Bình Thành nỗ lực giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế nhằm giúp các hộ dân không tái nghèo là mục tiêu được xã Bình Thành (Định Hóa) thực hiện hiệu quả những năm qua.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm từ 31,47% vào năm 2016 xuống còn 6,7% năm 2020, nhiều gia đình từng thuộc diện nghèo nay đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong vùng.
Nhờ nguồn vốn vay chính sách, gia đình chị Nguyễn Thị Hoài ở xóm Đầm Thị, xã Bình Thành (Định Hóa) đã đầu tư chăn nuôi gà và thoát nghèo.
Đến thăm 2 trại chăn nuôi gà khép kín có tổng diện tích gần 750m2 chị Nguyễn Thị Hoài ở xóm Đầm Thị, xã Bình Thành, ít ai nghĩ rằng, chỉ mấy năm trước gia đình chị còn là hộ nghèo. Năm 2016, do thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng, trong khi con đang tuổi ăn học, gia đình chị Hoài lâm vào cảnh túng thiếu, được xóm bình xét là hộ nghèo. Chị Hoài chia sẻ: Tôi được ưu tiên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư chăn nuôi gà. Đến hết năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo và xây dựng được trại gà quy mô khá. Hiện, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 500 triệu đồng.
Gia đình chị Hoài chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Bình Thành được hỗ trợ thoát nghèo những năm qua. Ông Dương Văn Điệp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, xã thực hiện rà soát kỹ càng, xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người dân thoát nghèo.
Nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn sản xuất, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi. Tính đến cuối năm 2020, dư nợ vốn vay chính sách đối với hộ nghèo trên địa bàn xã là hơn 8,8 tỷ đồng, hộ cận nghèo gần 5,6 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 4,96 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, cận nghèo được hưởng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Video đang HOT
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng các nguồn lực huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn xã là hơn 22,6 tỷ đồng. Riêng năm 2020, toàn xã có 93 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách từ các dự án hỗ trợ sản xuất với tổng số vốn 387 triệu đồng. Bà Đinh Thị Lương, xóm Đầm Thị cho hay: Nhờ được hỗ trợ vốn chính sách, gà giống mà gia đình tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, có điều kiện phát triển chăn nuôi và vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, xã Bình Thành đã triển khai hiệu quả công tác giới thiệu việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc tại các khu công nghiệp. Tính đến cuối năm 2020, xã đã tạo điều kiện cho hơn 30 lao động vào làm việc tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các công ty phụ trợ với mức thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Song hành với việc nâng cao thu nhập, các chính sách an sinh xã hội cũng được địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Trong giai đoạn 2016-2020, từ các nguồn lực, 86 gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn xã đã được hỗ trợ xây nhà với tổng kinh phí trên 2,6 tỷ đồng; 146 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện…
Nhờ các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Thành đã giảm xuống còn 6,7%, thu nhập bình quân hiện đạt 30 triệu đồng/người/năm. Ông Ma Khánh Sơn, Chủ tịch UBND xã thông tin: Nhằm tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, xã Bình Thành mong muốn tiếp tục được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện, các trung tâm thông tin trên địa bàn. Đồng thời, địa phương sẽ tích cực triển khai các giải pháp: Khuyến khích phát triển nghề phụ, các ngành nghề phi nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách, các dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục, nhà ở và nước sinh hoạt… Trước mắt, trong năm nay, xã phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân lên 32 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,5%.
Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 75.000 tỷ đồng giảm nghèo bền vững
Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.
Sáng 28/7, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, mục tiêu tổng quát là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử (Ảnh: Quốc hội).
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 20.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 28.000 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỷ đồng; huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng.
Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.
Đầu tư có trọng tâm, bền vững
Nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo; hộ nghèo là gia đình có công với cách mạng.
Đồng thời quy định định mức phân bổ cụ thể ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, mục tiêu kế hoạch hằng năm. Quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, việc thực hiện một số hoạt động của Chương trình bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí.
Không sử dụng vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo; huy động sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Chương trình.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong quá trình thực hiện.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư. Cân đối, bổ sung ngân sách trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình; nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân, cộng đồng.
Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Năm 2025 tổng kết việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương cho cả 3 Chương trình do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các bộ, ngành có liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo.
Khơi dậy ý chí thoát nghèo ở vùng nông thôn miền núi - Bài cuối: Chuyển người nghèo từ đối tượng sang chủ thể Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho rằng, trong thiết kế chính sách, cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Bởi vì, nhóm hộ cận nghèo và mới thoát nghèo là nhóm có ranh giới rất mong manh, có thể chuyển sang hộ nghèo bất...