Bỏ hàng trăm triệu ra thưởng nhạc là chưa đủ, đây mới là thứ mà audiophile Việt thực sự cần vào lúc này
Có một mảnh ghép cực kỳ quan trọng trong bức tranh âm nhạc mà các tín đồ âm thanh/âm nhạc Việt Nam dù có muốn cũng không thể nào mua được.
10 năm theo đuổi thú vui âm thanh, tôi vẫn còn nhớ những “khoảnh khắc” đã khiến tôi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên cầm chiếc Grado SR60 lên tai, tôi bỗng nhận ra không phải tai nghe nào cũng… dở. Hay, khi được nghe thử bộ combo O2 ODAC “kéo” chiếc SR325is, tôi chợt nhận ra amp/DAC vẫn có thể mang lại rất nhiều thay đổi, kể cả với những chiếc tai nghe có thể dễ dàng chơi bằng điện thoại. Đến khi mượn được một chiếc DAC Aune S16 để so sánh với… ODAC, tôi lại hiểu, những thứ mình nghĩ là “xịn” hết mức vẫn chưa phải là tất cả.
Cách đây 2 năm, tôi lại một lần nữa được trải qua cảm giác ngỡ ngàng ấy. Nhưng khi đó, cảm giác ngỡ ngàng của tôi khi đó không đến từ bất kỳ một thiết bị phần cứng nào cả: đó là lần đầu tiên tôi đăng ký sử dụng Tidal.
Thực sự, thiết bị đã không còn là trở ngại đối với giới chơi âm thanh tại Việt Nam.
Những người chơi âm thanh hiểu rằng nếu quá “máu”, chúng ta sẽ rất… tốn tiền. Ngay tại Việt Nam, số lượng người sở hữu Chord Hugo (một bộ amp/DAC huyền thoại từng có giá khởi điểm lên tới 2500 USD) cũng không phải là ít. Những sản phẩm siêu đắt như Chord Dave cũng không phải là chưa từng xuất hiện; tận mắt tôi cũng từng thấy những “bộ sưu tập” audiophile có tổng trị giá hơn trăm triệu đồng.
Chính tôi cũng đã từng có Hugo, cũng đã từng sở hữu Senneheiser HD800, cũng đã từng cầm trong tay đến… 10 chiếc tai nghe, 4-5 chiếc amp/DAC cùng lúc. Thú vui mà, khó cưỡng.
Và cũng có lúc tôi từng sở hữu những bộ dây nối RCA lên đến cả chục triệu đồng.
Nhưng ngay lần đầu nghe thử những bài hát quen thuộc trên Tidal, tôi bỗng nhận ra, à hóa ra từ trước đến nay, hóa ra mình đã bỏ qua một mảnh ghép quan trọng nhưng không hề tốn kém. Một mảnh ghép có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng âm thanh.
Mảnh ghép mang tên “nhạc số”.
Video đang HOT
Nguồn nhạc số có vai trò quan trọng, nhưng chẳng ai đảm bảo được nhạc lậu không phải là… mp3 upscale.
Nói như vậy không có nghĩa rằng tôi chưa từng chơi nhạc số – trái lại, tôi chưa từng có ý định sở hữu đĩa than. Nhưng cũng giống như hàng chục (hay hàng trăm) người chơi âm thanh khác, phần lớn khối lượng nhạc số tôi từng sở hữu đã từng là… nhạc lậu. Yêu thích ai, tôi cứ phải lên torrent down về cả bộ lossless của nghệ sĩ đó. Với nhạc Việt, có một trang “nổi danh” với giới sưu tầm, có cho tải FLAC.
Chất lượng trên Tidal khiến tôi bàng hoàng nhận ra rằng, kể cả những file torrent có hàng trăm seed/leech cũng chưa chắc đã là “nhạc xịn”. Trước đó, có những lúc tôi đã ngờ ngợ khi thấy nhạc FLAC mình down về nghe còn “lạo xạo” hơn cả Apple Music. Hóa ra, trong thế giới “cướp biển”, chẳng có ai chắc chắn được đâu là xịn, đâu là “rởm” cả.
Trong bao nhiêu năm, tôi đã tốn bao nhiêu tiền chỉ để không nhận ra, chỉ với khoảng 120.000 đồng/tháng (gói family chia 6 người), tôi đã có thể cải thiện trải nghiệm của mình rất nhiều.
