Bình Thuận: Sễnh ra là mất cả trăm bóng đèn chong thanh long
Cách đây 1 tuần, gia đình bà Nguyễn Thị Ngà, ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) bị mất gần 100 bóng đèn compact. Bà Ngà cho biết: Lúc chong đèn thanh long, gia đình đã cảnh giác, cử người trông coi thường xuyên. Nhưng hôm gia đình có việc không ai giữ thì bị mất bóng đèn. Có thể bọn trộm ở gần đó mới biết hôm đó vườn thanh long không có người trông giữ.
Mùa chong đèn thanh long trái vụ đã bắt đầu, đây là thời điểm trái thanh long có giá trị kinh tế cao. Một pha điện bằng thu nhập của một vụ mùa nên bà con nông dân tập trung đầu tư rất lớn. Nhưng đây cũng thời điểm nạn trộm cắp bóng đèn chong thanh long diễn ra nhiều nhất khiến người nông dân không khỏi lo lắng…
Tình trạng trộm bóng đèn chong vườn thanh long trái vụ ở Bình Thuận đang diễn ra với nhiều hình thức.
Mặc dù mới vào vụ chong đèn, nhưng tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam… tình trạng mất trộm bóng đèn thanh long đã xảy ra ở một số xã. Hộ mất ít thì một vài bóng, hộ mất nhiều thì vài chục bóng đến cả trăm bóng.
Tình trạng trộm bóng đèn thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, khi mà số lượng bóng chỉ mất một vài bóng, khiến người bị mất ngại báo lực lượng chức năng. Cách đây khoảng 1 tuần, ông Lê Văn Tuấn ở xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc chong đèn lứa thanh long đầu tiên. Khoảng 4 ngày đầu, vườn thanh long nhà ông không mất bóng đèn. Nhưng mấy ngày gần đây, khi các hộ hàng xóm cùng chong đèn thì cách vài ngày ông Tuấn lại mất ít bóng đèn compact.
Không chỉ ông Tuấn mà nhiều vườn thanh long khác ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân cũng gặp trường hợp tương tự. Theo một số người trồng thanh long nhiều năm cho biết: Trường hợp mất bóng đèn như ông Tuấn có nguyên nhân một số người cũng chong đèn thanh long mà bị hư một vài bóng, vì tiếc 32.000 đồng bỏ ra mua nên “mượn” bóng của vườn kế bên.
“Mỗi lần chỉ mất 5, 6 đèn tính ra chỉ vài trăm ngàn đồng mà đi báo công an thì “ngại” lắm. Người nào bị trộm kiểu này chỉ “cười trừ” bỏ qua, coi như mình làm rớt tiền”, chị Thủy ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ.
Video đang HOT
Mùa chong đèn thanh long trái vụ bọn trộm không chỉ ra tay với bóng đèn mà ngay cả trái thanh long sắp thu hoạch cũng bị trộm. Có nhiều trường hợp người dân đã nhận tiền cọc bán thanh long cho thương lái. Nhưng đêm trước ngày người mua đến cắt thì vườn thanh long đã bị bọn trộm “viếng thăm”. Trái lớn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bị trộm hết chỉ còn lại trái xấu, không đạt tiêu chuẩn.
Theo Mai Vân (Báo Bình Thuận)
Loài nấm đắt đỏ: "Săn" ban đêm, không ở bẩn, tránh người "nặng vía"
Nấm mối hoang dã là món ăn dân dã chỉ có ở... miền núi. Đây là 1 trong những loài nấm kỳ lạ nhất. Muốn "săn" phải đi vào đêm khuya; nấm này không mọc ở chổ bẩn và đặc biết "săn" nấm mối phải có duyên, người "nặng vía" không tìm thấy nấm...
