Bộ Giao thông sẽ thi tuyển nhiều vị trí lãnh đạo
Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng khẳng định, sau khi thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thì Bộ Giao thông sẽ nhân rộng ra các vị trí khác để xóa nạn “ chạy chức, chạy quyền”.
Tại Hội nghị thanh tra Bộ Giao thông Vận tải sáng 21/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, thi tuyển là cách tốt nhất để công khai minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ. Sau khi thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ có kết quả thì Bộ Giao thông sẽ nhân rộng ra các các vị trí lãnh đạo khác.
Bộ trưởng Đinh La Thăng. Ảnh: ĐL
“Thi tuyển sẽ xóa được nạn chạy chức chạy quyền”, Bộ trưởng Thăng nói và khẳng định Ban cán sự Đảng Bộ sẽ ra quy trình tổ chức thi và ra quyết định bổ nhiệm cán bộ còn việc chấm thi sẽ do Ban giám khảo độc lập gồm 15 người. Ứng viên đạt kết quả cao nhất sẽ là người trúng tuyển và không xét lí do nào khác.
“Bộ trưởng không có trong thành phần Ban giám khảo nên cũng không phải lo ý Bộ trưởng thế nào mà Ban giám khảo sẽ quyết định, nếu muốn chạy cả 15 người là rất khó”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Thăng, thi tuyển là cách để công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng cán bộ, nhất là lãnh đạo các cơ quan. Hiện Bộ GTVT đã ban hành quy chế thi tuyển chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ vào tháng 4 tới đây.
Cũng tại Hội nghị, ông Đinh La Thăng yêu cầu đổi mới, công khai minh bạch hơn nữa trong công tác thanh tra, tăng cường thanh tra các tuyến đường được sử dụng quỹ bảo trì đường bộ, các vụ việc được báo chí nêu và theo đơn thư phản ánh.
Video đang HOT
Bộ trưởng lấy thí dụ, quốc lộ 6 vừa sửa xong đã hỏng thì thanh tra phải vào cuộc ngay, xác định nguyên nhân hỏng, phải yêu cầu nhà thầu đền bù. Hay việc đăng kiểm tàu thuyền còn chưa nghiêm túc cần được chấn chỉnh.
“Nhiều vụ việc thất thoát, lãng phí mà báo chí phát hiện được còn thanh tra phát hiện được rất ít, liệu có phải thanh tra bao che, các vụ này phải làm rõ”, ông Thăng chỉ đạo.
Đoàn Loan
Theo VNE
Dời 9 nhịp cầu Long Biên để giảm giải phóng mặt bằng
Nếu xây cầu mới cách cầu Long Biên cũ 186 m, gần 200 nhà dân sẽ phải di dời, còn phương án xây mới tại vị trí cũ và di dời 9 nhịp để bảo tồn thì sẽ chỉ phải giải tỏa 124 nhà ở tại khu vực phía nam cầu.
Phương án xây dựng đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi đi qua cầu Long Biên đã được Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội bàn thảo từ năm 2005, bởi hạ tầng đường sắt trên cầu không đáp ứng yêu cầu của tuyến tàu điện đô thị.
Năm 2008, Bộ Giao thông phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1 với vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 30 m về phía thượng lưu. Cây cầu mới này rộng hơn 11 m đủ để hai làn đường sắt đô thị đi qua.
Số phận của cầu Long Biên được đưa ra bàn thảo từ 2005. Ảnh:T.L
Tháng 12/2009, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi có văn bản yêu cầu cân nhắc mục tiêu bảo tồn cầu Long Biên, đảm bảo cảnh quan khu vực, Bộ Giao thông đã nghiên cứu phương án làm cầu đường sắt cách cầu Long Biên 186 m về phía thượng lưu. Phương án này bám sát mục tiêu theo yêu cầu của TP Hà Nội, tuy nhiên, điểm hạn chế là sẽ phải động chạm đến khoảng 198 nhà dân với diện tích 9.800 m2 đất ở tại khu vực phía nam cầu.
Phần lớn các cơ quan có thẩm quyền thống nhất với phương án này và đến tháng 7/2010, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý, giao các cơ quan liên quan hoàn thiện.
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện phương án, nhiều hộ dân các phố Nguyễn Trung Trực, Hàng Than, Quán Thánh (quận Hoàn Kiếm) đã gửi đơn, thư khiếu nại đến các cơ quan thẩm quyền về việc xây cầu mới sẽ gây thiệt hại lớn cho họ.
Tháng 10/2013, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi lại đề nghị Bộ Giao thông nghiên cứu tiếp phương án xây cầu đường sắt trùng với vị trí cầu Long Biên hiện tại để giảm thiểu giải phóng mặt bằng.
Theo chỉ đạo của TP Hà Nội, Ban quản lý dự án đường sắt (RPMU) đã nghiên cứu 3 phương án, giảm số nhà dân phải giải tỏa xuống, trong đó khu vực phía nam cầu chỉ phải đụng chạm đến khoảng 124 nhà và thu hồi khoảng 4.700 m2 đất ở.
Theo đó, phương án 1 là phá bỏ cầu Long Biên hiện tại, giữ lại 9 nhịp cầu mang tính bảo tồn tượng trưng, kết hợp phục vụ du lịch khu vực bãi giữa sông Hồng. Phương án 2 là xây mới cầu Long Biên tại vị trí cũ theo hình dáng kiến trúc cũ. Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu Long Biên nguyên bản để bảo tồn.
Đồ họa mô phỏng phương án di dời 9 nhịp cầu Long Biên cũ ra bãi sông Hồng phục vụ thăm quan du lịch. Ảnh: ĐL
Theo ông Nguyễn Nam Thái, Trưởng phòng dự án 3, RPMU, việc ứng xử với cầu Long Biên trong quá trình thiết kế cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng là vấn đề rất khó trong nghiên cứu và tùy thuộc vào tiêu chí ưu tiên để xem xét lựa chọn vị trí cầu ở địa điểm nào.
Ông Thái phân tích, với tiêu chí phải bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên và hài hòa cảnh quan thì đã có phương án cầu mới cách cầu cũ 186 m. Với tiêu chí giải phóng mặt bằng thuận lợi nhất thì phương án cầu đường sắt đô thị đi trùng cầu cũ có lợi thế. Tuy nhiên, cầu Long Biên không thể bảo tồn nguyên vẹn vì đường sắt đô thị là đường sắt đôi, cầu Long Biên hiện tại là đường sắt đơn, chưa kể cầu mới còn phải nâng cao lên để phù hợp với yêu cầu giao thông đường thủy.
"Ba phương án trên được bổ sung vào các phương án trước đây để TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cân nhắc. Tất cả đang được cơ quan nghiên cứu so sánh thận trọng và kỹ lưỡng, chưa có kết luận để lựa chọn", ông Nguyễn Nam Thái bày tỏ.
Hiện các phương án cầu đường sắt qua sông Hồng mà Bộ Giao thông Vận tải (cơ quan quyết định đầu tư) mới đề xuất thêm đang được lấy ý kiến UBND Hà Nội (cơ quan quản lý kiến trúc quy hoạch địa phương). Phương án thiết kế cuối cùng phải được cơ quan thẩm quyền quyết định trong năm nay thì mới đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi hoàn thành vào năm 2020.
Đoàn Loan
Theo VNE
Lần đầu tiên thi tuyển công khai Tổng cục trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa chính thức phát thông báo thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo đã diễn ra ở một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, TP HCM, song đây là lần đầu tiên thực hiện ở Bộ. Tổng cục Đường bộ là nơi liên...