Bỏ biên chế suốt đời: Trả lương theo việc thực làm
Từ 1/7/2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 sẽ chính thức có hiệu lực. Hiệu trưởng sẽ không còn là công chức, giáo viên không còn biên chế viên chức suốt đời. Đây được xem là công cụ, đòn bẩy quan trọng để nền giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ.
Ảnh minh họa
Nhiều điểm tích cực
Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 là sẽ ký hợp đồng xác định thời hạn với viên chức tuyển dụng mới kể từ 1-7-2020. Điều này có nghĩa sẽ không còn biên chế suốt đời, trừ những người làm việc ở vùng có điều kiện khó khăn. Đồng thời, hiệu trưởng cũng chính thức không còn là công chức mà là viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý trường học hay còn gọi là viên chức quản lý.
Nhìn nhận những mặt tích cực của sự thay đổi này, PGS. TS Lê Kim Long, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng trước đây, khi là công chức thì hiệu trưởng hưởng lương là từ ngân sách và được chuyển hàng tháng một. Việc lên lương là cứ đến kỳ hạn sẽ lên, không phải lo gì cả vì lấy từ ngân sách. Sang Luật mới thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm cùng với anh em để tìm nguồn kinh phí trả lương cho mọi người và tự trả lương cho mình. Như vậy, việc đầu tiên là hiệu trưởng phải chung lưng đấu cật cùng với anh em trong nhà trường. Trước đây là đồng sàng dị mộng, nay là đồng sàng đồng mộng. Như vậy, đó là tác động tích cực thứ nhất.
Thứ hai, sự phân biệt trong chế độ chính sách giữa giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý không còn, cũng là không còn ranh giới nữa. Như vậy, mọi người dễ trao đổi với nhau hơn.
Thứ ba, hiệu trưởng cùng làm việc với giảng viên, giáo viên về việc trường này sẽ phải phát triển thế nào, vì thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao. Khi là công chức, hiệu trưởng phải làm theo ý định của những người quản lý khu vực, bây giờ thì không. Hiệu trưởng phải tự xây dựng lên và đề xuất với người quản lý, ví dụ như ủy ban ra một chính sách khác thì phải có tiếng nói để phù hợp với quyền lợi chung của mọi người trong trường, không bảo vệ quyền lợi riêng của bất kỳ cá nhân nào… Nói cách khác, hiệu trưởng đang từ “người ruột” của Ủy ban, nay thành đối tác của Ủy ban.
Còn đối với giáo viên, kỳ vọng chấm dứt tình trạng viên chức chây ỳ, ngại đổi mới là mong muốn lâu nay của cả xã hội nay. Luật mới chính thức có hiệu lực được xem là công cụ, đòn bẩy quan trọng để nền giáo dục sẽ phát triển mạnh mẽ.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng việc hiệu trưởng không còn được xếp là công chức và được trả lương theo vị trí việc làm là điều tích cực. Các trường công lập khi đó sẽ có 3 thang bảng lương khác nhau đó là: Bảng lương viên chức quản lý; Bảng lương giáo viên đứng lớp; Bảng lương nhân viên.
“Nhà nước là chủ thể trường công, tất cả các thành viên (viên chức) hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên, nhân viên… đều được nhà nước “thuê” về làm việc cho trường. Vì thế, ai làm được việc thì giữ, không làm được việc thì nghỉ… Hợp đồng lao động xác định rõ ràng quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động (Nhà nước) và người lao động” – thầy Nguyễn Xuân Khang nêu quan điểm.
4 trường hợp “ngoại lệ”
Video đang HOT
Phân tích rõ hơn, PGS. TS Lê Kim Long cho rằng khi chuyển sang Luật mới, viên chức sẽ có mấy loại hợp đồng, ví dụ hợp đồng lao động thời vụ, hợp đồng theo thời hạn 3 năm, 5 năm… và loại hợp đồng làm việc. Về tính chất, hợp đồng làm việc không khác gì biên chế suốt đời như trước đây nhưng trên thực tế sự đổi mới quan trọng là có chu kỳ để mọi người tự đánh giá và tự kiểm điểm. Hiệu trưởng là một chức vụ có thời hạn. Như vậy sau một thời gian người ta có quyền xem xét đánh giá lại. Tất nhiên, hiệu trưởng cũng có thể phấn đấu làm hiệu trưởng suốt đời cũng được vì không làm chỗ này lại làm chỗ khác nhưng đó là do tuyển dụng, không phải do luân chuyển như trước đây.
Đối với băn khoăn Luật này có hiệu lực sẽ làm giảm sức hấp dẫn của ngành sư phạm, đặc biệt đối với các vùng khó khăn sẽ khó tuyển được “giáo viên cắm bản”, thực tế luật đã quy định một số trường hợp vẫn được ký hợp đồng dài hạn, tức là vẫn được hưởng chính sách viên chức suốt đời.
