“Blackhat” – Thần sấm Thor không làm được Hacker
Bộ phim hành động hình sự “Blackhat” của đạo diễn Michael Mann theo gót Taken 3, một quả bom xịt của 2015.
Sau quả bom xịt đầu năm 2015 là Taken 3, một bộ phim hành động hình sự tiếp theo mang tênBlackhat (Trùm Mũ Đen) ra mắt. Nhìn sơ qua danh sách những người tham gia thực hiện, Blackhatlà một bộ phim đầy hứa hẹn với một dàn diễn viên tài năng, Chris Hemsworth – nam tài tử nổi danh với vai diễn Thần Sấm trong loạt phim Thor và The Avengers, hai diễn viên trẻ đẹp và tài năng của Trung Quốc: Vương Lực Hoành và Thang Duy. Và không thể nào bỏ qua được cái tên Michael Mann, người đã từng làm nên những bộ phim hành động – thriller kinh điển của Hollywood như:Heat (1995), The Insider (1999) hay Collateral (2004)… Cộng vào đó là một câu chuyện khá tiềm năng và hấp dẫn: một hacker sừng sỏ được đưa khỏi trại giam để giúp lực lượng cảnh sát của Mỹ và Trung Quốc tìm ra kẻ đã chủ mưu phá hoại hệ thống máy tính dẫn đến việc làm hỏng đồng thời các nhà máy hạt nhân tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Blackhat lại không thể nào đem tới cho người xem được những gì mà nó hứa hẹn.
Chris Hemsworth trong vai tay Hacker tai tiếng
Các nhà làm phim Hollywood và truyền thông đã thần tượng hóa các hacker lên một cách quá đà. Làm hình tượng của các hacker trong mắt khán giả luôn là những kẻ vô cùng giỏi giang, thậm chí siêu phàm và làm hacker là một công việc rất thú vị, đáng để mơ ước. Nhưng sự thực thì không như vậy, công việc của hacker không hấp dẫn như những gì nó được thêu dệt. Là hacker đồng nghĩa với việc phải làm coder (lập trình viên), nhưng đã là một lập trình viên thì việc ngồi cả ngày liên tục trong thời gian dài để phân tích hệ thống, viết code là điều tất yếu. Tiến trình của công việc sẽ khiến những người ngoại đạo thấy thực sự rất nhàm chán, hàng giờ liên tục phải nhìn vào màn hình đầy rẫy những kí tự kì lạ. Cái chúng ta thường thấy trên báo chí hằng ngày chỉ là kết quả từ công việc của các hacker còn phim ảnh hình tượng hóa công việc của họ lên gấp nhiều lần, làm chúng màu sắc và lung linh hơn.
Hacker trên phim ảnh đã bị thần thánh hóa quá mức?
Điểm khá khen cho Blackhat là phim thể hiện khá đúng nhiều khía cạnh về công việc này. Trong rất nhiều bộ phim trước đây, khả năng của các hacker được miêu tả hoành tráng khi họ có thể xâm nhập vào bất cứ hệ thống nào mà chỉ cần ngồi yên một chỗ trong phòng. Trong Blackhat, nhân vật chính đã phải dùng đến USB Flash để cài chương trình xâm nhập hay họ dùng những cửa sổ console để gõ mã lệnh và chỉ huy các chương trình (thay vì những hệ điều hành kì lạ và sặc sỡ thường thấy trong ở trong những bộ phim trước). Tuy không hẳn là mọi chi tiết đều đúng hoàn toàn (như cảnh thâm nhập quá dễ dàng vào hệ thống của NSA) nhưng đây là điểm rất đáng khen khi các nhà làm phim đã cố gắng tìm hiểu và đi sát với thực tế. Tuy nhiên, điểm sáng nổi bật so với những bộ phim khác cùng chủ để về hacker đã không thể cứu được cục diện chung bởi Blackhat chứa quá nhiều điểm trừ.
Điểm đầu tiên phải nhắc đến là một kịch bản mà nhìn đâu cũng thấy có vấn đề, đặc biệt là ở việc xây dựng nhân vật. Chúng ta có Chris Hemsworth trong vai Nick Hathaway, một hacker bị kết án 15 năm tù vì liên tiếp gây ra những phi vụ trái pháp luật. Anh được FBI lôi ra khỏi trại giam vì là hy vọng duy nhất của họ để phá án. Là một nhân vật chính và đi kèm một hình hượng gần như hoàn hảo: đẹp trai, cao to vạm vỡ và là một tên tội phạm hết sức thông minh (hacker) nhưng rất đáng tiếc, ấn tượng mà Chris Hemsworth để lại là rất nhạt nhòa. Cho dù biên kịch đã cố gắng cho vào một số tình tiết nhằm buộc nhân vật của anh phải đấu tranh nội tâm và thậm chí là kịch tính hơn và đẩy tới đường cùng nhưng tất cả đều không hiệu quả.
