BlackBerry muốn giúp Chính phủ Việt Nam bảo mật hơn
Ông Adrian Rusu, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp của BlackBerry cho biết hãng này muốn tiếp cận với Chính phủ Việt Nam để cung cấp giải pháp bảo mật trong bối cảnh Việt Nam nằm trong danh sách các nước bị nghe lén.
Ông Adrian Rusu, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp của BlackBerry.
Tổng giám đốc BlackBerry, ông John Chen mới đây nói rằng BlackBerry cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc hợp tác với những công ty khác trong những ngành công nghiệp như y tế, dịch vụ tài chính và pháp lý. Đây là những lĩnh vực yêu cầu hệ thống liên lạc có tính bảo mật cao. Tổng giám đốc Blackberry nói bảo mật đã trở nên quan trọng hơn với các doanh nghiệp và chính phủ sau khi cựu nhà thầu Edward Snowden của NSA tiết lộ về chương trình do thám của Mỹ.
Video đang HOT
Tại Hội thảo Banking mới được tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên BlackBerry đã giới thiệu giải pháp bảo mật cho ngành Ngân hàng cũng như các ngành khác cần một giải pháp kết nối không dây nhưng được bảo mật tốt nhất.
Ông Adrian Rusu, phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp của BlackBerry nói rằng bảo mật đang là một nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp và tất cả những người dùng smartphone.
“Ở rất nhiều doanh nghiệp, xảy ra rất nhiều vụ lộ thông tin mà CEO phải từ chức vì không lường trước được hậu quả. Họ không chỉ mất thông tin, mà còn mất cả niềm tin của khách hàng. Khách hàng không còn muốn làm ăn với họ, điều đấy chỉ cần xảy ra một lần thôi thì cũng có nghĩa là chấm hết”, ông Adrian Rusu nói.
Ông Adrian Rusu cho biết, giải pháp bảo mật của BlackBery có thể triển khai trên tất cả các loại điện thoại Android, iOS, BlackBerry… để có thể quản lý tất cả các loại thiết bị. Hiện nay, BlackBerry đang cho khách hàng tải miễn phí để thử nghiệm giải pháp bảo mật của mình.
Trả lời ICTnews về chiến lược của hãng tại Việt Nam, ông Adrian Rusu cho hay, hiện tại giải pháp bảo mật lớn nhất của BlackBerry là phục vụ cho khối khách hàng Chính phủ. BlackBerry đang “may đo” dựa trên nhu cầu của các chính phủ để đáp ứng yêu cầu hệ thống liên lạc có tính bảo mật cao. BlackBerry cũng xúc tiến để tiếp xúc trong thời gian tới với Chính phủ Việt Nam để có thể cung cấp giải pháp này.
Ông Adrian Rusu cho biết, nếu như trước đây để mua được BES thì có 3 giá khác nhau, trong 3 gói lại có rất nhiều gói nhỏ khác nhau (khoảng 30 gói). BlackBerry bây giờ làm rất đơn giản, chỉ có 2 gói cước. BlackBerry chia ra làm 2 loại bản quyền chính là Gold và Silver. Silver đưa ra các hình thức quản trị cơ bản, dành cho các đơn vị mà lần đầu tiên sử dụng để xem cái này có thể quản trị được đến đâu và người ta cũng ít đòi hỏi về tính kiểm soát thiết bị. Còn với bản Gold thì chuyên về kiểm soát thiết bị và đảm bảo tính bảo mật cao hơn. Khách hàng tiềm năng của bản này là khối chính phủ và các ngân hàng, nơi người ta muốn kiểm soát thiết bị 100%, giám sát tất cả mọi việc xảy ra.
“Về mặt giá thì phí sử dụng cũng rất rẻ so với bản trước đây. Nếu như trước đây người dùng phải bỏ ra khoảng 100 USD/tháng, còn hiện tại bây giờ chưa đến 2 USD/tháng, tức là 19 USD cho gói Silver trong 1 năm hoặc 38 USD cho gói Silver trọn đời. Với gói Gold thì chỉ có 60 USD/máy/năm và 120 USD/máy trong trọn đời. Đây là một mức giá hết sức cạnh tranh. Thêm vào đó thì chúng tôi đang có một chiến dịch bán hàng, cho phép những khách hàng của BlackBerry đang dùng BES5 trước đây chuyển sang BES10 mà không phải trả bất kỳ chi phí nào phát sinh. Từ tháng 6 này Smartcom sẽ trở thành đại lý phân phối giải pháp này cho BlackBerry tại Việt Nam”, ông Adrian Rusu nói.
Việc bảo mật trong liên lạc giờ đây không còn là chuyện riêng của quốc gia nào. Đến thời điểm hiện tại rất nhiều nguyên thủ các quốc gia đã lựa chọn BlackBerry như Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức, Thủ tướng Anh đều là “fan ruột” của BlackBerry, hãng điện thoại đến từ Canada. Cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh David Cameron đều gắn chặt với BlackBerry khi lên nắm quyền, bất chấp nhiều lo ngại xoay quanh việc tấn công, gián điệp hay đánh cắp dữ liệu. Mạng lưới của BlackBerry được đánh giá là an toàn nhất và bảo mật nhất, đưa công ty trở thành lựa chọn chính của Nhà Trắng trong hơn một thập kỷ.
Mới đây, theo tài liệu vừa được cựu nhà thầu quốc phòng Edward Snowden tiết lộ, tình báo Úc bí mật theo dõi cuộc gọi điện thoại và dữ liệu tại sứ quán ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hãng thông tấn Fairfax Media cho biết hoạt động tình báo, thu thập dữ liệu diễn ra tại các đại sứ quán nằm ở Jarkarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan), Hà Nội (Việt Nam), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Dili (Đông Timor)…
Theo một chuyên gia tình báo Úc, Cơ quan Tình báo Chính phủ Úc đã cộng tác với Mỹ từ lâu để theo dõi khu vực châu Á – Thái Bình Dương. “Biết được các nước láng giềng thực sự nghĩ gì là vô cùng quan trọng trong đàm phán thương mại và ngoại giao”, người này trả lời Fairfax Media.
Theo ICTNews