Bộ Công Thương: Hiệp định EVFTA sẽ giúp đa dạng hóa thị trường
Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, trong đó dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025.
EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam )
Liên minh châu Âu (EU) hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Dự báo khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được đưa vào thực thi sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu
Ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.
Hiện Hiệp định này chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định là chính thức có hiệu lực đối với cả hai phía.
Nghiên cứu mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều dự báo khả quan về thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo dự kiến, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57-5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho 5 năm sau đó.
Về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Còn xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó.
- Cán cân thương mại giữa Việt Nam và EU năm 2019:
Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, trong đó dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.
Còn đối với ngành da giày, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Hiện Việt Nam là nước nhập khẩu lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là nước có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam đối với mặt hàng này.
Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu và có thể giảm ở các thị trường khác do tác động chuyển hướng thương mại.
“Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU dự báo tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Video đang HOT
Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).
“Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Tạo động lực thu hút FDI chất lượng cao
Theo đại diện Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.
Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Dự báo xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam )
Tuy vậy, Hiệp định cũng sẽ tạo ra một số thách thức. Đơn cử là việc Việt Nam sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.
Song theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm. Do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, để được hưởng các ưu đãi như cam kết tại EVFTA các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt do thị trường EU đưa ra.
Đó là những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và hơn nữa là sản phẩm phải đảm bảo môi trường sống bền vững cho con người hay không…
Còn theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), định hướng lâu dài là khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn thành lập các chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ đồng thời đẩy mạnh khâu thiết kế chứ không giới hạn ở gia công.
Trong khi đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài./.
Ngày 24/3/2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng dự thảo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA sau khi đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.
Ngày 6/4, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội.
Ngày 8/4, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn.
Để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4, Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016, cũng như cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA.
Đức Duy
Hoàn thiện các thủ tục để sớm đi vào thực thi Hiệp định EVFTA
Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về "Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA," do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trình bày.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, ông Trần Quốc Khánh. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Bộ Công Thương cho biết phục vụ cho phiên họp thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra ngày 16/4, Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về "Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA."
Báo cáo này do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, ông Trần Quốc Khánh trình bày.
Theo Bộ Công Thương, ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Vì thế, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Liên quan đến bộ hồ sơ trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, ngày 6/1 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ hồ sơ về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan.
Ngoài ra, đến ngày 21/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình hồ sơ lên Chính phủ với các nội dung cập nhật về kết quả rà soát pháp luật, tình hình phê chuẩn của EU và việc Anh rời EU.
Tiếp theo ngày 24/2 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA sau khi đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.
Ngày 6/4 vừa qua, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội. Ngày 8/4, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn.
Để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016 cũng như cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA.
Chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/4 tới, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Đáng lưu ý, nhằm bảo đảm có cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Bộ Công Thương đã liệt kê các văn bản quy phạm pháp luật cần phải được ban hành ngay thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao các Bộ, ngành triển khai ngay việc xây dựng và/hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật này với mục tiêu là ban hành cùng với thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc rà soát để triển khai việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản bản pháp luật để thực thi EVFTA, Bộ Công Thương đã gửi công văn cho tất cả các bộ, ngành cập nhật về tình hình phê chuẩn của Việt Nam và EU dự kiến thời gian Hiệp định chính thức có hiệu lực, cung cấp kết quả rà soát của Bộ Công Thương về danh mục các văn bản pháp luật cần ban hành ngay và nhóm cam kết áp dụng trực tiếp khi Hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cung cấp các thông tin cần lưu ý để các bộ, ngành tham khảo trong quá trình rà soát và xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
Riêng với các văn bản pháp luật do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, cụ thể là Thông tư quy định về xuất xứ hàng hóa để thực thi EVFTA, Bộ cũng đã chủ động xây dựng dự thảo từ tháng 12/2019 và hiện đang trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến và sẽ bảo đảm ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA.
Liên quan đến việc chuẩn bị thực thi của phía EU, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế cấp hạn ngạch thuế quan cho các loại gạo của Việt Nam có trong danh mục được hưởng hạn ngạch với thuế suất trong hạn ngạch là 0% khi xuất khẩu sang EU.
Bộ Công Thương cho biết thêm Bộ đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA với mục tiêu và kế hoạch cụ thể.
Các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính là tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Dự thảo Kế hoạch này đã được đưa vào bộ hồ sơ trình các cấp về việc phê chuẩn Hiệp định. Sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, dự thảo Kế hoạch này sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành.
Dây chuyền chế biến thịt ếch xuất khẩu sang EU tại Công ty TNHH Tân Thành Lợi, tỉnh Long An. (Ảnh: TTXVN)
Về kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, Bộ đã ban hành Quyết định triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ tháng Ba vừa qua đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo đó, bên cạnh việc triển khai các công việc phục vụ cho Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định, Bộ cũng sẽ triển khai một loạt các hoạt động để chuẩn bị cho thực thi Hiệp định EVFTA sau này. Chẳng hạn như tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định dưới nhiều hình thức; rà soát và xây dựng sớm các văn bản pháp luật để bảo đảm có đầy đủ và kịp thời cơ sở pháp lý khi Hiệp định chính thức có hiệu lực.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng các kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu sang EU...
Hiện Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ.
Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.
Đối với Kế hoạch thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, ngày 8/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các cơ quan trung ương và địa phương nhằm bảo đảm việc thực thi Hiệp định được hiệu quả và đầy đủ, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng mẫu Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để gửi các bộ, ngành, địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện.
Đặc biệt, nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, Bộ Công Thương đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ evfta.moit.gov.vn, để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA.
Ngoài ra, Bộ cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh thành, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O và nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, Bộ Công Thương đang xây dựng các khóa đào tạo, tập huấn dưới hình thức trực tuyến cho các đối tượng là cán bộ các sở, ngành và doanh nghiệp địa phương để nâng cao nhận thức và kiến thức về các cam kết cụ thể trong từng lĩnh vực của Hiệp định./.
Uyên Hương
Việt Nam triển khai các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVFTA Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là "cú hích" lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) Ủy...