Bộ Tài chính khuyến nghị không nên đầu tư Trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao
Trước sự phát triển của thị trường Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính đã khuyến nghị các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN chỉ vì lãi suất cao.
Bộ Tài chính đã khuyến nghị cẩn trọng trước sức hút của lãi suất TPDN (Nguồn: Internet)
2 năm trở lại đây, thị trường TPDN phát triển vô cùng mạnh mẽ không chỉ về số lượng phát hành mà còn về lãi suất trái phiếu. Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất lên đến 13%, 14% và thậm chí là 20%.
Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN chỉ vì lãi suất cao.
TPDN là một công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Với tính chất này, doanh nghiệp có thể không đủ khả năng trả nợ nếu tình tài chính và kết quả kinh doanh không tốt.
Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Nhà đầu tư cần phải cân nhắc, đánh giá được rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Một số rủi ro nhà đầu tư TPDN có thể gặp phải là: (i) doanh nghiệp không thực hiện được các điều kiện, điều khoản của trái phiếu do mất khả năng thanh toán; (ii) doanh nghiệp không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu; (iii) doanh nghiệp không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn…” Do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu, cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua TPDN.
Sự bùng nổ của trái phiếu bất động sản
Khuyến nghị của Bộ Tài chính ra đời trong bối cảnh thị trường TPDN đón nhận nhiều thông tin nổi cộm. Hai năm gần đây, cuộc đua phát hành trái phiếu được đẩy nhanh, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Ghi nhận từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong 10 tháng đầu năm 2019 cho thấy, trong khi lãi suất TPDN ngân hàng chỉ đạt bình quân 6,87%, thì lãi suất bình quân TPDN nhóm ngành bất động sản lên tới 10,23%.
Có thể kể đến lô trái phiếu của CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) (lãi suất 12%/năm); CTCP Đầu tư Văn Phú (lãi suất 12%/năm); đặc biệt là lô trái phiếu của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất lên đến 14,5%/năm.
Video đang HOT
Tính riêng tháng 10/2019 có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tới 9.349 tỷ đồng. Lãi suất TPDN bình quân của nhóm ngành bất động sản trong tháng 10/2019 cũng đạt mức 10,5% cao hơn nhiều so với mức 9,6% của tháng 9.
Lãi suất TPDN 10 tháng đầu năm 2019 với sự dẫn đầu của nhóm BĐS (Nguồn: SSI)
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản, việc doanh nghiệp của nhóm ngành này tăng cường huy động vốn thông qua trái phiếu được xem là một “kỹ thuật” được các chủ đầu tư bất động sản vận dụng nhằm duy trì dòng tiền cho hoạt động đầu tư phát triển.
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) đánh giá làn sóng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc là dấu hiệu của “cơn khát vốn”. Bộ Tài chính cũng nhận định đây là kết quả của chủ chương giảm áp lực huy động cho kênh tín dụng ngân hàng của Chính phủ.
Những con số “kinh ngạc”
Ngoài bất động sản, doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác cũng chào bán các lô trái phiếu với mức lãi suất nổi trội. Như với ví dụ của Công ty Dược phẩm Pharmacity với lô trái phiếu với lãi suất 13%/năm.
Một ví dụ khác là lô trái phiếu 1.400 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng với mức lãi suất 20%/năm doACBS thu xếp phát hành.
Tuy phải đi vay “lãi cao” tới 1.400 tỷ đồng, Hồng Hoàng mặt khác được cho là đang sở hữu đến 60.771.055 cổ phiếu ACB (trị giá hơn 1.500 tỷ tính theo mức giá 24.700 đồng/cp). Điều đáng nói, phát hành trái phiếu lãi suất khủng, sở hữu một lượng lớn cổ phiếu ACB, nhưng doanh nghiệp này có vốn điều lệ chỉ ở mức 5 tỷ đồng. Nguồn thu để trả lãi của Hồng Hoàng vẫn thực sự là một ẩn số.
