Bộ máy hút tiền của IS ở những lãnh địa phủ bóng cờ đen
Cứ ba tháng một lần, Mohammad al-Kirayfawai phải nộp 300 USD cho các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) để được phép lái chiếc xe tải bán kem cùng nhiều đồ đạc dễ hư hỏng khác từ Jordan tới khu vực chúng kiểm soát ở Iraq.
Những người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tuần hành ở thành phố Mosul, Iraq, hồi năm ngoái. Ảnh: AP
Những chiến binh IS phụ trách việc canh gác tại các trạm ở biên giới gọi số tiền này là thuế nhập cảnh, không phải tiền hối lộ. Họ thậm chí còn phát cho al-Kirayfawai một tờ biên nhận với logo và dấu của IS. Nắm trong tay “giấy thông hành” này, al-Kirayfawai mới có thể suôn sẻ đi qua các điểm kiểm tra khác trên quãng đường còn lại.
Ngay từ đầu, al-Kirayfawai đã biết kháng cự là điều không thể. “Nếu không nộp tiền, họ sẽ bắt giữ tôi hoặc thiêu rụi xe của tôi”, anh giải thích.
Theo New York Times, trên một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, IS đã và đang thiết lập nên một bộ máy quan liêu “ăn thịt người” đầy bạo lực, hút cạn mọi nguồn sống của dân cư tại những nơi chúng chiếm đóng, thậm chí là đối với cả những người qua đường.
Theo miêu tả của các chuyên gia am hiểu về IS, hoạt động của nhóm cũng có đôi nét tương đồng với một nhà nước thực sự, trừ việc chúng thường xuyên đề ra những quy định phi lý để bòn rút tiền của người dân. Chỉ tính riêng thu nhập từ nguồn này cũng đạt tới hàng chục triệu USD mỗi tháng, và xấp xỉ một tỷ USD mỗi năm, theo số liệu thống kê bởi giới chức châu Âu và Mỹ. Nguồn thu trên được chứng minh là rất ít bị ảnh hưởng bởi các đòn trừng phạt hay không kích.
“Chúng đánh nhau vào buổi sáng và thu thuế vào buổi chiều”, Louise Shelley, giám đốc Trung tâm Khủng bố, Tội phạm xuyên Quốc gia và Tham nhũng tại Đại học George Mason, cho biết.
Nhóm còn kiếm tiền từ việc buôn lậu dầu mỏ, cướp ngân hàng, buôn bán cổ vật, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc và mời gọi đóng góp từ những kẻ ủng hộ ở vùng Vịnh Ba Tư. Tất cả biến IS trở thành tổ chức khủng bố giàu có bậc nhất thế giới.
Song, khi đào sâu tìm hiểu, người ta bắt đầu nhân ra rằng nguồn tiền lớn nhất mà IS thu được dường như lại xuất phát từ chính những người dân chúng cai trị và từ những doanh nghiệp chúng nắm quyền điều khiển.
Sau thảm kịch xảy ra ở Paris mà những kẻ chủ mưu thực hiện vụ việc được cho là thành viên của IS, liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu liền tăng cường oanh kích các cơ sở sản xuất dầu cũng như các tuyến buôn lậu dầu mỏ do IS vận hành. Chiến đấu cơ Mỹ trong tháng này đã dội bom vào một đoàn xe bồn chở dầu của tổ chức ở miền đông Syria, phá hủy 116 phương tiện.
Video đang HOT
Nhưng giới quan sát cho rằng dù có mất hẳn nguồn thu từ dầu lậu đi chăng nữa thì IS vẫn thừa sức duy trì hoạt động của mình, miễn là chúng còn làm chủ được những vùng đất ở Iraq và Syria, nơi có các thành phố lớn.
“Mọi thứ sẽ chỉ như một cú chích nhẹ đối với IS chỉ cho đến khi nào chúng ta tước đi được nguồn thu nhập chính của chúng, cũng tức là những vùng lãnh thổ mà chúng đang kiểm soát”, Seth Jones, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại RAND Corporation, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu chính sách công, nhận định.
