‘Bộ Giao thông nói cần xây Long Thành là xa rời thực tiễn’
Trong khi Bộ Giao thông Vận tải bảo vệ quan điểm cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành, ông Lê Trọng Sành – người kiến nghị ngừng dự án này cho rằng Bộ đã xa rời thực tiễn, đưa ra dự báo ảo về nhu cầu thực sự.
Ông Lê Trọng Sành đang giải thích về việc không nên làm sân bay Long Thành. Ảnh: Kiên Cường
Ông Lê Trọng Sành – nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất nhận định, việc xây dựng sân bay Long Thành lúc này là xa rời thực tiễn. Điều này được ông nói tại buổi gặp gỡ của nhóm cán bộ hưu trí ngành hàng không tại TP HCM về vấn đề sân bay Long Thành, ngày 21/8.
“Trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải gửi Thủ tướng vừa qua thể hiện rõ xu hướng theo suy nghĩ muốn làm sân bay lớn, hoành tráng nhất Đông Nam Á. Suy nghĩ ấy đã thoát ly hẳn khỏi thực tiễn đất nước hiện nay khi kinh tế đang rất khó khăn, nợ nần chồng chất. Bây giờ vay gần 8 tỷ USD làm sân bay Long Thành không biết bao giờ mới trả nợ hết”, ông Sành nêu quan điểm.
Theo tính toán của ông Sành, chỉ cần 1 tỷ USD để mở rộng Tân Sơn Nhất là đáp ứng nhu cầu. Thay vì làm sân bay mới 5.000 ha với 4 đường băng, 4 nhà ga quốc tế thì hoàn toàn có thể mở rộng Tân Sơn Nhất và dùng sân bay Biên Hòa để đảm nhiệm nhu cầu phục vụ hành khách ngày một tăng. Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ quá tải do bị nghẽn về việc không có sân đỗ máy bay, chứ với hai đường băng như hiện tại có thể khai thác tốt ở tầm 35 triệu khách một năm. Ngoài ra, việc dùng thêm sân bay quân sự Biên Hòa khai thác quốc tế là một giải pháp hợp lý.
“Sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích 820 ha, phía Bắc lại có 157 ha đang dùng làm sân golf. Đây là việc lãng phí, cần phải thu hồi diện tích đang làm sân golf để làm sân đỗ máy bay bởi chúng ta có 40 sân đỗ, thiếu khoảng 13 sân đỗ và đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng 20 sân đỗ. Sau khi xây phần này xong có thể xây thêm nhà ga mới để đáp ứng nhu cầu”, nguyên trưởng phòng quản lý bay nói về phương án mở rộng Tân Sơn Nhất.
Video đang HOT
Về quan điểm mở rộng sân bay Biên Hòa, ông Sành cho rằng “cũng chỉ cần 1 tỷ USD” vì không cần thiết phải giải tỏa hộ dân xung quanh, hai đường băng đã có sẵn nên chỉ cần cải tạo, xây thêm nhà ga. Việc xử lý nhiễm dioxin ở sân bay này, theo ông Sành, không phải là không thể làm vì “sân bay Đà Nẵng xử lý được sao Biên Hòa thì không?”.
Bản đồ tự vẽ tay về các sân bay quốc tế ở khu vực phía Nam của ông Sành. Ảnh: Kiên Cường
Thêm lý do ông Sành cho rằng cần thiết phải giữ sân bay Tân Sơn Nhất làm sân bay quốc tế bởi “Tân Sơn Nhất là một thương hiệu”, các đại sứ quán, di tích, cơ quan đầu ngành đều tập trung ở TP HCM. Nếu làm sân bay quốc tế ở Long Thành thì thành phố có nguy cơ mất nhiều khách quốc tế vì họ phải bay tới Long Thành và vận chuyển 35 km về Sài Gòn.
“Mặt khác, khu vực phía Nam đã có tổng cộng 6 cảng hành không quốc tế. Nếu có 100 triệu khách đến Việt Nam một năm, các sân bay này hoàn toàn đáp ứng dễ dàng. Tân Sơn Nhất 35 triệu khách/năm, Biên Hòa có thể đảm đương 20 triệu khách, Cam Ranh 10 triệu, Liên Khương 10 triệu, Cần Thơ 15 triệu, Phú Quốc 10 triệu. Đó là chưa kể hiện nay Cần Thơ và Phú Quốc chưa khai thác quốc tế.Chúng ta hoàn toàn không cần Long Thành”, ông Sành khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thiện Tống – nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không trường Đại học Bách khoa TP HCM – cho rằng “không thể lấy tiêu chí, nhu cầu của Long Thành để áp lên Tân Sơn Nhất”.
“Có thể thấy nhu cầu đó là nhu cầu ảo, chúng ta còn các sân bay quốc tế khác hỗ trợ. Nếu tất cả đều quá tải thì phải đến năm 2050 mới cần xây sân bay mới. Ngoài ra, phải xem xét nếu biến Long Thành thành trung tâm trung chuyển thì ta có khả năng cạnh tranh với các sân bay tầm cỡ khác ở khu vực hay không”, ông Tống nói.
