Bố mẹ cậu bé 13 tuổi đạp xe không phanh 100km: Có 3 đứa con thì 2 đứa mắc bệnh khó chữa
Vừa sinh được 2 ngày, em trai của Chiến đã phải xuống bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Bản thân Chiến cũng mắc chứng khóc ngạt, thần kinh không ổn định.
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao khi biết câu chuyện cậu bé 13 tuổi đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em trai đang nằm bệnh viện. Không thức ăn dự trữ, không tiền bạc, chỉ có một chiếc áo mỏng cùng chiếc xe đạp không phanh, Chiến đã một mình băng rừng vượt qua bao đèo dốc để gặp mẹ và em.
Clip: Em Chiến lửng thửng dắt xe đạp trên đèo và được tài xế phát hiện, giúp đỡ
Hành trình hơn 100km với 10.000 đồng và chiếc xe đạp không phanh
Vì Quyết Chiến (13 tuổi) chưa một lần rời khỏi bản làng Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tình Sơn La đã tự vượt qua hơn 100km đường đèo trắc trở chỉ với khao khát được thăm em trai đang ốm năng dưới bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội.
Trưa ngày 25/3, nghe lén được cuộc điện thoại giữa bố và ông nội nói về tình trạng sức khỏe của em trai đang ngày một nguy kịch, có khả năng không qua khỏi. Cậu xin ông nội 10.000 đồng và ăn vội miếng xoài, nói với ông chiều nay đi tập thể dục ở trường về muộn. Lúc ấy trong đầu đứa trẻ 13 tuổi không nghĩ được nhiều, không lường trước được sự nguy hiểm, những cạm bẫy rình rập chờ đón mình ở phía trước. Chỉ một lòng thương em, thương mẹ và muốn xuống viện thăm em.
Cậu bé Vì Quyết Chiến cùng chiếc xe đạp mất phanh trên đường xuống thăm em trai. Ảnh: Tuổi trẻ.
Trên đường đi gặp ai Chiến cũng hỏi đường xuống Hà Nội, đến địa phận tỉnh Hòa Bình thì đói lả, may mắn lúc đó có người tài xế tốt bụng đã hỏi han và giúp cậu bé đến Hà Nội an toàn. Sau đó bố Chiến đã ra bến xe đón con vào viện đoàn tụ với mẹ và em trai.
Người tài xế kể rằng anh không ngờ một đứa trẻ 13 tuổi có thể vượt được đoạn đường từ Vân Hồ (Sơn La) đến Tân Lạc (Hoà Bình) vốn có trên dưới 15 con đèo. Lái xe nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cũng phải dè chừng quãng đường đó, vậy mà Chiến vẫn băng đường, bằng một chiếc xe đạp không cả phanh trước lẫn phanh sau.
Lúc Chiến xuống Hà Nội, ông bà nội ở nhà vẫn không hề hay biết, chỉ khi bố Chiến gọi điện thoại về thông báo rằng con trai đang ở đây, thì ông bà mới biết cháu mình đã tự bỏ nhà lặn lội đạp xe thăm mẹ, thăm em.
Có với nhau 3 mặt con thì 2 đứa mắc bệnh hiểm nghèo
Anh Vì Văn Nam (32 tuổi) và chị Hà Thị Sâm (33 tuổi) – bố mẹ em Chiến kết hôn cách đây gần 15 năm, cùng sinh sống tại một ngôi làng nghèo huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Hai anh chị cùng làm ruộng, ngày nông nhàn rỗi anh lại đi làm thuê làm mướn khắp nơi kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình.
Vì Quyết Chiến (13 tuổi) là con trai cả, từ khi sinh ra em đã bị khóc ngạt, gia đình đưa đi khám trên bệnh viện huyện ở Sơn La thì bác sĩ bảo em bị mắc chứng thần kinh thất thường. Hồi bé, thời gian đi viện nhiều hơn ở nhà. Có khi đang học, em cũng ngất xỉu và không tỉnh táo. Thầy cô phải gọi gia đình đến đón em về.
Đứa con thứ hai của anh chị là một con gái, rất may bé hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện nay bé 7 tuổi đang học lớp 1 tại quê nhà. Bé rất ngoan và thương bố mẹ, biết em bị ốm phải đi bệnh viện, bé ở nhà luôn nghe lời anh Chiến và ông bà.
Gia đình em Vì Quyết Chiến. Ảnh: Tuổi trẻ.
Từ khi mang thai 3 tháng đã biết cháu có khối u trong bụng
Chúng tôi có mặt có mặt ở bệnh viện nhi Trung ương vào một buổi sáng, chỉ cần hỏi qua một số thông tin về trường hợp gia đình có con trai đạp xe từ Sơn La xuống thăm em, chúng tôi được các y tá, điều dưỡng, bảo vệ chỉ đường đến khoa gan mật.
