Bỏ quy định chặn đăng kiểm xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông
Thay vì không được đăng kiểm, dự thảo thông tư mới của Bộ GTVT quy định xe nào mà chủ chưa nộp phạt vi phạm giao thông được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm 15 ngày.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư 70/2015 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó, đáng chú ý, dự thảo đã bỏ quy định chặn đăng kiểm đối với các xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông được ghi lại qua hình ảnh ( phạt nguội), xe là vật chứng của vụ án…
Bỏ quy định chặn đăng kiểm
Cụ thể, khoản 6 Điều 4 của Thông tư 70 hiện hành quy định Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ từ chối đăng kiểm đối với các trường hợp có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định. Tuy nhiên, dự thảo mới đã bỏ quy định này.
Thay vào đó, dự thảo chỉ quy định đối với xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông, xe bị cảnh báo theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát nếu đạt yêu cầu thì chỉ được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày.
Đối với trường hợp xe có giấy đăng ký tạm thời khi kiểm định lại không phải nộp các giấy tờ như giấy chứng minh nguồn gốc phương tiện, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận trách nhiệm bảo hiểm dân sự của chủ xe cơ giới…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về quy định mới này, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng việc chặn đăng kiểm đối với các xe vi phạm nêu trên thời gian qua đã phát huy hiệu quả.
Cụ thể, nhiều xe vi phạm giao thông không còn chây ỳ nộp phạt, xe trong vụ án được phát hiện kịp thời. Đặc biệt, nhiều tài xế khi lưu thông trên đường dù không có sự hiện diện của lực lượng CSGT vẫn chấp hành tốt quy định pháp luật vì sợ camera ghi hình phạt nguội. Có thể khẳng định sự phối hợp như vậy giúp tài xế chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn, hiệu quả mang lại cho xã hội lớn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo vị này, Bộ Tư pháp cho rằng quy định trên không đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền. Nên trong dự thảo lần này, Bộ GTVT bỏ quy định chặn đăng kiểm đối với các xe vi phạm. “Đổi lại, các xe trên khi đến đăng kiểm nếu đủ điều kiện sẽ được cơ quan cấp giấy đăng kiểm tạm thời. Sau khi chủ xe thực hiện các nghĩa vụ liên quan, cơ quan đăng kiểm sẽ cấp giấy đăng kiểm như bình thường…” – vị đại diện Cục Đăng kiểm nói.
Dự thảo thông tư mới quy định xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm 15 ngày. Ảnh: V.LONG
Vì sao chỉ cấp giấy đăng kiểm 15 ngày?
Nói về cơ sở pháp lý quy định cấp giấy kiểm định tạm thời 15 ngày đối với các xe trên, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết sẽ áp dụng theo khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2020. Theo đó, với các xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông theo hẹn, hoặc có thông báo của cơ quan chức năng nhưng chủ xe chưa đến giải quyết thì cơ quan chức năng sẽ gửi thông tin cho cơ quan đăng kiểm để cảnh báo cho xe trên chương trình quản lý kiểm định.
Khi xe được đưa đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho chủ xe biết về việc vi phạm…, đồng thời cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.
“Nghị định này đã được Bộ Tư pháp thẩm định nên đủ cơ sở để triển khai. Tuy nhiên, so với Nghị định 100, thông tư lần này quy định rõ hơn và mở rộng đối tượng cấp giấy chứng nhận tạm thời đối với các trường hợp theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra…” – đại diện Cục Đăng kiểm lý giải thêm.
Cũng theo vị đại diện này, hiện Bộ GTVT đang sửa Luật Giao thông đường bộ, quy định này cũng sẽ được xem xét để nâng lên thành luật.
Theo ông Đỗ Tràng Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V – Hà Nội, hiện nay đơn vị đã áp dụng quy định của Nghị định 100. Theo đó, các xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông, trung tâm chỉ thực hiện đăng kiểm 15 ngày.