Nguồn nhạc “Tây” chất lượng cao, giá hợp lý: Tidal.
Đáng tiếc rằng “rất nhiều” chưa phải là tất cả những gì tôi cần. Là người Việt, tôi cũng yêu thích những bản nhạc hát bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Tôi muốn được nghe những bản nhạc Việt yêu thích bằng những chiếc tai nghe, DAC/amp tôi vẫn còn giữ – cũng là những chiếc tai nghe tôi đủ yêu thích để không “đẩy” đi như suốt 10 năm qua đã làm vậy. Tôi muốn được tận hưởng giai điệu Việt trong các định dạng Hi-res hay DSD.
Hướng đi nào cho nhạc Việt?
Nhưng thị trường âm nhạc Việt Nam lại đang đi theo hướng ngược lại. Có vẻ như, khi nguồn thu của các ca sĩ chủ yếu lại là các show diễn, khi kênh phổ biến chính của họ lại là các trang nghe online chưa bao giờ đảm bảo bitrate, chất lượng thu âm cũng thường xuyên bị bỏ qua. Trong một thời gian dài, cách duy nhất để “yêu” nhạc Việt là cầu may khi đi mua đĩa, nếu không mua được thì chỉ có thể hy vọng file AAC được up lên một trang chia sẻ “lossless” nọ là “xịn”.
Cũng vẫn có những tín hiệu đáng mừng dành cho người nghe nhạc Việt. Một số ca sĩ trẻ (bao gồm cả Sơn Tùng M-TP) đã phát hành album qua USB thay vì qua CD hay các trang web nghe nhạc trong nước. Nữ ca sĩ Mỹ Linh cũng đã từng phát hành album cho phép người nhạc nghe song song trên CD và qua mạng. Đi xa hơn, vào năm ngoái, nhạc sĩ Quốc Bảo, ca sĩ Nguyên Hà, ca sĩ Phạm Hoài Nam đã bắt tay cùng Notes Audi để thực hiện album “Địa Đàng III”. Thay vì được master cho CD và các định dạng truyền thống trước, toàn bộ các khâu thực hiện của Địa Đàng III đều được thực hiện để tối ưu cho định dạng Stereo DSD64.
Đáng tiếc rằng cho đến giờ vẫn chưa có album nào được master và phát hành theo hướng tương tự. Nhạc số chất lượng cao dành cho người Việt vẫn đang là một giấc mơ xa vời.
Bỏ ra hàng chục triệu mua thiết bị để nghe nhạc lossy hay nhạc “không chính thống” là nghịch lý mà người Việt phải chấp nhận vào lúc này.
Người Việt xứng đáng được nghe nhạc Việt chất lượng cao, và cũng nên nghe nhạc Việt chất lượng cao. Chúng ta sẵn sàng bỏ ra 15 triệu đồng (hoặc hơn) để mua DAC/amp – chưa nói đến tai nghe hay loa dàn, vậy mà vẫn cứ phải “thưởng thức” nhạc số chất lượng kém. Đó là một nghịch lý, mà đáng buồn thay, đến giờ vẫn chưa có ai đứng ra giải quyết cả.
Theo Genk
Thưởng nhạc ngày xuân: đậm đà hơn khúc ca sum vầy
Tết về, còn gì tuyệt bằng việc đón giao thừa bên người thân và sau đó là những ngày quây quần bên nhau thưởng trà, thưởng cả những món ăn tinh thần mà ta ít có dịp trải nghiệm cùng người thân trong bộn bề của đời sống thường nhật...
Nghe nhạc vẫn luôn là một thú vui có tính riêng tư, tuy nhiên, trong những dịp đặc biệt như lúc Tết đến xuân về thì chia sẻ thú vui đó với các thành viên trong gia đình còn mang nhiều ý nghĩa hơn một nhu cầu giải trí thông thường. Đây là những thời điểm dễ tạo dựng sự đồng điệu giữa các thế hệ trong một mái nhà, đặc biệt là hướng các thế hệ tiếp nối vào việc tự hình thành và xây dựng một thói quen thưởng thức những tác phẩm âm nhạc hay, đẹp và giàu ý nghĩa.
