Bỏ kinh doanh, về trồng bí xanh trái vụ, chỉ 3 tháng sau, một doanh nhân tỉnh Điện Biên thu tiền tỷ
Có người bảo, thằng này chắc điên rồi. Đang là doanh nhân thuận lợi lại bỏ đi làm nông dân.
Trồng loại bí xanh, có mà bán cho ma ở Điện Biên…Bỏ qua những lời đàm tiếu, anh Trần Quốc Cường (TP Điện Biên Phủ, Điện Biên) có cách đi riêng của mình, để đưa thương hiệu bí xanh Điện Biên đến những thị trường khó tính.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh chia sẻ: “Làm nông nghiệp công nghệ cao cần phải đầu tư, nắm bắt thị trường tốt mới thắng lợi. Các sản phẩm nông nghiệp của HTX không bán tại thị trường Điện Biên, mà chủ yếu bán tại chợ đầu mối dưới Hà Nội”.
Video: Bỏ kinh doanh, trồng bí xanh trái vụ, anh Trần Quốc Cường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh (TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thu tiền tỷ. Trang trại trồng bí xanh trái vụ của anh Cường ở xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Video: Vinh Duy.
Cơ duyên đưa anh Cường từ một giám đốc doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ điện, nước, cơ khí…đến với phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng thật tình cờ.
Trước khi chuyển sang sản xuất nông nghiệp, anh đã nghiên cứu rất kỹ từ thị trường, sản phẩm đầu ra, giá các loại sản phẩm nông nghiệp.
“Tôi mất gần 1 năm tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá, thị trường cho loại bí xanh. Ở tỉnh Sơn La, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhiều vùng không tốt bằng tỉnh Điện Biên nhưng họ vẫn trồng được bí xanh, bán vẫn có lãi. Vậy tại sao Điện Biên không trồng loại cây này để đem lại thu nhập cho người dân” anh Cường chia sẻ thêm.
Giàn bí xanh quả treo lủng lẳng của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Vinh Duy.
Bắt tay vào trồng bí xanh, anh Cường đã tìm thuê đất của người dân. Lúc đầu thuê được 3ha đất bãi bồi ven sông Nậm Rốm của người dân để đưa cây bí xanh “bén duyên” trên đất Điện Biên.
Với đầu óc của nhà kinh doanh lâu năm, cũng như kinh nghiệm tìm hiểu thị trường, anh Cường không trồng bí xanh chính vụ mà trồng trái vụ.
Nhiều người thấy anh Cường trồng bí trái vụ thì bảo hâm, trồng bí xanh trái vụ thì làm gì ra quả. Đổ cả tỷ bạc đầu tư, có khi trắng tay. Có người ác khẩu thì bảo “thằng đấy vỡ nợ”, phải đi trồng bí, kiếm tiền.
Do đã tìm hiểu kỹ thuật trồng bí xanh, chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây bí xanh, nên anh rất tự tin mình sẽ thắng lợi.
Video đang HOT
Chia sẻ với chúng tôi, anh Cường khẳng định ngay từ lúc lên kế hoạch, thuê đất trồng bí xanh đã nắm chắc phần thắng.
“Tôi đổ vào vườn bí xanh khá nhiều tiền rồi, thua làm sao được. Trước khi thực hiện ý định chuyển sang làm nông nghiệp, tôi đã thuê cả các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp ở Hà Nội, lên Điện Biên lấy mẫu đất về phân tích, đánh giá. Thị trường tiêu thụ sản phẩm, tôi xác định không thể bán tại Điện Biên, mà phải ở Hà Nội và các khu công nghiệp” anh Cường tâm sự.
Theo chia sẻ của anh Cường, Chủ nhiệm HTX thì một vụ bí xanh kéo dài từ 90 – 100 ngày. Bí xanh sau khi xuống giống đến lúc thu hoạch lứa đầu chỉ mất 55 – 60 ngày. Ảnh: Vinh Duy.
Theo anh Cường để cây bí xanh phát triển tốt, ra hoa, đậu quả tốt, ngoài việc chăm sóc thì yếu tố kỹ thuật cũng rất cần.
Vì thế ngoài các công nhân lao động phổ thông, anh còn thuê hẳn một đội ngũ kỹ sư nông nghiệp làm việc.
Các kỹ sư có nhiệm vụ hàng ngày kiểm tra vườn bí để có hướng bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, tránh sâu hại. Các kỹ sư ghi chép rất tỷ mỷ, các loại sâu, bệnh trên vườn bí để có cách điều trị thích hợp. Như thế các vụ bí sau, khi phát hiện bệnh giống vụ trước thì đã có thuốc phòng trừ ngay.
Bí xanh trồng trái vụ, với 1ha đất, nếu chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng từ 60 – 80 tấn/ha/vụ. Ảnh: Vinh Duy.
Dẫn chúng tôi thăm vườn bí xanh đang vào vụ thu hoạch, anh Cường tự tin cho biết, vụ này anh thu tiền tỷ.
