Bộ sưu tập trái cây miền quê dân dã, nhìn là muốn chạy ngay về tuổi thơ
‘Tôi có một tuổi thơ rất “dữ dội”, tôi chỉ mong cho các em nhỏ bây giờ có thể một lần được sống trong thế giới mà mình đã đi qua’, thầy giáo trẻ khoe những trái cây dân dã quá quen thuộc với người dân quê anh.
Trái cám rừng – ẢNH MINH HUÂN
Nào trái gùi, trái sộp, trái nổ (mận rừng), trái thị rừng, trái mây, sim, mua, trái sổ, trái cám, cò ke… những loại quả rừng có thể còn xa lạ với người thành thị và trẻ em bây giờ. Nào xoài, chuối, mít, mận… chín cây đầy vườn. Với thầy giáo trẻ này, những ai từng lớn lên nhờ rừng, nhờ vườn tược quê hương như anh thì trái nào cũng đầy ắp kỷ niệm, dạt dào thương nhớ mà “một đời dễ mấy ai quên”.
Đó là thầy Lê Minh Huân (32 tuổi) thạc sĩ tâm lý, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Yêu rừng, thương quê hương và mong muốn lan tỏa tình yêu thiên nhiên tới các em học sinh, anh Huân luôn “cất riêng” những hình ảnh trái cây miền quê dân dã và trò chơi dân gian thành riêng một album, để những giờ giải lao có thể kể cho các trò nghe về sự kỳ diệu của cuộc sống.
Trái gùi, chua chua, chấm muối ớt ăn thì không gì ngon bằng
Trẻ em ở nhiều vùng quê đã quen gọi đây là trái chùm bòi
Nấm hột gà nhìn ứa nước miếng – ẢNH MINH HUÂN
Rừng bao dung với tất cả
Khoe với phóng viên những hình ảnh cây trái quê nhà, anh Huân kể: “Quê tôi ở một xã nông thôn của Bình Thuận, được thiên nhiên ưu ái với đủ dạng địa hình, có biển, có dải đồng bằng hẹp và cả cánh rừng bát ngát xanh. Trước nhà tôi là đồng ruộng, đi một quãng là biển, còn rừng thì sát bên hông. Không khí trong lành, thiên nhiên đa dạng, phong cảnh hữu tình. Đi vài chục mét là vào rừng, ở đấy có thể tắm mình với bao nhiêu cây cối, hoa lá, tiếng chim líu lo, tiếng gà rừng gáy hòa tiếng ve và tiếng sên – mỗi mùa một sắc, một thanh âm…
Rừng bao dung với tất cả ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng tôi. Từ hơn 50 năm trước, người nhà tôi đã dời về miền quê này sống, cái ăn, cái mặc, tiền học hành của anh em tôi phần lớn nhờ các sản vật của rừng. Nhiều hôm đói đi vào rừng một vài vòng là hái được cả ôm trái cây, ăn tới no nê”.
Trời mưa lâm thâm, cây trâm có trái, trẻ con đã thuộc câu ca ấy – ẢNH THÚY HẰNG
Quê nhà luôn bao la sản vật – ẢNH MINH HUÂN
Trái sim rừng, gắn bó với tuổi thơ của nhiều người – ẢNH PHẠM ĐỨC
Video đang HOT
“Lớp 1 tôi đã gánh một quang gánh nặng trái cây ra trường học, bán xong thì vào lớp học, vô tư vui vẻ như bao bạn bè thời đó. Đi học là học hết mình. Nghỉ hè 3 tháng là chơi hết sức.
Đủ trò mò cua bắt cá, chăn bò, tắm suối, thả diều, vào hái nấm, hái trái sim, trái mua ăn ngọt lừ, tới khi miệng tím ngắt hay rủ nhau đi lội đầm hái rau muống, hái súng, hái sen, bắt ếch, đào dế… Những tháng ngày tuổi thơ với niềm vui bất tận”, anh Huân hồi tưởng.
Anh Huân chia sẻ với phóng viên những kỷ niệm về trái cây miền quê – ẢNH THÚY HẰNG
Trái nổ (mận rừng)
Trái gùi ở trên cây lúc còn xanh
Đào củ mài rất vui, bạn từng thử chưa?
Hoa mua tím trên rừng
Bông thiên lý, cây mít quê sai trĩu quả – ẢNH MINH HUÂN
Ai nhìn trái quê dân dã cũng nhớ
Tới bây giờ, quê anh Huân vẫn giữ được phần nhiều những bình yên như thế. Người rời làng, rời rừng để lên thành thị mưu sinh cũng nhiều. Rừng thì vẫn ở yên đó, chờ đợi những người con tha hương lâu lâu trở về.
Biết con trai yêu rừng, mẹ anh Huân lần nào gửi đồ lên thành phố cho con cũng hái rồi gói ít trái rừng, khi trái gùi, lúc trái nổ… Anh xúc động: “Trái cây dân dã quê mình ăn không chỉ thấy ngon, mà ăn để nhớ và hoài niệm về những cảnh xưa, người xưa, những bạn bè đồng trang lứa đã trưởng thành rồi ai đi đường người nấy”.