Âm nhạc phương Tây hiện đại là một kho tàng khổng lồ với đủ các thể loại, các đề tài, tuy nhiên, theo lời khuyên của nhiều người sành nhạc, album ghi âm toàn bộ ca khúc trong bộ phim gia đình kinh điển của mọi thời The Sound Of Music là một trong những lựa chọn phù hợp nhất. Bởi những giai điệu tươi tắn, rộn ràng của nhóm ca khúc Do-Re-Mi, My Favorite Things, The Lonely Goathered hay So Long, Farewell không chỉ khiến các thính giả nhí ưa thích ngay từ lần nghe đầu tiên mà còn rất hợp với bầu không khí tràn ngập niềm vui của ngày Tết.
Trong khi đó, những ca khúc êm ái, lãng mạn như Edelweiss hay bài hát chủ đề The Sound Of Music lại có nét mênh mang, bay bổng, ngập tràn sức sống như mùa xuân vĩnh hằng. Nếu đĩa nhạc phim tương đối dễ tìm ở Việt Nam thì album ghi âm "live" đêm diễn đặc biệt The Sound Of Music với nữ ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng Carrie Underwood thủ vai chính lại rất khó kiếm và cũng là CD được săn lùng ráo riết bởi các audiophile. Hòa âm kiểu mới, tưng bừng và phong phú hơn, kiểu hát mới mẻ và "pop hóa" hơn, âm nhạc trong album "live" này chắc chắn dễ chiếm được cảm tình của các thính giả hiện đại hơn.
Joy To The World không dễ mua ở Việt Nam, với nhiều người chơi âm thanh, đây luôn được coi là một album quý hiếm, đáng hiện diện trên mọi giá đĩa bởi cả hai yếu tố: chất lượng nghệ thuật và chất lượng âm thanh.
Trong không gian lắng đọng của mùa xuân, âm nhạc thường mang đến nhiều cảm xúc hơn những gì chúng ta vẫn mong đợi. Và cũng có những dòng nhạc luôn chú trọng đến việc giúp người nghe thư giãn, tạo ra cảm giác dễ chịu, như đang đứng giữa đất trời bao la, như celtic - nhạc dân gian của người Ireland. Celtic Thunder và Celtic Woman là hai ban nhạc tuy không quá quen thuộc nhưng lại rất dễ mua được đĩa - cả CD và DVD tại Việt Nam. Các chương trình biểu diễn của hai nhóm nhạc này rất hoành tráng, sống động và cực kỳ dễ cảm thụ, cả với người lớn và trẻ nhỏ, âm thanh cũng như hình ảnh không hiểu sao luôn gợi lên chất Tết đậm đà. Nghe Celtic Woman hát những khúc dân ca tươi tắn, nghe Celtic Thunder cover lại những ca khúc pop kinh điển với sự tham gia của các nhạc cụ acoustic như kèn túi, trống tay, thụ cầm,banjo và thêm cả dàn nhạc dây, cảm giác như mùa xuân đang nở hoa trong lòng. Mỗi chương trình là mỗi bức tranh phong cảnh độc đáo, gợi mở tới một chốn thần tiên thoát tục, đưa hồn người bay bổng. Được thưởng thức những đĩa nhạc như vậy giữa tiết xuân sang rạng rỡ đúng là một niềm vui không dễ gì có được. Enya, Loreena McKennitt cũng là những nghệ sĩ hết sức tiêu biểu của dòng nhạc celtic, được mệnh danh là thứ âm nhạc đến từ thiên đường...
Nếu đã quá quen thuộc với những ca khúc xuân của Việt Nam, nếu muốn lắng đọng hơn với một mùa xuân khác biệt, một gợi ý rất hoàn hảo từ các audiophile chính là album Joy To The World của Pink Martini, nhóm nhạc đến từ bang Oregon, Mỹ, chuyên chơi classic crossover, jazz pop. Joy To The World như một hành trình thú vị đưa người nghe qua mùa xuân, qua những lễ hội năm mới ở nhiều quốc gia khác nhau, trầm tư, nhiều suy tưởng và hết sức chậm rãi, như một nốt trầm tĩnh tại giữa những thăng hoa của đất trời, của lòng người. Joy To The World không dễ mua ở Việt Nam, với nhiều người chơi âm thanh, đây luôn được coi là một album quý hiếm, đáng hiện diện trên mọi giá đĩa bởi cả hai yếu tố: chất lượng nghệ thuật và chất lượng âm thanh. Thưởng thức album này trên bộ dàn tốt vào lúc canh khuya chẳng khác nào được uống một ly rượ.u ngon đã để lâu năm: ngọt ngào, phong vị dầy dặn và lắng tới tận đáy sâu tâm hồn.
