Bình Thuận khẩn trương giám sát ca bệnh dại sau khi ghi nhận thêm một trường hợp tử vong
Ngày 8/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thông tin, địa phương vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong nghi do bệnh dại.
Người tử vong là bà Trần Thị B (sinh năm 1975, ở thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận). Người nhà bệnh nhân cho biết, bà B sống một mình nên không ai biết bà có bị chó, mèo hay động vật cắn hay không; không rõ tiền sử tiêm ngừa. Trong nhà bà B có nuôi chó (hiện tại chó nhà nuôi còn sống bình thường).
Ngày 3/8, bà B có biểu hiện sốt nhẹ, hốt hoảng, mệt mỏi, không dùng thuốc gì. Đến ngày 5/8, bà B khó thở, sợ nước, sợ gió, chạy trốn vào bóng tối nên người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sỹ kết luận, bà B nghi bệnh dại và chuyển bệnh nhân đến Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, kết quả mẫu xét nghiệm của bệnh nhân (PCR) là dương tính với virus dại. Bệnh nhân đã tử vong ngày 6/8.
Video đang HOT
Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thông báo để Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp điều tra, giám sát. Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc, Trạm Y tế Hàm Hiệp đã điều tra, giám sát ca bệnh và gia đình, người thân; tuyên truyền, vận động người dân bị chó dại cào, cắn đi tiêm ngừa vaccine phòng dại và tư vấn điều trị dự phòng với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân. Bên cạnh đó, ngành Y tế địa phương tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh dại tại địa bàn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bình Thuận đã ghi nhận 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đa phần số ca tử vong do bệnh dại đều không đi tiêm vaccine, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Một số trường hợp chủ quan khi bị chó nhà cắn hoặc dùng thuốc gia truyền, thuốc nam điều trị… Điều này cho thấy, nhận thức người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại còn hạn chế.
Bệnh dại ở người là nguy hiểm và không có thuốc đặc trị nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm ngừa vaccine; điều trị dự phòng đúng cách.
Do đó, ý thức phòng bệnh của người dân là yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả trong phòng, chống và đẩy lùi bệnh dại.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế Bình Thuận khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường và kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Người dân tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.
Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Người dân không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.
Ghi nhận một trường hợp ở Bình Thuận tử vong nghi do bệnh dại
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, địa phương vừa ghi nhận một bệnh nhân tử vong nghi do bệnh dại.
Đáng chú ý, qua điều tra dịch tễ, chưa ghi nhận bệnh nhân có dấu hiệu bị chó, mèo cắn, cào.
Bệnh nhân là anh Nguyễn Duy T. (sinh năm 1992) ở khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam.
Ngày 27/3, bệnh nhân đau, sưng bộ phận sinh dục, sốt nhẹ. Sau đó, bệnh nhân đến khám bệnh tại một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29/3, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh với triệu chứng khó thở khi nhìn ánh sáng và quạt gió đang mở. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân có dấu hiệu khó thở nặng hơn. Tại đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh chẩn đoán bệnh dại, tiên lượng nặng. Ngày 30/3, người nhà xin ra viện và bệnh nhân tử vong sau đó.
Sau khi ghi nhận trường hợp này, Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam tiến hành điều tra dịch tễ. Vợ bệnh nhân khẳng định, chồng không bị chó cắn vì là người rất cẩn thận, nếu bị chó cắn, cào sẽ đi tiêm ngừa ngay. Tại nhà bệnh nhân có nuôi 7 con chó. Hằng ngày, bệnh nhân đều cho chó ăn nên chưa xác định khả năng bệnh nhân bị chó cào nhẹ hoặc liếm nhưng không hay biết. Dịp Tết Nguyên đán, 4 con chó của gia đình bị chết, không rõ lý do, 3 con còn lại vẫn sống, bình thường.
Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đã điều tra, lập danh sách trường hợp tiếp xúc bệnh nhân nghi dại. Đồng thời, Trung tâm phối hợp Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ Nông nghiệp huyện theo dõi, giám sát và xử lý ổ bệnh dại trên người, động vật.
Ngành Y tế địa phương khẩn trương triển khai hướng dẫn người nhà sát trùng; tư vấn điều trị dự phòng bệnh dại đối với trường hợp tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân; tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh dại tại địa phương...
Bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trong cả nước. Tại Bình Thuận, trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Hàm Tân, thị xã La Gi và huyện Hàm Thuận Nam.
Xác định ý thức của mỗi người dân, cộng đồng có vai trò quyết định trong công tác phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị động vật cào, cắn và biện phòng, chống bệnh dại.
Ngành Y tế khuyến cáo, người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn, đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng.
Bình Thuận: Chó dại thả rông cắn 4 người ở TP.Phan Thiết Một con chó dại thả rông ngoài đường đã cắn 4 người đi đường tại P.Đức Thắng, TP.Phan Thiết. Cơ quan chức năng đã đưa con chó này về theo dõi, tuy nhiên con chó chết sau đó vài giờ và kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh dại. Ngày 22.3, liên quan vụ 1 con chó dại thả...