Bô lão chống tham nhũng
Họ là 4 thành viên, người cao nhất đã 92 tuổi. Đó là “Nhóm cao niên phòng chống tham nhũng Phú Mậu” ở H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông Phan Đình Đẩu chở cụ Lê Quang Nguyện đi thu thập và xử lý thông tin về một vụ tham nhũng – Ảnh: Gia Tân
Vào đầu những năm 1990, khu đất 372 m2 của nhà ông Phan Đình Đẩu ở thôn Mậu Tài bị hộ nhà ông Phan Đình Quát bên cạnh lấn chiếm. Hay tin ở thôn Tiên Nộn có cụ Lê Quang Nguyện là người hay chữ, lại khí phách và am tường luật pháp nên ông Đẩu đến gõ cửa cậy nhờ. Xem giấy tờ, hồ sơ do ông Đẩu cung cấp, cụ Nguyện gật gù: “Cái ni làm được”. Nhóm cụ Nguyện bắt tay vào “điều tra” vụ việc và phát hiện ông Quát không chỉ lấn đất nhà ông Đẩu mà còn “tư thông” với cán bộ địa chính xã biến trên 622 m2 đất công thành đất tư. Đơn tố cáo được gửi đi và đến tháng 1.2010 UBND H.Phú Vang đã có kết luận trả lại công bằng cho ông Đẩu, đồng thời thu hồi đất công bị lấn chiếm và xử lý những cán bộ liên quan.
Nhưng gia đình ông Đẩu cũng phải trả giá khi bị ông Quát hành hung và các cụ lại “chiến đấu” cho đến ngày đưa ông Quát ra tòa lãnh án. “Sau vụ việc chúng tôi kết nạp chú Đẩu vào làm thành viên do chú ấy đã vượt qua được bài nhập môn, dù dư vị đắng cay”, cụ Nguyện kể.
“Thấy tham ô tham nhũng mà không làm chi mới đổ bệnh”
“Hạ” cả quan huyện
Do Phú Mậu là vùng quê nghèo nên khởi sự của nhóm chủ yếu là “đánh” vào tham nhũng đất đai. Trong hàng trăm vụ việc các cụ “thụ lý”, có không ít vụ quan chức sai phạm bị cách chức, giáng chức hoặc luân chuyển công tác.
Nhớ lại thời kỳ đầu, khi cụ Nguyện còn đơn thân chống tham nhũng, cụ cũng đã “hạ” được một quan huyện. “Hồi đó tui vừa nghỉ hưu. Thấy sự thật ngang trái, người ta lạm dụng chức quyền để bán trâu bán bò của hợp tác xã. Rứa là tui thu thập thông tin, tìm hiểu kỹ về vụ việc và mần đơn. Ban đầu thì họ bao che nhưng sau thì những chứng cứ rành rành buộc huyện phải xử lý. Kết quả là một vị huyện ủy viên, bí thư đảng ủy xã, cùng một anh công an xã bị cách chức”, cụ Nguyện kể.
Nhóm hiện có nhiều thành viên, nhưng họ chỉ có thể công khai 4 người trụ cột, gồm cụ Nguyện (92 tuổi, làng Tiên Nộn), ông Đẩu (62 tuổi), cụ Lê Ngọc Dự (88 tuổi, ở thôn Thế Vinh) và cụ Nguyễn Hữu Đối (87 tuổi, ở thôn Mậu Tài), trong đó cụ Nguyện là sáng lập viên đồng thời là “linh hồn” của nhóm. Ngoài cụ Nguyện là cán bộ hưu trí, 3 thành viên còn lại đều là nông dân.
Ngôi nhà cụ Nguyện nằm sâu trong một con hẻm nhỏ của làng Tiên Nộn, trong 10 năm trở lại đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt và “nghị sự” của nhóm. Khi có đơn từ hay vụ việc bà con xóm làng nhờ giúp đỡ, báo tin, cả nhóm họp mặt để đưa ra phương án điều tra, xử lý. Thu thập thông tin, chứng cứ xong thì cụ Nguyện bắt đầu chấp bút. Đơn viết tay xong, ông Đẩu mang lên thành phố đánh máy rồi về gửi đến các cơ quan chức năng. Việc đi lại của nhóm chủ yếu nhờ chiếc xe máy Cub 86 cũ mèm của ông Đẩu. Chi phí in ấn, sưu tra tài liệu gần như dựa vào đồng lương hưu ít ỏi của cụ Nguyện.
Nhắc về thành tích, các cụ chỉ cười. Nhưng mọi người không quên vụ ông Trần Lợi, nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Mậu bị các cụ phát hiện chiếm đất công. Sau một thời gian kiên trì tố cáo, ông Lợi bị cách chức Phó bí thư Đảng ủy xã, không được cơ cấu làm chủ tịch trong nhiệm kỳ tiếp theo. Năm 2005, có một người phụ nữ nghèo bán bánh mì, để nhận sổ đỏ của đất mình phải đi vay 2 chỉ vàng bán lấy tiền đưa cho cán bộ địa chính xã – ông Trần Văn Diệp. Bức xúc trước vụ việc, các cụ làm đơn tố cáo. Ông Diệp bị kỷ luật khiển trách và buộc trả lại tiền cho người phụ nữ kia…
Video đang HOT
Dù có chút “thành tích” như vậy, nhưng trong sâu thẳm các cụ vẫn cứ xót lòng về sự dung túng, bao che. Mệt mỏi, có lúc nản chí nhưng họ lại động viên nhau kiên cường. Con cháu khuyên can thôi đừng tranh đấu, các cụ cần lấy sức khỏe làm trọng thì các cụ một mực: “Bọn ông đây thấy chuyện ức hiếp dân nghèo, thấy tham ô tham nhũng mà không làm chi mới đổ bệnh. Bệnh đó mới là bệnh nan y!”.
Tuổi 92, nhưng cụ Lê Quang Nguyện vẫn không nề hà việc tiếp nhận và xử lý thông tin về tham nhũng hay dân lành bị ức hiếp – Ảnh: Gia Tân
Dù cho cầm dao dọa giết…
Tuổi tác giờ đây lại tỷ lệ thuận với thông tin về tham nhũng nhóm cụ Nguyện tiếp nhận. Ban đầu nhóm chỉ xử lý những vụ việc trong làng, xã của mình, nay thì người dân các xã lân cận, thậm chí ở TP.Huế cũng tìm về các cụ để nhờ “chấp bút” hoặc cung cấp thông tin. “Chúng tôi đang thu thập hồ sơ về mấy tay quan chức cỡ bự hợp thức hóa 30.000 m2 đất công thành đất tư. Vụ này nhà nước mất hàng chục tỉ đồng đó”, một thành viên của nhóm tiết lộ.
Trong ngôi nhà cụ Nguyện, góc nào, ngăn tủ nào cũng thấy giấy tờ, đơn thư, sổ sách ghi chép. Cụ Nguyện cũng nhờ con cháu “đao” trên mạng về những văn bản, nghị định, chính sách mới để cập nhật cho tủ sách pháp luật của mình. “Chơi với bọn tham nhũng mình mà a ma tơ thì hắn quật ngược mình cái là chết”, cụ Nguyện hóm hỉnh.
Có hai nguyên tắc bất di bất dịch đối với nhóm cao niên phòng chống tham nhũng mà các cụ quán triệt. Một là “thấy mới nói, có mới nói chứ không đoán”. Hai là quán triệt “tinh thần Phùng Quán” rằng: “Dù ai cầm dao dọa giết cũng không nói có thành không” (lấy ý trong bài Lời mẹ dặn của nhà thơ Phùng Quán – NV).
Theo TNO
Lớp học 90 bô lão
90 cụ già tự học chữ Hán rồi cùng nhau dịch và nghiên cứu các tư liệu cổ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Nhà cụ Bá - tên đầy đủ là Huỳnh Phương Bá (82 tuổi) trong hẻm nhỏ xíu phường Hòa Thuận (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ngôi nhà trở thành lớp học "đặc biệt", bởi chỉ dành riêng cho các cụ già bảo ban nhau học chữ Hán - Nôm.
Học trò đầu bạc
Lớp học vốn gây hiếu kỳ đối với người dân xung quanh. Vì cứ đến ngày mồng 1 và ngày 15 hàng tháng có 90 cụ "bô lão" tóc bạc phơ (60-90 tuổi) tụm lại học bài. Học cả đời vậy rồi vẫn chưa làm các cụ thỏa mãn. Các cụ lại si mê học chữ Hán - Nôm để nghiền ngẫm những ngày tháng tuổi già.
Lớp học được mở từ năm 1995 tới giờ nhiều cụ đã thông thạo chữ Hán - Nôm và có thể nghiên cứu các nội dung chữ Hán cổ. Ban đầu mới mở lớp, lớp chỉ dành cho những người bạn của cụ Bá. Sau đó thì lớp giải tán vì các cụ không kham nổi. Cụ Bá không khuất phục tiếp tục dựng lớp, chiêu sinh đến năm 2009, thì lớp có tới trên 30 cụ theo học.
Mắt đã yếu nhưng nếu gặp những chữ nào quá nhỏ hay mờ thì các cụ lại dùng kính lúp để đọc, học.
Thế là cụ Bá bắt đầu soạn giáo án cho lớp học với cách riêng của mình. Cụ nào học hết bốn cuốn giáo trình do cụ Bá soạn thì đã khấm khá vốn chữ Hán có thể dịch đọc thong dong. Học xong bốn cuốn phải mất 5-6 năm. Căn nhà nhỏ của vợ chồng cụ Bá trở thành thư viện Hán - Nôm, sách chất cao như núi.
Giữa buổi học các cụ lại cùng nhau ngồi quấn quýt đàm đạo chuyện đời, uống trà thưởng nhạc. Các cụ từ các quận Thanh Khê, Cẩm Lệ, tới Hải Châu, Sơn Trà hay tin cũng tìm đến nhà cụ Bá để xin học. Có đủ thành phần các cụ tham gia từ nhà báo tới, kỹ sư, luật sư, giáo viên... và nhiều nhất là các cựu chiến binh già. Đến nay, lớp có tới 90 cụ vừa học vừa chơi, cũng là nơi học hỏi để về giáo dục con cháu.
Các cụ say sưa nghe giảng về chữ Hán và tự bảo ban nhau, giúp nhau học tập
"Đa phần các cụ vẫn còn minh mẫn, sức khỏe thì hôm được hôm mất nhưng vẫn theo học, nghiên cứu siêng năng lắm. Nhưng có một số cụ cũng phải nghỉ học vì sức khỏe, đau ốm không kham nỗi", cụ Bá tâm sự
Đi bộ đến lớp
Đến lớp nhà cụ Bá có cụ đi xe đạp, có cụ đi bộ, có cụ khỏe hơn nên đi xe máy. Đủ các loại xe nêm chật sân nhà. Thậm chí, có cụ không đi được lại bảo con cháu chở đến rồi trưa lại đón về.
Cụ Ngật giảng bà "Đào hoa nguyên ký" cho mọi người nghe và để các cụ cùng nghiên cứu
"Con cháu thấy tuổi già ham học, vui vẻ lại có bạn chơi nên vui mừng lắm. Tuổi già còn học cũng là để làm gương cho cháu con. Ngày nào con cháu không chở đến được là tiếc hùi hụi. Nghĩ học một ngày là mất cả mớ kiến thức. Buồn, tiếc lắm", cụ Phó Đức Vượng tâm sự.
Học trò trong lớp người ở xa nhất là ông Nguyễn Văn Hiền (xã Duy Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam). Tháng hai lần, ông Hiền chạy xe tổng cộng 160 km đến lớp. Nhiều người nói ông ham học quá chẳng sợ mưa gió là gì. Đâm ra nhiều khi thấy ông liều.
Ông Hiền nói: "Bất lực trước chữ Hán nên quyết tâm phải biết thứ chữ ấy. Đi học một vài nơi thấy không được nên tìm ra Đà Nẵng học cùng các cụ. Giờ thì học cũng được kha khá vốn kiến thức đã đọc được đôi dăm ba câu đối. Hiểu được ý nghĩa một số câu văn cổ rồi".
Cụ Bá thì nói : "Có người viết một chữ cả trăm lần chẳng thuộc. Muốn học chữ Hán phải có sức khỏe, thời gian, sự đam mê, không lo lắng đời sống vật chất và phải có trí tuệ ".
Góp sức vì chủ quyền
Hiện các cụ có nhiệm vụ là dịch thuật giúp các đơn vị văn hóa, TP Đà Nẵng các bản di khảo từ tiếng Hán - Nôm ra tiếng Việt. Chẳng chịu đứng yên trước thời cuộc các cụ lại "lao" vào dịch giới thiệu các tài liệu cổ của nhà Nguyễn liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
"Chúng tôi đã thẩm định và dịch bản đồ "Đại Nam thống nhất toàn đồ" năm 1838 có ghi chú, vẽ về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Đó cũng xem như là việc làm nhỏ bé của sức già đối với nỗi lo chủ quyền vậy", cụ Ngật (84 tuổi) nói.
Cụ Bá cùng các cụ khác đã dịch và nghiên cứu các tài liệu văn thư cổ chữ Hán để tìm hiểu, khẳng định chủ quyền Hoàng Sa là của Việt Nam.
Ngoài ra, các cụ còn tham gia dịch, công bố các cuốn: "Hoàng Sa đảo" trích trong Phủ biên Tạp lục; Bộ Công thời Minh Mạng năm thứ 17 (1836) phúc trình việc chuyển cột gỗ ra cắm mốc đánh dấu ở Hoàng Sa; Bộ Công thời Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) tấu trình việc hoãn đi khảo sát Hoàng Sa.
Lớp học nhà cụ Bá cứ tháng hai lần tổ chức học tập cho các cụ đam mê chữ Hán - Nôm
Riêng cụ Bá, rành rõi tếng Pháp và Hán-Nôm nên dịch và thẩm định luôn cuốn "Kinh tế Đông Dương thức tỉnh". Cuốn sách có rất nhiều thông tin về việc người Pháp công bố các tài liệu thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Cuốn sách cũng ghi nhận việc chính quyền Hải Nam (Trung Quốc) thừa nhận việc lãnh thổ Trung Quốc không hề có Hoàng Sa - Trường Sa.
Theo 24h
Có hay không việc ĐH Bách khoa Hà Nội "chê" giảng viên cao niên? Nhằm quản lí tốt cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra một số quy định nhằm "siết chặt". Tuy nhiên, một số giảng viên đầu ngành đã nghỉ hưu nhưng vẫn hợp đồng dạy tại trường cho rằng quy định đang đưa họ vào thế khó. Quy định làm "khó" giảng viên...