Bổ sung quy định về nghĩa vụ công an và nghĩa vụ xây dựng nền an ninh nhân dân
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần khẳng định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đây là cơ sở, điều kiện để xây dựng và huy động cao nhất mọi tiềm lực của đất nước cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Trong lịch sử đất nước ta, dựng nước luôn đi đôi với giữ nước, xây dựng luôn đi đôi với bảo vệ Tổ quốc và là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân, đó là bài học kinh nghiệm có tính quy luật, xuyên suốt toàn bộ quá trình phát triển của dân tộc ta. Kế thừa và phát triển truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn dân, được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Công an nhân dân, nhiều thanh niên ưu tú đã hăng hái tham gia phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân, tham gia phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị – xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Video đang HOT
Thời gian tới, công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước ta có những thuận lợi, thời cơ, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh các hoạt động chống phá với mục tiêu không thay đổi là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điều này đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, nhất quán từ nhận thức, tình cảm, ý chí đến hành động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng, an ninh. Đây là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, công dân.
Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cần khẳng định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đây là cơ sở, điều kiện để xây dựng và huy động cao nhất mọi tiềm lực của đất nước cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, tôi đề nghị chỉnh sửa Điều 48 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, như sau: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự, công an và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự, công an do luật định”.
Vũ Đức Phong
Theo ANTD
Giữ vững Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng ta
Âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch, phản động là xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để thực hiện âm mưu đó, chúng thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra "những khoảng trống" để dần đưa hệ tư tưởng tư sản thâm nhập cán bộ, đảng viên, từng bước chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, chúng ra sức sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet, các blog xã hội để chuyển tải thông tin, các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá cách mạng nước ta. Những phần tử cơ hội chính trị ở trong nước cũng hùa theo những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận, vu cáo trong thực tiễn, ra sức công kích Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, giữ vững chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta có quyền tự hào khẳng định, với những thắng lợi giành được trong hơn 83 năm qua, nước ta đã từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ của đất nước; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đó là thực tế lịch sử không ai có thể phủ nhận, xuyên tạc.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam và trên thế giới cũng đã chứng minh sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách học thuyết cách mạng và khoa học, là lý luận và phương pháp nhận thức thế giới, cải tạo thế giới. Giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là tính khoa học, tính toàn diện, tính hệ thống, biện chứng của học thuyết là nhằm mục đích giải phóng người lao động, giải phóng xã hội khỏi mọi áp bức, bóc lột, thực hiện một xã hội công bằng, nhân đạo. Với linh hồn là phép biện chứng duy vật, học thuyết giá trị thặng dư, với những phát kiến vĩ đại về chủ nghĩa duy vật lịch sử... chủ nghĩa Mác - Lênin cho đến nay vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người. Đời sống xã hội đương đại, mặc dù phải trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn không đi ngoài những quy luật phổ biến đã được những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin tổng kết.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng đã khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân; về xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân; về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh... đã, đang và sẽ mãi mãi soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, mãi mãi là di sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta; con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.
Việc các thế lực thù địch, phản động và bọn cơ hội xuyên tạc, bài bác chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ càng chứng minh tính đúng đắn, tính khoa học và tính cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, gian khổ và ngày càng diễn ra quyết liệt. Kinh nghiệm cho thấy, nếu mơ hồ, dao động về tư tưởng, thì nhất định sẽ lúng túng trong chủ trương, đường lối, rối loạn trong tổ chức thực hiện và tất nhiên sẽ thất bại trong hành động. Vì vậy, giữ vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tư tưởng, lý luận của chúng ta. Đáng tiếc là trong thời gian qua, vẫn có những người chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí mất cảnh giác nghiêm trọng trong lĩnh vực này. Chúng ta không cường điệu, nhưng thực tế dạy chúng ta rằng, trong cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tuyệt nhiên không được lơi lỏng, mất cảnh giác, mà cần luôn tỉnh táo, nhận thức rõ và kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ mọi thành quả cách mạng của nhân dân ta.
Mai Ngọc Hoa
Theo ANTD
Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta Thời gian gần đây, lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là "tam quyền phân lập", đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để "kiềm chế", "đối trọng" giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản......