Bình Dương: Tỉ lệ trẻ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu thấp
Trong khi bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp, thì tại Bình Dương tỉ lệ trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine về bệnh này còn thấp.
Hình minh họa.
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu còn thấp, chỉ đạt từ 35%-40% so với kế hoạch.
Sở Y tế Bình Dương đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác tiêm chủng và giám sát các loại bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh bạch hầu. Sở yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát trẻ trên 1 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine để tổ chức tiêm bù ngay trong tháng 7 và 8-2020.
Theo thống kê, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh có tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ em đều không đạt so với kế hoạch. Cụ thể, tỉ lệ tiêm chủng vaccine DPT-VGB-Hib 3 (5 trong 1 mũi 3) cho trẻ dưới 1 tuổi chỉ đạt 39,7 % ; tỉ lệ tiêm chủng vaccine DPT4/SII cho trẻ 18 tháng tuổi chỉ đạt 35,1 %.
Nhiều người đi tiêm vaccine phòng bạch hầu
Sáng 9-7, tại nhiều trung tâm y tế quận, huyện ở TPHCM, lượng người đến tiêm vaccine bạch hầu tăng mạnh.
Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm phòng bạch hầu tại Trung tâm Tiêm chủng Việt Nam
Nhiều trung tâm không đủ vaccine ngừa bệnh bạch hầu dạng dịch vụ, chỉ có loại nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí và chỉ tiêm cho trẻ em. Người lớn có nhu cầu tiêm không được đáp ứng vì hết vaccine dịch vụ, qua tuần mới có hàng. Đến Trung tâm Y tế quận 12 từ sáng, anh Nguyễn Tất Đạt (ngụ phường Hiệp Thành) cho biết, hôm nay chở vợ đi tiêm chủng vì sợ lây bệnh nhưng trung tâm đã hết nên phải đi nhanh sang cơ sở khác để chích ngừa.
Tại Viện Pasteur TPHCM, khu tiêm ngừa đông nghẹt bệnh nhân đứng xếp hàng. Mới 8 giờ sáng, bảng hiển thị số thứ tự tiếp nhận đã lên con số 1.280. Hầu hết khách hàng ngồi chờ là người lớn. Anh Nguyễn Cao Cường (40 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết, anh phải xin nghỉ làm để đưa vợ và em trai đi tiêm vaccine phòng bạch hầu. "Tôi nghe nói bệnh bạch hầu nguy hiểm, tỷ lệ mắc và tử vong cao hơn cả Covid-19, nhưng bệnh này đã có vaccine nên tôi đưa cả nhà đi chích ngừa, phòng bệnh hơn chữa bệnh", anh Cường cho hay.
Còn tại Trung tâm Tiêm chủng Việt Nam (VNVC), đặc biệt là VNVC tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng..., số lượng người đến tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tăng đột biến 200% - 300%. Đa số khách hàng là trẻ em nhưng cũng có khá nhiều người trưởng thành, người lớn tuổi có ý thức chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh. Hiện VNVC đang còn vaccine 3 trong 1 BOOSTRIX giá 735.000 đồng/liều và vacicne 6 trong 1 INFARIX HEXA (đều do Bỉ sản xuất) giá 1.015.000 đồng/liều và vaccine 4 trong 1 TETRAXIM giá 458.000 đồng/liều (dành cho trẻ từ hai tháng tới 13 tuổi).
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC, từ năm 1990, Việt Nam đã sản xuất được vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván và đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ 2 - 4 tháng. Chương trình tiêm chủng quốc gia có loại vaccine bạch hầu - uốn ván nhưng loại vaccine này chỉ tiêm cho trẻ lớn và người lớn, chỉ tiêm chiến dịch khi có bệnh bùng phát, không tiêm chủng rộng rãi.
Bạch hầu là bệnh có vaccine nên người dân không cần quá hoang mang. Trẻ em đã lớn dù từng chích vacicne bạch hầu rồi nay vẫn có thể chích nhắc lại. Những người lớn không nhớ rõ mình đã được chích vaccine bạch hầu hay chưa thì bây giờ cũng chỉ cần chích một mũi. Thời gian cơ thể được bảo vệ sau khi chích vaccine bạch hầu khoảng 5 - 10 năm.
Những vaccine phòng bệnh bạch hầu Hiện Việt Nam không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vaccine phối hợp chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu cho trẻ, người lớn như Infanrix Hexa, Pentaxim, Tetraxim, Adacel...