Tiếp đón chúng tôi là anh Vì Văn Nam, bố của em Vì Quyết Chiến, dáng người nhỏ liêu xiêu, nước da đen sạm, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, anh cho biết: ‘Em trai út của Chiến được 2 tháng tuổi, bé sinh non 1 tháng, được bác sĩ chuẩn đoán là tắc ruột bẩm sinh, ruột phải cắt một đoạn 10 cm. Bác sĩ bảo có thể cứu được nên gia đình chúng tôi vẫn nuôi hi vọng, không muốn bỏ con. Đến giờ, cháu không hấp thụ được thức ăn, chỉ ăn nhỏ giọt từng chút một. Con tôi uống sữa ngoài chứ không thể uống sữa mẹ được nữa’.
‘Vợ anh trước Tết có hạ sinh một bé trai, đặt tên Vì Văn Lực. Từ lúc chị Sâm mang thai 5 tháng, bác sĩ đã chẩn đoán có khối u trong bụng nhưng chưa rõ là u gì. Lắm lúc nghĩ buồn nhưng không nỡ bỏ con vì nó cũng là máu mủ của mình’.
Anh Vì Văn Nam – Bố của em Vì Quyết Chiến hốc hác sau hơn 2 tháng chăm vợ và con nhỏ ở bệnh viện.
Khoa gan mật bệnh viện Nhi Trung Ương – nơi em Vì Văn Lực đang nằm điều trị
Khi nhận được cuộc điện thoại từ người tài xế tốt bụng báo tin em Chiến đạp xe một mình từ nhà xuống Hà Nội thăm em, anh Nam không giấu nổi sự lo lắng. Anh lập tức ra bến xe Mỹ Đình đón con vào viện với vợ. Chiến gặp mẹ, ôm chầm lấy mẹ nhưng không dám khóc to vì sợ bố mắng. Anh Nam cũng nghiêm khắc nhắc nhở con trai về việc không có sự đồng ý của người lớn mà lại tự ý đạp xe một mình quãng đường nguy hiểm như vậy.
Anh Nam bộc bạch: ‘Ngoài giờ học, Chiến hay đi chăn bò, chăn trâu, đá bóng cùng các bạn nên việc về nhà lúc 7 giờ tối là chuyện bình thường. Có lẽ vì vậy mà ông bà cũng không hề hay biết Chiến tự ý đi xa đến vậy’.
Sau khi gặp được mẹ và em trai, Chiến đã yên tâm để bố đưa về nhà tiếp tục đi học. Anh Nam kể Chiến là người giàu tình cảm và rất thương các em. Khi bố mẹ vắng nhà Chiến thường xuyên chăm sóc, thay bố mẹ dạy em gái học. Từ lúc mẹ sinh em út đến nay đã nằm dưới viện hơn 2 tháng nên Chiến không được thường xuyên gặp em.
Trong khoảng thời gian con út nằm viện, anh chị vừa lo lắng cho bệnh tình em Lực vừa sốt ruột tình trạng ở nhà của hai con. Nhưng vì tiền bạc có giới hạn, lực bất tòng tâm nên không thường xuyên chăm lo cho Chiến và em gái.
Clip: Bố em Vì Quyết Chiến chia sẻ về bệnh tình của cậu con trai 2 tháng tuổi
Bố mẹ vừa giận, vừa thương con trai liều lĩnh
Chị Hà Thị Sâm – mẹ của cậu bé Chiến đã 2 tháng ròng rã chăm con ở viện. Tuy mới 33 tuổi nhưng trông chị già hơn nhiều so với tuổi thật. Dáng người gầy gò, chị suy nghĩ nhiều đến nỗi chẳng ăn uống được gì. Đôi mắt lúc nào cũng đỏ, ầng ậng nước.
Bàn tay gầy guộc, run run, chị bón từng miếng sữa nhỏ cho con. Có lúc chị mệt quá, bác sĩ đã phải chuyển chị lên phòng hồi sức, nhà lưu trú để cải thiện sức khỏe. Hai tháng xuống Hà Nội đến giờ, ngày 25/3 vừa rồi mới là lần đầu tiên chị gặp cậu con trai cả.
Bật khóc khi biết con trai cả tự mình vượt qua 100km chỉ để gặp mẹ và em: ‘Nghe tin tôi buồn và thương con lắm, không nghĩ con mình lại dại dột đến vậy. Là một người mẹ tôi không bao giờ muốn con tự đi một quãng đường xa như thế, nhưng vì con suy nghĩ chưa chín chắn lại quá bé nên hành động chưa thấu đáo. May mắn là cháu không sao. Đây cũng là bài học để hai vợ chồng quan tâm con cái hơn’.