Những bộ máy thu tiền
Nhà nước Hồi giáo hành quyết công khai một người dân ở thành phố Raqqa, Syria. Ảnh: eaworldview.com
Bên trong các vùng lãnh thổ IS chiếm đóng, tổ chức này đang áp dụng những chính sách khủng bố và bạo lực chưa từng có để vắt kiệt người dân, các doanh nghiệp cũng như khai thác tối đa mọi tài sản chúng nắm giữ.
Tại khu dân cư Bab al-Tob ở thành phố Mosul, các tay súng IS đã biến một đồn cảnh sát cổ có từ thời kỳ Ottoman thế kỷ 19 thành một khu chợ, với 60 cửa hàng bán hoa quả và rau củ. Giá thuê mỗi gian hàng là gần 2.500 USD.
Tại Raqqa, trung tâm đầu não của IS ở Syria, nhóm này còn thành lập hẳn một Văn phòng Dịch vụ có nhiệm vụ cử các “quan chức” tới những khu chợ trong thành phố để thu thuế vệ sinh với mức giá từ 7 đến 14 USD mỗi gian hàng, tùy kích cỡ. Người dân hàng tháng phải đến các điểm đóng tiền của văn phòng trên để nộp phí sinh hoạt, khoảng 2,5 USD tiền điện và 1,2 USD tiền nước.
Một cơ quan khác của IS với tên gọi Văn phòng Tài nguyên là nơi giám sát các hoạt động phi pháp của IS như sản xuất, buôn bán dầu lậu, cướp bóc cổ vật… Chúng cũng vận hành cả các nhà máy đóng chai, xưởng dệt và sản xuất đồ nội thất, công ty điện thoại di động cùng hàng loạt nhà máy xi măng, hóa chất. Tất cả các cơ sở này mang đến một nguồn tiền không hề nhỏ.
Ngay cả những hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng phải chiết khấu lợi nhuận để cống nộp cho IS. “Chúng tôi phải trả cho chúng bằng dầu ôliu hoặc tiền”, Tarek, một người Syria trốn chạy sang Beirut, cho hay. Cha mẹ của anh vẫn đang sống và làm việc tại trang trại gia đình ở Al Bab, một khu vực do IS chiếm đóng nằm ở ngoại ô Aleppo.
IS cũng tiến hành thu lệ phí đăng ký xe và ép học sinh phải trả tiền sách giáo khoa. Chúng thậm chí còn phạt người lái xe vì đi ôtô có đèn xi nhan hỏng, một điều luật chưa từng có ở Trung Đông.
Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm các luật lệ hà khắc do chính IS đặt ra cũng thường phải chịu các phạt nặng. Ví dụ như việc hút thuốc bị cấm hoàn toàn.
“IS không chỉ quất tôi 15 roi giữa chốn đông người mà chúng còn bắt tôi trả khoản tiền phạt tới 50.000 dinar”, tương đương 40 USD tại thời điểm đó, Mohammed Hamid, 29 tuổi, kể về lần anh bị bắt gặp khi đang hút thuốc trong cửa hàng của mình ở Mosul hồi cuối tháng 8. Anh này sau đó phải tìm cách chạy trốn tới khu vực của người Kurd ở Iraq.
Tổng cộng, nhà chức trách ước tính IS thu về khoảng 800 đến 900 triệu USD, thậm chí nhiều hơn, từ cư dân và các doanh nghiệp trong vùng lãnh thổ chúng cai trị. Số tiền này bỏ xa lợi nhuận từ việc buôn bán dầu lậu, mang về cho nhóm thêm khoảng 500 triệu USD. IS cũng kiếm được hàng chục triệu USD từ các hoạt động khác như bắt cóc tống tiền. Số tiền nhóm cướp được từ các ngân hàng cũng là một con số khổng lồ, xấp xỉ một tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những gì thế giới biết về hoạt động kiếm tiền của IS chỉ là phần nổi, cấu trúc tài chính bên trong của chúng còn rất nhiều điểm mờ ám.
