Bỏ ‘3 tại chỗ’, test nhanh nCoV miễn phí cho các kho thanh long
Ngoài bỏ quy định “3 tại chỗ”, công nhân làm tại các kho thanh long được địa phương hỗ trợ test nhanh Covid-19 miễn phí để thuận tiện cho sản xuất.
Trưa 19/8, tỉnh lộ 827 qua xã Hiệp Thạnh (huyện Châu Thành) vắng vẻ do đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tuy nhiên, phía bên trong kho Vạn Phát Thành tiếng máy vẫn chạy đều đều. Gần 80 công nhân đang hối hả xếp thanh long vào thùng đóng gói, cho vào kho lạnh.
Công nhân đóng gói thanh long xuất khẩu tại kho Vạn Phát Thành (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) trưa 19/8. Ảnh: Hoàng Nam
Anh Nguyễn Trung Kỳ, quản lý kho cho hay, ngày bình thường tại kho xuất 2-5 container loại 20 tấn. Tuy nhiên, những ngày này do hàng ít, nên cách 2-3 ngày mới xuất khoảng 1-2 container. Hơn tháng qua, công nhân thực hiện phương án “3 tại chỗ”, đồng thời phải có kết quả test nhanh âm tính gây tốn kém nhiều chi phí.
“Kể từ hôm nay (20/8), công nhân được địa phương hỗ trợ test nhanh miễn phí, tạo điều kiện cho kho thu mua, vận chuyển thuận tiện hơn”, anh Kỳ nói. Quản lý kho cũng cho hay, dù quy định “3 tại chỗ” đã dỡ bỏ, tại kho vẫn yêu cầu các công nhân ở lại để đảm bảo an toàn cho sản xuất. Sau một ngày làm, họ sẽ thu dọn kho, dùng các tấm pallet nhựa kê làm giường để nghỉ qua đêm.
Ông Nguyễn Lê Trường, Chủ tịch xã Hiệp Thạnh cho hay, xã có 18 kho, hiện có 6 kho hoạt động với trên 300 công nhân. Toàn xã có 2.000 ha, trong 10 ngày tới sẽ thu hoạch vụ chính thức với khoảng 5.000 tấn thanh long. Hiện tại thanh long ruột đỏ giá 8.000-10.000 đồng một ký, ruột trắng hơn 5.000 đồng một ký.
Video đang HOT
Cánh đồng thanh long 2.000 ha tại xã Hiệp Thạnh trưa 19/8, huyện Châu Thành có khoảng 19.000 tấn trái sẽ thu hoạch trong 10 ngày tới. Ảnh: Hoàng Nam
Bốn hôm nay, xã đã được cấp 3.600 bộ kit test nhanh, ngoài xét nghiệm cộng đồng, địa phương đã test nhanh đầu vào, đầu ra định kỳ 3 ngày một lần cho các kho thu mua. “Mỗi kho được cấp một mã QR cùng danh sách công nhân, chúng tôi cử cán bộ xuống từng kho lẫn nhà trọ kiểm tra để dễ quản lý”, ông Trường nói.
Châu Thành là “thủ phủ” thanh long của Long An với khoảng 8.100 ha (toàn tỉnh 11.800 ha). Huyện có gần 5.000 công nhân, chủ yếu chăm sóc, sơ chế tại các kho thanh long. Cuối tháng 7, địa phương này vào cao điểm thu hoạch 15.000 tấn thanh long. Tuy nhiên, UBND huyện yêu cầu các kho muốn hoạt động phải thực hiện “3 tại chỗ” và công nhân có kết quả PCR âm tính. Do các kho chờ kết quả xét nghiệm của công nhân dẫn đến chậm thu mua cho nông dân.