Có lẽ Chris Hemsworth phù hợp với những cảnh hành động hơn là một Hacker
Điều tương tự xảy ra với các nhân vật còn lại, không một ai tạo nên điểm nhấn nào đáng chú ý xuyên suốt cả phim. Đã có anh hùng thì cũng phải có người đẹp. Trong phim, Thang Duy vào vai người trợ thủ cho cuộc điều tra của anh trai và sau đó nảy sinh tình cảm với Hathaway. Tuy nhiên, nhân vật của cô không đóng góp quá nhiều vào tiến trình chung của cốt truyện và hoàn toàn có thể bị thay thế hoặc bỏ đi. Mối liên kết giữa cô và Hathaway khá lỏng lẻo, sự phát triển cảm xúc của họ quá nhanh và không làm người xem bị thuyết phục. Rất nhiều đoạn thoại thừa thãi thậm chí còn tạo cảm giác như cô phải gồng mình vô ích.
Video đang HOT
Thang Duy và Chris Hemsworth trong những cảnh rượt đuổi của phim
Tất nhiên, anh hùng phải đấu tranh chống lại kẻ ác. Tuy nhiên, tuyến nhân vật phản diện của phim cũng nhạt nhòa không kém. Thiệt hại khủng khiếp từ việc tấn công vào hệ thống máy tính của các nhà máy điện hạt nhân tưởng như là âm mưu của những kẻ khủng bố nguy hiểm nhưng sau đó hóa ra chỉ vì một mục đích khá ngớ ngẩn và không đúng logic. Kẻ thủ mưu đại ác chỉ hiện diện trong khoảng 20 phút cuối phim nhưng lại thể hiện sự chống trả yếu ớt và thậm chí có phần vô vọng. Một vài cảnh đấu súng và rượt đuổi đã tạo đôi chút không khí hồi hộp và căng thẳng nhưng không thể nào cứu vãn nổi nhịp phim chậm và kéo dài lê thê bởi liên tiếp những cuộc hội thoại mà không có điểm nhấn rõ rệt.
Một trường đoạn hành động hiếm hoi để giúp khán giả không… buồn ngủ
Michael Mann trở lại sau 6 năm kể từ Public Enemies và Chris Hemsworth đang tìm kiếm thành công mới để vượt qua cái bóng của Thor trong The Avengers tuy nhiên, bằng Blackhat, có vẻ như cả hai đã thất bại. Hy vọng rằng đây chỉ là điểm dừng tạm thời .
Đạo diễn Michael Mann và Chris Hemsworth
Blackhat (Trùm Mũ Đen) bắt đầu khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 16 tháng 01 năm 2015.
Theo Quang Chúc / Trí Thức Trẻ
Tây Du Ký Hậu Truyện: Khi thầy trò Đường Tăng đến Việt Nam
Phiên bản "Tây Du Ký Hậu Truyện" của điện ảnh Việt với sự góp mặt của nữ ca sĩ Khởi My vừa được ra rạp.
Có lẽ Tây Du Ký là bộ phim có nhiều bản "hậu truyện" nhất, bởi câu chuyện về thầy trò Đường Tăng quá hấp dẫn, như một món ngon ăn xong vẫn còn thòm thèm. Chuyện sau khi thỉnh được chân kinh được rất nhiều nhà làm phim sáng tác thêm, lần này là Tây Du Ký Hậu Truyện đưa bốn thầy trò đến với Việt Nam.
Cốt truyện dựa trên các nhân vật trong Tây Du Ký, mở rộng thêm tình tiết Bạch Cốt Tinh muốn tìm bắt Đường Tăng để trả thù. Còn bốn thầy trò giờ đã mất phép thuật và lưu lạc sang tận Việt Nam, người thì trong nhà thương điên, người thì bán hủ tiếu, người thì làm trợ lý. Những tình huống hài hước khó đỡ xảy ra trong quá trình tìm kiếm cả bốn thầy trò.
Nội dung lan man
Với lối dẫn chuyện song song ba nhân vật chính là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, cùng với Bạch Cốt Tinh khiến kịch bản phim hơi lan man và thiếu sự đồng nhất. Người xem hoang mang khi cậu chuyện không được thống nhất và dẫn dắt tình tiết theo hướng này rồi lại sang hướng khác, nhiều chỗ chẳng ăn nhập gì với nhau.
Nhịp phim khá nhanh với rất nhiều tình huống mà đa số trong đó là những tình huống hài. Phong cách hài của phim cũng rất đa dạng, từ tạo hình nhân vật với Thái Thượng Lão Quân hay Dương Tiễn, Hằng Nga đều khiến khán giả cảm thấy hài hước. Những câu nói đùa, những trò lố, những chuyện điên khùng trong bệnh viện tâm thần. Nói chung đều là những kiểu hài ta thường thấy, từ sân khấu kịch lên phim.
Có hai cách để gây cười cho khán giả, một là làm cho họ cảm thấy vui vẻ, thú vị, hai là làm cho họ cảm thấy nhảm, cười vì nhảm chứ không phải vì vui. Tất nhiên, phim hài nào cũng có nhảm trong đó nhưng với phim này thì toàn bộ đều là những trò nhảm nhí, những câu nói, những điệu bộ, những tình huống đều là kiểu nhảm. Khó mà tìm ra được một tình huống hài đắt giá hoặc một câu nói mang tính trào phúng, có ý nghĩa. Mọi thứ đều được đưa yếu tố nhảm vào khiến cho nó nhàm. Với khán giả khó tính thì có lẽ chẳng ai cười được, nếu có thì chắc cũng là nhếch mép lên rồi bật ra chữ "tào lao".