Rủi ro lớn cho nhà đầu tư cá nhân
Các nhà đầu tư cá nhân đang chủ yếu tiếp cận với TPDN thông qua sự tư vấn và bảo lãnh phát hành của các tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm. Lãi suất khi phân phối đến nhà đầu tư cá nhân thường thấp hơn 1-2%, tuy nhiên so với kênh gửi tiết kiệm vẫn nổi trội hơn.
Mặt khác, bản thân các đơn vị tham gia bảo lãnh phát hành TPDN cũng được hưởng lợi nhờ mức phí tư vấn cao và mức chênh lệch khi phân phối lại.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, việc mua thứ cấp TPDN sẽ tạo nên nhiều rủi ro hơn vì khả năng tiếp cận thông tin cũng như khả năng đánh giá năng lực kinh doanh, phân tích rủi ro của doanh nghiệp không cao. Giới truyền thông trong nước cũng từng đưa tin về trường hợp các nhà đầu tư cá nhân mua TPDN thông qua các tổ chức bảo lãnh nhưng không có sự hiểu biết và tìm hiểu kỹ lưỡng.
“Thông lệ thị trường tài chính cho thấy TPDN, nhất là trái phiếu phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ phù hợp với các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro. Đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không có năng lực tài chính và kinh nghiệm đầu tư nên tham gia đầu tư qua các Quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư an toàn, hiệu quả.” – Bộ Tài chính khuyến nghị./.
Theo Viettimes.vn
"Nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro"
Nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Sáng 9/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành và Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia đánh giá tình hình nợ nước ngoài quốc gia giai đoạn 2011-2018 và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019.
Báo cáo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2018, trong đó, ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), doanh nghiệp bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%), công ty chứng khoán chiếm 3,5%, còn lại là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác.
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân từ 9,5%-11%/năm, bằng và cao hơn khoảng 0,5% so với mức cho vay phổ biến của các ngân hàng thương mại.
Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới hết tháng 6/2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.
Phát biểu tại buổi họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự phát triển nhanh trong thời gian qua vì các doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn để sản xuất kinh doanh trong khi tăng trưởng tín dụng có xu hướng được quản lý chặt chẽ hơn, nhất là các lĩnh vực còn nhiều rủi ro như bất động sản.
Phó Thủ tướng đánh giá mặt tích cực của trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm là từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay của các NHTM, hỗ trợ các NHTM huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn cho sản xuất kinh doanh. Kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp dài (kỳ hạn 5 năm chiếm 66% tổng khối lượng phát hành), các nhà đầu tư chủ yếu là nhà đầu tư có tổ chức, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 6,1%.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. "Lãi suất một số đợt phát hành cao từ 13-14%, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành tới 14-15% cao hơn lãi suất cho vay của NHTM, các tổ chức tín dụng khác", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro.
"70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo nào sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. Và 98% các đợt phát hành là riêng lẻ", Phó Thủ tướng nói thêm.
Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh việc hoàn thiện, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong trung và dài hạn, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, rà soát quy định cụ thể phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro.
Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để rút ngắn quy trình phát hành, thúc đẩy doanh nghiệp huy động vốn theo phương thức này, gắn phát hành ra công chúng bắt buộc với xếp hạng tín nhiệm...
Liên quan đến mức lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp ngành bất động sản huy động ở mức cao (phổ biến ở mức 12%), tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: "Qua rà soát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ Tài chính vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan đến thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp".
H.HÀ
Theo bizlive.vn
Phát đạt (PDR) huy động thêm 110 tỷ trái phiếu lãi suất 13%/năm, nhà đầu tư ngoại mua một nửa Về Phát Đạt (PDR), công ty là cái tên huy động vốn qua trái phiếu được nhắc đến nhiều nhất với lãi suất đưa ra ở mức cao và 9 lần thực hiện chào bán. CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) đã hoàn tất đợt phát hành thứ 9 với tổng giá trị 110 tỷ đồng. Được biết, giá trị ban đầu...