Anh Huân có thói quen, về thăm nhà lần nào cũng chạy ù ra rừng “hít hà” mùi tuổi thơ đến no căng lồng ngực, tìm trái rừng ăn, ôn lại vị quê hương. Anh chụp đủ hình ảnh trái cây dân dã miền quê, khoe khắp bạn bè trên mạng xã hội, dần dần, số ảnh trái cây quê hương đã trở thành một bộ sưu tập phong phú. Nhiều người xa lạ, xem xong ảnh của anh thì thổ lộ “chỉ muốn chạy ngay về nhà để tắm lại một lần tuổi thơ”.
Măng le và bát sen
Tìm nấm hột gà không gì vui bằng – ẢNH MINH HUÂN
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên , nhiều người đang sinh sống ở TP.HCM cũng bồi hồi khi nhớ lại “tuổi thơ dữ dội” của mình, từ những hình ảnh mộc mạc mà thầy Huân ghi lại.
Anh Trần Tuấn Anh, 37 tuổi, trú Q.1, TP.HCM, từng trải qua những năm tháng tuổi thơ ở P.Hà Huy Tập, TP. Vinh, Nghệ An và TP Biên Hòa, Đồng Nai những năm 1990 kể: “Những mùa hè ở Vinh đầy ắp tiếng cười. Trẻ con thường có trò chơi súng bắp. Đó là lấy tre chế thành ống pít-tông, hái quả xoan làm đạn, bắn nghe kêu bốp bốp. Tụi con trai bắn nhau khá đau nhưng vui lắm. Trẻ con ngày đó còn nghịch ngợm hái trái cây nhà hàng xóm nữa…”.
Những cái cây đầy trái luôn hấp dẫn không nhỏ với tụi nhỏ ở quê ngày xưa – ẢNH MINH HUÂN
Trẻ nhỏ còn gì vui bằng việc được tự tay hái rau trong vườn?
Trái cây quê lúc lỉu trong vườn nhà – ẢNH MINH HUÂN
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, trú Q.5, TP.HCM, từng có 10 năm sống ở Ấp Chợ, xã An Quảng Hữu, H.Trà Cú, Trà Vinh những năm 1980 thì rất xúc động khi xem những tấm hình trẻ em tắm mưa, kéo mo cau, hay vườn quê đầy trái mít, xoài…
“Kéo mo cau, tắm mưa, lội sông, tát đìa bắt cá là trò đứa con nít nào ngày đó cũng chơi ở quê miền Tây. Còn nhiều trò cũng vui không kém là trèo dừa, bắt chuột dừa (chuột dừa rất thích sống trên ngọn dừa), chơi ô ăn quan, chơi đánh cù, ném đáo, đá thun, ai thua bị quẹt lọ đen nhẻm khắp mặt. Trẻ con ở quê hay đi hái trái trâm, rồi hái me keo. Tôi còn một kỷ niệm không quên được là trước nhà ngày đó có một cây xoài, mùa xoài chín tôi trèo lên cây, hái quả ăn rồi nằm ngủ ngay trên chạc cây. Ngủ quên rớt đánh bịch xuống đất, đau điếng, môi bị chảy máu quá trời, giờ vẫn còn vết thẹo”, anh hoài niệm.
Những trò chơi, trái cây dân dã miền quê, nhắc tới thôi mà nhớ cả một trời kỷ niệm. Còn bạn, tuổi thơ gắn bó sâu sắc với trái nào, cùng kể nhé?
Giáo viên, người nắm giữ thành công cho chương trình GD phổ thông mới
Ngoài các điều kiện về chương trình, cơ sở vật chất cùng SGK thì giáo viên được xác định là "chìa khóa" để việc thực hiện chương trình GDPT mới thành công.
Chuẩn hóa trình độ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chương trình GDPT mới.
Phối hợp các trường Sư phạm chuẩn bị đội ngũ
Để xây dựng đội ngũ một cách đồng bộ, tránh rơi vào thế con người phải chạy theo chương trình, ngay từ năm học 2019-2020 ngành giáo dục các địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng nhiều kế hoạch và lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hiện tại nhằm triển khai chương trình GDPT mới một cách hiệu quả.
Trong hàng loạt các giải pháp đào tạo đội ngũ thì giải pháp đặt hàng các trường ĐH Sư phạm đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tế của địa phương được tích cực triển khai.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thời gian qua, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn, các trường học chú trọng lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp (tỉnh, huyện, cụm trường, trường) có trình độ chuyên môn tốt, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục.
"Xác định rõ đội ngũ có vai trò then chốt nên ngay từ lúc đầu Sở GD&ĐT đã chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới, bám sát thực tiễn. Đặc biệt là đặt hàng các trường ĐH Sư phạm trong khu vực phối hợp đào tạo, nâng chuẩn cho giáo viên.
Đến thời điểm này công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới đã sẵn sàng. Hiện tỉnh Tây Ninh có 11.952 cán bộ quản lý và giáo viên. Về cơ bản đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỉ lệ chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 80,50%, tiểu học 68,59%, THCS 82,78%, THPT 100%, cao đẳng sư phạm 100%)", ông Phạm Ngọc Hải- Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh chia sẻ.