Sau đó, UBND huyện bỏ quy định “3 tại chỗ” trước khi test nhanh âm tính miễn phí cho công nhân. Huyện này đang thuộc “vùng cam”, tức có mức nguy cơ cao với khoảng 270 ca nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, bắt đầu từ hôm nay, 120 kho thanh long trên địa bàn sẽ khởi động trở lại cho vụ thu hoạch mới, dự kiến sản lượng khoảng 19.000 tấn. Hiện cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã thông thương, cùng với việc tạo điều kiện cho việc tiêu thụ tại huyện, nên giá thanh long hiện đã cao hơn 2.000-5.000 đồng một ký so với một tháng trước, bình quân khoảng 7.000-8.000 đồng một ký.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An thăm ruộng thanh long sắp thu hoạch tại xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành) trưa 19/8. Ảnh: Hoàng Nam
Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, năm ngoái, tỉnh xuất khẩu khoảng 300.000 tấn, chủ yếu sang Trung Quốc với doanh thu đạt gần nửa tỷ USD. Hiện, do phải giãn cách xã hội, công nhân không thể ra đồng chăm sóc nên trái có phần xấu hơn trước. Ngoài ra, sức tiêu thụ chậm, nên sản lượng thanh long xuất khẩu trong tháng 7 và 8 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng 10.000 tấn.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội nhận định, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, về lâu dài nhà nước nên có kênh hỗ trợ cho thương lái nước ngoài trực tiếp đến địa phương thu mua, tạo điều kiện cho họ lưu trú, đi lại thuận tiện.
Đến nay, Long An ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm, trong đó 207 ca tử vong. Cùng với nhiều địa phương miền Tây, tỉnh này áp dụng Chỉ thị 16 đến cuối tháng 8.
Nhiều tỉnh kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16
Phú Yên, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thay vì kết thúc ngày 15/8.
Chiều 14/8, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND Phú Yên quyết định, TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa và huyện Tuy An giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 10 ngày. Các địa phương còn lại là huyện Sơn Hòa, huyện Sông Hinh, huyện Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu áp dụng Chỉ thị 15.
Phú Yên phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 24/6 tại TP Tuy Hòa. Dịch sau đó lan rộng ra 9 huyện, thị xã và thành phố, đến nay đã ghi nhận 2.153 ca. Trong số này, 22 người tử vong, 1.268 người đã được điều trị khỏi Covid-19. Từ ngày 23/7, tỉnh này giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Tuy Hòa, hồi tháng 7. Ảnh: Thiên Lý
Chủ tịch tỉnh Phú Yên đánh giá dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn phức tạp khi nhiều ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc, và một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. "Thời gian tới, một số địa phương có khả năng gia tăng số ca nhiễm, do vậy tỉnh phải tiếp tục áp dụng biện pháp chống dịch quyết liệt", ông Thế nói.
Tỉnh yêu cầu các địa phương tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng; mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ"; quản lý chặt đối với người trở về từ TP HCM và các tỉnh phía Nam để ngăn chặn Covid-19.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long , Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh đều giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm từ 10 đến 15 ngày hoặc đến khi có thông báo mới, từ ngày 15/8. Chính quyền các tỉnh yêu cầu "ai ở đâu thì ở đó".
Riêng Bến Tre, trừ hai huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú đề xuất áp dụng Chỉ thị 15 đối với các "vùng xanh" và "vùng vàng", hầu hết huyện, thành phố đều kiến nghị tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm một tuần.
Lãnh đạo một số tỉnh đánh giá, thời gian qua vài địa phương, cơ sở chưa thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, còn chủ quan, mất cảnh giác, dẫn đến hiệu quả phòng, chống dịch chưa cao.
Cầu Tân An 1 và 2 trên quốc lộ 1, bắc qua sông Vàm Cỏ Tây dẫn vào trung tâm TP Tân An (Long An) vắng xe sau khi tỉnh yêu cầu người dân không ra đường, hôm 28/7. Ảnh: Hoàng Nam
Ngoài quyết liệt chống dịch, các tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, duy trì các phiên chợ không đồng, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm người dân không bị thiếu đói khi giãn cách xã hội.
Tính từ ngày 27/4, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận 30.943 ca, chiếm 11,8% ca nhiễm cả nước (261.412). Trong đó, Long An cao nhất vùng với 13.885 ca, tiếp theo lần lượt là Đồng Tháp 4.739 ca, Tiền Giang 4.087 ca, Cần Thơ 2.493 ca, Vĩnh Long 1.574, Bến Tre 1.274, Trà Vinh 794...
Các tỉnh ứng phó với hàng nghìn người về quê từ vùng dịch như thế nào? Các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên đang lên kế hoạch mở rộng khu cách ly và điều trị để đón người dân trở về từ vùng dịch Covid-19. Sáng 29/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trước tình trạng nhiều người từ vùng dịch...