Bí xanh vừa được mùa, lại được giá mà không đủ trái để bán ra thị trường. Hiện tại thị trường dưới Hà Nội, HTX đang bán với giá 18.000 – 22.000 đồng/kg. Hơn 3ha bí của anh Cường vụ này thắng lớn, tổng thu hơn 2 tỷ đồng, chưa trừ chi phí.
Vụ trước, giá bí xanh chỉ giao động từ 7.000- 11.000/kg. Nhưng vụ này, do trái vụ, thị trường đang khan hiếm, vì thế giá bán cao.
Bí xanh từ cắt khỏi giàn đến tay người tiêu dùng chỉ mất 24 giờ. Theo các xã viên của HTX thì buổi sáng sau khi cắt bí, đầu giờ chiều đã có xe của thương lái dưới Hà Nội lên nhận hàng. Sáng sớm hôm sau bí xanh Điện Biên đã có mặt tại các chợ, khu công nghiệp hay các siêu thị tại Hà Nội.
Với ưu điểm, để được lâu, bảo quản dễ, vì thế bí xanh được các khu công nghiệp ưu tiên sử dụng trong các khẩu phần ăn của công nhân.
Anh Cường chia sẻ: Với điều kiện tự nhiên của lòng chảo Điện Biên, rất phù hợp cho cây bí xanh phát triển. Ảnh: Vinh Duy.
“Cây bí xanh chính vụ, thường từ tháng 3 – 7 hàng năm. Nhưng tôi trồng trái vụ từ tháng 7 năm nay đến tháng 2 năm sau. Vì thế giá bán bí xanh lúc nào cũng cao vì thị trường rất cần.
Trồng bí xanh chỉ mất vốn đầu tư giàn, đất vụ đầu, còn từ vụ thứ 2 trở đi, rất dễ làm mà thu lợi cao hơn trồng lúa. Chúng tôi đang liên kết với người dân để mở rộng diện tích. HTX sẽ đảm bảo khâu giống, kỹ thuật, và bao tiêu sản phẩm cho người dân cùng tham gia” anh Cường chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Cường thì một vụ bí xanh kéo dài từ 90 – 100 ngày. Bí xanh sau khi xuống giống đến lúc thu hoạch lứa đầu chỉ mất 55 – 60 ngày. Sau khi thu hoạch lứa đầu, tiếp tục thu hoạch được thêm 2 lần nữa.
Như vậy với 1ha đất, nếu chăm sóc tốt, sẽ cho sản lượng từ 60 – 80 tấn/ha/vụ. Với giá bán trung bình cả vụ khoảng 5 nghìn đồng/kg thì 1ha bí sẽ cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/7 tháng, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Trồng bí xanh trái vụ hiện là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cho bà con nông dân, cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ảnh: Vinh Duy.
Với điều kiện tự nhiên của lòng chảo Điện Biên, rất phù hợp cho cây bí xanh phát triển. Người dân nếu tham gia liên kết với HTX sẽ được đơn vị cung ứng giống, kỹ thuật trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm. Mong ước của anh Cường, sẽ có nhiều hộ dân tham gia liên kết với HTX để nâng cao thu nhập.
Điện Biên: Siết chặt kiểm soát người nhập cảnh để ngăn chặn dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 tại Lào đang diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng nhanh, nguy cơ lây lan vào tỉnh Điện Biên rất lớn do số lao động trở về nước và công dân nhập cảnh vào địa bàn tăng.
Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đang siết chặt kiểm soát, kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh và lái xe xuất nhập khẩu hàng hóa để ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn.
Hai đối tượng Quàng Văn Tướng (áo xanh) và Nạ Văn Tủi (áo đỏ) cùng trú tại bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, cùng nhau xuất, nhập cảnh trái phép bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát
Huyện Điện Biên có 12 xã giáp Lào, khu vực biên giới có nhiều đường mòn, đường tiểu ngạch sang nước bạn. Trên tuyến biên giới của huyện dài 170km có Cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc và Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.
Tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, hiện nay, lượng người từ các tỉnh Phong Sa Lỳ, Luông Pra Băng, U Đôm Xay, Thủ đô Viêng Chăn và đặc khu tam giác vàng (Lào) vào Việt Nam qua cửa khẩu tăng mạnh. Trong đó, Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luông Pra Băng,... đang là điểm nóng với số ca mắc COVID-19 tăng cao. Lực lượng chức năng tại cửa khẩu đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn.
Đại úy Nguyễn Văn Khánh, Đội trưởng Đội thủ tục, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang cho biết, đội thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh. Khi công dân nhập cảnh, đội phân loại và tránh tiếp xúc bằng cách thực hiện giãn cách ngay khi làm thủ tục, yêu cầu công dân khai báo y tế, kiểm tra y tế, mặc quần áo bảo hộ và khử khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn... Quá trình làm thủ tục biên phòng cho người xuất, nhập cảnh đều phải đảm bảo phòng, chống dịch. Sau đó, đội lập danh sách người nhập cảnh, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Điện Biên, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để đưa người về khu cách ly, tiến hành test nhanh, phân loại đối tượng.
