Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi chậm trong năm 2024
Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho cả năm 2023.
Công nhân làm việc tại nhà máy Jack Sewing Machine ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Giờ đây sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế đang hướng sang triển vọng của cường quốc châu Á vào năm 2024. Trong đó, những vấn đề “nổi cộm” nhất được quan tâm là liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có tránh được rủi ro giảm phát và cuộc khủng hoảng nhà ở, niềm tin tiêu dùng suy giảm kéo dài trong năm qua có làm chệch hướng nỗ lực tạo đà tăng trưởng trong năm nay hay không.
Dữ liệu kinh tế, dự kiến công bố ngày 17/1, có thể cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,2% cho cả năm 2023, mặc dù tăng trưởng của quý IV/2023 dường như đã mất đà nhẹ so với quý trước đó.
Tháng cuối năm 2023, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc được cải thiện đáng kể. Nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Á bước sang năm 2024 với nhiều tin tức trái chiều. Số liệu mới nhất công bố ngày 12/1 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12/2023 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm phát (tính theo tháng) kéo dài nhất kể từ năm 2009. Tuy nhiên tính chung cho cả năm 2003, CPI của Trung Quốc vẫn tăng nhẹ 0,2%, tốc độ chậm nhất kể từ năm 2009.
Trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) cả năm qua giảm 3,0%, đánh dấu mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2015. Nhưng xuất khẩu đang có dấu hiệu ổn định, mặc dù đã giảm trong suốt năm 2023, lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Nhà kinh tế trưởng chuyên về kinh tế Trung Quốc tại Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô Pantheon, Dincan Wrigley, nhận định: “Sự phục hồi nhu cầu trong nước sẽ chậm và gập ghềnh khi các biện pháp kích thích có mục tiêu được áp dụng ‘nhỏ giọt’, thông qua lĩnh vực đầu tư.
Video đang HOT
Hơn nữa, quá trình phục hồi tài sản sẽ diễn ra với tốc độ cực kỳ chậm”.
Theo dự kiến, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – Ngân hàng trung ương) sẽ nhóm họp ngày 15/1. Kết quả khảo sát các chuyên gia kinh tế của Bloomberg cho thấy hầu hết đều kỳ vọng PBoC sẽ hạ lãi suất cho các khoản vay chính sách kỳ hạn một năm thêm 10 điểm cơ bản, xuống còn 2,4%.
Đồng thời, nhiều chuyên gia cho biết có khả năng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ quyết định bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính quốc gia.
Điều này có thể không đủ để khắc phục mọi khó khăn và thách thức mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt, nhưng các nhà kinh tế học tin rằng sẽ có thêm nhiều giải pháp khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chẳng hạn, PBoC sẽ cắt giảm giới hạn dự trữ tiền mặt bắt buộc của các ngân hàng thương mại và Bộ Tài chính Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch mở rộng hỗ trợ tài chính, sau khi ra tín hiệu sẽ gia tăng chi tiêu chính phủ.
Các chuyên gia kinh tế của Bloonberg nhận định PBoC sẽ khởi động Năm Mới bằng việc cắt giảm lãi suất ngay sau cuộc họp đầu tiên của năm 2024. Dữ liệu kinh tế gần đây của nước này có xu hướng yếu đi. Do đó, đây là lý do chính đáng để các nhà hoạch định chính sách xem xét tăng cường hỗ trợ.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Societe Generale SA dự báo Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 4,5% cho cả năm 2024, dựa trên giả định là chính phủ sẽ tăng cường kích thích tài chính và chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn, xuất khẩu tăng trưởng ổn định và lĩnh vực nhà ở nhận được sự hỗ trợ dồi dào.
Chuyên gia Yao Wei, nhà kinh tế trưởng đồng thời là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Societe Generale SA, nói: “Nếu Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh chính sách tài khóa nhiều hơn mức chúng tôi dự báo hiện tại, khả năng tăng trưởng của năm 2024 sẽ là 5%”.
Những tín hiệu không mấy lạc quan về đà phục hồi kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc hôm 15/8 đã công bố một loạt số liệu kinh tế yếu hơn dự kiến, với tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm lại cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có phần lung lay.
Người tiêu dùng mua hàng tại một siêu thị ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Trong báo cáo mới nhất, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết doanh số bán lẻ - thước đo tiêu dùng chính của nước này trong tháng 7/2023 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm từ mức 3,1% ghi nhận hồi tháng Sáu và không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước vào thời gian gần đây. Quốc vụ viện Trung Quốc hồi tháng trước đã đưa ra kế hoạch 20 điểm để khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn cho các lĩnh vực bao gồm xe cộ, du lịch và thiết bị gia dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) - lãi suất cho các khoản vay kỳ hạn một năm đối với các tổ chức tài chính - từ 2,65% xuống 2,5%. Lãi suất MLF thấp hơn làm giảm chi phí tài chính của các ngân hàng thương mại, từ đó khuyến khích họ cho vay nhiều hơn và có khả năng thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng cảnh báo rằng nền kinh tế phải đối mặt với "những khó khăn và thách thức mới", cũng như "những nguy cơ tiềm ẩn trong các lĩnh vực trọng điểm".
Cũng trong ngày thứ Ba, NBS cho hay tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ 5,2% trong tháng Sáu lên 5,3% trong tháng Bảy. Tuy nhiên, NBS không đưa ra con số cụ thể về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên, vốn đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng Sáu.
Cùng giai đoạn, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tháng trước tăng 3,7% so với cùng kỳ một năm trước. Mức tăng này yếu hơn so với con số 4,4% của tháng Sáu.
Một loạt số liệu đáng thất vọng trong những tháng gần đây đã phản ánh tình trạng suy yếu trong đà phục hồi hậu đại dịch COVID-19 của Trung Quốc. Quốc gia châu Á cũng có thể gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đã đề ra trong năm nay. Theo số liệu chính thức, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong quý II/2023 chỉ tăng trưởng 0,8% so với quý đầu năm nay.
Nhiều nhà kinh tế đang kêu gọi Chính phủ Trung Quốc đưa ra một kế hoạch phục hồi rộng lớn để thúc đẩy hoạt động trong nền kinh tế. Nhưng hiện tại, giới chức nước này vẫn đang tuân theo các biện pháp có mục tiêu và đưa ra những tuyên bố hỗ trợ cho khu vực tư nhân - song có rất ít động thái cụ thể.
Trung Quốc có thể là 'nơi trú ẩn an toàn' giữa khủng hoảng ngân hàng Các nhà kinh tế tại Citi cho biết cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu đã làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống tài chính phương Tây, có thể khiến Trung Quốc trở thành "nơi trú ẩn tương đối an toàn". Ảnh minh họa: Getty Images Các nhà kinh tế nhận định...