách địa phương.
Ngọc Ánh
Trái phiếu doanh nghiệp: Thị trường tỷ USD sẽ giảm nhiệt? Để giảm bớt phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp đã được "bật đèn xanh" để phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn trên thị trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn "chạy thử", thị trường này đã phát sinh những lỗ hổng nên việc siết lại thị trường này là cần thiết. Ảnh minh họa.. Hoạt động phát...