Sau khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, các trường hợp F1 đã được cách ly, không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, số lao động Việt Nam trở về nước và công dân Lào nhập cảnh vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đang ngày càng tăng. Nguy cơ dịch xâm nhập vào nội địa là rất cao. Hiểu rõ vai trò quan trọng của công tác phòng, chống dịch, người đăng ký làm thủ tục xuất, nhập cảnh cũng tuân thủ nghiêm yêu cầu của cơ quan thực thi nhiệm vụ.
Bà Nguyễn Thị Mai, người Việt Nam lao động tại Lào đang đăng ký làm thủ tục nhập cảnh cho biết, bà sinh sống, buôn bán tại tỉnh U Đôm Say (Lào). Do gia đình ở Việt Nam có việc cần nên bà về nước bằng đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Bản thân bà thực hiện nghiêm yêu cầu, nội quy bắt buộc đối với người nhập cảnh theo hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, đồng thời sẽ chấp hành tốt việc cách ly y tế.
Cùng với thực hiện nghiêm việc kiểm soát, kiểm dịch y tế đối với người nhập cảnh vào địa bàn khi qua cửa khẩu, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý biên giới của Lào để trao đổi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch qua biên giới. Tổ phòng, chống dịch lưu động của đơn vị liên tục tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ tại khu vực hai bên "cánh gà", địa bàn lân cận nhằm quản lý chặt chẽ đường mòn trên biên giới, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang cho biết, qua trao đổi thông tin với lực lượng chức năng của Lào, tình hình dịch ở nước bạn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, số người Việt Nam nhập cảnh trái phép sang Lào trước đây và các công dân Việt Nam nhập cảnh sang Lào theo đường chính ngạch đang có nhu cầu về quê trong thời gian từ giờ đến cuối năm tương đối lớn. Do đó, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Chỉ huy đồn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại cửa khẩu, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác xuất, nhập cảnh phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch.
Đối tượng Lèng Thị Pính (giữa) nhập cảnh trái phép bị lực lượng biên phòng Đồn Biên phòng Nà Hỳ, tỉnh Điện Biên phát hiện, bắt giữ, lúc 15 giờ 30 phút ngày 6/11/2021. Ảnh: TTXVN phát
Từ tháng 10/2020 đến nay, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho hơn 6.200 trường hợp. Dự báo từ nay đến cuối năm 2021, lượng người xuất, nhập cảnh chính ngạch tại cửa khẩu và tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở sẽ gia tăng. Do đó, việc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đóng vai trò quan trọng để hạn chế nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài hơn 455km, tiếp giáp hai nước Trung Quốc, Lào (trong đó tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài hơn 40km, tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài hơn 414km). Địa bàn quản lý có 29 xã biên giới thuộc 4 huyện với hơn 310 thôn bản (trong đó hơn 110 thôn bản giáp biên giới) với gần 25.500 hộ thuộc 16 cộng đồng dân tộc sinh sống.
Trước diễn biến phức tạp trở lại của dịch COVID-19, với vai trò là lực lượng chủ chốt, nòng cốt của tuyến đầu phòng, chống dịch ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đang duy trì nghiêm 76 tổ, chốt (trong đó có 57 chốt cố định, 19 tổ lưu động) kiểm soát phòng, chống dịch, quản lý, bảo vệ biên giới trên tuyến biên giới giáp Lào, Trung Quốc. Trên các tổ, chốt, lực lượng thực thi nhiệm vụ ngày đêm túc trực, bám chốt, bám biên thực hiện "nhiệm vụ kép": kiểm tra, tuần tra đường biên, siết chặng đường mòn, lối mở trên khu vực biên giới nhằm giữ vững an ninh địa bàn biên giới, bảo vệ chủ quyền cương thổ và ngăn chặn trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào nội địa.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh thường xuyên quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác phòng, chống dịch, triển khai đồng bộ, quyết liệt biện pháp ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19.
Các Đồn Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng đóng quân trên địa bàn phát động Phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép" ở khu vực biên giới, vận động hộ gia đình ký cam kết về phòng, chống dịch, không tiếp tay cho người xuất, nhập cảnh trái phép, không tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, tố giác người nhập cảnh trái phép và thực hiện tốt thông điệp "5K" của Bộ Y tế. Các đơn vị tiếp tục tăng cường biện pháp nắm tình hình địa bàn, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp chống đối công tác phòng, chống dịch tại biên giới, cửa khẩu.
Điện Biên bàn giao gần 150 ha đất để mở rộng sân bay Sáng 29/10, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức bàn giao mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên cho Cảng vụ Hàng không miền bắc, Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Điện Biên Phủ bàn giao đất trên thực địa cho Cảng vụ...