Bộ Công an: Bỏ hàng loạt thủ tục hành chính tiết kiệm 300 tỷ đồng/năm
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, việc bãi bỏ hàng loạt thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú sẽ giúp tiết kiệm khoảng 300 tỉ đồng/năm.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án luật Cư trú ( sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý đến ngày 17/12.
Ảnh minh họa
Có hàng nghìn thủ tục hành chính
Theo đó, Bộ Công an đưa ra hai giải pháp và đánh giá đầy đủ những mặt tích cực cũng như tiêu cực. Cụ thể: Giải pháp 1 là giữ nguyên các quy định về thủ tục hành chính trong đăng ký, quản lý cư trú. Với giải pháp này, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được giữ nguyên để áp dụng. Giải pháp 2 là bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan tới đăng ký, quản lý cư trú.
Đối với giải pháp 1, Bộ Công an cho rằng Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính trong đăng ký, quản lý cư trú; bảo đảm giữ ổn định về con người, tổ chức, bộ máy, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, chế độ quản lý, sinh hoạt… đối với lực lượng Công an và không làm thay đổi quan hệ phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý.
Đối với giải pháp 2, Bộ Công an đánh giá sẽ xóa bỏ cơ bản các thủ tục hành chính mang tính quan liêu, rườm rà, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây phiền hà cho người dân; hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản, tiết kiệm thời gian và thuận tiện cho đối tượng phục vụ.
Theo Bộ Công an, hiện nay công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…
Theo kết quả hệ thống hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, hiện nay có khoảng 2.705 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân.
Trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân.
Có khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh (27 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy khai sinh; 32 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chụp Giấy khai sinh; 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chứng thực Giấy khai sinh), khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn (07 thủ tục hành chính yêu cầu mang bản chính Giấy đăng ký kết hôn; 11 thủ tục hành chính yêu cầu nộp bản sao chụp Giấy đăng ký kết hôn).
Bỏ hộ khẩu giấy tiết kiệm hơn 1.600 tỷ đồng/năm
Video đang HOT
Bộ Công an cho rằng, nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính, giấy tờ và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ này, không phải công chứng, chứng thực mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm.
Bộ Công an cho rằng, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Tránh gây lãng phí lớn
Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử)…
Cùng với đó, sẽ giúp công khai, minh bạch tất cả các thủ tục hành chính bằng các hình thức thiết thực và thích hợp trên cơ sở cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý; qua đó, góp phần đơn giản, minh bạch hóa, công khai hóa, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan nhà nước với người dân.
Đặc biệt, việc cắt giảm này sẽ tiết kiệm chi phí cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính nêu trên liên quan tới đăng ký thường trú, ước tính gần 300 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ Công an, thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân trên cơ sở khai thác, cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú dẫn tới những thay đổi quan trọng trong công tác quản lý cư trú.
Việc quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu (không cần tổ chức các đợt kiểm tra, tổng điều tra), giảm nguồn lực thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân và giảm tải được khối lượng hồ sơ, giấy tờ hiện đang lưu trữ tại cơ quan hành chính nhà nước;
Ngoài ra, việc quản lý dân cư bằng số định danh sẽ góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được kịp thời, chính xác, hiệu quả, thông suốt từ trung ương tới địa phương.
Những thủ tục sẽ được bãi bỏ:
1. Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
2. Bãi bỏ một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú.
3. Điều chỉnh các quy định về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú.
4. Quy định về quy trình đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Khánh Công
Theo vnemdia
Bộ Công an: Bỏ hộ khẩu giấy tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm
Bộ Công an đang lấy ý kiến về lựa chọn quản lý dân cư bằng hộ khẩu hay qua mã số định danh cá nhân.
Ngày 17/10, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng.
Trong dự thảo, Bộ Công an đưa ra hai phương án: giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay hay bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với phương án một, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân. Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.
Dự kiến năm 2020 Chính phủ sẽ bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy, thay thế bằng mã số định danh cá nhân. (Ảnh: Sơn Thành)
Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu...
Quản lý bằng mã số định danh tiết kiệm 300 tỷ đồng làm sổ bảo hiểm
Với cách quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho rằng đây là giải pháp đáp ứng xu thế ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới Chính phủ điện tử... Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.
Hiện, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe..., thậm chí học sinh phải có giấy khai sinh.
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.
Theo Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm từ việc công dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).
Nếu có số định danh cá nhân thì bảo hiểm xã hội lấy số đó làm căn cứ để cấp. Hiện nay, việc nhập dữ liệu bảo hiểm mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng. Điều này gây lãng phí rất lớn.
Dù nêu ra nhiều điểm mạnh của phương án này song Bộ Công an cũng cho rằng, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới tận xã, phường, thị trấn với vốn đầu tư tới trên 3.367 tỷ đồng trong khi điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn...
Năm 2020 đủ điều kiện để bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy
Trong Dự thảo, Bộ Công an cho biết việc triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được một số kết quả bước đầu như: hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công tác cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương.
Ngoài ra, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.
Với thông tin, tài liệu sẵn có cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đánh giá có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này.
"Vì thế việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi", dự thảo của Bộ Công an nêu.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó có nêu phương án đơn giản bãi bỏ một số thủ tục liên quan đăng ký thường trú. Cụ thể, với nhóm thủ tục đăng ký thường trú (tại cấp huyện, cấp xã), nhà chức trách sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân; bỏ "giấy chuyển hộ khẩu"; bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh với trẻ em đăng ký thường trú....
Nguồn: VnExpress
Tội phạm ma túy là "nguồn" của các loại tội phạm khác Ngày 28/9, tại Thành phố Vinh (Nghệ An), VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì hội nghị Cùng dự có các cơ quan thuộc Văn...