Dáng vẻ mệt mỏi của người mẹ
Em Vì Văn Lực – chỉ mới 2 tháng tuổi nhưng đã trải qua cuộc phẫu thuật cắt 10 phân ruột
Con trai của anh chị được các bác sĩ chẩn đoán tắc đường ruột, teo mật, suy dinh dưỡng. Từ lúc mới sinh nặng 1,9kg, trải qua cuộc phẫu thuật cắt 10 phân đường ruột, nay bé Lực chỉ còn 1,7kg. Người mẹ khóc hết nước mắt vì thương con nhưng cũng không biết làm cách nào giúp con bớt đau đớn.
Câu chuyện cảm động về cậu bé Tây Bắc không quản ngại đường xá xa xôi lặn lội xuống thăm em hiện đang được cộng đồng rất quan tâm, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp mua cho cậu bé một chiếc xe đạp mới. Một bác sĩ ở khoa gan mật cũng tặng em một đôi dép mới và chi trả lộ phí để hai bố con về Sơn La.
Em Chiến được một nhà hảo tâm tặng chiếc xe đạp mới
Trong thời gian nằm viện, em Lực được rất nhiều tổ chức thiện nguyện đến giúp đỡ. Cô Thu – một người hảo tâm đã đến bệnh viện Nhi Trung Ương để thăm em Lực, tặng quà và chia sẻ một phần khó khăn với gia đình em: ‘Đó là tình mẫu tử thiêng liêng, con dù sinh ra một ngày vẫn là con của mình. Cô rất trân trọng tình cảm của hai vợ chồng. Mong em bé sớm mạnh khoẻ, ngoan ngoãn, nghị lực vươn lên. Biết đâu phép màu lại xảy ra’.
Chị Sâm nước mắt lưng tròng, yếu ớt nói: ‘Bây giờ tôi chẳng mong gì nhiều ngoài việc các cháu khỏe mạnh ngoan ngoãn. Cháu Lực khỏi bệnh để ông bà, cha mẹ bớt nặng lòng. Còn một tia hi vọng để cứu sống con tôi cũng sẽ thử’.
Câu chuyện của gia đình em Vì Quyết Chiến đã khơi dậy trong chúng ta tình yêu thương gia đình. Trên đời này, tình máu mủ ruột thịt là quan trọng nhất, không gì đánh đổi được.
Đằng sau hành động liều lĩnh của em Chiến là cả tấm lòng của người anh trai dành cho em, của người con dành cho mẹ. Hơn hết, sự tử tế, nhân ái của cộng đồng, những người xa lạ cũng góp một phần không nhỏ giúp những mảnh đời bất hạnh cảm thấy ấp áp và có niềm tin hơn vào cuộc sống.
Theo tiin.vn
'Cậu bé liều' đạp xe 100 km xuống Hà Nội thăm em: Cháu đã xin lỗi ông bà, bố mẹ!
Chia sẻ với chúng tôi, bé Vì Quyết Chiến cho biết, khi đạp xe đạp qua nhiều đèo dốc nhưng cháu không thấy mệt vì cháu chỉ muốn được gặp em, lâu cháu không được gặp em nên cháu nhớ...
Bé Chiến chụp ảnh cùng ông bà nội, bố và em gái
Chỉ nghĩ đến em và đi
Câu chuyện của bé Chiến 13 tuổi ở Vân Hồ, Sơn La đạp xe từ 12h trưa ngày 25/3 với mong muốn xuống Hà Nội thăm em trai út đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương khiến nhiều người xúc động vì thương bé.
Trò chuyện với chúng tôi, Chiến vẫn còn nhút nhát. Chiến nghĩ lại hành trình đi từ Vân Hồ, Sơn La xuống tới Hòa Bình của mình thật gian truân.
Đi học về, Chiến nghe ông bà nội nói chuyện với nhau em bé ốm nặng lắm sợ không qua khỏi, trong đầu Chiến đã nghĩ mình phải xuống thăm em. Ngay lập tức, cậu bé lấy chiếc xe đạp mình vẫn đi hàng ngày ra với ý định đạp xe xuống Hà Nội.
Chiến đi từ bản ra đến quốc lộ 6 mất 6km. Dù chưa biết đường xuống Hà Nội như thế nào nhưng cậu bé nhìn biển hai bên đường và tiến thẳng xuống thủ đô.
