Bình Định chọn phương án xây dựng cao tốc Bắc-Nam hướng Đông
Bộ GT-VT phối hợp với Bình Định hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn ngang qua địa bàn Bình Định.
Về dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam ngang qua địa bàn tỉnh Bình Định, Bộ GT-VT đưa ra 2 phương án để UBND tỉnh này lựa chọn. Theo đó, phương án 1 là xây dựng tuyến hướng phía Đông dài 110km và phương án 2 là xây dựng tuyến hướng phía Tây dài 113km. Qua nghiên cứu, đánh giá toàn diện về lâu dài, Bình Định đã lựa chọn phương án 1, vì tuyến hướng phía Đông ngắn hơn tuyến hướng phía Tây nên sẽ giảm chi phí đầu tư và thời gian thực hiện.
Một nguyên nhân khác để Bình Định lựa chọn xây dựng tuyến hướng phía Đông là vì tuyến này có khoảng cách kết nối trung bình từ tuyến đường cao tốc vào đến TP Quy Nhơn và các cảng biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chỉ từ 10-20km, trong khi tuyến hướng phía Tây có khoảng cách với Quy Nhơn dài đến 30-40km. Tuyến hướng phía Đông ngoài phù hợp với quy hoạch của Bình Định, còn thuận lợi để tỉnh này thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Tuyến hướng phía Đông được UBND tỉnh Bình Định lựa chọn xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn ngang qua địa bàn tỉnh này. Ảnh: M.B
Thêm vào đó, tuyến hướng phía Đông dự kiến điểm cuối sẽ kết nối với quốc lộ 1A đoạn hầm đèo Cù Mông, như vậy sẽ phát huy hiệu quả dự án hầm đường Cù Mông, mở cánh cửa giao thương giữa 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên, tạo sự liên kết khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Video đang HOT
Do đó, Bộ GT-VT cơ bản đã thống nhất với lựa chọn tuyến hướng phía Đông của UBND tỉnh Bình Định. Bộ GT-VT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các Sở, ngành liên quan của Bình Định rà soát hướng tuyến đường bộ cao tốc đi qua các vị trí thuộc phạm vi công trình dự án trên địa bàn tỉnh này, sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 2.
“UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở GT-VT làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương cung cấp bổ sung các tài liệu liên quan đến công tác quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cho Bộ GT-VT.
Trong thời gian tới, Sở GT-VT Bình Định sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc Bộ GT-VT tiến hành khảo sát thực tế các công trình dự án nằm trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến đường cao tốc, xác định các phần việc tiếp theo để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, nhằm sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn Bình Định”, ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT Bình Định, cho hay.
Chọn phương án nào làm cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định?
Bộ GTVT đề nghị tỉnh Bình Định chọn 1 trong 2 phương án để xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh này để sớm hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh Bình Định lựa chọn hướng cho tuyến cao tốc qua địa bàn
Ngày 19/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định liên quan dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.
Dự án tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Định được chia làm 3 dự án thành phần, gồm: Dự án từ Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; dự án từ Hoài Nhơn - Quy Nhơn và dự án từ Quy Nhơn - Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Có 2 phương án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Bình Định. Trong đó, phương án 1 xây dựng tuyến hướng phía Đông (cách QL1 khoảng từ 3-4 km) dài 110 km và phương án 2 xây dựng tuyến hướng phía Tây (cách QL1 từ 12-35 km) dài 113 km.
Sự chênh lệch trên chủ yếu nằm ở dự án từ Quy Nhơn - Tuy Hòa. Hai phương án đầu tư đều có những thuận lợi, khó khăn riêng. Nếu thực hiện theo phương án 1, khoảng cách giữa đường cao tốc đến các khu kinh tế, cụm công nghiệp và trung tâm TP Quy Nhơn sẽ gần hơn, thuận lợi kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển các ngành nghề trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực phát triển KT-XH.
Tuy nhiên, phương án này lại ảnh hưởng nhiều dự án khác khi tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Định. Hơn nữa, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc hướng phía Đông thì khối lượng công trình, nút giao liên thông, diện tích đất, số hộ bị ảnh hưởng cũng sẽ nhiều hơn phương án 2. Nếu đầu tư xây dựng theo phương án 2, khoảng cách giữa tuyến cao tốc đến trung tâm TP Quy Nhơn từ 30-40 km.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị tỉnh Bình Định lựa chọn 1 trong 2 phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh để Bộ GTVT có cơ sở xác định đúng hướng chính toàn tuyến cao tốc.
"Tỉnh Bình Định cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn cùng Bộ GTVT khảo sát toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Bình Định; Đồng thời, cung cấp thêm các dữ liệu liên quan đến phương án mà tỉnh lựa chọn, nhằm sớm hoàn chỉnh hồ sơ dự án trình Quốc hội trong tháng 10/2021", Thứ trưởng nói.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương này thống nhất phương án cao tốc qua địa bàn theo hướng Đông
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến công tác hoạch định phát triển KT-XH của tỉnh.
Đối với các phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, ông Hoàng cho rằng, phương án 1 phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Bình Định đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
"Vì vậy, Bình Định lựa chọn phương án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam ngang qua địa bàn theo hướng tuyến phía Đông", ông Hoàng nói.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho biết, UBND tỉnh này sẽ phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn và Bộ GTVT thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo tiến độ của dự án.
Bình Định chấn chỉnh việc thi công đường ven biển ĐT.639 Sau khi phóng viên TTXVN phát bài "Cần thi công an toàn đường ven biển ĐT.639", UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các sở, ngành kiểm tra thông tin và chấn chỉnh việc thi công trên tuyến đường này. Trước đó, ngày 18/12/2020, TTXVN có thông tin phản ánh tình trạng thi công thiếu an toàn trên tuyến đường trọng điểm của...