Nấm mối có vị ngọt, thanh, thơm, giàu chất dinh dưỡng và dễ chế biến. Đầu mùa mưa nấm mối thường mọc ở triền đồi, trong vườn điều, cao su... khá nhiều ở các vùng trải dài từ huyện Tuy Phong trở vào nhưng nhiều nhất vẫn là ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Đức Linh và Tánh Linh...của tỉnh Bình Thuận.
Một bãi nấm mối mọc ở vùng rừng núi huyện Tánh Linh. Người thấy bãi nấm mối này coi như số hên trong đêm đi "săn" nấm. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Bây giờ không chỉ dân miền núi mà cả dân thành phố vẫn được thưởng thức món nấm mối tươi ngon (chứ không phải nấm mối khô thì lúc nào cũng có). Từ món ăn dân dã của người nghèo, nấm mối trở thành thực phẩm sạch hạng sang...
Tháng 6, khi những cơn mưa đầu mừa rớt xuống, từng cơn mưa nặng hạt dần thấm vào lòng đất cũng là lúc nấm mối bắt đầu mọc lên. Một điều lạ là nấm mối chỉ mọc vào ban đêm còn ban ngày khi mới tượng hình chỉ nằm yên dưới lòng đất, rồi lại nữa, nấm mối chỉ tồn tại trong 1 ngày. Đêm mọc, chiều lại tàn nên người đi hái nấm phải canh được thời gian, quy luật vùng nấm mối mọc để hái.
Mùa mưa, dưới tán rừng cao su ở Bình Thuận có nhiều nấm mối mọc.
Nấm mối không bao giờ mọc những nơi bị ô nhiễm môi trường mà thường mọc gần ụ mối, vùng đất sạch cao nhưng có độ ẩm. Chưa có ai giải thích rõ ràng về tên gọi nấm mối nhưng có lẽ do trước đây nấm thường mọc gần ụ mối nên dân gian gắn tên cho là nấm mối chăng?!
Riêng với tôi, hồi tấm bé học cấp 1, cấp 2 cha tôi thường dẫn đi hái nấm khi nghỉ hè lúc đầu mưa, cứ tầm khoảng 3 đến 5 giờ sáng là cha gọi dậy sau khi đã chuẩn bị chiếc đèn pin và cái "bay" của thợ xây. Hai cha con đi vào các vườn điều, nơi thường có các ụ mối ùn lên vào mùa mưa.
Do có kinh nghiệm hái nấm nhiều năm nên khi tôi thắc mắc: Vì sao nấm mối lại mọc gần ụ mối, mà năm nào cũng đi loanh quanh các điểm nấm mối mọc năm trước để hái nấm trở lại? Cha giải thích khá đơn giản và chẳng có tính khoa học nào cả là... nấm mối do con mối sinh ra nên nó phải mọc gần ụ mối nơi ổ mối sinh sống?!
Lúc bấy giờ tôi tin "sái cổ" câu giải thích của cha. Đến bây giờ dù đã trải qua hơn 30 năm, khi gõ lên mạng thì khoa học vẫn chưa có câu giải thích thỏa đáng về sự ra đời của nấm mối, chỉ có vài dòng ngắn nói về nấm mối đại loại như nấm mối hình thành là do chất nhờn của con mối tạo thành?! Nấm mối đến nay vẫn chưa sản xuất lai tạo được giống mà chỉ có trong tự nhiên.
Nấm mối chỉ có thể khai thác ngoài tự nhiên vào mùa mưa, hiện chưa thể nhân giống, trồng nấm mối trong môi trường nhân tạo. Ảnh: IT.
Nấm mối có màu trắng sữa, cao từ 5 - 20 cm, tùy thời gian thu hoạch, nấm có mũ tai bèo. Khi nấm mới nhú lên trên đầu mũ có 1 lớp phủ màu tro, nấm càng bung mũ lớn màu tro sẽ nhạt dần và chất lượng cũng giảm hơn khi dùng còn đương nụ.