TP.HCM cũng là địa phương chủ động trong công tác bồi dưỡng giáo viên, đặt hàng các trường sư phạm nâng chuẩn, đào tạo đội ngũ cho mình.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó giám đốc Sở GD&ĐT hiện công tác bồi dưỡng cho giáo viên dạy lớp 1 chương trình mới đã xong, công tác phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo thực hiện được chương trình GDPT 2018 lớp 2 cơ bản đã hoàn thành, với 547 hiệu trưởng; 827 phó hiệu trưởng và 22.239 giáo viên (trong đó, 16.941 giáo viên dạy nhiều môn) được tập huấn dưới sự hỗ trợ, phối hợp của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn và Trường Cán bộ QLGD TP.HCM.
Các địa phương chuẩn hóa và củng cố đội ngũ bằng nhiều giải pháp
Theo TS Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Luật Giáo dục 2019 ban hành quy định trình độ chuẩn của nhà giáo được nâng lên, các trường Cao đẳng Sư phạm không còn có chức năng đào tạo giáo viên tiểu học và THCS như trước, điều đó ít nhiều dẫn đến sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên tại các địa phương. Do đó, chính sách đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường đại học Sư phạm là một hướng đi đúng đắn. Ngoài việc đảm bảo tính kế thừa của đội ngũ trong tương lai thì việc chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên theo chương trình GDPT mới sẽ thuận lợi hơn.
"Vừa qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận sáp nhập vào Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm tại Ninh Thuận là để hướng đến mục tiêu đó. Để phục vụ cho công tác đào tạo giáo viên theo nhu cầu của địa phương, thời gian tới, Phân hiệu trường tại Ninh Thuận sẽ mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương và khu vực. Trong đó, đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép mở 4 ngành sư phạm bậc ĐH và cấp chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm" -TS Lý nói.
Chủ động lĩnh hội, đổi mới song hành cùng Nhà trường
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2020 toàn ngành đã bồi dưỡng, tập huấn cho gần 107.000 CBQL, giáo viên, trong đó, bồi dưỡng 47.000 giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Ngoài ra, các địa phương sẽ tổ chức cho 920.000 giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông đại trà tự học thường xuyên, liên tục với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán; tự sinh hoạt chuyên môn theo trường hoặc cụm trường về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, để đội ngũ này gập huấn lại cho các giáo viên khác.
Chương trình GDPT mới 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, giáo viên cần nắm rõ những điểm khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành để triển khai hiệu quả.
Theo bà Phạm Thúy Hà, Phó trường phòng GD&ĐT Quận 4, nội dung bồi dưỡng giáo viên gồm tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ như sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy.
"Để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ, Phòng giáo dục đã yêu cầu các trường cử giáo viên các môn học tham gia tập huấn theo quy định. Trong đó, giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tập huấn để đứng lớp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử-Địa lý.
Không chỉ tập huấn, Phòng giáo dục cũng rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên các cấp, đặc biệt là giáo viên lớp 2 và lớp 6 báo cáo Sở GD&ĐT để Sở có kế hoạch phối hợp, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ nhằm đáp ứng tốt nhất việc thực hiện chương trình GDPT mới", bà Hà thông tin.
Học chương trình GDPT mới, học sinh được khuyến khích các hoạt động trải nghiệm
Bà Nguyễn Thị Kim Hương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ Quận 11 cũng cho rằng đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng, góp phần quyết định sự thành công của chương trình GDPT mới. Chính vì thế, 2 năm qua Ban giám hiệu có nhiều yêu cầu đặt ra với đội ngũ giáo viên như: phải tích cực, chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học, trong nghiên cứu chương trình, tài liệu. Mặt khác, giáo viên phải tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, nhất là với các em tiếp thu chậm để hỗ trợ các em theo kịp chuẩn kiến thức.
"Thuận lợi của TP.HCM là các trường đã có nhiều hoạt động giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM liên môn. Vì vậy, khi thực hiện chương trình GDPT mới, giáo viên thuận lợi trong việc tiếp cận chương trình mới với những môn theo hướng tích hợp đã dạy. Theo tôi được biết, ngoài việc nâng chuẩn cho đội ngũ hiện tại, Sở GD&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên theo hướng đặt hàng với các trường sư phạm giai đoạn 2021-2025. Do đó, thời gian tới việc triển khai chương trình các cấp lớp tiếp theo chắc chắn sẽ dần ổn định và thuận lợi hơn"- bà Hương nói.
Dịch Covid-19: Cách nào cho con mùa hè vui, an toàn? Dịch Covid-19 tái bùng phát ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương ảnh hưởng không nhỏ tới những kế hoạch của cả cha mẹ, học sinh. Làm sao để con có một mùa hè vui và an toàn? Cùng con vẽ tranh cũng là cách giúp con có mùa hè ý nghĩa - ẢNH: THÚY HẰNG Chị Huỳnh Mỹ Ngọc, điều phối...