Cụ thể, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày luật có hiệu lực thi hành (1-7-2020), thì không có thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Nếu viên chức đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn rồi thì sẽ được giữ nguyên.
Còn đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày luật có hiệu lực thi hành (1-7-2020) thì phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12-60 tháng.
Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật này vẫn được thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Những người đã được tuyển dụng và đang thực hiện hợp đồng xác định thời hạn nhưng hợp đồng đó vắt qua thời điểm 1-7-2020 vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng đó cho đến khi kết thúc. Sau đó nếu được đánh giá đủ tiêu chuẩn thì sẽ được ký hợp đồng không xác định thời hạn.
Những việc phải làm
Theo PGS. TS Lê Kim Long, lâu nay Đảng và Nhà nước vẫn khuyến khích chủ trương xã hội hóa giáo dục. Luật Giáo dục sửa đổi cũng có những quy định cụ thể về vấn đề này song trên thực tế, các hiệu trưởng vẫn gặp phải những vướng mắc trong thực hiện. Ông Long lấy ví dụ, một trường tiểu học ở Hà Đông có số học sinh rất đông do nơi đây có rất nhiều tòa nhà cao tầng, thậm chí mỗi tòa nhà là một phường. Bố mẹ các em đến đấy đều là người trẻ cả nên trẻ con rất đông. Vậy hiệu trưởng ở đó phải làm thế nào để giải quyết? Vì sau đấy con số này biến động ngay lập tức.
“Hiệu trưởng cần phải xoay sở thì không đúng tư thế của một công chức nữa mà phải xoay theo cách mà tôi vẫn đùa, là một viên chức đồng thời kiêm doanh nhân. Ngân sách đưa xuống chỉ đủ để trả lương. những cái khác thì tiền ở đâu? Phải trao cho họ quyền họ được làm vì sự phát triển của nhà trường, vì quyền lợi của học trò. Chúng ta nói về xã hội hóa giáo dục nhưng bất kỳ trường nào thu tiền gì đều bị thổi còi nên vấn đề là cho phép các trường, các hiệu trưởng làm những biện pháp gì để phù hợp với chủ trương. Còn cách làm thế nào thì tùy thuộc vào cơ sở đó như thế nào. Vấn đề là ngăn ngừa họ không bỏ tiền thu đó vào túi của mình là được” – PGS. TS Lê Kim Long đề xuất.
Theo các chuyên gia, thời gian từ nay đến khi Luật chính thức còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử như người quản lý đội ngũ công chức trước đây là Ủy ban. Giờ chuyển sang viên chức thì ai quản lý? Rồi việc áp dụng ở trường phổ thông, trường đại học sẽ ra sao? Bởi đối với đại học, sẽ là hội đồng trường quyết định, không phải là hiệu trưởng. Vì vậy, cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đúng người, đúng việc.
Thu Hương
Theo daidoanket
Trường tôi muốn ký biên chế suốt đời với nhiều giáo viên nhưng họ không muốn
Có những giáo viên đang trong thời gian thử việc thì rất nỗ lực cố gắng nhưng khi đã trở thành biên chế thì cảm thấy yên chi, không chịu tự đào tạo mình.
Hiện Điều 25 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đang được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV thu hút sự quan tâm rất lớn từ xã hội. Đặc biệt là cộng đồng giáo viên, một trong những đối tượng có số lượng bị ảnh hưởng rất lớn từ chính sách này.
Theo đó, kể từ ngày 01/7/2020, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn.
Chỉ có viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Thị Ngân Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long (Hà Nội) cho rằng:
Mặc dù lâu nay chế độ biên chế trọn đời của ngành giáo dục tạo cho giáo viên cơ hội cảm thấy an toàn về mặt tâm lý để làm việc và đối với những người có mong muốn, có lý tưởng nghề nghiệp thì họ rất yên tâm để cống hiến, đóng góp cho ngôi trường mà họ gắn bó.
Đó là những giá trị tinh thần đã khiến cho trường học và người thầy trở thành những biểu tượng thiêng liêng trong tâm trí bao thế hệ.
Thậm chí có giáo viên cống hiến từ ra tốt nghiệp đại học đến khi về hưu trọn 30 năm chỉ ở một ngôi trường.
Cô Nguyễn Thị Ngân Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long (Hà Nội) đang hướng dẫn học sinh (Ảnh nhà trường cung cấp)
Nhìn nhận từ thực tế, cô Ngân Hoa chia sẻ: "Theo tôi, đến thời điểm hiện nay điều quan trọng đối với giáo viên không phải là vấn đề biên chế suốt đời hay hợp đồng có thời hạn mà là cơ hội công việc có đảm bảo mức lương đủ chi phí nuôi bản thân, chăm sóc gia đình và nâng cấp chuyên môn hay không.