Cũng phản đối việc để sân golf hiện hữu trong sân bay, ông Dương Văn Đàng – cán bộ thuộc Công ty 32 Bộ Quốc Phòng tính toán: “Trong một năm, để nuôi một m2 cỏ sân golf phải tốn 2 kg hóa chất diệt giun, 650 m3 nước ngầm để tưới… và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường sinh thái. Chưa kể, không người nào đến chơi golf khi xung quanh ồn ào, khói bụi như vậy cả”.
“Dù đề án đã được duyệt nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Dự kiến đến kỳ họp tới vào tháng 10, Quốc hội sẽ bàn bạc về vấn đề này. Tôi sẽ tiếp tục gửi kiến nghị đến các đại biểu quốc hội trong nay mai”, ông Sành nhấn mạnh.
Theo Kiên Cường
'Xây dựng sân bay Long Thành là phương án tối ưu'
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc xây dựng thêm một cảng hàng không hỗ trợ, thay thế sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết và sân bay Long Thành là lựa chọn hiệu quả nhất.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc trả lời kiến nghị "không nên xây dựng sân bay Long Thành" của hai cựu cán bộ ngành hàng không là ông Mai Trọng Tuấn (nguyên phi công) và Lê Trọng Sành (nguyên trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM).
Theo Bộ GTVT, dự báo số lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất năm nay đạt khoảng 19 triệu lượt, đến năm 2020 sẽ đạt đến công suất thiết kế là 25 triệu hành khách một năm và sau năm 2020 sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, việc mở rộng để nâng công suất cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là rất khó do cảng hàng không hiện hữu có 2 đường hạ cất cánh song song dạng đóng nên rất khó. Nếu đầu tư thêm một đường hạ cất cánh tương đương về phía Bắc của sân bay cũng không khả thi do cảng hàng không nằm trong khu vực dân cư dày đặc và các đường phố chính.
Theo Bộ GTVT, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là phương án tối ưu và hiệu quả nhất.
"Việc mở rộng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP HCM như tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép", báo cáo của Bộ GTVT lý giải và cho rằng việc xây dựng sân bay quốc tế mới sẽ giúp TP HCM phát triển bền vững và giảm ùn tắc giao thông nội đô.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, công tác khảo sát, quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được thực hiện cách nay 10 năm. Vị trí được chọn đã thỏa mãn các tiêu chí tổng hợp cho việc hình thành sân bay quốc tế trung chuyển, đảm bảo thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa đi đến TP HCM - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước và là cửa ngõ lớn nhất trong việc thông thương với quốc tế; đồng thời phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, các sân bay lớn đều nằm cách trung tâm thành phố 15-60 km và thời gian tiếp cận tối đa khoảng 40-50 phút.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho hay, vị trí của sân bay Long Thành đảm bảo đủ diện tích (5.000 ha) để xây dựng một cảng hàng không quốc tế mới, hiện đại có công suất 80-100 triệu hành khách một năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh, đảm bảo yêu cầu khai thác an toàn và hiệu quả cho một cảng hàng không có quy mô lớn, hiện đại với điều kiện an toàn tĩnh không tốt.
Khu vực này cũng rất phù hợp cho việc quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay và điều hành bay vì có tỷ lệ đô thị hóa thấp, không có công trình cao tầng đã được xây dựng hoặc dự kiến xây dựng. Ngoài ra, sân bay Long Thành nằm xa khu vực biên giới, xa khu vực cấm bay nên rất thuận tiện cho công tác quản lý bay, quản lý vùng trời.
Bên cạnh đó, vị trí xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, khối lượng đào đắp ít, mặt bằng tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng hàng không. Đồng thời, khu vực này chủ yếu là diện tích trồng cây cao su, mật độ dân cư khu vực không cao, thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy khi xây dựng cảng hàng không hiện đại sẽ chỉ ảnh hưởng đến diện tích phát triển cây cao su, ít ảnh hưởng về tiếng ồn, khí thải đến môi trường sống của các khu dân cư xung quanh.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cũng cho biết, ngoài phương án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, 2 phương án khác là mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và mở rộng căn cứ không quân Biên Hòa cũng đã được nghiên cứu toàn diện và đầy đủ với các yếu tố so sánh như khoảng cách tính từ trung tâm thành phố, giao thông tiếp cận, diện tích đất yêu cầu và chi phí giải phóng mặt bằng, tác động môi trường... "Kết quả so sánh cho thấy phương án tối ưu là xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành theo quy hoạch đã được duyệt", Bộ GTVT khẳng định.
Ngày 6/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ GTVT xem xét và trả lời Thủ tướng về kiến nghị "không nên xây dựng sân bay Long Thành" của ông Mai Trọng Tuấn và ông Lê Trọng Sành sau khi 2 ông này có thư gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, 2 "chuyên gia" này cho rằng đầu tư 8 tỷ USD để xây sân bay mới là lãng phí trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vừa tiết kiệm vừa giữ được giá trị lịch sử.
Theo Trung Sơn
Kiến nghị không xây dựng sân bay quốc tế Long Thành Cho rằng đầu tư 8 tỷ USD để xây sân bay mới lãng phí trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vừa tiết kiệm vừa giữ được giá trị lịch sử, hai "chuyên gia" ngành hàng không đề nghị không nên xây sân bay Long Thành. Văn phòng Chính phủ vừa có công văn (do Phó chủ nhiệm Nguyễn Hữu Vũ...