Bộ Giao thông kiến nghị thí điểm dịch vụ kiểu Uber
Trước tình trạng nở rộ dịch vụ vận tải theo kiểu “taxi Uber”, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Theo Bộ GTVT, gần đây ở Việt Nam xuất hiện nhiều ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải giống kiểu Uber. Điều này phản ánh xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GTVT của quốc tế và Việt Nam.
Tuy nhiên, những dịch vụ này cũng bộc lộ một số bất cập. Trong đó, nhiều trường hợp sử dụng phần mềm của tổ chức nước ngoài, không đăng ký hoạt động ở Việt Nam. Một số khác chưa được cấp phù hiệu “ xe hợp đồng” cũng sử dụng phần mềm kết nối để chở khách. Điều này là không phù hợp với quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Thanh tra giao thông (Sở GTVT TP HCM) ra quân xử phạt dịch vụ taxi Uber. Ảnh:H.C
Từ đó, Bộ kiến nghị cho phép thí điểm đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Mục tiêu của đề ánnhằm kết nối dịch vụ vận tải dựa trên công nghệ thông tin và phù hợp với pháp luật; tạo tiền đề cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ cho ngành vận tải, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải; đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như xu hướng sử dụng thiết bị di động thông minh.
Video đang HOT
Bộ GTVT đề xuất, các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô theo hợp đồng (khai thác ôtô dưới 9 chỗ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu xe hợp đồng). Đề án sẽ được thí điểm từ trong năm nay tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa và kéo dài đến cuối năm 2018. Sau đó, Bộ sẽ phối hợp cùng với các đơn vị liên quan đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp hoàn chỉnh chính sách về vận tải hành khách bằng ôtô.
Với mức phí thấp hơn khoảng 20% cước phí taxi thông thường, các hình thức kinh doanh dịch vụ taxi mới thông qua ứng dụng di động kết nối tài xế và hành khách đã thu hút được nhiều người dùng, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi về tính pháp lý.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Bộ Giao thông: 'Taxi Uber hoạt động trái luật'
Thừa nhận dịch vụ Uber rẻ hơn các loại hình taxi khác, nhưng Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về loại hình này nên 'bất kỳ hãng nào hoạt động đều là trái luật'.
Thứ trưởng Trường phát biểu trong buổi họp báo chiều nay. Ảnh: Bá Đô
Việc taxi Uber hoạt động ở TP HCM và bị lực lượng chức năng xử lý được đề cập nhiều trong cuộc họp báo về tuyên truyền thực hiện các nghị định, thông tư mới liên quan tới lĩnh vực giao thông diễn ra chiều nay tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Trước những câu hỏi liên quan đến việc, tại sao taxi Uber ở các nước đang phát triển thịnh hành và có giá rẻ hơn loại hình taxi khác, nhưng khi về Việt Nam lại bị cấm hoạt động, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng "đúng là loại hình taxi này có rẻ hơn đôi chút, hành khách có thể thấy tiện lợi, tuy nhiên hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải như trên là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô".
Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền để người dân biết về thực tế đối với hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber là không đảm bảo quyền lợi cho người đi xe.
Cung cấp thêm thông tin về loại hình taxi Uber, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho hay trên thế giới, loại hình này xuất hiện từ 2009, một số quốc gia đang xem xét cho hoạt động trong khi nhiều nước khác lại cấm.
Lực lượng chức năng ở TP HCM xử phạt taxi Uber. Ảnh: Hữu Công
Theo ông Ngọc, không thể phủ nhận được loại hình này có giá thấp hơn taxi truyền thống, tuy nhiên hoạt động ngoài tầm kiểm soát, không đóng thuế nên gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các hãng khác.
Trước đó, Hiệp hội taxi TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM xem xét tính hợp pháp của dịch vụ cho thuê xe này và cho rằng nếu nó phát triển sẽ ảnh hưởng tới "nồi cơm" của hàng nghìn tài xế taxi trên địa bàn.
Đến ngày 28/11, lực lượng thanh tra TP HCM bắt đầu xử phạt các xe taxi kinh doanh dịch vụ Uber theo nghị định số 171 ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, hành vi kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định có mức phạt cá nhân từ 3 đến 4 triệu đồng còn tổ chức từ 6 đến 8 triệu đồng.
Uber là dịch vụ hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Dịch vụ này được định giá lên tới 17 tỷ USD và đã xuất hiện tại 130 thành phố trên toàn thế giới. Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, không hoạt động tính tiền như những xe taxi khác mà tính dựa vào thông tin vị trí trên ứng dụng.
Bá Đô
Theo VNE
Hơn 1.500 khách bị từ chối nhập cảnh Singapore, Vietjet "cầu cứu" Hãng hàng không Vietjet Air vừa có văn bản khẩn gửi Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore có biện pháp hỗ trợ do có tới hơn 1.500 hành khách là người Việt của hãng này bị nhà chức trách Singapore từ chối nhập cảnh. Vietjet Air chính thức mở đường bay TPHCM - Singapore...