Ở Đức Linh, dân Đa Kai, Sùng Nhơn, Mé Pu vào mùa này hay đi hái nấm ở các vườn điều. Còn ở Đức Hạnh, Đức Tín, Trà Tân, Tân Hà nhiều người lại đi hái nấm ở cả vườn điều lẫn vườn cao su. Ở Hàm Tân, nấm mối tập trung ở khu vục Sông Phan, Tân Đức. Ở Hàm Thuận Bắc từ Đông Tiến trở lên La Dạ, Đa Mi cũng có nhiều ở vườn cà phê và cây ăn trái nhưng hầu hết các vùng này có bao nhiêu "nội tiêu" hết bấy nhiêu.
Đặc biệt ở Tánh Linh, nấm mối có rất nhiều trải dài từ Suối Kiết đến Đức Phú. Tuy nhiên, nhiều nhất phải kể đến khu vực Gia Huynh, nơi đây có cả chục ngàn ha cao su và cũng là "vương quốc" nấm mối. Do điều kiện thuận về thời tiết lẫn các đặc điểm như mùa khô cao su rụng lá, những cành cây khô nhỏ cao su ủ trong lá khi mưa xuống trở thành mồi ngon của mối nên nấm mối sản sinh khá nhiều.
Bánh xèo nấm mối là đặc sản ngon và lạ miệng, giàu chất dinh dưỡng khi du khách tới Bình Thuận vào mùa mưa. Ảnh: Báo Bình Thuận.
Mùa mưa năm 2017, dân Gia Huynh và Lạc Tánh vừa đi cạo mủ vừa hái nấm mối kiếm tiền triệu mỗi ngày. Có thời điểm xe đông lạnh ở thành phố Hồ Chí Minh ra "trực chiến" hàng ngày ở Gia Huynh để mua nấm mối vào cung cấp cho các nhà hàng.
Giá nấm mối năm 2017 chỉ tầm 150.000 - 200.000 đồng/kg nhưng năm nay nấm mối đầu mùa khan hàng nên đẩy giá tăng gấp đôi. Mấy hôm nay tôi nhờ bạn ở Gia Huynh đặt hàng 3 kg mối nấm nụ, bạn báo giá 200.000 đồng/kg nấm bung đầu, nấm nụ là 400.000 đồng/kg nhưng phải chờ vì hiện nấm chưa có nhiều, dân hái nấm còn ít nên chuyền tay nhau mua ăn, không có nổi "1 cây nấm mối nào ra tới chợ", bạn tôi thông báo.
Nấm mối đầu mùa sau khi làm sạch, rửa qua nước muối ướp gia vị, dồi vào gà đem hấp là món thượng đẳng của dân quê lẫn đại gia. Đơn giản hơn là nấm mối nấu canh rau, nấm mối nướng giấy bạc, nấm mối xào cay, xào với tôm khô. Đặc biệt có 2 món ngon nổi tiếng ở Bình Thuận khi vào mùa nấm mối là bánh xèo đổ nấm mối và nấm mối xào với mướp vừa có vị thơm, dai mềm, béo nhẹ và ngọt đến tê đầu lưỡi...
Đang vào mùa nấm mối, hương vị quê nhà Bình Thuận như trỗi dậy theo bản năng, ai đi xa nhớ chăng mùa nấm mối dân dã...
Theo Trần Thi (Báo Bình Thuận)
Tàu SE8 trật bánh ở Bình Thuận, đường sắt Bắc-Nam tê liệt Vừa chạy đến địa bàn tỉnh Bình Thuận, đoàn tàu SE8 khởi hành từ Ga Sài Gòn, bất ngờ bị trật bánh khiến hàng trăm hành khách hoảng loạn. Chiều nay (21/4), đại diện Chi nhánh Vận tại Đường sắt Bình Thuận, xác nhận sự tàu hỏa trên. Đến thời điểm hiện tại đường sắt Bắc - Nam vẫn tê liệt. Hiện trường...