Bộ GD&ĐT chỉ đạo hỗ trợ trẻ 4 tuổi bị buộc dây vào cửa sổ
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nam Định có giải pháp hỗ trợ để bé trai tự kỷ bị cô giáo trói được chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Trả lời Zing.vn tối 2/12, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho hay trường hợp trẻ bị đa khuyết tật như em N.V.P, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cần phối hợp chính quyền, nhà chuyên môn để có biện pháp phù hợp. Nhà trường không giao nhiệm vụ bất khả thi cho giáo viên, dẫn đến việc đáng tiếc như buộc trẻ vào cửa sổ ở Nam Định.
Ghi nhận nhà trường đã tiếp nhận học sinh
- Quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào về trường hợp trẻ 4 tuổi ở Nam Định bị cô giáo buộc dây vào cửa sổ?
- Em N.V.P., 4 tuổi, thuộc đối tượng trẻ đa tật (khuyết tật trí tuệ – tăng động, điếc – câm và có biểu hiện kèm theo rối loạn phổ tự kỷ). Trường hợp này rất khó để em tham gia giáo dục hòa nhập ở nhà trường, đồng thời là thách thức lớn đối với cả nhà chuyên môn, cán bộ quản lý và giáo viên.
Chăm sóc, giáo dục những cháu như thế này cần rất nhiều điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất, công tác quản lý và đặc biệt cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, y tế và các lực lượng xã hội khác.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho rằng do chưa được trang bị kiến thức, các giáo viên có những biện pháp chưa phù hợp. Ảnh: Q.Q.
Địa bàn huyện Trực Ninh, Nam Định, không có cơ sở hay trung tâm chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật ở mức độ rất nặng hay đa tật như trường hợp của cháu N.V.P.
Mặt khác, trường Mầm non B xã Trực Đại chưa có giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt. Giáo viên cũng chưa được bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật, chưa có nhân viên hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật. Điều kiện cơ sở vật chất để giáo dục trẻ khuyết tật (đặc biệt đối với trẻ tự kỷ) chưa đảm bảo.
Dù vậy, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, thực hiện các chủ trương chung, đảm bảo quyền được đến trường học tập của mọi trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật, nhà trường đã tiếp nhận cháu vào học. Đó là điều đáng ghi nhận.
Nhưng, giáo viên chưa có kiến thức, phương pháp và kỹ năng quản lý hành vi và giáo dục trẻ như em N.V.P. dẫn đến việc có biện pháp không phù hợp. Đây là điều cần sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với các cô giáo.
Nhà trường cần rút kinh nghiệm rằng việc chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật phải là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không của riêng trường. Trẻ bị đa khuyết tật như em N.V.P, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cần phối hợp chính quyền, nhà chuyên môn để có biện pháp phù hợp. Trường không giao nhiệm vụ bất khả thi cho giáo viên.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT Nam Định phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có giải pháp hỗ trợ để bé được chăm sóc, giáo dục phù hợp.
Giáo dục trẻ khuyết tật còn nhiều khó khăn
Video đang HOT
- Từ câu chuyện của em N.V.P., dư luận quan tâm về tình hình giáo dục trẻ khuyết tật trong hệ thống giáo dục hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Việt Nam đã ký Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật ngày 22/10/2007 và được Quốc hội nước phê chuẩn ngày 28/11/2014 tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Đặc biệt, Luật người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai công tác về người khuyết tật nói chung và công tác giáo dục đối tượng này nói riêng.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách về giáo dục người khuyết tật với các đối tượng liên quan như giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục. Bộ GD&ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập; hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Bộ đã ban hành quy định về thực hiện giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập và kế hoạch giáo dục người khuyết tật giai đoạn 2018-2020.
Hiện nay, cả nước có 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh và huyện; 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt. Cả nước có hai trường đại học sư phạm, 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập Khoa Giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật.
Năm học 2017-2018, cả nước có 77.489 trẻ khuyết tật đi học, trong đó có 76.567 trẻ khuyết tật học hòa nhập và 922 trẻ khuyết tật học chuyên biệt.
Trẻ 4 tuổi bị buộc dây vào cửa sổ tại Nam Định. Ảnh: Đời sống Việt Nam.
- Quá trình thực hiện công tác giáo dục gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Công tác giáo dục trẻ khuyết tật hiện còn nhiều khó khăn. Giáo viên mới chỉ thực hiện giáo dục hòa nhập được với trẻ khuyết tật vừa và nhẹ. Với những đối tượng trẻ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và trẻ đa tật, vấn đề chăm sóc và giáo dục còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tài liệu hướng dẫn giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật còn chưa đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ; công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường còn hạn chế do nguồn lực hạn hẹp.