Cũng theo tinh thần đó, cặp album Chat Với Mozart Vol. 1 & 2 của nữ ca sĩ Mỹ Linh dù không phải album dạng "nghe Tết" nhưng lại rất xứng đáng để nghe trong quãng thời gian này cùng người thân tron gia đình. Những giai điệu cổ điển tươi tắn được chuyển soạn theo phong cách pop pha R&B nhẹ nhàng cùng phần lời Việt đầy mộng mơ dễ dàng mang đến thật nhiều cảm xúc dạt dào, những hình dung về một đời sống thanh bình, yên ả. Chat Với Mozart cũng là một trong không nhiều album sản xuất trong nước thực sự có tác dụng trong việc hướng người nghe - đặc biệt là trẻ em đến với âm nhạc cổ điển, bắt đầu từ những thứ đơn giản, nhẹ nhàng và theo cách thức dễ truyền tải, dễ thẩm thấu nhất.
Và cuối cùng, xin được quay trở lại với âm nhạc đương đại Việt Nam để giới thiệu một album không quá nổi tiếng nhưng lại chứa một ca khúc hết sức quan trọng của nền tân nhạc chúng ta: Ly Rượ.u Mừng. Từng bị cấm biểu diễn tới 40 năm, Ly Rượ.u Mừng đã chính thức trở lại và được ghi âm hoàn toàn mới với phần thể hiện của hai ca sĩ Quang Dũng và Phạm Thu Hà. Đã một thời, Ly Rượ.u Mừng là bài hát quen thuộc và phổ biến nhất mỗi khi Tết đến, bởi âm điệu rộn ràng, tươi vui, ca từ giản dị trong sáng như một thông điệp, một lời chúc tết tốt đẹp theo đúng truyền thống dân tộc tới mọi thành phần, mọi lứa tuổi: người người, nhà nhà được ấm no hạnh phúc trong cảnh đất nước tự do.
Trong cả ngàn ca khúc xuân của Việt Nam, hiếm ca khúc nào gợi lên không khí ấm áp, sum họp gia đình như Ly Rượ.u Mừng, việc trình bày theo kiểu song ca, tam ca hoặc hợp ca càng khiến Ly Rượ.u Mừng trở nên rộn rã, tươi vui hơn bao giờ hết. Nhà thơ Du Tử Lê từng viết: "tôi muốn gọi Ly Rượ.u Mừng là xuân khúc kinh điển nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Tính chất kinh điển hiểu theo nghĩa không một thành phần nào của xã hội bị bỏ quên. Và, một cách ý thức, tác giả, đã sắp lại bậc thang giá trị của các thành phần xã hội, với lòng trân trọng, biết ơn của mình".
Âm nhạc, giữa vô số tác dụng tích cực, cũng có khả năng gắn kết con người với nhau, giống như Tết là dịp để trở về, vui vầy bên những người thân. Với nhiều người, Tết chỉ đơn giản là một căn nhà không thiếu nụ cười và ngập tràn trong âm nhạc. Thưởng thức những đĩa nhạc hay, nhạc quý, những ca khúc giàu ý nghĩa cùng người mình yêu thương chính là niềm hạnh phúc vừa nhỏ bé lại vừa lớn lao, nhất là trong những thời điểm thiêng liêng như ngày Tết cổ truyền của cả dân tộc...
Theo nghe nhin vn
Đông Thành - Hòa Phúc 'xua tan giá lạnh Hà Nội' bằng cặp đôi McIntosh và Sonus Faber Aida II Trong 2 ngày 18-19/1, Đông Thành - Hòa Phúc sẽ tiếp tục chiêu đãi các audiophile miền Bắc những màn trình diễn đỉnh cao với nhân vật chính là các cặp siêu loa Sonus Faber và hệ thống tham chiếu McIntosh. Xuất hiện ở phòng nghe hi-end audio là hệ thống tham chiếu từ McIntosh bao gồm: MC1.25KW MC611 (bi-wire), C1100C T, MCT450...