Chiến kể, khi đi, cháu thấy biển cắm hai bên đường nên cháu không cần hỏi ai mà cứ đường lớn mà đạp. Đi xe qua các đèo, các cung đường uốn quanh co, dải cua cậu vẫn đạp xe. Có lúc thấy mệt nhưng nghĩ có thể gặp em và bố mẹ là cháu lại cắm đầu cắm cổ mà đạp.
'Xe không có phanh, khi đổ đèo, cháu đỡ mệt hơn nhưng cũng sợ xe lao xuống khe nước nên cháu lấy chân đạp vào bánh xe. Lên dốc, xuống dốc cháu cứ đạp và nghĩ sắp tới Hà Nội' - cậu bé nhớ lại.
Hai anh em Chiến đang học bài
Chiến cho biết, lúc gặp xe khách cậu mệt nhoài, khát nước và nghĩ sẽ nằm nghỉ lại chỗ nào khi hết mệt đạp xe tiếp. Chúng tôi hỏi cậu bé có sợ bị bắt cóc không. Cậu bé chỉ cười nói rằng không nghĩ tới điều đó, chỉ đến khi mọi người nói có thể bị bắt cóc cháu mới sợ.
Khi đã mệt lả, Chiến nhìn thấy chiếc xe khách có biển Mỹ Đình, Hà Nội cháu bé đã vẫy tay. Cậu bé nói lúc ấy đoán chiếc xe sẽ xuống Hà Nội và hi vọng được đi nhờ xe. Khi lên xe, cháu thấy nhẹ cả người vì sắp được gặp em. Nghe các bác tài xế nói chuyện cậu mới thấy 'mình thật liều'.
Lúc được gặp em và mẹ, Chiến vui lắm vì đã rất lâu chưa gặp em. Nhưng thấy em ốm yếu cậu bé tâm sự 'thương em mà không làm sao được'.
Chiều qua (26/3), Chiến được bố đưa về quê để đi học. Sau khi về nhà, Chiến bị bà nội trách mắng vì đi Hà Nội mà không cho ai biết. Chiến biết lỗi của mình nên cậu đã xin lỗi ông bà, gia đình về hành động của mình. Chiến nói sẽ không để sự việc trên xảy ra lần nữa.
Chiều tối ngày 27/3, anh Vì Văn Nam bố của Chiến cho biết, sau khi cho Chiến về quê đi học trở lại anh vội vàng quay xuống Hà Nội vì con trai út của anh tình hình bệnh nặng hơn phải chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu.
'Ngoan nhưng liều, thiếu kỹ năng sống'
Câu chuyện Chiến tự đạp xe trên cung đường đèo dốc từ Sơn La xuống Hà Nội để thăm em dù mới chỉ đi được 1 nửa quãng đường nhưng khiến nhiều người cảm động trước việc cậu bé 13 tuổi liều lĩnh đạp xe từ Sơn La về Hà Nội thăm em ốm nhưng cũng không ít người lo sợ vì câu chuyện này.
Theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, hành động của Chiến là liều lĩnh. Ông An cho biết, qua hành động này thấy được nhiều trẻ còn thiếu kỹ năng sống.
Cậu bé không hề biết khi rời nhà phải xin phép gia đình mình và cháu cũng không biết rõ được hành động của mình là nguy hiểm như có thể xảy ra tai nạn trên đường, có thể bị bắt cóc... Ông An nhận định: 'Ý nghĩ của cháu thì tốt nhưng hành động của cậu bé thì rất nguy hiểm đối với lứa tuổi của cháu.'
Theo ông An, với những vụ việc như thế này, việc thông tin không nên chỉ khen ngợi tình yêu thương, dũng cảm mà cần phân tích, hướng dẫn thêm các em về kỹ năng sống, về cách ứng phó hợp lý, hợp tình. Còn nếu chỉ khen ngợi, biểu dương, sẽ không khác gì cổ súy cho hành động dại dột đó.
'Nhìn góc độ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, điều tối quan trọng cần phải giáo dục cho các em kỹ năng sống chứ không phải là 'đề cao' những hành động liều lĩnh, mất an toàn của trẻ', ông An nhấn mạnh.
Khánh Ngọc
Theo Infonet.vn
Em nhập viện, cậu bé 13 tuổi đạp xe 100km đi thăm đến mức ngất lịm, chân sưng vù, dép rách bươm Đạp xe hơn 100km, vì quá mệt mỏi và đói khát cậu bé ngất lịm giữa đường, chân em sưng vù, đôi dép cũng rách bươm vì phải xe không có phanh nên phải hãm phanh bằng chân. Mới đây, cư dân mạng thi nhau chia sẻ câu chuyện của một cậu bé 13 tuổi người Sơn La, đạp xe không phanh hơn...