- Thời gian tới, Bộ GD&ĐT có những kế hoạch gì để chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật?
- Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, tiếp tục nghiên cứu đề xuất nội dung về giáo dục người khuyết tất với các chương trình, đề án liên quan giai đoạn 2021-2030.
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư quy định chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu và chữ nổi Braille cho người khuyết tật; ban hành danh mục thiết bị tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi đặc thù; các quy định về chuẩn, tiêu chuẩn trang thiết bị để nâng cao chất lượng.
Bộ cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên về giáo dục học sinh khuyết tật; đang tổ chức xây dựng tài liệu hướng dẫn phát hiện sớm, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Trong năm 2019, cấp học mầm non sẽ triển khai tập huấn về phát hiện, can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục mầm non, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đối trẻ khuyết tật.
Bộ đang được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã bổ sung điều 14 (quy định về giáo dục hòa nhập), điều 62 (trường lớp dành cho người khuyết tật) và bổ sung “trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập” ở điều 64.
Những nội dung bổ sung nêu trên sẽ là cơ sở cho việc xây dựng các văn bản quy định chính sách và quản lý giáo dục hòa nhập.
Theo Zing
Vụ buộc dây vào trẻ: sao chỉ mỗi cô giáo phải 'soi lại mình'?
Câu chuyện cô giáo buộc dây cột đứa trẻ 4 tuổi vào cửa sổ ở Trực Ninh, Nam Định khiến cho bức tranh giáo dục thêm u ám sau những vụ việc bạo hành kế tiếp nhau trong các nhà trường.
Ai cũng bức xúc với hình ảnh cháu bé bị buộc dây vào cửa sổ, nhưng... - Ảnh: VĂN ĐỨC
Và trước áp lực của dư luận, chiều 29-11, Sở GD-ĐT Nam Định, UBND và Phòng GD-ĐT huyện Trực Ninh đã xác minh sự việc... Ngày 30-11, cả hai giáo viên phụ trách lớp học đều được cho tạm nghỉ, "soi lại mình" cùng với búa rìu dư luận. Nhưng...
"Có rất nhiều người trong chúng ta cần "soi lại mình" chứ không riêng gì cô giáo ở Trực Ninh. Và dù những đứa trẻ thiếu may mắn khi mang một bệnh lý nào đó chỉ là thiểu số, thì với tinh thần giáo dục nhân văn, xã hội không thể bỏ rơi, ngành giáo dục không thể bỏ rơi."
Vĩnh Hà
Từ những câu chuyện có thật
Cháu bé được xác nhận bị câm, điếc và tăng động (một biểu hiện của trẻ tự kỷ) thường chạy nhảy, cắn vào tay trẻ khác. Với một phương pháp quản lý trẻ khuyết tật không đúng, cô giáo cũng cần một bài học về nghề. Nhưng có lẽ không riêng cô mà trách nhiệm "soi lại mình" đang cần đặt ra ở tầm rộng hơn.
Sai sót của cô giáo ở Trực Ninh hẳn sẽ khiến rất nhiều thầy, cô giáo đang dạy học trong các nhà trường phải giật mình. Bởi chính họ cũng đang phải quản lý những lớp học có các bé bị rối loạn cảm xúc, hành vi.
Trong số những trẻ đặc biệt đang được học hòa nhập thì trẻ bị rối loạn cảm xúc, hành vi, nhất là những trẻ tự kỷ có biểu hiện tăng động, gây tổn thương cho mình và bạn học luôn là áp lực kinh khủng nhất của giáo viên.
Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội từng vừa khóc vừa kể lại cô phải quản lý lớp 60 học sinh từ sáng đến chiều, trong đó có hai trẻ tự kỷ.
Cha mẹ của một trong hai trẻ không chấp nhận tình trạng của con, không hợp tác với cô giáo và luôn đổ lỗi tất cả những gì xảy ra với con. Giữa giờ học trẻ có thể đứng lên đi lại, chui gầm bàn, hét lên, đập đầu vào bàn gây máu chảy hay lao vào đánh bạn...
Cô lúng túng vì không hề được đào tạo, được tập huấn để quản lý, chăm sóc trẻ tự kỷ, cô cũng không được chính thức "giao nhiệm vụ" quản lý trẻ tự kỷ, không có thêm thù lao, không được tạo điều kiện... vì chính lãnh đạo trường cũng không đặt sự quan tâm đặc biệt với những trẻ cần chăm sóc đặc biệt.
Từng có nhiều trường hợp xảy ra với trẻ rối loạn cảm xúc, hành vi mà giáo viên trực tiếp phụ trách lớp học phải hứng hoàn toàn trách nhiệm. Thậm chí họ bị phê bình, trừ thi đua chỉ vì để có học sinh học kém, không đạt "vở sạch chữ đẹp" và rất nhiều "tiêu chí" không đạt khác.