“Một số xe khi đến trung tâm kiểm định nếu nhận được thông tin chưa nộp phạt, có chủ phương tiện vẫn thực hiện đăng kiểm 15 ngày, có xe còn hạn đăng kiểm thì họ không thực hiện đăng kiểm tạm thời mà đi nộp phạt xong mới về làm các thủ tục đăng kiểm…” – ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, các chủ xe chưa nộp phạt khi được nhân viên đăng kiểm thông báo, họ đều chấp hành.
Quy định từng bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”
Vào cuối năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) từng “tuýt còi” quy định dừng đăng kiểm xe do chưa nộp phạt nguội.
Nguyên nhân, quy định ở thông tư này không đầy đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền, không xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị không kiểm định là cơ quan nào. Căn cứ, điều kiện để đề nghị không kiểm định là gì. Không có sự phân biệt để có cách xử lý hợp lý, công bằng giữa trường hợp chủ xe được thông báo và trường hợp không được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc xe có vi phạm trước khi đưa xe đến kiểm định…
Cạnh đó, quy định này không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, luật không quy định và cũng không giao bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trường hợp không kiểm định…
Thông báo phạt nguội của CA Vĩnh Phúc gắn lên kính ô tô có nội dung gì?
Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện phạt nguội đối với các trường hợp vi phạm giao thông. Đáng chú ý, lực lượng này đã gắn thông báo vi phạm cho tài xế bằng cách cài lên kính trước. Vậy trong thông báo đó có nội dung gì?
Thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 15/02 Phòng cảnh sát giao thông và các đơn vị Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện đã triển khai lực lượng ghi lại hình ảnh các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) như:
Xe ô tô dừng đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá khổ, quá tải khi tham gia giao thông; đỗ xe ngược chiều với chiều lưu thông của làn đường; Dừng xe hoặc đỗ xe nơi có biển "Cấm dừng xe và đỗ xe".... Điều khiển mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng, nẹp pô; Không đội mũ bảo hiểm; Chở quá số người quy định; Sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện mô tô, xe máy tham gia giao thông.... tại các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Việc phạt nguội vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được lực lượng Công an tỉnh này thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả.
Qua thời gian triển khai thực hiện, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi lại hình ảnh 38 trường hợp xe ô tô, 567 trường hợp xe mô tô vi phạm.
Lực lượng trên đã tiến hành xác minh làm rõ và ra quyết định xử phạt 124 trường hợp tương ứng với số tiền 41.250.000 đồng nộp ngân sách nhà nước.
Đối với trường hợp người điều khiển xe ô tô vi phạm những lỗi đỗ xe không đúng quy định, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo thông qua việc cài trực tiếp thông báo vi phạm lên kính trước của xe ô tô vi phạm.
Nội dung thông báo có ghi rõ thời gian, địa điểm vi phạm, biển kiểm soát xe ô tô vi phạm, lỗi vi phạm và hẹn thời gian người điều khiển phương tiện vi phạm đến Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh để giải quyết việc vi phạm.
Với ô tô vi phạm giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc gắn thông báo phạt nguội lên kính xe, yêu cầu tài xế đến trụ sở để làm việc theo thời gian đã ghi. Việc này được đánh giá là văn minh, hợp lý như cách làm của những đơn vị nước ngoài.
Nếu quá thời hạn ghi trong thông báo, người điều khiển phương tiện vi phạm không đến làm việc, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh sẽ gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình quản lý kiểm định.
Đến nay qua khảo sát, ghi nhận bước đầu trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và một số tuyến đường chính của các huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng vi phạm về TTATGT đối với những lỗi vi phạm của người điều khiển ô tô, xe máy được áp dụng hình thức xử phạt nguội thông qua ghi nhận bằng hình ảnh đã giảm đáng kể.
Theo danviet.vn
Xử lý mạnh tay với vi phạm nồng độ cồn Sau 6 tháng, kể từ thời điểm áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (gọi là Nghị định 100) ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã xử phạt hàng ngàn trường...