Sau dầu và thuế, “tất cả những thứ khác chỉ là các con số làm tròn”, Daniel Benjamin, quan chức chống khủng bố hàng đầu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là giáo sư tại Cao đẳng Dartmouth, bình luận.
Theo Benjamin, với quy mô và tham vọng của IS, chúng không thể được đánh giá bằng những tiêu chuẩn như các nhóm khủng bố khác. Tuy nhiên, ông cho rằng mô hình kinh tế của IS rất khó có thể duy trì trong dài hạn.
Dù vậy, trong ngắn hạn, chính quyền Mỹ và châu Âu vẫn rất chật vật khi tìm cách cắt đứt thu nhập của nhóm. Những chiến lược cũ từng thành công trong việc chặn đứng nguồn thu của các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, chủ yếu sống dựa vào tiền đóng góp từ các thành phần ủng hộ ở Vịnh Ba Tư, không thể áp dụng cho IS.
Thay vào đó, Mỹ và đồng minh tập trung vào nỗ lực “ngăn chặn chúng tiếp cận với thị trường tài chính thế giới”, Daniel L.Glaser, trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về vấn đề tài trợ khủng bố, nói. Nhưng phương pháp này cũng được chứng minh là đang gặp khó khăn bởi IS chỉ giao dịch với các cá nhân và tổ chức tại chính quốc gia chúng chiến đấu và bán dầu giá rẻ bí mật cho nhiều cơ quan, chính quyền và các cộng đồng khác nhau.
Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với gần 30 người có mối liên hệ tới hoạt động tài chính của IS. Tuần trước, Bộ này còn cáo buộc một giám đốc xây dựng người Syria có hành vi giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mua dầu từ IS.
Tuy nhiên, trong dài hạn, theo các quan chức Mỹ, cách hữu hiệu hơn cả để chặn đứng nguồn thu của IS chính là giành lại các khu vực ở Iraq và Syria mà nhóm này đang chiếm đóng.
“Cách duy nhất để tước đi tài sản cũng như nguồn thu nhập của chúng là sử dụng vũ lực”, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
IS lập đại bản doanh mới ở Libya
Báo chí Mỹ dẫn nguồn tin từ cơ quan mật vụ Libya cho biết, lực lượng IS đã tăng cường sự hiện diện tại Libya và thiết lập một căn cứ quân sự mới ở thành phố Sirte bên bờ biển Địa Trung Hải.
Chiến binh IS gần nhà máy điện ở Sirte, Libya; ảnh do tổ chức SITE cung cấp ngày 9.6.2015 - Ảnh: AFP
Theo ren.tv (Nga) ngày 29.11, cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này đã tạo điều kiện cho quân khủng bố chỉ trong vòng một năm qua đã tăng cường hàng ngũ của mình tại Sirte từ 200 lên 5.000 người, tờ Wall Street Journal nhận xét. Từ ngày tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ, các lực lượng khủng bố bắt đầu hoành hành tại Libya trong bối cảnh nơi đây đang diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giành quyền lực.
Theo ren. tv, các thủ lĩnh IS đã đưa ra lời kêu gọi tất cả các lực lượng khủng bố hãy tập trung về Libya để thực hiện ý đồ đánh chiếm các mỏ dầu và các nhà máy lọc dầu ở gần Sirte. Điều này khiến chính quyền Libya vô cùng lo sợ.
Các cơ quan tình báo quân sự trong khu vực nhận định, mục tiêu gần nhất của các chiến binh IS là một cuộc tấn công khủng bố nhắm vào nước Ý.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
Người mẹ có con gái bỏ trốn theo IS: 'Tôi đã sinh ra quái vật' Từ một sinh viên giỏi, Fatima Dzhafarova bỏ lại tương lai tươi sáng phía trước để trốn sang Syria và trở thành vợ tư của một chiến binh IS khi đang ở độ tuổi 20. Fatima xinh đẹp, thông minh và từng là một sinh viên giỏi. Ảnh: Siberian Times Fatima lớn lên như bao cô gái bình thường khác ở Nizhne Sortymsky,...