Nhiều giáo viên không muốn nhận trẻ rối loạn cảm xúc, hành vi vào lớp mình, đó là sự thật. Vì cho dù có lòng trắc ẩn, có nhiệt tình với công việc thì họ cũng dần hiểu rằng họ không được thấu hiểu, cảm thông, không được bảo vệ nếu có bất cứ vấn đề tiêu cực nào xảy ra với đứa trẻ đặc biệt mà mình phải đảm trách.
Ai cũng cần "soi lại mình"
Ngay ở Hà Nội, có khá nhiều phụ huynh đã hoang mang, căng thẳng khi không thể tìm được một ngôi trường cho đứa con bị tự kỷ. Những trường chuyên biệt, có lớp học hòa nhập cho trẻ câm điếc, trẻ khiếm thị thì có nhưng trường/lớp cho trẻ bị rối loạn cảm xúc, hành vi thì rất hiếm.
Đặc biệt, trong các trường công lập, không hề có sự chuẩn bị nào để có đủ điều kiện tiếp nhận những đứa trẻ như vậy.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từng chia sẻ: "Thời tôi đương nhiệm cũng từng cố gắng đề xuất để có định biên cho giáo viên được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt, nhưng không được Bộ Nội vụ chấp thuận".
Cái lý để không thể có định biên cho giáo viên có chuyên môn giáo dục đặc biệt vì cả nước vẫn thiếu giáo viên để đáp ứng giáo dục đại trà thì làm sao có định biên để chỉ thực hiện nhiệm vụ với số ít trẻ tự kỷ.
Ở các đô thị, mỗi giáo viên tiểu học đang phải "gánh" 60-70 học sinh/lớp thì sẽ thật xa xỉ khi tuyển một giáo viên chỉ lo cho 1-2 trẻ đặc biệt trong một nhà trường. Chưa kể cần có các phòng để trị liệu tâm lý, các điều kiện cho trẻ vận động, vui chơi.
Nhiều năm nay đã có một số cơ sở như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mở ngành đào tạo giáo dục đặc biệt. Nhưng hầu hết giáo viên được đào tạo chuyên ngành này ra trường không thể xin được việc làm trong các trường công lập, kể cả làm theo diện hợp đồng.
Họ phải đi "làm thuê" cho các gia đình có con cần chăm sóc đặc biệt theo giờ. Người nào may mắn thì xin được vào các trường tư chất lượng cao.
Một hình thức công việc đang phổ biến hiện nay là các phụ huynh chủ động thuê giáo viên có chuyên môn giáo dục đặc biệt kèm theo con mình đến trường công. Cô giáo chờ đón học sinh ở cổng trường, hoặc đón từ nhà đến trường và ngồi kèm học cùng con đến hết buổi. Chủ yếu chỉ để giữ con ngồi yên, không đánh bạn.
Nếu trẻ có những cơn tức giận không kiểm soát được thì đưa trẻ ra sân thư giãn... Đó cũng là giải pháp bất đắc dĩ để các phụ huynh có thể cho con đến trường công mà không gặp sự cố hoặc không bị từ chối.
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết trong lần sang Nhật công tác, ông ấn tượng mãi khi gặp một cô giáo phải bế trên tay một học sinh tiểu học bị tự kỷ. Mặc dù ở Nhật có các cơ sở chuyên biệt nhưng khi học hòa nhập thì vẫn phải đến trường bình thường và để quản lý, chăm sóc đứa trẻ tự kỷ cũng phải có giáo viên được "giao nhiệm vụ", chứ không thể "kiêm nhiệm" cùng quản lý 50-60 học sinh vì đó là công việc rất vất vả.
Trở lại vấn đề của cô giáo ở Trực Ninh, dù phải "soi lại mình" nhưng có lẽ hai cô giáo này và nhiều cô giáo khác cũng đang không hiểu rồi các cô phải áp dụng phương pháp gì khác để giữ đứa trẻ được an toàn và đảm bảo an toàn cho các trẻ khác. Ai sẽ hỗ trợ về chuyên môn, sẽ tập huấn cho các cô việc này?
Theo tuoitre
Công đoàn ngành giáo dục: Đề nghị không kỉ luật cô giáo "treo" trẻ ở cửa sổ Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục đề nghị không xem xét kỉ luật cô giáo mà chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm sư phạm về việc cháu P., học sinh 4 tuổi ở trường mầm non B Trực Đại (huyện Trực Ninh, Nam Định) bị cô giáo buộc dây vào người, "treo" ở cửa sổ. Xác nhận với PV Dân trí sáng...