Tình yêu tạo nét mới thú vị
Khán giả sẽ vừa hồi hộp vừa thư giãn dõi theo âm mưu trả thù của Bạch Cốt Tinh và sẽ cảm thấy ngạc nhiên, thích thú khi đạo diễn lồng cả tình cảm Hàn Quốc vào trong một mối tình lãng mạn khó ai ngờ. Chuyện tình trong phim có lẽ là thứ gia vị thêm cảm xúc cho một phim toàn là tình huống hài.
Thông điệp tình yêu hóa giải thù hận có lẽ là điều mà đạo diễn muốn nói đến, cùng với triết lý "Từ Bi Hỉ Xã" của nhà Phật nhưng mọi thứ được diễn đạt với một góc nhìn vui tươi hơn, nhẹ nhàng hơn nhờ những trò cười xuyên suốt phim.
Kỹ xảo chưa tốt
Với những phim mang tính chất thần thoại như thế này thì kỹ xảo là một yếu tốt quan trọng, đáng tiếc là phần kỹ xảo trong phim làm chưa được tốt. Nhiều cảnh trông rất giả tạo và thiếu sức sống, thiếu chân thật. Dựng cảnh và kỹ xảo khiến ta liên tưởng đến những phim thời xa xưa khi mà kỹ thuật điện ảnh chưa phát triển. Có thể thông cảm là do phim này chỉ mang tính hài chứ không đặt nặng việc dùng kỹ xảo nhiều.
Vai Bạch Cốt Tinh do Diễm My 9x thủ diễn đã nhiều lần xuất hiện với khuôn mặt trắng bệch và phía dưới đen thui, đây là lỗi do make up không cẩn thận, khiến cho tạo hình nhân vật chưa được hoàn hảo. Ăn cắp ý tưởng cũng là điều đáng nói khi cho nhân vật Chó Tinh được gắn bộ móng vuốt y chang Wolverine (Người Sói) khiến nhiều người phá lên cười vì quá lộ liễu, một chi tiết thể hiện sự thiếu sáng tạo trong tạo hình nhân vật.
Dàn diễn viên đang thu hút giới trẻ
Dưa Leo - cái tên hot trong cộng đồng mạng, trong phim này đóng khá tốt, tuy nhiên chỉ đem hình ảnh trong những Vlog của mình lên phim chứ chưa có gì sáng tạo hơn. Dưa Leo đã có nhiều pha gây cười cho khán giả với vai Sa Tăng.
Ấn tượng tiếp theo là Diễm My 9x trong vai Bạch Cốt Tinh, với những phim gần đây thì Diễm My đóng chưa được tốt, nhưng trong phim này thì diễn tốt hơn hẳn, kể cả những cảnh cần dữ dằn và cả những cảnh cảm động. Nhưng nhược điểm về đài từ của Diễm My vẫn chưa được cải thiện, trong câu thoại vẫn còn vô hồn và thiếu cảm xúc.
Huy Khánh có lẽ đóng dạng vai này rất hợp và cũng rất có duyên, vai Trư Bát Giới có nhiều màu sắc hơn, vui hơn và cũng tình cảm hơn. Trương Thế Vinh đóng vai Tôn Ngộ Không thì không có gì đặc biệt, diễn xuất cũng bình thường, nhàn nhạt. Phương Thanh thì chỉ đóng một vai góp vui chứ không được đặc sắc như những lần góp mặt trong điện ảnh trước đây.
Một cái tên cũng hot khác là Khởi My, trong phim này diễn xuất ổn, nhưng hầu như giống y chang kiểu cách mà chúng ta thường thấy ở Khởi My trong những game show mà ca sỹ này tham gia hoặc làm MC. Long Điền trong vai vệ sĩ của Bạch Cốt Tinh, ngoài đánh đấm ra thì không diễn xuất gì mấy.
Kết
Tương tự nhiều phim hài Việt khác, Tây Du Ký Hậu Truyện đầy những tình huống hài nhảm thiếu sáng tạo, với kỹ xảo và tạo hình nhân vật còn hạn chế nhưng khác một chút khi được gắn với câu chuyện của 4 thầy trò Đường Tăng. Phim mang đến một chút hoài niệm thú vị cho những người có tuổi thơ mê mệt các nhân vật trong Tây Du Ký.
TheoPhong Vân / Trí Thức Trẻ
"Chàng Trai Năm Ấy": Cảm xúc chiến thắng "Chàng Trai Năm Ấy" đưa ta vào những cảm xúc nguyên sơ, chân thật của một "tuổi trẻ để dành". Tôi xem Chàng Trai Năm Ấy không trông đợi đây là một bộ phim hay, hấp dẫn, thu hút, bởi chuyện phim vốn đã biết trước cả rồi. Tôi xem phim vì muốn tìm đến những cảm xúc nguyên sơ và chân thật...