Hơn nữa, dù biên chế hay ký hợp đồng thì giáo viên vẫn được đóng bảo hiểm theo quy định của nhà nước do đó giáo viên không nên lo lắng về vấn đề này".
Đưa ra quan điểm này vì cô Ngân Hoa nhận thấy khi giáo viên được thừa nhận ở một vị trí suốt đời thì có thể sẽ xảy ra tình trạng cảm thấy không muốn thay đổi, không cố gắng.
Điều này cũng do một nguyên nhân khách quan: khi không có động lực gì bắt buộc phải nỗ lực thay đổi thì cũng không có nhiều động lực để cố gắng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi giáo viên áp lực công việc nhiều, số lượng học sinh trong lớp đông nên nhiều người chọn cách đi theo lối mòn, không chịu nỗ lực. Và chính điều đó sẽ kéo lùi sự tiến bộ của giáo dục.
Có một thực tế mà cô Ngân Hoa thấy đó là có những giáo viên đang trong thời gian thử việc thì rất nỗ lực cố gắng nhưng khi đã trở thành biên chế của nhà trường thì cảm thấy yên chi, ngại nâng cấp nghề nghiệp, không muốn đi tập huấn và không chịu tự đào tạo mình. Không phải tất cả nhưng cũng không hiếm những trường hợp như vậy.
"Sức ì đó đã khiến khả năng nâng cấp nghề nghiệp bị hạn chế, do đó mức thu nhập cũng sẽ không có nhiều cơ hội thay đổi theo hướng tốt lên", cô Hoa nói.
Dưới góc độ của một nhà quản lý trường tư thục, cô Ngân Hoa cho rằng, hiện các giáo viên nhà trường ký hợp đồng 36 tháng. Sau khi hết thời hạn nếu giáo viên đáp ứng được yêu cầu của nhà trường và bản thân họ có mong muốn ở lại trường thì hai bên sẽ ký tiếp hợp đồng.
Cả nhà trường và thầy cô đều phải cố gắng không ngừng nếu muốn tồn tại và phát triển". Cô Hoa nhấn mạnh: "Cứ sau 3 năm thì nhà trường phải nâng cấp về lương cho giáo viên, do đó chính hợp đồng này giúp cả giáo viên và nhà trường đều phải nỗ lực bởi lẽ nhà trường muốn giữ được giáo viên thực sự có năng lực, không bị chảy máu chất xám thì buộc phải phấn đấu để chất lượng dạy học tốt hơn, phụ huynh có tin tưởng trao gửi cho trường cơ hội giáo dục con em họ thì nhà trường mới có thể nâng được lương cho giáo viên.
Cô cũng thẳng thắn chia sẻ: "Với những giáo viên đã thực sự được khẳng định năng lực và phẩm chất nghề nghiệp, nhà trường của chúng tôi muốn ký hợp đồng dài hạn để giáo viên gắn bó với trường như là biên chế trọn đời nhưng thầy cô cũng không muốn như vậy.
Đơn giản là vì sau thời gian làm việc theo hợp đồng và tích lũy kinh nghiệm có kinh nghiệm, nhiều thầy cô lại muốn tìm môi trường khác để thử sức, đổi mới mình và cũng nâng cao được thu nhập chính đáng.
Tuy nhiên, khi đưa ra một chính sách cho cả nước và toàn ngành thì Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu kỹ những điều kiện khách quan đảm bảo thực hiện hiệu quả và không ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục, tạo động lực cho giáo dục phát triển và tăng cơ hội học tập cho học sinh, cơ hội làm việc cho giáo viên.
Phải tính đến học sinh nghèo, gia đình thu nhập thấp, giáo viên vùng sâu vùng xa vì điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta còn quá nhiều khó khăn và cơ hội học tập của trẻ em các vùng miền quá chênh lệch nhau.
Nhìn toàn cảnh một nền giáo dục, dù thế nào cũng không thể để trẻ em mất cơ hội đến trường vì bố mẹ không trả được học phí. Nếu điều đó xảy ra thì chúng ta đã có tội lớn và kéo lùi lịch sử"
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Muốn thưởng nhiều, xin mời các vị sang đó mà dạy! Hiệu trưởng mặt đỏ nhừ, chuyển dần sang tái: "Công khai tài chính sẽ được công bố sau khi quyết toán, ai muốn thưởng nhiều, xin mời các vị sang đó mà dạy!". Cuộc họp trở nên gay cấn khi hiệu trưởng thông báo "Do trường ta hoạt động hết ngân sách, nên tiền Tết năm nay chỉ có một triệu đồng cho...